Con chim Joong... sáng suốt
(Đọc tiểu thuyết Con chim Joong bay từ
A tới Z của Đỗ Tiến Thụy, Nxb Trẻ 2017)
Con chim Joong là con chim gì? Ai đó đã hỏi nhà văn Đỗ
Tiến Thụy như vậy. Tất nhiên nhà văn đã trả lời rồi. Joong nói: “Tôi là một con
Joong, loài chim khôn nhất trong các loài chim” (tr.261), đấy là nói cho sang.
Thực ra, nó chỉ là “con vẹt cụt”(tr.260), đơn giản là nó bị cụt một chân và đến
cuối tác phẩm, nó bị cụt cả hai chân, vì thế, từ đấy nó cứ bay/ bay/ bay...
Nhưng nếu chỉ như thế thôi thì cuốn sách này chẳng có gì đáng đọc. Xin lưu ý rằng,
nhan đề của tác phẩm chứa đựng nội dung, chủ đề, tư tưởng và nghệ thuật của tác
phẩm. Con chim Joong là hình tượng mang tất cả hồn cốt của tác phẩm. Hình tượng
này quyết định giá trị tư tưởng, tài năng sáng tạo cả tác giả.
LỜI CỦA MÕ
“Chiềng làng chiềng chạ/ thượng hạ tây đông/ có con chim
Joong/ từ a tới z/ vừa bay vừa hét/ choét choét choét/ kẹc kẹc kẹc/ ông Thụy…sáng
suốt”
Haiza! Gì đây?
Ấy là tôi mượn mõ rao giúp những lời này, vì sợ bị đấm vỡ
mõm. Số là hôm 03.10.2017 trên Fb của nhà văn Uông Triều có bài viết ĐẤM VỠ MÕM
BỌN PHÊ BÌNH. Đọc xong sợ quá, tôi xin công khai với cả làng rằng, tôi không viết
phê bình. Tôi chỉ ghi lại những điều thú vị đọng lại trong lòng mình khi đọc cuốn
sách này, một cách rất chủ quan, rất riêng, có thể là “không giống ai”.
Lòng tự dặn lòng rằng…đọc cảm tính là cách đọc hời hợt nhất…
CON CHIM JOONG LÀ CON CHIM GÌ?
Ai đó đã hỏi nhà văn Đỗ Tiến Thụy như vậy. Tất nhiên nhà văn
đã trả lời rồi. Joong nói: “Tôi là một con Joong, loài chim khôn nhất trong các
loài chim” (tr.261), đấy là nói cho sang. Thực ra, nó chỉ là “con vẹt cụt”(tr.260),
đơn giản là nó bị cụt một chân và đến cuối tác phẩm, nó bị cụt cả hai chân, vì
thế, từ đấy nó cứ bay/ bay/ bay... Nhưng nếu chỉ như thế thôi thì cuốn sách này
chẳng có gì đáng đọc. Xin lưu ý rằng, nhan đề của tác phẩm chứa đựng nội dung,
chủ đề, tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm. Con chim Joong là hình tượng mang
tất cả hồn cốt của tác phẩm. Hình tượng này quyết định giá trị tư tưởng, tài
năng sáng tạo cả tác giả.
Có lúc tôi nghĩ đến một trò chơi chữ nghĩa (Theories of play)
trong tay nhà văn Đỗ Tiến Thụy (tôi không nói đến Lý thuyết trò chơi- Game
Theory). Nói thật đúng, đó là sự sáng tạo nghệ thuật đem lại những thú vị. Chẳng
hạn, tiếng “hót” của con Joong. Nhà văn cho con Joong kêu bằng rất nhiều âm
thanh. Khẹp khẹp, Choe; Chòe!; Choe chòe choét; choét choét choét; choe choe
choe!; Choẹt choe; Tu tu tú; kẹc kẹc… Đọc đến gần cuối tác phẩm, tôi mới vỡ nhẽ.
Thì ra, tiếng kêu ấy có một ý nghĩa trong mỗi tình huống nhất định. Mở đầu
chương V là tiếng kêu “kẹc kẹc! (tr.260) của con Joong, liền sau đó con Joong
nói rằng: ”Mua chuộc được tôi đâu phải dễ”. Đến trang 263, một nhân vật đã nói
như thế này: “nó bắn dở như kẹc…”; và thế là tôi chợt hiểu tiếng chim và thái độ
diễn ngôn của tác giả. Xin bạn đọc thử đoán xem những tiếng kêu khác của Joong
có nghĩa là gì? Một trò chơi ngôn ngữ cũng thú vị đấy chứ?
Nhưng thú vị hơn là những tiếng nói của con Joong. Nó chỉ biết
nói vài câu: “Sếp sáng suốt”, “Cậu chủ đẹp trai”, “Bà chủ xinh đẹp”. Những câu
này nếu tách rời ra, thì chỉ là tiếng bắt chước của con vẹt. Tài năng của Đỗ Tiến
Thụy là ghép những tiếng xu nịnh ấy vào những tình huống cụ thể của nhân vật, lặp
lại nhiều lần, tạo ra sự diễu nhại gây cười (theo tinh thần Hậu hiện đại), nụ
cười rất nhẹ nhưng thâm thúy (thí dụ, đoạn tả cụ Tướng trả lời trên tivi. Sau mỗi
lời cụ Tướng nói, con Joong lại đế câu “Sếp sáng suốt” [Tr.108], vừa như máy
móc, vừa rất khôn lanh; tưởng như thật nhưng lại là mai mỉa; ngỡ là khen nhưng
lại là xót xa).
Tôi vừa nói đến cái “sự chơi” (playing) nho nhỏ của Đỗ Tiến
Thụy trong ngôn ngữ con Joong, nhưng Đỗ Tiến Thụy đặt cược sinh mệnh nghệ thuật
của mình vào chính hình tượng này, đó mới là “sự chơi” lớn. Con Joong trở thành
nhân vật kể truyện, tức là góc nhìn trần thuật. Góc nhìn là “cái riêng” của một
người, góc nhìn riêng giúp phát hiện những điều mà ở những góc khác không nhìn
thấy. Góc nhìn riêng cũng quyết định chất lượng nghệ thuật của một bức ảnh.
Trong văn chương cũng vậy. Góc trần thuật từ mắt nhìn của Joong là “cái Riêng”
của Đỗ Tiến Thụy.
Con Joong vừa tự thuật cuộc đời nó, vừa thuật lại những sự việc
diễn ra trong gia đình cụ chủ mà nó chứng kiến. Có hai câu truyện được kể song
song, đan cài vào nhau. Truyện của con Joong hoàn toàn là hư cấu. Truyện của
gia đình cụ Tướng là truyện đời thực. Sự kết hợp giữa hư cấu và đời thực giúp Đỗ
Tiến Thụy bay lên khỏi sự phức tạp và “nhạy cảm” của vấn đề mà nếu không khéo
viết, nhà văn rất dễ dính mắc.
Đặt con Joong làm góc nhìn trần thuật, Đỗ Tiến Thụy vượt qua
được nhiều khó khăn của ngòi bút bị trói buộc vào chủ nghĩa hiện thực. Con
Joong không có ý thức thời gian. Nhờ thế, truyện xóa nhòa ranh giới về thời
gian, khiến cho tất cả những gì được miêu tả cùng đồng hiện ở hiện tại. Con
Joong là loài vô tri, không có ý thức xã hội, góc nhìn của nó là góc nhìn hiện
tượng. Truyện được kể bằng góc nhìn của người ngoài cuộc, nhờ thế “hiện thực”
(nếu có) là hiện thực khách quan ai cũng thấy. Thí dụ, hình ảnh đoàn xe đông
kìn kịt nối đuôi nhau đến chúc tết nhà bà thanh tra, chính cụ Tướng và những
người khách ở quán nước nhà đối diện với nhà số 888 đều nhìn thấy, còn bên
trong diễn ra những gì, mọi người tự hiểu (hiện tượng nào cũng mang bản chất).
Điều đặc sắc ở nhân vật con Joong là nó tạo ra một thế giới
cuả nghệ thuật lãng mạn. Con chim Joong bay từ A tới Z là một tiểu thuyết lãng
mạn. Nếu đọc cuốn tiểu thuyết này theo thước đo của chủ nghĩa Hiện thực xã hội
chủ nghĩa thì sẽ mắc sai lầm. Xin nêu một chi tiết. Truyện kể lại cảnh tra tấn
của Hai Cương đối với tù Phú Quốc năm 1971 (tr.157). Lúc ấy Đỗ Tiến Thụy mới 1
tuổi (ông sinh năm 1970), và trước đó trận Khe Sanh và trận xóa sổ trại Caroll
năm 1968 (Đỗ Tiến Thụy chưa có mặt trong cõi đời này), nhà văn không thể có trải
nghiệm về hiện thực lúc đó để miêu tả; hoặc chi tiết về tầm vóc của cụ Tướng:
“Cụ diện quân phục,ngực đỏ roẹt huân chương. Cụ gọi xe vào làm việc với tổng bí
thư và chủ tịch nước” (tr.80), trong đời thực chẳng có một nhân vật nào có “quyền
lực” để hành xử như vậy. Cuối tác phẩm, con chim Joong bị cụt cả hai chân,
nhưng nó bay lên, bay mãi với một niềm tin mãnh liệt: “Hỡi những chàng dũng sĩ
hãy quyết đấu đi! Rồi núi rừng sẽ phân định. Người tốt sẽ được đắp mộ bằng ngà
voi và gạc hươu nai, người xấu, mộ sẽ được đắp bằng bọ hung và ruồi nhặng”
(tr.315)
Nhắc đến hình tượng những con chim, tôi nhớ đến Bài ca chim
báo bão của M. Gorky, Bài ca chim Chơ-rao của Thu Bồn, Hoa ngày thường-Chim báo
bão của Chế Lan Viên, “Con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc” trong thơ Nguyễn
Khoa Điềm... mỗi nhà văn có khám phá riêng của mình về tư tưởng nghệ thuật
thông qua hình tượng, và tôi tự hỏi hình tượng con chim Joong có ý nghĩa gì?
Con chim Joong gắn với những trăn trở bi thiết của cụ Tướng,
dằn vật với những bi kịch của ông chủ Thứ trưởng và sống bên lão Bẩm, một
thương binh tử tù Phú Quốc 1971, đồng thời Joong là bạn với Y Ngoan, một cô gái
bị bỏ rơi và bị giày đạp. Nó là hiện thân của cái Thiện, đối mặt với cái Ác của
đời thực. Trong cơn bão lửa của khẩu đại liên quạt phằm, phằm, phằm vào nhà
rông nơi bọn Gấu, Beo hành lạc, con chin Joong đã bay lên, bay lên. Bây giờ nó
đã cụt cả hai chân, có lẽ nó đã bứt sợi dây trói đến cụt chân để tự giải thoát
mình. Đoạn tả con chim Joong bay trên cao nhớ về cha mẹ, nhìn xuống núi rừng thấy
“rất nhiều trai làng, người giương nỏ, người vung giáo mác, tiếng hét vang
đêm...” tiêu diệt bọn Gấu, Beo là một đoạn giàu chất thơ, đậm chất lãng mạn và
sâu sắc về tư tưởng. Con chim Joong gợi cho tôi hình ảnh này: dân tộc này, từ
trong đau thương, đã tự mình thoát ra và bay lên, bay mãi, dù cuộc chiến đấu
còn đang tiếp tục và đầy khốc liệt. Câu truyện kết thúc bằng dấu chấm lửng, hiện
thực vẫn còn đó, ngổn ngang nhiều vấn đề chưa giải quyết được...
SỰ PHONG PHÚ MÀU SẮC THẨM MỸ
Đỗ Tiến Thụy thay đổi liên tục màu sắc thẩm mỹ của truyện để
tạo hiệu ứng nơi người đọc. Những chương, những đoạn thay đổi nội dung, thời
gian, không gian, cách kể liên tục như chuyển cảnh trong phim hành động. Nhiều
đoạn thực sự là phim hành động. Thí dụ, chương X, Y, Z, cậu Gấu đón bọn Beo, rồi
cùng đi săn; cảnh nổ súng để giải thoát Y Ngoan... Bên cạnh những chương đoạn
miêu tả chiến tranh khốc liệt là những trang văn lắng đọng nội tâm, hoặc hình ảnh
đẫm màu sắc lãng mạn. Bên cạnh sự miêu tả một cách trang nghiêm, chuẩn mực về cụ
Tướng là những cảnh khôi hài, bi hài của đời thường với ngôn ngữ xô bồ của bọn
Gấu, Beo như thể: “Thứ nhất là chăn thiếu gia, thứ nhì cắp tráp thứ ba liếm
giày” (tr.286), “Sến vãi nước hến” (204), não hết cả mề. 257...
Tôi chú ý nhiều đến nghệ thuật diễu nhại của Đỗ Tiến Thụy. Có
khi chỉ là một chi tiết hài, môt câu nói hài như tiếng đế của con Joong. Nhưng
đặc sắc là những tình huống hài, bộc lộ tài năng dựng cảnh, sử dụng ngôn ngữ,
phát hiện các mâu thuẫn và thái độ trần thuật “tỉnh khô” của người kể. Tuy là
hài, nhưng màu sắc thẩm mỹ của mỗi tình huống cũng rất khác nhau. Có khôi hài
và bi hài. Có khi sử dụng cả cái tục để gây cười như trong văn học dân gian.
Chương H tả cụ Tướng về quê thăm thông gia là một cảnh bi hài đầy xót thương. Cụ
Tướng bị những ông trung niên hỏi móc, cụ không trả lời được. Những chiến thuật
chiến lược giúp cụ chiến thắng trong chiến tranh giờ đành thúc thủ. Cái cười của
nhà văn ở chương này rất “thâm”. Chương J tả hành trình cụ Tướng đi xe ôm đến
nhà 888.
Có con lợn Ỉn và con Joong cùng theo. Cụ quen đi xe công và không dùng tiền. Khi tay xe ôm đòi tiền, cụ lâm vào một tình cảnh mà tài thao lược quân sự của cụ không áp dụng được. Bí quá cụ bảo ông ta mang con lợn về. Sau đó cụ ngồi ở quán nước, nghe người bình dân nói về bà thanh tra con gái cụ, từng học ở Nga về, đánh đĩ trăm thằng. Cụ không sao chịu đựng nổi. Rồi cụ đến nhà số 888, xe đến chúc tết ken nghìn nghịt. Cụ không ngờ con gái cụ lại “tha hóa” đến thế. Chính ở đây, cụ đã đột quỵ. Đây cũng là một chương bi hài hết sức xót xa. Chương N (tr.171) là một hài kịch thú vụ. Bà chủ, cậu chủ vợ con Thứ trưởng Khoa, ép ông phải lên Bộ trưởng để cho họ có cơ hội làm ăn, nhưng ông quyết liệt từ chối. Cái cười của Đỗ Tiến Thụy trong tình huống này rất “hóm” (tôi dùng tiếng Bắc của Đỗ Tiến Thụy). Chương Y tả cảnh lão Bẩm và lão Khoa sau cuộc “đoác” (uống rượu dưới trăng), cả hai thi nhau đái, “Ngày xưa hai con chim ớt của Bẩm và Khoa luôn là kỳ phùng địch thủ…Thế mà bây giờ, dù đã được dồn hết hơi nén ép nhưng hai dòng nước thẳm sâu chỉ đủ lực thoát ra khỏi hai thân thể xế chiều ọp ẹp một gang…” (tr.295). “Cái tục” để gây cười được miêu tả rất “thanh”. Nhà văn còn gắn vào đó tư tưởng Thiền (tr.294). Đái là sự xả bỏ những cái dính mắc phù vân. Cái cười của Đỗ Tiến Thụy dẫn tôi đến cái cười trong văn học dân gian và nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng trong Số Đỏ. Đỗ Tiến Thụy hiền lành thâm trầm thanh lịch, phẩm chất của đất “Bắc hà“. Điều ấy có thể là một đóng góp nghệ thuật vào văn chương đương đại.
Có con lợn Ỉn và con Joong cùng theo. Cụ quen đi xe công và không dùng tiền. Khi tay xe ôm đòi tiền, cụ lâm vào một tình cảnh mà tài thao lược quân sự của cụ không áp dụng được. Bí quá cụ bảo ông ta mang con lợn về. Sau đó cụ ngồi ở quán nước, nghe người bình dân nói về bà thanh tra con gái cụ, từng học ở Nga về, đánh đĩ trăm thằng. Cụ không sao chịu đựng nổi. Rồi cụ đến nhà số 888, xe đến chúc tết ken nghìn nghịt. Cụ không ngờ con gái cụ lại “tha hóa” đến thế. Chính ở đây, cụ đã đột quỵ. Đây cũng là một chương bi hài hết sức xót xa. Chương N (tr.171) là một hài kịch thú vụ. Bà chủ, cậu chủ vợ con Thứ trưởng Khoa, ép ông phải lên Bộ trưởng để cho họ có cơ hội làm ăn, nhưng ông quyết liệt từ chối. Cái cười của Đỗ Tiến Thụy trong tình huống này rất “hóm” (tôi dùng tiếng Bắc của Đỗ Tiến Thụy). Chương Y tả cảnh lão Bẩm và lão Khoa sau cuộc “đoác” (uống rượu dưới trăng), cả hai thi nhau đái, “Ngày xưa hai con chim ớt của Bẩm và Khoa luôn là kỳ phùng địch thủ…Thế mà bây giờ, dù đã được dồn hết hơi nén ép nhưng hai dòng nước thẳm sâu chỉ đủ lực thoát ra khỏi hai thân thể xế chiều ọp ẹp một gang…” (tr.295). “Cái tục” để gây cười được miêu tả rất “thanh”. Nhà văn còn gắn vào đó tư tưởng Thiền (tr.294). Đái là sự xả bỏ những cái dính mắc phù vân. Cái cười của Đỗ Tiến Thụy dẫn tôi đến cái cười trong văn học dân gian và nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng trong Số Đỏ. Đỗ Tiến Thụy hiền lành thâm trầm thanh lịch, phẩm chất của đất “Bắc hà“. Điều ấy có thể là một đóng góp nghệ thuật vào văn chương đương đại.
Chất thanh lịch Bắc hà ở ngòi bút Đỗ Tiến Thụy thể hiện rất
rõ trong việc miêu tả sex. Những năm qua, văn chương Việt Nam có quá nhiều những
trang “sex bẩn”, nó như một kiểu thời thượng câu khách của những cây bút thị
trường, có khi nó cũng được gán cho những “ý tưởng” chính trị. Dẫu biện hộ thế
nào, tác giả của những trang văn ấy đã miêu tả một thứ sex nhầy nhụa bản năng.
Đỗ Tiến Thụy có ý thức rất sâu về văn hóa và mục đích nghệ thuật khi miêu tả
sex. Sex trong tình yêu của ông chủ Khoa với Y Linh là sex đẹp, đẫm màu sắc
lãng mạn. Đây là cảnh yêu đương của Khoa và Y Linh: “Mọi lời nói lúc này đều vô
nghĩa. Lại xoắn vào nhau. Gối từ từ quỵ. Hai người lăn tròn theo thảm hoa
nghiêng nghiêng xuống mép suối. Khi nàng thoát bỏ áo váy, ông đã ngây người. Một
thân hình óng nõn tràn căng sóng lượn tỏa hương hoa cỏ ngát say...” (tr. 169).
Trái lại, sex của tên lính Mỹ với gái điếm là thứ sex thú vật: “Sau mỗi cuộc
hành quân đều có tiệc mừng công...Gái điếm Việt Nam được trực thăng đưa lên.
John Kill và Destroy được chia một ả mặt son lòe loẹt. Hai chiến binh Hoa Kỳ kẻ
phía trước người đằng sau dùng những chiếc dương vật to dài đen bóng thuốn oằm
oặp vào những lỗ trên cơ thể gầy nhằng của ả”, rồi John xịt tinh dịch tràn miệng
ả gái điếm. Còn Destroy “gã rút khỏi thân ả điếm, bóp chặt dương vật chạy cuống
quýt đến dúi vào “họng” khẩu súng đại liên. “Gã buông tay nghiến hàm doe môi xịt
xòa” (tr.215). Từ ngữ trong tay Đỗ Tiến Thụy có sức mạnh miêu tả nhưng cũng có
tầng vỉa sâu của văn hóa Việt, đồng thời thể hiện rõ thái độ miêu tả của tác giả
với đối tượng của mình.
Nói chuyện ngôn ngữ, Đỗ Tiến Thụy kết hợp được ngôn ngữ truyền
thống Bắc bộ với ngôn ngữ thành thị hiện đại. Tôi không rõ nhà văn đã lăn lộn
như thế nào mà tích góp được vốn từ khá mới của đời sống hiện nay, rồi đưa vào
trang văn để tạo nên hiệu quả nghệ thuật.
Có những hình ảnh so sánh, những thành ngữ được dùng rất “đắt” như: “theo voi ăn bã mía để rồi bị nó ỉa vào đầu” (tr.284); mồm mép như tép nhảy (tr.258); “Mặt bà chủ đỏ đẫm mồ hôi, hệt một quả gấc chín sau mưa” (tr.171); “Xoan như một con cua gầy lột xác thành một nàng ghẹ cái mỡ màng” (tr.97). Chương N, đoạn Gấu dẫn bà Thanh tra đến gặp ông Khoa thuyết phục ông làm Bộ trưởng (tr. 171-174) gây ấn tượng bằng ngôn ngữ đời thường rất sống động:
Có những hình ảnh so sánh, những thành ngữ được dùng rất “đắt” như: “theo voi ăn bã mía để rồi bị nó ỉa vào đầu” (tr.284); mồm mép như tép nhảy (tr.258); “Mặt bà chủ đỏ đẫm mồ hôi, hệt một quả gấc chín sau mưa” (tr.171); “Xoan như một con cua gầy lột xác thành một nàng ghẹ cái mỡ màng” (tr.97). Chương N, đoạn Gấu dẫn bà Thanh tra đến gặp ông Khoa thuyết phục ông làm Bộ trưởng (tr. 171-174) gây ấn tượng bằng ngôn ngữ đời thường rất sống động:
Bà chủ: “Phần ông chỉ làm mỗi việc là đồng ý. Còn mọi thứ cứ
để tôi và thằng Gấu lo”
Ông chủ: “Bằng cách nào?”
Cậu chủ nói chắc nịch: “Dùng T.N.T bắn vào các kho I.K.M.N, mỗi
nơi một tạ là mọi chướng ngại bay sạch, đường thông hè thóang hết”
Ông chủ: “Mẹ con bà lấy đâu ra cho đủ thứ đó?”
Cậu chủ: “Thì vẫn công thức vàng thôi. Vét dưới, cúng trên, bớt
lại một ít”...
Tuy vậy, nhiều từ Bắc bộ trong cuốn sách khá xa lạ với bạn đọc
miền Nam: Cảnh vẫn hoang miên như thế (tr.146); Lão đứng đực người (tr.196);
Nghiến hàm doe môi xịt xòa (tr.215); Mắt căng rát và cộm cạng (tr.256);Các trận
đánh giữa người Việt với nhau chỉ dền dứ lẹt đẹt (tr.264); thằng bố mày sĩ bọ
(tr.283); quả sai lúc lỉu (tr.290…
Dù là những trang bi kịch, dù là những chương đẫm máu mấy chục
năm chiến tranh, dù là cảnh miêu tả những thân phận bị dày đạp, hay sự thắng thế
của cái xấu cái ác, thì màu sắc thẩm mỹ chung của tác phẩm là “Cái đẹp”, là tư
tưởng nhân văn, là bản sắc văn hóa Việt và sự ý thức sâu sắc về giá trị văn
chương của tác giả. Phẩm chất văn chương này là “cái riêng” của ngòi bút Đỗ Tiến
Thụy đóng góp vào tiểu thuyết Việt đương đại.
CON CHIM JOONG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ
Con chim Joong bay từ A tới Z đụng chạm đến nhiều vấn đề nóng
của đời sống chính trị, xã hội tư tưởng hiện nay. Những vấn đề này thử thách
quyết liệt “bản lĩnh nhà văn” của người cầm bút. Trước những thử thách ấy, Đỗ
Tiến Thụy giữ được sự đúng mực và khôn ngoan.
Đó là vấn đề tha hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ, trong
đó có cán bộ cấp trên (Bộ trưởng, Thanh tra), nạn chạy chức chạy quyền, vấn đề
chống tham nhũng (mà cụ Tướng đã đi gặp tổng bí thư và chủ tịch nước để đặt vấn
đề); vấn đề miêu tả chiến tranh; sự khác biệt thế hệ giữa cha ông sống lý tưởng
và lũ con cháu sống đời sống thực dụng coi các cụ là “một đám đông thủ cựu giáo
điều” (tr.39); Con ông cháu cha được quy hoạch hoạn lộ thênh thang (tr.40); sự
đổ vỡ của một gia đình truyền thống; những hiện tượng kinh tế như cơn sốt bong
bóng giá đất (tr. 285), chiêu thức Tầu vét hàng đẩy giá hốt bạc (tr.283)...
Viết về những vấn đề này, văn chương không thể theo kịp thời
sự báo chí, và nhà văn dễ gặp “nguy hiểm” vì tính “nhạy cảm” chính trị của vấn
đề. Hơn nữa, những vấn đề này văn chương Việt Nam đã viết nhiều. Làm thế nào để
viết mới hơn về cái “đã cũ” mà thế hệ Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Minh Tường,
Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh... đã viết? Rõ ràng Đỗ Tiến Thụy đã đặt mình vào
những thử thách rất lớn và nhà văn đã tìm được con đường vượt qua thử thách ấy.
Dùng con Joong và khẩu đại liên M134 làm góc trần thuật, ngòi bút của Đỗ Tiến
Thụy không còn bị buộc chặt vào lối viết tả thực, mà bay bổng trong cách thể hiện
của riêng mình. Tuy vẫn bảo đảm những nguyên tắc về tính tư tưởng nhưng Đỗ Tiến
Thụy không tái hiện chiến tranh như cách viết phản ánh hiện thực trước đây. Vì
tất cả những trận đánh lớn, những chiến dịch lớn đều đã được viết lại khá đầy đủ
và cụ thể trong những cuốn viết về lịch sử chiến tranh. Những bản anh hùng ca
có tầm vóc sử thi cũng đã được viết, tạo thành dòng văn học có khuynh hướng sử
thi.
Vậy Đỗ Tiến Thụy đã viết những gì?
Nhà văn tập trung viết về những khó khăn, những mất mát hy
sinh do ta chủ quan và đặc biệt tô đậm những phẩm chất đẹp đẽ chiến sĩ (nhân vật
cụ Tướng và Thứ trưởng Khoa). Tội ác của kẻ thù được tả cận cảnh ở những trận
càn, những cứ điểm, những chốt tiền tiêu.
Có lúc quân đói, phải ăn món thịt chuột, và giúp dân thu hoạch
mía ở bờ sông Dak Lam, để bộ đội ăn mía cầm hơi (tr.132). Trận thất bại thê thảm
của cụ Tướng ngày cụ còn làm sư đoàn trưởng là một nỗi đau không thể hối lỗi. Để
chuẩn bị cho chiến dịch tiếp theo, trên bổ sung cho sư đoàn 300 tay súng mới vượt
Trường Sơn vào. Vậy mà, đoàn quân ấy đã bị 10 chiếc trực thăng AH-1 chụp, hy
sinh gần hết, chỉ còn hơn 30 người chạy thoát vào rừng (tr.179). Một trận khác:
Một đêm tháng 1 năm 1968 (tr.216), căn cứ Carol, một địa điểm cách chi khu Cam
Lộ vài dặm, Việt cộng đánh bộc phá tấn công. “Tiếng hô xung phong dậy lên. Một
đoàn quân ào vào căn cứ Carol tựa một cơn sóng biển…Nhưng lính trinh sát Việt Cộng
đã quá sơ suất. Ngoài các kiểu hàng rào cũi lớn, mắt cáo, cánh sẻ, bùng
nhùng…trong căn cứ còn có một hàng rào kiểu bãi mạ. Những sợi kẽm gai có những
cánh sắc lẻm căng giăng giăng cách mặt đất 30 cm được cỏ che lấp đã khiến những
đôi chân đi dép lốp khựng lại” (tr.216). Họ bị đã bị tàn sát. Ngòi bút Đỗ Tiến
Thụy đã miêu tả được tất cả sự dã man của kẻ thù và bày tỏ sự xót thương không
sao cầm lòng được trước sự hy sinh của người lính, mà linh hồn, thân xác và cuộc
đời họ quyện trong mùi phèn đồng chiêm trũng, mùi muối biển trộn với đậu nành,
cơm mốc, cà pháo và rau muống, có cả cổ tích, sắn, rau tàu bay một ít bột lương
khô…”. Những chiến binh ngã chúi, hai tay vã sấp xuống đất, miệng kêu lên một
tiếng thống thiết “Mẹ ơi!””. Ở trận phản công xóa sổ trại Carol được miêu tả
sau đó (tr.231), chiến binh Việt Cộng được ngợi ca như thiên thần: “Chỉ có những
thiên thần mới có thể xóa sổ một cứ điểm có 200 lính Mỹ trong vòng 20 phút”
(tr.231). Sau đó là trận Khe Sanh (tr.234-237), đặc tả sự hy sinh của hai chiến
sĩ Lê Văn Nhỡ và Hoàng văn Cơ.
Chiến tranh tiếp tục. Ở chương T, khẩu đại liên M134 kể lại
trận thảm sát của lính Hàn ở làng An Bình (tr. 243-245). Đại úy Kim Jin Sung
tuyên bố: “Khi đưa quân đến vùng này chúng ta đã nhiều lần tuyên bố với hội đồng
địa phương, nếu một người lính Hàn bị giết chúng ta sẽ làm cỏ một làng”. Tội ác
của chúng đối với đồng bào ta thật không sao tưởng tượng được. Khẩu M134 lại tiếp
tục kể về chiến tranh biên giới Tây Nam 1979 (tr.264-265), bộ độ Việt Nam mất cảnh
giác, bị bị lính Pol Pot phục kích chết thảm: “Mấy chục lính Việt Nam cụt chân,
vỡ bụng ruột xổ tràn ra đất rên la quằn quại./ Chiến thuật bẫy mìn của quân Pol
Pot khiến sư đoàn tôi khốn đốn” (tr. 267). Cuộc chiến biên giới phía Bắc năm
1979 cũng được M134 thuật lại sơ lược (tr.305). Đỗ Tiến Thụy bày tỏ thái độ
khinh miệt kẻ thù khi miêu tả mùi của xác chết quân xâm lược qua cái mũi của khẩu
AK: “thịt bọn lính, khó tả lắm. Nó là một vị hỗn hợp của rau ngô khoai sắn giống
như cám cho lợn”…
Tại sao Đỗ Tiến Thụy lại tô đậm những mất mát hy sinh như vậy?
Tôi hiểu rằng, đó là sự tương phản với thực tại. Nhà văn quyết liệt chống lại sự
tha hóa của con người hôm nay (nhân vật bà Thanh tra, Gấu, Beo). Tiếng quát
vang như sấm rền của cụ Tướng vẫn còn đó khi đuổi cổ đứa con gái ra khỏi phòng,
lúc cụ nằm viện. Không thể có sự thỏa hiệp nào cả! Cụ Tướng đã quyết liệt dấn
thân vào cuộc chiến mới và hy sinh, khi tất cả còn đang tiếp diễn. Thứ trưởng
Khoa cũng quyết từ bỏ lợi lộc cá nhân và gia đình để giữ lấy giá trị cách mạng
người lính một thời, dù có bị vợ con tìm đủ cách o ép, ức chế. Cuộc chiến chống
tham nhũng và tha hóa còn dài. Bà Thanh tra vẫn còn đó, Gấu, Beo dù đã bị tấn
công song chúng vẫn còn đó. Sẽ có người bàn tán về cái chết của cụ và thái độ của
nhà văn khi kết bỏ lửng. Đó là sự khôn ngoan của nhà văn. Thái độ của Đỗ Tiến
Thụy là rất rõ ràng. Nhà văn khẳng định nhân cách đẹp đẽ, giàu lòng nhân ái của
cụ Tướng, khẳng định những phẩm chất trong sáng của người lính làm quan như
Khoa, người lính thương binh như Bẩm, nhưng cũng chỉ ra rằng, những chiến thuật
chiến lược trong chiến tranh trước đây không còn phù hợp với cuộc chiến đấu mới.
Khẩu đại liên M134 đã ăn thịt bao chiến binh trước kia, vậy mà, dù đã quạt bão
lửa vào nhà rông (tr. 310), nơi bọn khốn đang hành lạc, cũng không sao giết được
chúng. Đó là lời cảnh báo!
Những vấn đề khác cũng được bỏ lửng, bởi nhân vật kể truyện
là con Joong giờ cụt cả hai chân đã bay đi. Người đọc không thể đòi hỏi điều gì
vì cuộc sống vẫn đang tiếp diễn. Ngay cả trong hiện thực, cũng không ai có thể
khẳng định quá trình hội nhập con người Việt Nam sẽ thế nào và chúng ta còn phải
trả giá bao nhiêu lần nữa cho những sai lầm. Tôi đã thử tra cứu về cuộc vượt ngục
1971 của các tử tù Phú Quốc, tra cứu về trận đánh trại Caroll, trận Khe Sanh
1968, về cuộc càn của lính Hàn ở làng Bình An, nhưng không có những dấu tích cụ
thể nào được nhà văn miêu tả. Tôi hiểu tất cả đã được nhà văn hư cấu như thật.
Con chim Joong đã làm thăng hoa những bi thương của lịch sử để gửi đến chúng ta
một thông điệp.
NHÀ VĂN ĐỖ TIẾN THỤY NHƯ TÔI BIẾT
Xin nói thật là cho đến giờ (2017) tôi chưa hề gặp nhà văn Đỗ
Tiến Thụy ở ngoài đời bao giờ. Tôi nói đến con người nhà văn trong tác phẩm và
qua tác phẩm.
Văn của anh có chất say. Dù viết những cảnh lãng mạn hay những
cảnh khốc liệt thì chất say ấy cứ quyện lấy người đọc. Chấy say tóat ra từ cảm
xúc đã chín, những suy tư đã dày dạn và nhiệt tình chia sẻ đã bốc lửa, chất say
của sự sáng tạo. Văn anh say nhưng nhà văn Đỗ Tiến Thụy lại rất tỉnh táo. Anh rất
bạo tay tung vấn đề (thí dụ chương H kể truyện cụ Tướng về quê thăm cụ Trưởng,
cụ bị các ông trung niên hỏi móc), nhưng cũng rất cẩn trọng ngòi bút không để
quá đà. Anh biết nuôi dưỡng câu truyện, nuôi dưỡng vấn đề trong lòng người đọc.
Sư day dứt của những vấn đề hiện thực chưa được giải quyết, có thể sẽ khiến người
đọc hụt hẫng, nhưng truyện lãng mạn không được viết để giải quyết hiện thực, mà
để ngân vang trong lòng người đọc.
Đỗ Tiến Thụy có khá nhiều tài. Anh thẩm định tiếng hát của Y
Ngoan bằng chuẩn mực âm nhạc không thể chê (tr. 251). Anh tả các món ăn cực kỳ
hấp dẫn, dù đó là món dân dã (tr.254). Hẳn Đỗ Tiến Thụy là người sành ăn và
khéo làm bếp, lính mà! Việc gì chẳng làm được? Anh có ưu thế viết về người
lính, về đời lính. Anh cũng thâm nhập khá sâu vào đời sống xã hội. Nét đẹp ánh
lên từ những trang văn của anh là nét tài hoa và lòng nhân ái (cụ Tướng nhất mực
bảo vệ Joong và lợn Ỉn, cụ để chúng bên mình; hình ảnh chị nhặt rác, cũng là
người tạp vụ đã chăm sóc Khoa lúc sốt rét nằm ở phòng gần nhà xác). Đỗ Tiến Thụy
lúc mãnh liệt thì ào ạt như sóng gầm thác đổ, sét đánh, lúc nhẹ nhàng tinh tế lại
như “Mặt trăng tí xíu chầm chậm lặn xuống đáy ghè rượu” (tr. 300).
Tôi hiểu vì sao nhiều người đọc yêu mến văn anh. Và tôi mừng
rằng, nơi ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế đã có những nhà văn kế thừa xứng đáng với nhiều
thế hệ nhà văn đi trước như: Nguyễn Khải, Hữu Mai, Hồ Phương, Nguyễn Thi, Nguyễn
Minh Châu, Chu Lai, Lê Lựu, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy…
Xin chúc mừng nhà văn Đỗ Tiến Thụy và kính chúc anh dồi dào ý
tưởng sáng tạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét