Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn thi khúc “Màu thời
gian” của Thi sĩ Đoàn Phú Tứ và Nhạc sĩ Phạm Duy.
Thi sĩ Đoàn Phú Tứ (1910 - 1989) là một nhà soạn kịch,
nhà thơ, dịch giả nổi danh từ thời tiền chiến. Khi viết, ông ký tên thật hoặc
các bút danh: Ngộ Không, Tam Tinh, Tuấn Đô,…
Ông sinh ngày 10 tháng 9 năm 1910 tại Hà Nội. Quê quán ông ở
làng Tử Nê, xã Tân Lãng, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Lúc trẻ, ông học ở trường
Bưởi (nay là trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội) và trường Albert
Sarraut (nay là trường Trung học Phổ thông Trần Phú, Hoàn Kiếm).
Năm 1925, ông bắt đầu viết văn khi còn học lớp nhất. Những
bài văn đầu tiên là những bài từ khúc đăng Đông Pháp Thời Báo.
Năm 1932, ông thi đỗ Tú tài ban Triết học. Sau đó, ông theo học
Đại học Luật, nhưng chỉ đến năm thứ hai thì bỏ học đi làm báo. Ông viết cho các
báo Phong Hóa, Ngày Nay, Hà Nội báo…
Khoảng năm 1935, ông bắt đầu viết kịch. Và trong khoảng thời
gian 10 năm sau đó, ông đã viết và cho in nhiều kịch. Ngoài ra, ông còn là người
tổ chức kịch đoàn (ban kịch Tinh Hoa), làm đạo diễn và thủ vai trong nhiều vở.
Năm 1939, ông cùng với các văn nghệ sĩ cùng chí hướng sáng tạo,
gồm các nhà văn, nhà thơ: Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Lương Ngọc; họa
sĩ Nguyễn Đỗ Cung và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát thành lập nhóm Xuân Thu nhã tập.
Đến tháng 6 năm 1942, thì họ xuất bản được một tập sách có cùng tên là Xuân Thu
Nhã Tập (do Xuân Thu thư lâu xuất bản), gồm một số bài thơ, văn xuôi triết lý
và tuyên ngôn nghệ thuật của nhóm.
Năm 1941, Đoàn Phú Tứ và bài thơ “Màu thời gian” của
ông được Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu trong quyển Thi Nhân Việt Nam (xuất
bản năm 1942).
Sau 1945, ông hoạt động văn nghệ ở Thanh Hóa rồi Việt Bắc.
Ông có chân trong tòa soạn tạp chí Văn nghệ, trong Ban chấp hành Đoàn Sân khấu
Việt Nam và Hội Văn hóa Việt Nam.
Năm 1946, ông được bầu vào Quốc hội Việt Nam khóa I, nhưng
sau đó đã đào nhiệm từ năm 1951.
Năm 1951-1954, ông dạy Đại Học Văn Khoa và một vài trường tư
thục ở Hà Nội.
Sau 1954, khoảng 20 năm cuối đời, ông tiếp tục viết và dịch
(ký bút danh Tuấn Đô) được nhiều tác phẩm có giá trị. Năm 1984, ông nhận giải thưởng văn học dịch của hội nhà văn Việt Nam.
Ngày 20 tháng 9 năm 1989, thi sĩ Đoàn Phú Tứ mất trong cảnh
nghèo tại Hà Nội, hưởng thọ 79 tuổi.
Đoàn Phú Tứ là một trong số ít người đi đầu (về sáng tác cũng
như về trình diễn) trong lịch sử kịch nói Việt Nam thời non trẻ.
Về nội dung tư tưởng, có thể chia kịch của ông thành hai xu
hướng chính: Tình yêu (tiêu biểu là 2 tập: “Những Bức Thư Tình” và “Mơ
Hoa”) và triết lý (tiêu biểu là 2 tập: “Ngã Ba”, “Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây
Đa”). Tuy nhiên hai xu hướng này không hoàn toàn tách biệt, vì trong kịch tình
yêu ít nhiều đều có yếu tố triết lý, và ngược lại… Về phương diện nghệ thuật,
nói chung kịch bản của ông có kịch tính cao, nhân vật có bản sắc, bố cục chặt
chẽ… Ngoài ra, tuy ít làm thơ, nhưng ông cũng nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam
trong Phong Trào Thơ Mới với bài thơ “Màu thời gian”. Với thi pháp đặc sắc,
cùng với thi tứ chân thành mà kín đáo, bài thơ đã được nhiều người tán thưởng.
Thi phẩm “Màu thời gian”
Đoàn Phú Tứ
Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng
Bài thơ này đã được ít nhất là 2 nhạc sĩ phổ nhạc: Nguyễn
Xuân Khoát phổ năm 1942, và Phạm Duy phổ năm 1971.
Lời bình của hai ông Hoài Thanh - Hoài Chân trong “Thi nhân
Việt Nam” về bài thơ “Màu thời gian” của ông:
“Nói về toàn thể nên chú ý đến điệu thơ. Bài thơ bắt đầu bằng
những câu dài ngắn không đều: âm điệu hoàn toàn mới. Kế đến bốn câu ngũ ngôn cổ
phong, một lối thơ cũ mà thi nhân gần đây thường dùng. Bỗng chuyển sang thất
ngôn; điệu thơ hoàn toàn xưa. Lời thơ cũng xưa, với những chữ “phụng quân
vương” và những chữ lấy lại ở câu Kiều “Tóc mây một món, dao vàng chia hai”.
Nhưng với hai câu thất ngôn ở câu dưới thi nhân đã từ chuyện người xưa trở về
chuyện mình. Những chữ “thiếp phụ chàng” đưa dần về hiện tại. Rồi điệu thơ lại
trở lại ngũ ngôn với hương màu trên kia.
Thành ra ý thơ, lời thơ, điệu thơ cùng với hồn thi nhân đi từ
hiện tại về quá khứ, từ quá khứ gần đến quá khứ xa, rồi dần dần trở về hiện tại.
Hiện tại chỉ mờ mờ nhạt nhạt, nhưng càng đi xa về quá khứ, câu thơ càng thiết
tha, càng rực rỡ. Nhất là từ chỗ ngũ ngôn chuyển sang thất ngôn, câu thơ đẹp vô
cùng. Tôi tưởng dầu không hiểu ý nghĩa bài thơ người ta cũng không thể không nhận
thấy cái vẻ huy hoàng, trang trọng của câu thơ (Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát có phổ
bài thơ này vào đàn. Ðoạn đầu bài nhạc đi rất mau rồi chậm dần. Ðến đoạn thất
ngôn nhạc lên giọng majestuoso. Cuối cùng còn thêm một đoạn láy lại âm điệu mấy
câu đầu).
Trong thơ ta, có lẽ không có bài nào khác tinh tế và kín đáo
như thế”.
Dưới đây mình có bài:
– Những độc đáo của Màu thời gian
Cùng với 3 clips tổng hợp thi khúc “Màu thời gian” do
danh ca Thái Thanh, ca sĩ Thái Hiền, và nghệ sĩ Ngọc Sang diễn xướng để các bạn
tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn.
Túy Phượng
Thi sĩ Đoàn Phú Tứ
Những độc đáo của Màu Thời Gian
Nguyễn Mạnh Hà
Để hiểu một tác phẩm, dù văn xuôi hay thơ, người đọc cũng phải
nắm bắt ngữ cảnh của nó mà ngữ cảnh trực tiếp đầu tiên là quy tắc ngôn ngữ của
văn bản. Trên tinh thần đó, chúng tôi tìm hiểu Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ.
Màu thời gian là thi phẩm vượt thời gian, nó được khẳng định là một trong những
“bài thơ tiêu biểu của thơ tượng trưng hiện đại Việt Nam” (1). Chủ nghĩa tượng
trưng quan niệm: thơ là thứ siêu cảm giác, là thứ không phải để giải thích.
Nhưng, mọi điều được nói ra dù sao cũng không thoát khỏi văn bản, tức ít nhất
nó cũng phải tuân theo những quy tắc hành chức của ngôn ngữ.
Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió thanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
Ngàn xưa không lạnh nữa - Tần Phi!
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
Trong gió thanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
Ngàn xưa không lạnh nữa - Tần Phi!
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng Quân Vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng
Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình một thuở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng
Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình một thuở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát
Xét về mặt ngôn ngữ Màu thời gian có những điểm độc đáo sau:
Thứ nhất: Các dòng thơ hầu hết kết thúc ở âm tiết có
thanh bằng (tỉ lệ 14/ 18 âm tiết). Và, nhìn một cách tổng thể, thanh bằng là thanh
chủ đạo của bài thơ (bài thơ có 101 âm tiết thì có tới 75 âm tiết có thanh bằng).
Thứ hai: Các tính từ chỉ màu sắc, âm thanh đều gợi đến
cái gì đó tươi sáng, nhẹ nhàng, bàng bạc giống như các từ cùng trường nghĩa:
thanh, xanh, ấm, (không) lạnh, tím ngát, (không) nồng, thanh thanh.
Thứ ba: Những từ chỉ thời gian (ngoài “sớm nay”) chủ yếu
là chỉ thời gian quá khứ (quá khứ xa): ngàn xưa, trăm năm, một thuở. Nhưng thời
gian quá khứ ấy lại gợi nhắc, liên đới tới thời gian hiện tại nhờ sự kết hợp
(phủ định ý nghĩa) trong nội bộ câu thơ: không lạnh nữa, đứt đoạn, còn hương.
Thứ tư: Tổ chức những câu thơ lặp, gồm lặp toàn phần và
lặp lại cấu trúc: Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát/ Hương
thời gian không nồng/ Hương thời gian thanh thanh… Hương thời gian thanh thanh/
Màu thời gian tím ngát. Bên cạnh đó còn có một số câu thơ đang đối với nhau như
những câu thơ biền ngẫu: Tóc mây một món chiếc dao vàng/ Nghìn trùng e lệ
phụng Quân Vương/ Trăm năm tình cũ lìa không hận/ Thà nép mày hoa thiếp phụ
chàng/ Duyên trăm năm đứt đoạn/ Tình một thuở còn hương.
Những độc đáo nghệ thuật trên đây đã làm cho Màu thời gian
ánh lên những vẻ đẹp của thơ tượng trưng. Dĩ nhiên không phải hễ bài thơ nào có
các đặc điểm trên đều thuộc thơ tượng trưng, điều này chúng tôi sẽ bàn sau, ít
nhất ở đây chúng tôi chỉ áp dụng cho trường hợp Màu thời gian.
Các nhà tượng trưng quan niệm thơ phải gắn chặt với âm nhạc,
vì âm nhạc có thể truyền đạt các sắc thái, các bán âm (khác với quan niệm của
các nhà lãng mạn: thơ gắn với hội họa - vì nhà thơ lãng mạn luôn thể hiện sự
háo hức miêu tả (trực cảm)). Bản thân chữ không chỉ có giá trị biểu đạt mà còn
có sức ngân vang. Do đó chữ trở thành cơ sở của nhạc. Nhưng, sức ngân vang ấy
chính chữ (từ) không thể thâu tóm, không thể chứa đựng nổi, bởi ngân vang ấy là
tiếng vọng từ bao la của tiếng gọi, tiếng động, thậm chí tinh vi nhất trong cuộc
đời (được kết tinh khá trọn vẹn trong âm nhạc). Thơ phải gắn với nhạc là vì vậy.
Valéry phát biểu: “thơ là sự giao động giữa âm thanh và ý nghĩa”. Và trên thực
tế, giữa âm nhạc và thơ ca (tách riêng hai mảng khác nhau) luôn có mối hòa kết
kỳ lạ. Trong Màu thời gian tính nhạc trở thành một nét nổi bật. Với sự chủ đạo
của thanh bằng (đặc điểm của thanh bằng là đường nét bằng phẳng, kéo dài), bài
thơ gợi một sự lan tỏa, rộng mở. Những thanh bằng cuối câu tạo nên độ mở, những
thanh bằng giữa dòng tạo những sự tác động lan tỏa có tính chất dây chuyền.
Thanh bằng còn có sự kết hợp với một số thanh trắc tạo nên những điểm nhấn nghệ
thuật. Rõ nhất là câu: Duyên trăm năm đứt đoạn, thanh sắc (đứt) có đường nét âm
thanh đi thẳng, hướng dần lên trên, thanh nặng (đoạn) ngược lại, đường đi ngắn,
đi xuống (có nét cong dần) tạo nên sự chia ly đứt gãy và do đó nhạc điệu trở
nên réo rắt.
Nhạc điệu của bài thơ còn được tạo nên bởi những câu thơ lặp,
những câu thơ đang đối với nhau. Trên thực tế những câu thơ lặp, những câu thơ
đang đối với nhau được đảm bảo nhờ nhịp ngắt. Nhịp là điểm cơ bản để các câu
thơ vận hành trong tương quan. Trong câu thơ tiếng Việt, nhịp là hình thức tiêu
biểu thể hiện rõ nét tính nhạc. Khi nói về những câu thơ có hình thức đang đối,
Phan Ngọc cho rằng, nó làm cho nhịp điệu thơ chậm lại, đem lại cái đẹp nhịp
nhàng (2).
Những yếu tố ngôn ngữ tạo nhạc trên kết hợp một cách nhuần
nhuyễn với những từ chỉ màu sắc, âm thanh có tính chất nhẹ nhàng đã toát lên âm
điệu chủ đạo của bài thơ, nó làm cho thơ có một âm hưởng lan tỏa, nhẹ nhàng, vừa
mênh mang, giàu sức gợi lại đôi lúc réo rắt. Do đó không phải ngẫu nhiên, mới
đây, nó đã được nhạc sĩ Trọng Đài chọn cho một nhịp phách phù hợp - nhịp phách
của ca trù.
Mỹ học tượng trưng quan niệm: giữa con người và vũ trụ có mối
tương quan bí mật, đó là các mối tương quan ý niệm, tương quan cảm giác, tương
quan không gian, màu sắc. Baudelaire đã phát biểu: “Mùi hương, màu sắc âm thanh
tương giao cùng nhau”. Ông viết trong bài Tương ứng: “Có những mùi hương mát
như da thịt trẻ con, ngọt ngào như tiếng sáo, xanh mượt như cỏ non” (3). Sự
tương giao này trong văn học cổ phương Đông đã thể hiện nhưng đó là tương giao
giữa đại ngã và tiểu ngã, và mơ ước của con người là hòa cái tiểu ngã của mình
vào cái đại ngã của vũ trụ, thiên nhiên, còn tượng trưng là sự tương giao qua
trực giác, con người cảm nhận được mối quan hệ ấy bằng trực giác.
Ta có thể thấy mối quan hệ này trong Màu thời gian. Màu thời gian có những sự kết hợp kỳ lạ mà theo tư duy thông thường là phi lôgic ngữ nghĩa: tiếng chim thanh, gió xanh, hương thời gian thanh thanh, màu thời gian tím ngát. Những tính từ chỉ màu sắc, âm thanh đóng vai trò làm bật nổi tính chất kết hợp, cho thấy sự tương hòa các giác quan. Bởi có sự tương hòa các giác quan nên con người có thể nghe được những điều tưởng chừng không nghe được, thấy được những điều tưởng chừng không thấy được. Theo Hoàng Ngọc Hiến đó là thi pháp “Những mạch liên tưởng khó nắm bắt” (4). Chính vì các nhà tượng trưng quan niệm như vậy nên hình ảnh thơ trở nên bí ẩn, mơ hồ. Hình tượng tượng trưng là hình tượng không thuần nhất, nó phải gợi đến cái gì đó ngoài bản thân nó, nó “là một câu đố đòi hỏi chúng ta đi tìm cái ý nghĩa nội tại đằng sau hình tượng” (Hegel) (5). Ở Màu thời gian ngoài sự kết hợp các từ ngữ chỉ màu sắc, âm thanh còn có những hình ảnh ước lệ (thực chất của ước lệ là tính cách điệu): tóc mây, dao vàng, những từ xưng hô “thiếp” - “chàng” càng làm cho thơ mơ hồ hơn. Dĩ nhiên sự mơ hồ ấy còn được gợi lên từ bản thân tính nhạc.
Ta có thể thấy mối quan hệ này trong Màu thời gian. Màu thời gian có những sự kết hợp kỳ lạ mà theo tư duy thông thường là phi lôgic ngữ nghĩa: tiếng chim thanh, gió xanh, hương thời gian thanh thanh, màu thời gian tím ngát. Những tính từ chỉ màu sắc, âm thanh đóng vai trò làm bật nổi tính chất kết hợp, cho thấy sự tương hòa các giác quan. Bởi có sự tương hòa các giác quan nên con người có thể nghe được những điều tưởng chừng không nghe được, thấy được những điều tưởng chừng không thấy được. Theo Hoàng Ngọc Hiến đó là thi pháp “Những mạch liên tưởng khó nắm bắt” (4). Chính vì các nhà tượng trưng quan niệm như vậy nên hình ảnh thơ trở nên bí ẩn, mơ hồ. Hình tượng tượng trưng là hình tượng không thuần nhất, nó phải gợi đến cái gì đó ngoài bản thân nó, nó “là một câu đố đòi hỏi chúng ta đi tìm cái ý nghĩa nội tại đằng sau hình tượng” (Hegel) (5). Ở Màu thời gian ngoài sự kết hợp các từ ngữ chỉ màu sắc, âm thanh còn có những hình ảnh ước lệ (thực chất của ước lệ là tính cách điệu): tóc mây, dao vàng, những từ xưng hô “thiếp” - “chàng” càng làm cho thơ mơ hồ hơn. Dĩ nhiên sự mơ hồ ấy còn được gợi lên từ bản thân tính nhạc.
Bài thơ Màu thời gian, thông qua những cách thể hiện độc đáo,
đã cho thấy một quan niệm mới mẻ về thời gian - đối tượng đã được thơ cổ, thơ
lãng mạn bàn tới. Nếu thời gian trong thơ cổ là thời gian tách khỏi con người,
vô tình với con người, cứ bốn mùa xuân - hạ - thu - đông, thời gian trong thơ
lãng mạn là thời gian một đi không trở lại, cuốn đi những gì hiện hữu trước mắt
(thời gian trở thành một thế lực hủy diệt) thì ở đây - trong quan niệm tượng
trưng - thời gian là thời gian nghiệm sinh, thời gian đã hóa thành cái nhìn nhận
của chủ thể: thời gian không làm mọi vật biến mất mà là hình thức lưu giữ tình
cảm con người. Tình người đã làm cho thời gian có hương, có sắc. Bên cạnh những
tính từ chỉ tính chất thanh nhẹ là sự kết hợp thời gian xưa - nay (thời gian
nay hiện về qua việc gợi nhắc thời gian xưa) tạo thành những cặp đang đối xưa - nay, phủ định - khẳng định: mối tình Tần Phi đã đứt đoạn nhưng tình một thuở
còn hương, nghĩa là đã làm cho thời gian không còn lạnh nữa, mà thanh thanh,
tím ngát. Đó là sự kết đọng, sự thoát hóa cho một vỉa tầng của tồn tại vĩnh cửu
mà chủ nghĩa tượng trưng hướng đến. Chủ nghĩa tượng trưng cho rằng, thế giới hữu
hình chỉ là hình ảnh của thế giới vô hình. Đó là bản thể của tồn tại. Vì thế,
muốn đến được thế giới ấy, nhà thơ phải bằng cảm nhận trực giác chứ không phải miêu
tả trực cảm như các nhà lãng mạn. Nhưng cũng từ đây nảy sinh tính hai mặt, bởi
khi các nhà tượng trưng đi sâu khai thác con đường này thì thơ họ càng trở nên
bí hiểm, xa rời thực tế. Và, nhìn trong quá trình vận động không ngừng của văn
học thì thơ tượng trưng đã khép lại ở một giai đoạn của lịch sử.
Đoàn Phú Tứ là một trong những tên tuổi quan trọng của Xuân
Thu Nhã Tập - nhóm tác giả trình làng thơ năm 1942 có cùng tâm huyết về đổi mới
cách tân thơ, đòi hỏi thơ phải có những cách biểu đạt mới, chú trọng tới nghệ
thuật thể hiện. Ở bài thơ này, bằng những thể nghiệm tinh tế, có thể nói tác giả
đã chạm đến cái “rung động siêu việt, trong trẻo và nhẹ nhàng”, đã làm cho thơ
bước vào “nẻo đạo” của nhóm Xuân Thu.
Chú thích:
1. Trần Đình Sử, Tuyển tập (tập hai), Nxb Giáo dục, Hà Nội,
2005, tr.473.
2. Dẫn theo Lê Lưu Oanh, Văn học và các loại hình nghệ thuật, Nxb ĐHSP, HN, tr.260.
3. Mai Bá Ấn, Bích Khê và chủ nghĩa tượng trưng, www. BichKhe.org.htm.
4. Hoàng Ngọc Hiến, Baudelaire chủ nghĩa tượng trưng và thơ mới, http://www.thotahinhthuc.org.
5. Dẫn theo Trần Đình Sử, Sđd, tr.456.
2. Dẫn theo Lê Lưu Oanh, Văn học và các loại hình nghệ thuật, Nxb ĐHSP, HN, tr.260.
3. Mai Bá Ấn, Bích Khê và chủ nghĩa tượng trưng, www. BichKhe.org.htm.
4. Hoàng Ngọc Hiến, Baudelaire chủ nghĩa tượng trưng và thơ mới, http://www.thotahinhthuc.org.
5. Dẫn theo Trần Đình Sử, Sđd, tr.456.
Màu thời gian - Danh ca Thái Thanh
Màu thời gian - Ca sĩ Thái Hiền
Màu thời gian - Ngọc Sang diễn ngâm
Túy Phượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét