Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

Phần ẩn khuất bên trong bầu trời âm nhạc Trịnh Công Sơn

Phần ẩn khuất bên trong bầu trời 
âm nhạc Trịnh Công Sơn
Bên trong bầu trời âm nhạc du dương ấy, bằng loại ngôn ngữ dạt dào thi vị của một nghệ sĩ bậc thầy, Trịnh Công Sơn đã ghi chép lại những rung cảm tuôn chảy tự nhiên trong tâm hồn mình, dọc suốt lộ trình chiêm nghiệm nhọc nhằn giữa dâu biển trăm năm.
Ai ai làm người cũng từng đi qua lộ trình dâu biển ấy, và ai ai cũng có lẽ cũng đã từng ít nhiều cảm nghiệm những gì ông cảm nghiệm, cho nên cũng dễ dàng chia sẻ với ông những giá trị đó đây trôi chảy âm thầm trong âm nhạc của ông.
Nhạc Trịnh Công Sơn chứa đầy những hình ảnh rất quen thuộc với mọi người, rất quen thuộc với mọi tâm hồn. Thật vậy, tất cả đều quen thuộc. Có gì xa lạ đâu, khi một mối tình hoa niên chớm nở đã nuôi dưỡng những đam mê kéo dài muôn thuở. Có gì lạ thường đâu, là những điệu vui của nắng và những nét buồn của mưa. Có gì lập dị đâu, là những trái tim bình dị đã giật mình ngơ ngác khi nghe tiếng đạn bom quái dị gầm thét trong đêm.
Có gì phi lý đâu khi một con người ngạc nhiên thắc mắc về cõi bờ sinh tử của chính con người, hoặc đặt nghi vấn về cứu cánh tối hậu của một đời người... Tất cả đều quen thuộc. Đó là hình ảnh của tình yêu, hoặc đó là hình ảnh của quê hương, hoặc đó là hình ảnh của thân phận con người. Những hình ảnh ấy tràn ngập trong những ca khúc súc tích của Trịnh Công Sơn.

Ông đã đặt những hình ảnh có thật trong đời ấy nằm ôm ấp trên những dòng nhạc bất ngờ, tạo thành những giai điệu, làm cho tất cả đều biết nhảy múa, biết ca hát, biết buồn vui, biết thương yêu, biết suy tư thấu đáo, để tìm ra lẽ sống chân chính giữa đời. Ông đã biến cái xác xơ trở thành óng mượt, ông hóa giải nỗi buồn trở thành niềm vui, công khai thông cho cái bế tắc một con đường, ông gợi ra những cảm xúc nhẹ nhàng khi nghe đời trĩu nặng, ông gạn lọc những giá trị giàu dưỡng chất bên trong đời sống lẫn lộn vàng thau muôn thuở...
Những giá trị vốn bao hàm trong đời người ấy, mà bao lần đã giằng co trong tâm hồn chúng ta ấy, mà bao phen đã khiến chúng ta ưu tư ray rứt ấy, đã được Trịnh Công Sơn phát biểu du dương bằng âm nhạc, một phương tiện đắc lực khả dĩ khỏa lấp những khoảng trống giữa các tâm hồn còn dị biệt.
Chúng ta, vì những lý do lồi lõm khác nhau trên bước đường xuôi ngược giữa dòng đời, mà mỗi người có những cơ duyên tác hợp ngẫu nhĩ khác nhau, hình thành những nhân cách khác nhau, xui nên những trạng huống tâm can ngẫu nhiên trước sau đồng dị. Chỗ đồng dị ấy đã vô tình tạo ra “phần ẩn khuất” giữa con người với nhau, và dẫn tới “phần ẩn khuất” bên trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Phần ẩn khuất ấy không phải do ai cố tình che khuất. Sở dĩ có ẩn khuất là vì còn có dị biệt. Nếu thu hẹp được dị biệt, phần ẩn khuất sẽ thôi không ẩn khuất, và mọi điều đều có thể trở nên sáng tỏ.

Hơn nữa, vạn vật (trong đó có ngôn ngữ âm nhạc) tự nó vốn không hoàn toàn minh bạch như mọi người mong đợi. Và rồi, khi xuất hiện dưới cặp mắt hữu hạn của con người bằng xương bằng thịt chúng ta, gương mặt toàn diện của vạn vật lại bị vặn vẹo phiến diện thêm một lần nữa. Những tác phẩm nghệ thuật của Trịnh Công Sơn cũng nằm trong số phận ấy, nó không những không thể tự minh bạch, mà còn có nguy cơ bị che mờ thêm bởi những cặp mắt thưởng ngoạn ngái ngủ, và dĩ nhiên không cố ý.
Cho nên, người thưởng ngoạn trước hết phải nhận ra cái mê, để tỉnh thức, để chí ít là đừng làm lu mờ thêm nội dung đích thực của tác phẩm, đừng làm xa rời thêm những cơ hội nhận dạng những giá trị ẩn khuất bên trong tác phẩm. Những giá trị lộ diện thì dễ cảm biết, còn những giá trị ẩn khuất – phần cốt yếu của những tuyệt tác – thì không thể cảm biết bằng sự vô tâm vô cảm lạnh lùng, vốn khai sinh từ những khuôn phép giáo điều máy móc. Muốn “nhìn thấy” phần cốt lõi ẩn khuất ấy, nhất thiết người thưởng ngoạn cần phải thoát ly khỏi những ám ảnh của tri kiến thường nhật, cần phải lau chùi tâm hồn mình khỏi những suy nghĩ bụi bặm thường tình, và khởi sự tư tưởng bằng một ý thức hoàn toàn mới. Lời của Martin H. Heidegger:
“Tư tưởng chỉ thật sự bắt đầu tư tưởng là lúc chúng ta lịch-nghiệm-lĩnh-hội được rằng cái Lý Trí, vốn từ bao thế kỷ được xiển dương xưng tụng, chính nó là thù địch ngoan cố nhất của Tư Tưởng.” (Sương Tỳ Hải, Bùi Giáng)
Lý Trí là cha đẻ bất đắc dĩ của những lý luận máy móc đến vô hồn. Lý luận giáo khoa lâu đời không giúp chạm tay đến được phần cốt tủy của một tác phẩm nghệ thuật đích thực.
Những lý luận rập khuôn này đã là nơi yên ngủ của định kiến, những định kiến mà không hề hay biết rằng, ngoài kia, những tuyệt tác mang chứa loại âm thanh vi vu cao vút trên đỉnh cao, vượt khỏi mọi lý lẽ phê phán, hàm chứa những nội dung uyển chuyển, sinh động, lấp lánh, đa diện, đa sắc, vừa ẩn vừa hiện, vượt ra ngoài những giá trị rập khuôn do định kiến xã hội áp đặt.

Biết đâu mà xác định bến bờ âm nhạc của nhạc sĩ thiên tài ấy, Trịnh Công Sơn. Số lượng bài hát của ông thì có thể thống kê được, nhưng làm sao đo lường được tâm hồn ông đã cống hiến cho cuộc đời bao nhiêu thao thức!
Hãy chậm rãi nghe lại nhạc của ông một lần nữa, nhiều lần nữa, một mình, một cách lặng lẽ, nhẹ nhàng, không thành kiến, không lý trí bụi bặm, và rồi sẽ thấm thía những thao thức của ông giữa đời, và rồi tâm hồn mình sẽ bất ngờ nghe thấy một loại dưỡng khí tinh khiết, điềm nhiên hấp thụ từ bầu trời âm nhạc bao la của một Trịnh Công Sơn vô bờ.

2012
Nguyễn Tư Thạnh
Theo http://www.nguyenquangthanh.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. Ch...