Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

Người trao kẻ nhận Nguyệt ca

Người trao kẻ nhận Nguyệt ca 
Em đã đến nơi này tựa như cánh én
Dịu dàng trao chút hương hoa mùa xuân

(Trịnh Công Sơn, Vẫn Có Em Bên Đời)
Trao cho một món quà, đã khó, mà nhận lãnh một món quà, cũng không phải dễ. Có những món quà có thể nhìn thấy được bằng mắt, cũng có những món quà không thể nhìn thấy được bằng mắt. Ý nghĩa của một món quà, do đó đã khiến cho bao người phân vân, cân nhắc. Tùy mức độ duyên hợp giữa người trao và kẻ nhận mà món quà ấy sẽ có ý nghĩa tươi thắm như thế nào.
Em đã đến nơi này tựa như cánh én
Dịu dàng trao chút hương hoa mùa xuân

Người trao ở đây là em. Người nhận ở đây là cuộc đời. Em trao bằng một con tim quá hồn nhiên, bằng một tấm lòng quá rộng lượng. Em trao nhẹ nhàng đến nỗi chính em cũng không biết là em đã trao, và cuộc đời cũng không ngờ rằng cuộc đời đã từng nhận những gì của em đã trao cho. Đó là trường hợp may mắn tự nhiên, vui vẻ chan hòa của người trao và kẻ nhận giữa đời. Còn đây là trường hợp mà cả người trao và kẻ nhận đều vô duyên tức tưởi đôi bờ:
Biết bao hoa đẹp trên rừng thẳm
Đem gởi hương cho gió phụ phàng
Mất một đời thơm trong kẽ núi
Không người du tử đến nhằm hang
Những tưởng đem hương gởi gió kiều
Là truyền tin thắm gọi tình yêu
Song le hoa đợi càng thêm tủi
Gió mặc hồn hoa nhạt với chiều
Tản mác phương ngàn lạc gió câm
Dưới rừng hoa đẹp chẳng tri âm
Trên rừng hoa đẹp rơi trên đá
Lặng lẽ hoàng hôn phủ bước thầm...

(Xuân Diệu, Gởi Hương Cho Gió)

Điều đáng tiếc nhất là ở chỗ, hương nhụy của hoa kia thì rất rộng lượng để trao, còn tấm lòng của người đời thì không đủ cơ duyên để tiếp nhận. Cho nên, người trao - hoa đẹp - thành ra đã trao tất cả cái hương sắc quý giá của đời hoa cho gió câm, cho đá điếc, cho cái dửng dưng, cho cái vô tình, cho cái phụ phàng, cho cái hoàng hôn, cho cái ảm đạm, cho cái vô tri vô giác.
Như vậy đó là cách mà cái hương sắc kia của hoa, cái linh hồn ấy của văn học, cái chân giá trị nọ của cuộc đời, những cái tinh hoa gấm vóc đó của tồn sinh, nó dần dần chìm sâu vào trong tăm tối vô minh một cách oan uổng.
Thưa em đời mộng đang chìm
Người trao người giữ người tìm chưa ra
Giật mình lá cỏ tháng ba
Nghe mùa động đậy bên hoa một hàng
Đứa tìm kẻ chạy lang thang
Người trao đã mất theo tràng giang đi

(Bùi Giáng)
Học trò hậu bối thì cắm đầu trong thư viện "tìm tòi, nghiên cứu". Tiền bối người trao thì đã theo tràng giang đi biệt. Nguyễn Du đã mất. Bà Huyện Thanh Quan đã mất. Trần Trọng Kim đã mất... Những bậc tiền bối trong văn học lần lượt “ra đến” và “ra đi”. Họ đã trao cho hậu bối cả núi giá trị vàng ngọc, nhưng không biết ai có nhận đủ tặng vật đã được trao cho hay không, có nhìn thấy những giá trị nguyên vẹn mà tác phẩm của họ đã để lại hay không. Câu hỏi từ đó được nêu ra:
Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Anh đi để lại đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù

(Bùi Giáng)
Em là em của những thế kỷ sau. Em nhìn vầng trăng hôm nay, em có còn thấy như chính nó là vầng nguyệt không em? Ý anh muốn nói là, mấy thế kỷ sau, các em có nhìn thấy trăng thơ của những chân nhân vẫn nguyên màu trăng thơ bữa trước phải không em? Không bị hiểu méo mó gì cả phải không em? Nếu nó không bị méo mó gì cả, nghĩa là nó vẫn còn nguyên vẹn là chính nó, thì đó là một tin vui cho cuộc đời. Trăng vẫn là trăng là nguyệt. Lòng anh vẫn tươi sáng, lòng em vẫn hồn nhiên. Cõi đời vẫn tròn đẹp như trăng.
Từ khi trăng là nguyệt
Đèn thắp sáng trong tôi
Từ khi trăng là nguyệt
Em mang tim bối rối
Từ trăng xưa là nguyệt
Lòng tôi có đôi khi
Tựa bông hoa vừa mọc
Hân hoan giây xuống thế

(Trịnh Công Sơn, Nguyệt Ca)
Nếu vầng trăng đẹp vẫn giữ nguyên trạng là một vầng trăng đẹp trong lòng tôi, thì đời tôi cũng đẹp như một vầng trăng đẹp, và đồng thời làm cho những tấm lòng chung quanh tôi cũng hân hoan như tôi đang hân hoan. Nếu chân vẫn chính là chân, thiện vẫn chính là thiện, mỹ vẫn chính là mỹ, nghĩa là những giá trị ban sơ còn giữ nguyên vẹn trạng thái của nó, thì thế gian sẽ bình minh, cuộc đời sẽ ngập tràn hoa nở.
Nhưng vì cuộc đời thường ngủ quên, như mê như tỉnh, như nhớ như quên, nên thường lẫn lộn chân và giả, thiện và ác, chánh và tà, gà và vịt... Vì người lẫn lộn, nên người dễ vô tình phổ biến loạn xạ cái lẽ-thật-bị-vặn-vẹo, đến nỗi lẽ thật mất cả "hình dáng" nguyên thủy của lẽ thật. Cứ tiếp nối "vô tình" như vậy, mà đã xui khiến vầng trăng kia mất hết ý nghĩa thật của một vầng trăng, đã khiến những giá trị thật của mặt đất bị tô điểm lem nhem bằng những màu sắc phi mặt đất, dọn đường cho lẽ ác được vung vãi khắp địa cầu. Ngôn ngữ rối loạn, các định nghĩa rối loạn, đầu óc rối loạn, kéo theo hành động rối loạn. Trạng thái nguyên vẹn của giá trị ban sơ không còn nữa. Thế giới bình minh đã bỗng chốc hoàng hôn.
Vì vậy mà các chân nhân qua các thời đại đã lên tiếng. Rằng, xin cuộc đời hãy thôi ngủ mê, vui lòng tỉnh giấc, vui lòng trả tất cả giá trị trần gian trở lại với giá trị nguyên thủy của nó. Hãy gọi vầng trăng vì chính nó một vầng trăng. Hãy hiểu biết vầng trăng như chính nó một vầng trăng. Hãy nói về vầng trăng như chính nó một vầng trăng. Nếu không, thì đối tượng phải gánh chịu hậu quả nặng nề - hẳn nhiên không phải là vầng trăng - mà chính là cõi đời đang bàn tán về vầng trăng đó vậy:

Từ trăng thôi là nguyệt
Mỏi mê đá thôi lăn
Vườn năm xưa vừa mệt
Cây đam mê hết nhánh

Từ khi vầng trăng không còn đẹp như chính nó là vầng trăng trong lòng tôi, từ khi chân thiện mỹ không còn thanh tịnh trong xã hội như chính là chân thiện mỹ..., ấy là lúc mà trật tự của thế gian bắt đầu bị xáo trộn đảo điên, niềm vui bắt đầu buồn bã, niềm hăng say bắt đầu mệt mỏi, cây đam mê bắt đầu trụi lá, tôi hồn nhiên cũng biến thành tôi đờ đẫn dại khờ.
Từ trăng thôi là nguyệt
Hôm nao chợt có lời thưa
Rằng em thôi là nguyệt
Tôi như đứa bé dại khờ

Hàng ngàn năm nhún nhảy trôi qua, khi vẻ đẹp của những giá trị nguyên sơ đã vô tình bị bóp méo, khi những suối nguồn xuân sắc không còn trinh nguyên trong lành nữa, thì cái xấu tung hoành, cười cợt cái đẹp, dồn cái đẹp về co ro trong ốc đảo hoang vu. "Biết bao hoa đẹp trên rừng thẳm. Đem gởi hương cho gió phụ phàng. Mất một đời thơm trong kẽ núi. Không người du tử đến nhằm hang. Những tưởng đem hương gởi gió kiều. Là truyền tin thắm gọi tình yêu. Song le hoa đợi càng thêm tủi. Gió mặc hồn hoa nhạt với chiều." (Xuân Diệu).
Kể cũng đáng hờn tủi thật. Nhưng thôi - Trịnh Công Sơn tự khuyên giải mình - hoa đẹp kia ơi, loài sâu ta ơi, hãy quên đi ưu phiền bữa trước, hồn nhiên truyền tin thắm tình yêu cho đời, để người hôm nay về hát giữa đêm hồng, để địa đàng còn in dấu chân dâu biển... Lần này, dấu chân địa đàng ấy được ghi chép bằng những điệu ru vỗ về, và bằng những dấu chân từ-khi-trăng-là-nguyệt.
Từ khi trăng là nguyệt
Tôi nghe đời vỗ về tôi
Từ khi em là nguyệt
Câu kinh đã bước vào đời
Từ khi em là nguyệt, em đã đến nơi này tựa như cánh én, dịu dàng trao những bông hoa mùa xuân. Em trao bằng một con tim quá hồn nhiên, bằng một tấm lòng quá rộng lượng. Em trao nhẹ nhàng đến nỗi chính em cũng không biết là em đã trao, và cuộc đời cũng không ngờ rằng cuộc đời đã từng nhận những gì của em đã trao cho. Suối đón từng bàn chân em qua. Lá hát từ bàn tay thơm tho. Em đến, em đi, nhẹ nhàng như cánh vạc bay vậy đó.
Từ bao la em đã đến
Hay em sẽ ra đi
Vườn năm xưa còn tiếng nói
Tôi nghe những đêm về

(Trinh Công Sơn, Nguyệt Ca)
Em đã đến nơi này tựa như cánh én, em trao những bông hoa mùa xuân cho cuộc đời. Người ở lại sẽ còn nghe tiếng chim ríu rít, nghe những lời vỗ về từ khi em là nguyệt, nghe những dư vang của lời em nói từ vườn xưa thuở ấy. Trăng nay vẫn nguyên vẹn là nguyệt xưa, trái tim hồn nhiên xuân sắc của em vẫn nguyên lành xuân sắc, thì vẻ đẹp của mặt đất vẫn nguyên vẹn vẻ đẹp của mặt đất, và trái tim người vẫn còn nguyên vẹn tình yêu như đúng trái tim người.

Nguyễn Quang Thanh
Theo http://www.nguyenquangthanh.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn, anh là ai

Nhà văn, anh là ai? Thy Nguyên tên thật là Phạm Thúy Nga. Chị là hội viên hội Nhà Văn Việt Nam, chị đã xuất bản các tác phẩm thơ như: “Sân...