Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

Triết lý trong cuộc sống

Triết lý trong cuộc sống
Trong những ngày từ tháng 3 đến tháng 7.2005, Nhà xuất bản Trẻ đã giới thiệu với bạn đọc bốn tập sách của cùng một tác giả, Lưu Hồng Khanh, giáo sư tiến sĩ phân khoa Triết học trường đại học Frankfurt, Cộng hòa Liên bang Đức:
1. Triết học nhập môn Triết học đông phương, tập 1 (263 trang)
2. Lão Tử Đạo Đức Kinh Bản thể – Hiện tượng - Siêu việt của đạo (110 trang)
3. Tương giao bất bạo động Ngôn ngữ của trung thực và tâm cảm (214 trang)
4. Tâm lý học chuyên sâu Ý thức và những tầng sâu vô thức (239 trang)
Cả bốn tập sách này, như đề sách cho thấy, xa gần, có liên quan đến Triết học, lãnh vực vẫn bị xem là trừu tượng, xa rời cuộc sống và do đó, chẳng giúp được gì cho việc giải quyết những vấn đề của cuộc sống cấp bách hiện đại, một môn học từng làm nản lòng không ít sinh viên, nhất là vào thời đại lên ngôi của những gì là cụ thể, có thể đo lường được bằng thước, bằng những con số. Nhà xuất bản, trong lời giới thiệu tập Tâm lý học chuyên sâu, cũng đã phải thú nhận: ‘Nói đến khoa học, chúng ta nghĩ ngay đến những ngành khoa học kỹ thuật, điện toán, xây dựng, kinh doanh, quản trị, sản xuất công nghệ và cả đến tổ chức du lịch’. Trong bản liệt kê những khoa học được xem là có ích cho thời hiện đại này, không thấy có chỗ cho Triết học.
Nhưng xem ra nhà xuất bản đã không thừa giấy để làm một việc vô bổ. Quả thật, nếu bốn đề sách đã có thể ít nhiều đánh lừa người tham quan nhà sách, thì nội dung của chúng lại có sức lôi cuốn người đọc vì rất gần với con người, con người bình thường mà không cần phải là nhà triết học hay sinh viên khoa Triết. Triết học nhập môn và Lão Tử không có mục đích dẫn người đọc đi vào giảng đường của một đại học để làm quen với các học thuyết hay để nghe lại những lời dạy của các bậc thánh hiền, mà là trở về với chính mình, với cái khả năng có sẵn nơi mỗi con người: khả năng suy tư, một khả năng cần được khám phá và cần phải tìm cách cách vận hành Và cứ như tác giả cho thấy, nền tảng của sự phát triển và thành đạt, trước hết, của bản thân, tùy thuộc ở cách thức vận hành này. Đọc hai tập sách này, người đọc sẽ hiểu rõ hơn thế nào là suy tư và suy tư một cách có hiệu quả, một thứ suy tư phong phú cho cuộc sống vốn không có những giải đáp có sẵn. Dù thế nào, cũng không thể phủ nhận con người có cái đầu và đi tới thành công bằng cái đầu chứ không phải bằng đôi chân hay bàn tay khéo léo mà thôi.
Tâm lý học chuyên sâu tạo cơ hội cho người đọc được tiếp cận một trong ‘ba cuộc khám phá lớn’ trong lịch sử nhân lọai: cuộc khám phá lớn thứ nhất thay đổi trung tâm của vũ trụ đi từ trái đất đến mặt trời, cuộc khám phá lớn thứ hai thay đổi trung tâm của chủng loại sinh vật đặt con người vào trong toàn thể tiến trình phát triển và tiến hóa của thế giới sinh vật, và cuộc khám phá lớn thứ ba là sự thay đổi trung tâm tâm thức của con người đi từ chóp mô ý thức nhỏ bé và gián đoạn đến một hệ tâm thức cao sâu và dày rộng gồm ý thức, vô thức và siêu thức’. Cái tâm thức cao sâu và dày rộng ấy không ở đâu xa mà là ở nơi chính mình, là một phần không nhỏ của cuộc sống của riêng mình, của gia đình và xã hội mà mình là một thành phần. Nó có thể giúp ‘chúng ta nhìn ra được những chiều kích tâm thức kín ẩn sâu xa từ trong vô thức - không những vô thức cá nhân mà nhất là vô thức tập thể -, đồng thời cũng giúp con người nhìn thấy được khả năng và những tiềm lực, sinh năng lượng và sức sáng tạo của chính mình để tìm cách thể hiện bản thân’ (Tâm lý học chuyên sâu, trg. 10).
Tương giao bất bạo động (TGBBĐ) là một phương pháp ‘giải quyết xung đột’, dĩ nhiên không phải bằng chiến tranh, chính trị, ngoại giao, giữa các quốc gia hay giai cấp và chỉ liên quan đến một số người, mà giữa người với người và bằng ý thức và giáo dục, trong chiều hướng phát huy toàn diện bản vị con người, do đó, liên quan đến mỗi người. Trong tập sách này, tác giả biên soạn lại phương pháp TGBBĐ, được trình bày trong hai tác phẩm của bác sĩRosenberg và của Ingrid Holler, đồng nghiệp của Rosenberg, ‘cho có phần thích ứng với bối cảnh xã hội Việt Nam’. Tác giả giới thiệu: ‘Trên 30 năm qua, Dr Rosenberg đã huấn luyện và chuyển giao phương pháp này cho hàng ngàn người thuộc hàng chục nước trên thế giới : từ các nước Bắc Mỹ, Tây Âu, cho đến các nước Đông Âu, Cận Đông và Phi Châu. Học trò của ông thuộc rất nhiều thành phần trong xã hội: sinh viên, phụ huynh, nhà giáo, giám đốc xí nghiệp, cán sự y tế, nhân viên các viện tâm lý, quân đội, luật sư, hoạt động viên hòa bình, tù nhân, cảnh sát và cả đến các linh mục cũng như mục sư’ (TGBBĐ, trg 11). Nói đến phương pháp là nói đến cụ thể, bước một, bước hai, yếu tố một, yếu tố hai, …’giúp người ta sửa đổi lại cách diễn tả lời nói và cách chú ý lắng nghe. Thay vì những phản ứng nóng nảy, máy móc và theo thói quen, thì nay là những lời nói đầy ý thức diễn tả điều ta nhận định, cảm xúc và mong ước. Chúng ta học được cách diễn tả một cách rõ ràng và trung thực, đồng thời biết chú ý lắng nghe người khác với sự tôn kính và đồng cảm’ (TGBBĐ, trg. 17).
Điều may mắn là các tập sách này đã được tác giả trình bày một cách dễ hiểu với một thứ ngôn ngữ không mấy cầu kỳ. Nhưng dễ hiểu, không có nghĩa là dễ dãi. Số thư mục phong phú được liệt kê ở phần cuối mỗi tập sách cho thấy tính cách nghiêm túc của công việc. Dễ ở đây là vì tác giả đã là người lâu năm hoạt động với giới sinh viên, tổ chức các lớp học và seminar, về các chủ đề được đề cập đến. Nội dung trình bày do đó cũng mang sắc thái của đối thoại, không chỉ chứa chất những hiểu biết của tác giả mà cả những tâm tư phản hồi của người nghe và đọc.
Và theo chỗ chúng tôi được biết, Nhà xuất bản Trẻ cũng đã có những nỗ lực lớn và cụ thể trong khâu biên tập, thêm bớt, soi sáng một số từ ngữ còn xa lạ với độc giả bình dân người Việt, cung cấp những thông tin bổ ích chẳng hạn về C.G. Jung ít được biết đến ở Việt Nam để những tập sách này có thể đến được với độc giả một cách dễ dàng và bổ ích.
Nhà xuất bản Trẻ và tác giả Lưu Hồng Khanh quả đã và đang làm một công việc bổ ích khi xuất bản các tập sách này, và các tập sách khác thuộc loại này trong tương lai (?), để góp phần vào công việc khai sáng, được định nghĩa theo lời trích của I, Kant nơi trang 17 của Triết học nhập môn, là ‘giải phóng con người khỏi tình trạng vị thành niên do chính con người gây ra. Vị thành niên là sự bất lực không thể vận dụng trí tuệ của mình một cách độc lập mà không cần đến sự chỉ đạo của người khác.’
Nguyễn Nghị
 Theo https://www.nxbtre.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...