Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam
Lịch sử Triết học Việt Nam với tư cách là một bộ
môn khoa học, nó chỉ mới được ra đời cách đây không lâu. Hiện nay, nó được
trình bày rải rác trong các bộ sách về Lịch sử tư tưởng Việt Nam, chẳng hạn
như của Nguyễn Đăng Thục (7 tập), của Viện Triết học (2 tập) và của Trần
Văn Giàu (3 tập). Đó là chưa kể còn một số sách báo, chuyên khảo ít nhiều,
trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến nó. Nhìn chung, lịch sử tư tưởng
triết học Việt Nam đã được xới lên; nhiều giai đoạn, nhiều vấn đề đã được
nghiên cứu khá sâu. Nhưng đáng tiếc cho đến nay, vẫn chưa có cuốn sách
nào về Triết học Việt Nam hay Lịch sử tư tưởng triết học
Việt Nam.
Thực ra, trước khi xuất hiện triết học Mác -
Lênin, ở Việt Nam đã có truyền thống Văn, Sử, Triết, Tôn giáo bất phân, bởi
vậy, không có triết học với tư cách là một bộ môn khoa học độc lập, mà chỉ
có những tư tưởng hay học thuyết triết học nằm trong các cuốn sách về
văn, sử hay tôn giáo. Nếu xét ở góc độ những vấn đề cơ bản của triết học
trên lập trường của triết học mácxít thì quả thật ở Việt Nam khía cạnh
này rất mờ nhạt. Nhưng từ việc, ở Việt Nam trước kia chỉ có những người
hiền, hiền triết, minh triết mà nói rằng họ không có các nhà triết học
thì e rằng đã dùng con mắt hiện tại mà nhìn nhận, đánh giá người xưa. Việt
Nam nằm giữa hai nền văn minh với những hệ thống triết học đồ sộ là Ấn Độ
và Trung Hoa, phải chăng về hình nhi thượng (tức bản thể luận, vũ trụ
quan), chúng ta đã có hai nền triết học khổng lồ này cung cấp, vấn đề là
vận dụng một cách sáng tạo trong điều kiện cụ thể của mình? Thực ra cũng
không hoàn toàn hẳn như vậy. Học thuyết triết học Trần Thái Tông, tư tưởng
về Lý Khí của Lê Quí Đôn, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, … đã nói
lên điều đó.
Bài này, bước đầu chúng tôi trình bày một cách
khái quát quá trình hình thành và phát triển của tư tưởng triết học Việt
Nam đến năm 1958, trước khi có sự du nhập của triết học phương Tây. Trong
khoảng thời gian đó, lịch sử Việt Nam có thể được phân làm bốn thời kỳ lớn:
Thời kỳ tiền sử kéo dài từ kỷ Hồng
Bàng đến hết nhà Triệu, tức là đến năm 110 trước C.N.
Thời kỳ Bắc thuộc: từ 110 trước C.N. đến năm
938.
Thời kỳ phục hồi và xây dựng quốc gia độc lập: từ
939 đến hết thế kỷ XIV.
Thời kỳ ổn định, thịnh vượng và khủng hoảng của
chế độ phong kiến Việt Nam: 1400 – 1858.
Sự phát triển kinh tế xã hội, văn hóa tinh thần ở
hai thời kỳ đầu đã tạo cơ sở cho sự hình thành và phát triển của tư tưởng
triết học của dân tộc - triết học Việt Nam, trong các thời kỳ lịch sử tiếp
theo.
I. Cơ sở hình thành và đặc điểm của tư tưởng triết
học Việt Nam
a/ Cơ sở xã hội. Với tư cách là thượng tầng
kiến trúc, triết học nhìn chung, nó bị quy định bởi hạ tầng cơ sở, tồn tại
xã hội. Vậy cơ sở xã hội của Việt Nam là gì?
Hiện nay, sự phân kỳ xã hội Việt Nam vẫn còn nhiều
quan điểm khác nhau. Trong giáo trình Lịch sử Việt Nam cho rằng
thời Văn Lang của các vua Hùng (700-258 tr. CN) và An Dương Vương
(257-208 tr. CN) là thời kỳ chuyển từ xã hội nguyên thủy lên xã hội phân
chia giai cấp sơ kỳ kiểu phương thức sản xuất châu Á. Theo Phan Huy Lê, từ
thời Hùng Vương, An Dương Vương trở đi , nước ta bước vào xã hội phân hoá
giai cấp sơ kỳ với kết cấu kinh tế xã hội đặc thù của phương Đông, ... mà
chúng tôi tạm gọi là phương thức sản xuất châu Á. Trên nền tảng của
phương thức sản xuất này, quan hệ sản xuất phong kiến dần dần nảy sinh và
dẫn đến việc xác lập của chế độ phong kiến vào khoảng thế kỷ XV. Như vậy,
ở Việt Nam không có chế độ nô lệ. Hồng Phong cho rằng mãi cho đến thế kỷ
XV, xã hội Việt Nam vẫn thuộc hình thái của phương thức sản xuất châu Á.
Theo Trần Quốc Vượng, từ thế kỷ XIX trở về trước, xã hội Việt Nam là một
xã hội tiểu nông truyền thống nằm trong khung cảnh của phương thức sản xuất
châu Á. Nếu vậy thì chúng ta không có cả chế độ phong kiến. Chỉ qua đấy
ta cũng thấy rằng xã hội Việt Nam là một xã hội phát triển không
bình thường.
Vào cuối giai đoạn văn minh sông Hồng, trên cơ sở
văn hoá Đông Sơn phát triển rực rỡ, nhà nước Văn Lang ra đời, mặc dù đó
là nhà nước phôi thai, kết cấu cộng đồng nguyên thủy vẫn chưa hoàn toàn bị
thủ tiêu. Nếu phát triển bình thường, nghĩa là quốc gia đó sẽ đi theo qui
luật phân hoá giai cấp, phân công lao động, phát triển chế độ tư hữu, ...
Nhưng những quá trình đó chỉ vừa mới bắt đầu thì nhà Tần, rồi đến nhà Hán
xâm lược, đặt ách nô dịch hơn 1.000 năm. Và cái cộng đồng mang đậm màu sắc
nguyên thủy đáng lẽ bị phá vỡ một cách tự nhiên trong quá trình phát triển
của nhà nước Văn Lang, thì nay lại phải cố kết lại để tạo nên sức mạnh chống
xâm lược và đồng hoá.
Với chiến thắng Bạch Đằng chấm dứt 1.000 năm Bắc
thuộc không lâu, nước ta lại rơi vào loạn 12 xứ quân. Đinh Tiên Hoàng thống
nhất đất nước, nhưng chẳng mấy chốc Lê Đại Hành lại phải đem quân chống Tống.
Từ đó qua Lý, Trần, Hồ không có triều đại nào là không có kháng chiến chống
xâm lược. Tưởng chừng sau kháng chiến chống quân Minh, nước ta có một nền
hoà bình lâu dài. Nhưng chỉ 90 năm sau đã xảy ra chiến tranh Nam Bắc triều,
rồi tiếp đến Trịnh Nguyễn phân tranh. Tây Sơn lên chưa được bao lâu thì
nhà Nguyễn thay thế. Nhà Nguyễn thống nhất được gần nửa thế kỷ thì Pháp
đã nổ súng xâm lược.
Đã chiến tranh thì không thể có sự phát triển
bình thường được. Sức sản xuất, khoa học kỹ thuật chậm phát triển.
Sự phát triển không bình thường của xã hội Việt
Nam còn thể hiện ở cấu trúc kinh tế xã hội. Nhìn đại thể, xã hội Việt Nam
là một xã hội nông nghiệp với chế độ làng xã, chế độ đem lại cho mỗi đơn
vị nhỏ bé một cuộc sống cô lập, biệt lập. Làng xã này tổ chức theo lối
gia đình tự cấp, tự túc, bị trói buộc bởi những xiềng xích nô lệ của các
qui tắc cổ truyền, từ đó nó làm hạn chế lý trí của con người trong những
khuôn khổ chật hẹp và đôi khi trở thành công cụ ngoan ngoãn của mê tín.
Những làng xã này, nếu nhìn từ trên cao xuống, chúng giống như những ốc đảo
độc lập, như những mảnh nhỏ của con run sau khi chặt ra nhưng chúng vẫn sống,
tồn tại. Và cũng chính nhờ tính chất đó mà ở một số thời kỳ, đặc biệt là
thời Bắc thuộc, nước mất nhưng còn làng, và nhờ còn làng mà cuối cùng còn
nước. Theo C. Mác, công xã hay làng này là cơ sở bền vững cho chế độ
chuyên chế phương Đông; còn cái xã hội truyền thống đó, mang tính chất thụ
động, quân bình, ít thay đổi, kéo dài từ những thời hết sức xa xưa
cho đến những năm đầu của thế kỷ XIX. C. Mác đã dùng khái niệm”Bất động”,
“Tĩnh” để chỉ xã hội phương Đông trong đó có Việt Nam.Trong thư gửi
Ph. Ănghen ngày 2.6.1853, ông viết:” Việc không có sở hữu tư nhân về
ruộng đất là cơ sở của tất cả các hiện tượng ở phương Đông”. Trong
thư gửi lại ông ngày 6.6.1853, Ph.Ănghen nhấn mạnh:” Việc không có sở hữu
tư nhân về ruộng đất thực sự là chiếc chìa khoá để hiểu toàn bộ
phương Đông”. Chính từ đặc điểm đó mà C.Mác đưa ra khái niệm “Phương
thức sản xuất châu Á”.
Vậy, hạt nhân trong phương thức sản xuất châu Á,
suy cho cùng là không có sở hữu tư nhân về ruộng đất. ”Phổ thiên chi hạ mạc
phi vương thổ, suất hải chi tân mạc phi vương thần” (Đất đai dưới bầu trời
không có chỗ nào không phải là của vua, người trên đất đai ấy không ai là
không phải thần dân của vua) (Kinh Thư). Với Phương thức sản xuất châu Á
như vậy, nó làm cho xã hội Việt Nam luôn gặp những kết cấu mới xen lẫn
các kết cấu cũ, hình thái kinh tế mới xen lẫn hình thái kinh tế cũ. Ngay
như từ thời Trần sang thời Lê, đó được xem là một bước ngoặt từ điền
trang thái ấp với chế độ nô tỳ sang quan hệ địa chủ tá điền. Về đại thể
là như vậy, song địa chủ nhỏ đã có từ thời Lý Trần, còn chế độ nô tỳ vẫn
còn tồn tại lâu dài ở thời Lê. Trần Đình Hượu cho rằng phương thức sản xuất
châu Á chỉ đưa đến cải lương chứ không đưa đến cách mạng. Với quyền lãnh
hữu chứ không có quyền sở hữu, nhiều nước phương Đông dễ tiến lên XHCN
hơn là TBCN.
b/ Đặc điểm của tư tưởng triết học Việt Nam. Từ
sự khác nhau về cơ sở xã hội, phương thức sản xuất, nên triết học ở Việt
Nam có những đặc điểm sau:
Nếu như triết học phương Tây thường gắn liền với
những thành tựu của khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên, triết học Ấn
Độ gắn liền với tôn giáo, triết học Trung Quốc gắn liền với chính trị, đạo
đức, thì triết học Việt Nam gắn liền với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất
nước. Khi phản ánh hiện thực đó, triết học Việt Nam hướng chủ yếu đến vấn
đề nhân sinh, đạo lý làm người mà tư tưởng trung tâm là yêu nước.
Nếu như triết học phương Tây có khuynh hướng trội
là đi từ thế giới quan đến nhân sinh quan (từ bản thể luận đến nhận thức
luận, lô gíc học), thì triết học Việt Nam lại có khuynh hướng trội là đi
từ nhân sinh quan đến thế giới quan. ở Việt Nam, vấn đề trung tâm, hàng đầu
là vấn đề con người, đạo lý làm người (nhân sinh quan), sau đó các nhà tư
tưởng mới đi tìm cách lý giải , đặt cơ sở cho những vấn đề trên (thế giới
quan). Điều này bị quy định bởi phương thức sản xuất châu Á ở Việt Nam.
Tư tưởng triết học Việt Nam là sự thể hiện, phản
ánh nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân tộc; nó phát triển từ
những ý niệm thô sơ, chất phác về nhân sinh, vũ trụ lên trình độ lý luận,
song do khuynh hướng trội nêu trên nên nó thiếu tính hệ thống chặt chẽ và
thường là cải biến nội dung các khái niệm trong các học thuyết được du nhập
từ bên ngoài nhằm mục đích xây dựng và bảo vệ đất nước.
Cũng chính vì khuynh hướng trội nêu trên mà vấn
đề cơ bản của triết học, tức vấn đề quan hệ giữa vật chất và ý thức,
trong triết học Việt Nam là rất mờ nhạt, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa
duy vật và chủ nghĩa duy tâm không trải ra trên khắp mọi vấn đề, nhưng
nhìn chung, khuynh hướng duy tâm tôn giáo có vẻ nổi trội hơn khuynh hướng
duy vật vô thần.
Nếu triết học phương Tây hơi nghiêng về duy vật,
hướng ngoại , thì triết học Việt Nam lại hơi ngả về duy tâm, hướng nội. Nếu
triết học phương Tây nghiêng về lấy ngoài để giải thích trong thì triết học
Việt Nam lại ngả về lấy trong để giải thích ngoài theo kiểu của cụ Nguyễn
Du, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Nếu biện chứng trong triết học
phương Tây nghiêng về đấu tranh, thì biện chứng trong triết học Việt Nam
lại ngả về thống nhất. Nếu vận động, phát triển trong triết học phương
Tây đi lên theo con đường xoáy trôn ốc thì vận động, phát triển trong triết
học Việt Nam lại đi theo con đường vòng tròn, tuần hoàn.
Tóm lại , đối với xã hội Việt Nam ta thấy có hai
điểm nổi bật xuyên xuốt lịch sử, đó là xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Hai mặt
hoạt động này liên hệ mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau, không tách rời
nhau. Và chính điều này cùng với cái mà C.Mác gọi là phương thức sản xuất
châu Á được chúng ta phân tích ở trên đã quy định đặc điểm của lịch sử tư
tưởng triết học Việt Nam.
II. Vài nét về kinh tế, xã hội và thế giới quan
của người Việt thời tiền sử
Thời đại đồ đá kéo dài từ mấy triệu năm đến mấy
ngàn năm cách ngày nay đã đánh dấu bước chuyển từ hái lượm, săn bắn sang
chăn nuôi trồng trọt. Qua những tư liệu khảo cổ ta thấy người Việt cổ bước
đầu đã có ý niệm về sự cân xứng, đã có tư duy phân loại (ở Văn hóa Sơn
Vi), có lòng tin ở thế giới bên kia, mà ở đó người chết vẫn tiếp tục lao
động (công cụ lao động ở bên cạnh người chết ở văn hóa Sơn Vi). Cư dân
Hòa bình đã biết chọn nơi cư trú, biết dùng lưu hoàng để vẽ lên người, biết
đến nhịp điệu, dùng ký hiệu để ghi. Theo GS. Hà Văn Tấn, đây là quá trình
hình thành hoạt động đếm và phạm trù số lượng, từ đó ra đời các số đếm
tách khỏi vật đếm (trừu tượng hóa khỏi vật cụ thể). Cuối thời đồ đá mới
(3000 năm Tr. CN) với nghề trồng lúa nước, người Việt đã có ý niệm về đường
tròn, chuyển động quay, có ý thức về nhịp điệu, cân xứng, đã có quan niệm
về thời gian, vũ trụ (Trên đồ gốm ở Bắc Sơn đã có mặt trời hình tròn, có
hình chữ S, nửa số 8). Họ tôn thờ sức mạnh tự nhiên như mưa, gió, đặc biệt
là mặt trời đã trở thành thần linh của họ.
Cách đây khoảng 4000 năm (Tức vào 2000 năm Tr.
CN) người Việt đã bước vào giai đoạn đồng thau (hợp kim đồng thiếc) - thời
kỳ tiền Đông Sơn. Đến thời kỳ Đông Sơn, kỹ thuật đồng thau phát triển cao
với sự ra đời của những trống đồng.
Nếu văn hoá tiền Đông Sơn có niên đại từ 2000
Tr. CN đến 700 Tr. CN ở các lưu vực sông Hồng thì văn hoá Đông Sơn từ 700
Tr. CN đến 100 với việc hình thành quốc gia Văn Lang của các vua Hùng. Thời
kỳ Đông Sơn là thời kỳ hình thành cái lõi đầu tiên của dân tộc. Thời kỳ
này người Việt đã có sự quan sát thế giới bên ngoài khá tinh tế, từ đó
tái tạo, biểu hiện khá chân thực, khéo léo (Qua tượng bò, gà, ... v.v.
làm bằng đất nung). Nhìn đồ trang sức cân xứng, tinh xảo, nhẵn, đẹp khiến
nay chúng ta cũng phải ngạc nhiên. Người Đông Sơn đã biết làm chủ nhịp điệu,
tuân theo tính đối xứng chặt chẽ và biết đến nhiều dạng đối xứng khác
nhau. Điều này thể hiện tư duy trừu tượng khá cao ở họ. Qua trống đồng ta
thấy đã có suy nghĩ, nhận xét, tính toán về hình học (đã biết chia hình
tròn làm sáu phần bằng nhau, đã biết liên hệ giữa bán kính và đường
tròn). Như vậy bước đầu họ đã có nhận thức hình học và tư duy chính xác.
Trên một số đồ gốm (kể cả gốm Phùng Nguyên) các
trang trí hoa văn biểu hiện mô hình vũ trụ gồm ba thế giới: Trời, Người
và dưới đất, trong đó có sự biến chuyển của mùa màng, đời sống thực vật
là liên tục, không cùng, thể hiện qua những đường xoắn nối liền nhau, lặp
đi lặp lại. ở đây đã xuất hiện phong cách tượng trưng với những ký hiệu
quy ước - bước phát triển mới của tư duy trừu tượng.
Qua các huyền thoại ta còn thấy thế giới thứ tư,
đó là thế giới dưới nước. Và như vậy "Tứ phủ" đã hình thành.
Qua các trống đồng ta thấy người Đông Sơn đã có
một tri thức khá cao về luyện kim, chế tạo đồ đồng, đồ sắt. Khi tái hiện
thế giới hiện thực họ đã không chú ý đến chi tiết của đối tượng được miêu
tả, mà chỉ chú ý đến những đặc điểm cơ bản, và thể hiện chúng bằng những
đường nét ước lệ, cách điệu nhưng rất sinh động.
Nhà khảo cổ học Pháp Madeleine Colani cho rằng
ngôi sao nhiều cánh giữa mặt trống đồng là hình mặt trời, còn người,
chim, hươu trên mặt trống đều xoay quanh mặt trời theo chiều ngược kim đồng
hồ, trùng với chiều của quả đất xoay quanh mặt trời. Vành ngoài cùng của
trống đồng Ngọc Lũ chứa 336 vòng tròn nhỏ ứng với chu kỳ một năm mặt
trăng quay quanh mặt trời. Qua trống đồng rất có thể cư dân Đông Sơn đã
có lịch pháp riêng cần thiết cho nông nghiệp và hàng hải. Theo Bùi Huy Hồng,
thời Hùng Vương đêm có 5 giờ, ngày có 5 giờ. Mỗi giờ lại chia làm 10 khoảng.
Những chiếc thuyền trên tang trống có thể là
nghi lễ đưa tiễn hồn người chết, có thể là lễ hội cầu mùa - một lễ nghi
chủ yếu của cư dân nông nghi. Rất có thể những nghi lễ nông nghiệp khác
như hát đối, tục đua thuyền, tục thả diều có từ thời này.
Thời kỳ Đông Sơn, theo GS. Hà Văn Tấn đã hình
thành tư duy lưỡng hợp (lưỡng phân) giữa khô và ướt, lửa và nước, Nhật và
Nguyệt, chim và rắn, thấp và cao, v.v. Theo Porée-Maspéro, văn hóa, phong
tục, thần thoại, trống đồng,... ở đây đều biểu hiện tính lưỡng hợp, giao
tranh, giao hòa giữa các yếu tố đối lập.
Quan niệm về thế giới nổi bật nhất là truyện
bánh chưng bánh dầy. Người Việt cổ cho rằng trời thì tròn còn đất thì
vuông. Tròn là sáng tạo, vuông là vạn vật. Bởi vậy, bình dân có câu:
"Mẹ tròn con vuông", hay "Trăm năm tính cuộc vuông
tròn" là vậy. Nhìn chung, tư tưởng triết học Việt Nam thời tiền, sơ
sử còn khá đơn giản, mộc mạc, chất phác.
III. Sự phát triển tư tưởng triết học Việt Nam
trong cuộc đấu tranh thời Bắc thuộc
Thời Bắc thuộc kéo dài từ thời phụ thuộc vào nhà
Hán (110 Tr. CN) (có người cho nó bắt đầu từ Triệu Đà chiếm được nước Âu
Lạc của An Dương Vương, năm 207 Tr. CN) tới năm 939 khi Ngô Quyền giành
được độc lập. Nhưng trước Ngô Quyền đã có Dương Đình Nghệ, cha con Khúc Hạo
nổi dậy trong lúc nhà Đường mất (906), Nam Bắc phân tranh. Bởi vậy, nếu
nói thời kỳ Bắc thuộc thì phải kể ra ba thời điểm tương đối quan trọng:
Thời Hán (293 năm), thời Ngũ đại (314 năm) và thời Tùy Đường (304 năm).
Điểm nổi bật của giai đoạn này là dân tộc ta bị
vong quốc, trở nên phụ thuộc, nô lệ, đất nước ta trở thành những châu quận
của phương Bắc; nhân dân ta sống trong khổ cực, hờn căm và tủi nhục. Mâu
thuẫn cơ bản nổi bật ở đây là cuộc đấu tranh giữa nhân dân ta với quân
xâm lược, giữa khuynh hướng Hán hóa và chống Hán hóa. Tùy từng thời kỳ,
tùy thế và lực của mỗi bên mà mâu thuẫn này lúc căng, lúc dịu.
Phân tích thời kỳ Bắc thuộc, một số học giả cho
rằng, do ta ở khá xa Trung Quốc, đường xá hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt
nên chính quyền đại diện phương Bắc nhiều khi chỉ hữu danh vô thực.
Về mặt tư tưởng, giai đoạn Bắc thuộc cũng là
giai đoạn tam giáo (Nho, Phật, Lão) truyền vào nước ta, trong đó Phật
giáo là nổi trội hơn cả. Nếu Nho, Lão vào nước ta theo vó ngựa của quân
xâm lược thì Phật vào nước ta chủ yếu bằng đường biển trực tiếp từ Ấn Độ.
Trung tâm Phật giáo Luy Lâu, mà có nhà nghiên cứu còn cho rằng nó có sớm
hơn cả trung tâm Bành Thành và Lạc Dương của Trung Quốc. Cuốn "Lý hoặc
luận" - cuốn sách đầu tiên của Phật giáo Trung Quốc, theo nhiều học
giả, được Mâu Tử viết ở Bắc Việt Nam. Những khuynh hướng Phật giáo Việt
Nam sau này: Thiền, Phật giáo dân gian, v.v... đều có mầm mống ở giai đoạn
đầu tiên này (II-III). Năm 580 ở Việt Nam đã xuất hiện dòng thiền Tì Ni
Đa Lưu Chi (Vinitaruci) và năm 820 lại xuất hiện dòng thiền Vô Ngôn
Thông.
Trong "Lý hoặc luận", khi đả phá quan
điểm đại Hán, Mâu Tử đã cho rằng đất Hán chưa hẳn là trung tâm trời đất
(Hán địa vị tất địa tất vi thiên trung dã).
Mâu Tử đều gọi Nho, Phật, Lão là đạo. Đạo không
vì ca ngợi mà thành sang, không vì chê bai mà thành hèn, nó mênh mông như
trời, thẳm sâu như biển; nó không có tên, không thể mô tả được. Bản chất
của đạo là ở nhà có thể thờ cha mẹ, làm chủ một nước có thể trị dân,
riêng bản thân có thể sửa mình. Đạo là con đường dẫn đến “vô vi”. Như vậy,
theo Mâu Tử,”vô vi” của Lão là bản thể của đạo, của tam giáo.
Ở Phật, vô vi gần với hư vô, vô tâm, gần với cái
lặng sâu kỳ diệu; ở Lão, vô vi là không làm nhưng lại là làm tất cả, sống
nhu thuận theo tự nhiên; ở Nho, vô vi là vô tư, đạm bạc, chất phác. Để đạt
đến bản thể - vô vi (Ngôi nhà chung) này mỗi giáo đi theo một con đường
và vào bằng những cửa khác nhau: Phật dùng bố thí, trì giới; Lão dùng đức
giảm dần; Nho dùng nhân nghiã để giữ tính. Người có căn cơ khác nhau thì
đi bằng những con đường khác nhau.
Mỗi giáo có phạm vi, ứng dụng khác nhau: Khổng sửa
sang việc đời, Phật, Lão để chí vô vi. Như vậy, Nho nghiêng về nhập thế,
còn Phật, Lão nghiêng về xuất thế. Mặc dù thế nhưng chúng không đối lập
nhau, mà bổ sung cho nhau, trong đó Phật là cao hơn cả. Đó cũng là cuộc tổng
hợp, hỗn hợp, hỗn dung, đụng độ đầu tiên giữa Nho, Phật, Lão trên mảnh đất
Việt Nam.
Sự hỗn dung giữa tam giáo và tư tưởng bản địa mà
hạt nhân là tư tưởng yêu nước tạo nên thế giới quan và nhân sinh quan của
người Việt thời Bắc thuộc.
Tư tưởng yêu nước, ý thức cộng đồng dân tộc ban
đầu được thể hiện qua các huyền thoại "Đồng bào" (cùng một cái
bọc mà ra) của Lạc Long Quân và Âu Cơ; huyền thoại Kinh Dương Vương cũng
nói lên Việt và Hán cùng có chung một tổ tiên - đó là Viêm Đế họ Thần
Nông, chứ không phải Hán là Hạ mà Việt là Man Di.
Ý thức cộng đồng đã đạt đến đỉnh cao ở Lý Bí.
Sau khi đánh đuổi quân Lương, ông tự xưng là Nam đế, đặt quốc hiệu là Vạn
Xuân, đóng đô ở Long Biên. Đặt tên nước là Vạn Xuân là có ý đồ mong muốn
sự lâu bền muôn đời của đất nước, từ đó tạo lập tư tưởng quyết tâm gìn giữ
đất nước độc lập lâu dài.
Qua lăng kính tư tưởng yêu nước, ý thức cộng đồng
mà Nho Phật Lão cũng có sự biến cải. Chẳng hạn, Phật ở giai đoạn này cũng
phải là người cứu dân ra khỏi lầm than khổ cực bằng cách tham gia chống hạn
(Phật Mẫu Man Nương), gạt bỏ những tên quan tham lam tàn bạo (trong tư tưởng
của Mâu Tử và Khương Tăng Hội) và nguyền rủa bọn phương Bắc bằng quan điểm
gieo ác sẽ gặp ác, gieo gió sẽ gặp bão. Phật ở Giao Châu lúc đầu là ông
thần có phép lạ khuyến thiện trừ ác, sau đó trải qua cuộc khủng hoảng ở
thế kỷ VI qua sáu bức thư, Phật từ ông thần trên mây được đưa vào tâm người
bởi hai phái Thiền Tỳ Li Đà Lưu Chi và Vô Ngôn Thông với quan điểm tức
tâm tức Phật, Phật không ngoài tâm, ngoài tâm không có Phật. ở một khía cạnh
nào đó có thể nói sự chuyển biến của Phật giáo thời Bắc thuộc là từ chủ
nghĩa duy tâm khách quan đi đến chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Điều này phản
ánh một hiện thực lịch sử là muốn đứng lên giải phóng dân tộc không thể
trông chờ vào một lực lượng siêu nhiên bên ngoài mà phải phát huy nội lực
vốn có của dân tộc, của mỗi con người. Như vậy, lịch sử cho thấy, mặc dù
thời Bắc thuộc kéo dài hàng ngàn năm nhưng chúng ta không bị đồng
hoá vì:
Thứ nhất, như ta đã phân tích, nhân dân ta luôn
có ý thức cộng đồng, tinh thần yêu nước lúc ngấm ngầm, khi trào dâng,
càng ngày càng mãnh liệt. Bởi vậy, không sớm thì muộn nhất định chúng ta
sẽ giành được độc lập.
Hai là, về mặt văn hoá, chúng ta đã có một nền
văn hoá bản địa phát triển từ thời các vua Hùng. Mặt khác, đến thời kỳ Bắc
thuộc, để đối trọng với văn hoá Trung Hoa mà đại diện là Nho giáo, người
Việt xưa đã xiển dương nền văn hoá Ấn Độ mà đại diện là Phật giáo. Không
phải ngẫu nhiên mà Phật giáo ở giai đoạn Bắc thuộc lại là Phật giáo mang
đậm màu sắc Ấn Độ. Điều này nói lên rằng trong những buổi đầu dựng nước
và giữ nước, vô tình hay hữu ý, ông cha ta đã biết chống lại sự đồng hoá
về mặt văn hoá của Hán tộc, bằng cách đề cao một nền văn hoá khác lớn
không kém gì văn hoá Trung Hoa - Văn hoá Ấn Độ mà đại diện là Phật giáo Ấn
Độ. Qua sự đối trọng này mà văn hoá bản địa vẫn được duy trì, giữ vững và
tiếp tục đi theo con đường của riêng nó. Không những thế nó còn tiếp thu
có chọn lọc những giá trị văn hoá nhân bản khác để làm phong phú thêm cho
nền văn hoá của mình. Và cũng chính điều đó quy định trước việc đề cao Phật
giáo ở những giai đoạn sau, giai đoạn Đinh, Lê, Lý, Trần.
IV. Tư tưởng triết học Việt Nam thời kỳ phục hồi
và xây dựng quốc gia độc lập (thế kỷ X - XIV)
Từ thế kỷ X (939) đến hết thế kỷ XIV (1399) là
thời kỳ phục hồi và xây dựng đất nước, nó trải dài qua năm triều đại:
Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, trong đó quan trọng nhất là thời Lý - Trần (1010
- 1399). Đây là thời kỳ các xu hướng tư tưởng triết học Việt Nam hình
thành và phát triển gắn liền với những chiến công xây dựng và bảo vệ đất
nước.
Về kinh tế, nhà nước đặc biệt quan tâm đến sản
xuất nông nghiệp. Điều này thể hiện ở việc xây dựng quản lý các công
trình thủy lợi (đê Cơ Xá thời Lý), đẩy mạnh khẩn hoang, nhà vua cử hành lễ
cày tịch điền vào đầu tháng giêng hàng năm, chính sách "ngụ binh ư
nông",… Từ đó nông nghiệp phát triển và kéo theo các nghề thủ công
nghiệp (dệt vải, nung gạch ngói, đồ gốm, luyện kim, đúc chuông ...) đều
phát triển. Việc trao đổi hàng hoá trong nước và buôn bán với nước ngoài
được đẩy mạnh với các đường thuỷ bộ tấp nập.
Ruộng đất suy cho cùng là thuộc nhà nước đứng đầu
là vua. Bên dưới còn có điền trang, thái ấp của quý tộc và ruộng của nhà
chùa. Tư hữu ruộng đất đã có từ đầu Lý và phát triển mạnh vào cuối Trần.
Về giai cấp, có tầng lớp quý tộc, quan lại đứng
đầu nhà nước là nhà vua, tầng lớp tăng lữ, nông dân, nông nô và nô tỳ
trong các điền trang thái ấp; thợ thủ công và lái buôn; địa chủ và nho sĩ
ngày càng tăng ở cuối thời Trần. Tất cả những giai cấp này tuy có nơi; có
lúc đấu tranh với nhau, nhưng đều có một nhiệm vụ chung là dựng nước và
giữ nước. Chính nhiệm vụ cứu nước đã làm cho các giai cấp đối kháng xích
lại gần nhau để chiến đấu chống kẻ thù chung và tạo nên những chiến công
hiển hách. Nhưng khi hết quân xâm lược, giai cấp thống trị đi vào con đường
ăn chơi hưởng lạc, xã hội đi xuống thì mâu thuẫn giữa thống trị và bị trị
lại nổi lên bằng những cuộc khởi nghĩa nông dân ở cuối triều Lý và cuối
triều Trần.
Năm 1070 nhà Lý lập Văn Miếu, 1075 mở khoa thi đầu
tiên gọi là minh kinh bác học, 1076 lập Quốc Tử Giám. Thời Lý - Trần liên
tục mở các khoa thi để chọn người hiền tài. Chính vì vậy mà trong tầng lớp
lãnh đạo cuối Trần đã phân làm hai: Tầng lớp quý tộc tôn thất nhà vua và
tầng lớp quan lại Nho sĩ. Cùng với sự phát triển của chế độ tư nhân về ruộng
đất gắn liền với tầng lớp địa chủ, tầng lớp này ngày càng có ưu thế. Sự
ra đời tầng lớp lao động trí óc là điều kiện cho sự hình thành và phát
triển tư duy lý luận của dân tộc.
Thời Lý - Trần, văn học, nghệ thuật, chèo, tuồng,
kiến trúc, điêu khắc đều phát triển.
1. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam (X - XVI)
Những cuộc chiến thắng oanh liệt của quân và dân
ta đối với đội quân xâm lược phương Bắc (Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán,
Lê Hoàn đánh tan quân Tống, nhà Lý còn sang tận đất Tống chủ động đánh địch
khi địch đang chuẩn bị tiến hành xâm lược nước ta, đặc biệt là ba lần
đánh tan quân Nguyên của nhà Trần) đã thổi một luồng sinh khí mới vào tư
tưởng yêu nước, đã làm cho ý thức cộng đồng và lòng tự hào dân tộc có bước
phát triển mới ... Điều này thể hiện rõ qua Bản tuyên ngôn độc lập đầu
tiên của nước ta, bài "Nam quốc sơn hà". ở đây vấn đề độc lập,
chủ quyền được trịnh trọng tuyên ngôn một cách đanh thép. Trước đó, năm
1054, sau khi Lý Thánh Tông lên ngôi đã đặt hiệu nước ta là Đại Việt. Nếu
năm 968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, quốc hiệu
là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (năm sau phong cho con trưởng là Nam Việt
Vương); thì đến năm 1054, Lý Nhật Tôn lên ngôi Hoàng đế, đổi quốc hiệu là
Đại Việt, đóng đô ở kinh thành Thăng Long. Đó quả là một bước tiến dài
trên con đường tự khẳng định mình. Khác với lần trước, lần này sau 22 năm
(tức năm 1076) bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên đã ra đời, khẳng định nước
ta có vua (Nam đế) ngang hàng với Hoàng đế phương Bắc. Quyền độc lập, tự
chủ, bình đẳng giữa các nước là một điều thiêng liêng bất khả xâm phạm,
hiển nhiên không một ai có thể chối cãi được. Bất cứ kẻ thù nào động chạm
tới nền độc lập tự chủ ấy đều không tránh khỏi chuốc lấy thất bại thảm hại.
Nam quốc sơn hà nam đế cư (Sông núi nước Nam,
vua Nam ở).
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư (Rõ ràng phân định tại sách trời)
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm (Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm)
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư (Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời)
Sang thời Trần những tư tưởng về sự tồn tại lâu
dài (Vạn Xuân) của giang sơn đất nước, của núi sông nước Đại Việt ngày
càng được khẳng định.
Chính lòng tự hào dân tộc, chủ nghĩa yêu nước đã
tạo nên những chiến công hiển hách trước quân Tống, quân Nguyên. Và sự
chiến thắng Tống - Nguyên làm nức lòng mọi người, đưa lòng tự hào dân tộc
và chủ nghĩa yêu nước Đại Việt lên một bước mới.
Chính cái đó nó đã làm nền sản sinh ra dòng thiền
Thảo Đường thời Lý và dòng Trúc Lâm thời Trần, đã ra đời chữ Nôm và việc
dùng thuốc Nam để chữa bệnh cho mọi người. Sự hình thành thiền phái Trúc
Lâm Yên Tử là hệ quả, lôgic tất yếu để tiếp nối và hoàn tất sự nghiệp
vang dội ở bến Chương Dương, cửa Hàm Tử, sông Bạch Đằng.
Lòng tự hào dân tộc, ý chí độc lập tự cường, chủ
nghĩa yêu nước còn được thể hiện ở những tư tưởng sáng suốt của các minh
quân thời kỳ Lý- Trần. Từ những năm 1267, Nho sĩ bắt đầu được giữ quyền
bính. Trong tầng lớp lãnh đạo đã phân chia làm hai: quý tộc tôn thất nhà
vua ủng hộ Phật giáo và quý tộc bàn giấy (hành khiển) với những khuôn
pháp lễ nghĩa của phương Bắc, xuất thân từ các nhà Nho, ủng hộ Nho giáo.
Đứng trước mâu thuẫn ngày càng tăng như vậy, Vua Trần Minh Tông nói :
"Nhà nước đã có phép tắc riêng, Nam Bắc khác nhau, nếu nghe theo kế
của bọn học trò mặt trắng tìm đường tiến thân thì sinh loạn ngay ".
Ông phê phán bọn nhà Nho, là một Phật tử nhưng ông cũng phê phán cả bọn
theo Phật quá khích.Yêu nước gắn liền với thương dân, các triều Lý Trần đều
coi "ý dâ n", "lòng dân" là cơ sở của mọi quốc sách.
Trong Chiếu dời đô, Lý Công Uẩn khẳng định: "Trên vâng mệnh
trời, dưới theo ý dân, thấy thuận tiện thì thay đổi, cho nên vận nước lâu
dài, phong tục phồn thịnh". Trần Quốc Tuấn đưa ra chính sách Khoan
thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách để giữ nước. Lòng
thương dân còn thể hiện ở việc phát chẩn thóc hoặc giảm thuế khi mất mùa.
Không chỉ thương dân mà còn tôn trọng dân, phát huy sức mạnh của dân. Điều
đó thể hiện qua hội nghị Diên Hồng, hội nghị Bình Than đời Trần.
Chủ nghĩa yêu nước còn được thể hiện trong khí
tiết khảng khái của các anh hùng thời Lý Trần. Trần Quốc Tuấn trước Vua
tuyên bố "Bệ hạ hãy chém đầu tôi trước rồi hãy đầu hàng". Trần
Bình Trọng bị bắt vẫn hiên ngang thét vào mặt quân thù : "Ta thà làm
quỷ nước Nam chứ không thèm làm Vương đất Bắc".
Yêu nước có nghĩa là lấy ý muốn của dân làm ý muốn,
mong muốn của mình (Dĩ thiên hạ chi dục vi dục, dĩ thiên hạ chi tâm vi
tâm). Đó cũng là tư tưởng của ông Vua, vị thiền sư, nhà Phật tử Trần Thái
Tông. Qua đây, ta thấy chủ nghĩa yêu nước thời Lý Trần mang đậm sắc thái ảnh
hưởng của Phật giáo. Điều này cũng đúng với sự hình thành, phát triển tư
tưởng triết học ở thời kỳ lịch sử này và khác với chủ nghĩa yêu nước Việt
Nam ở những giai đoạn sau.
2. Tư tưởng triết học Phật giáo Việt Nam (X -
XIV).
Triết học Phật giáo thời kỳ X - XIV được tập
trung ở hai vấn đề : bản thể và con đường trở về bản thể.
a. Bản thể luận.
Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi đã có một loạt khái
niệm có tính chất bản thể như "thể", "diệu bản",
"chân tính", "chân thân", "pháp tính",
"hư vô", "tâm ấn", v.v... Bản thể là bất sinh, bất diệt,
không được không mất. Bản thể và hiện tượng như nước và sóng.
"Chân thân thành vạn tượng
Vạn tượng tức chân thân"
Ngoài những khái niệm trên, dòng Vô Ngôn Thông
còn dùng những khái niệm sau để chỉ bản thể: “tâm”, "chân như",
"Phật tính", "Pháp thân", "Hư không". Theo
họ, "Thể ư tự nhiên". Mọi vật đều có chung bản thể này. Bản thể
và hiện tượng là bất hợp, bất phân ly:
"Sắc thân dữ diệu thể,
Bất hợp bất phân ly"
Theo họ, "Nhất thiết chư pháp giai tòng tâm
sinh". Đây là quan điểm duy tâm theo đúng nghĩa của nó. Quan điểm
này chi phối toàn bộ Phật giáo Việt Nam thời Lý Trần và cả sau này. Kế thừa,
phát triển những tư tưởng trên, Trần Thái Tông đưa ra khái niệm
"Không", "Hư". Trong "Khóa hư lục" ông cho
rằng "Do không khởi vọng, vọng thanh sắc, sắc tự chân không, Thị vọng
tòng không, không hiện vọng, vọng sinh chúng sắc".
"Chúng sinh ảo cấu, tòng vọng nhi
sinh". Cụ thể ông nói: “Cái do niệm khởi, duyên hội, ngũ uẩn hợp
thành, thể mạo vong sinh, hình dung giả xuất”. Niệm ở đây chính là hành,
là nghiệp. Bởi vậy, mục đích trong triết học của ông là thủ tiêu niệm
"Thùy vô niệm thùy vô sinh".
Ở Trần Thái Tông, bản thể còn là "Bất nhã
thiện căn", "Bồ đề giác tính", "Bản lai diện mục".
Những cái này ai ai cũng có, nhưng vì tham sân si mà đánh mất chúng.
Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) đã dùng khái niệm
"bản thể" và cho rằng "bản thể như nhiên tự không tịnh".
Như vậy, bản thể tự không tịnh, tồn nhiên như nhiên, hồn nhiên muôn đời,
chẳng được chẳng mất. Ông còn nói: "Bản thể như như chỉ tự
nhiên", tức bản thể là cái tự nhiên như thế là như thế, không phải cầu
ở đâu cả.
Nếu Trần Thái Tông dùng "Bản lai diện mục"
thì Tuệ Trung dùng "Nương sinh diện" (mặt người mẹ). Bản thể
còn là điểm bắt đầu, là gốc (mô lai tị). Không thể dùng "trí"
mà biết được bản thể, không thể dùng thức mà hiểu được bản thể. Nếu ở Trần
Thái Tông từ không khởi vọng, vô minh, niệm thì ở Tuệ Trung, từ không
(vô) xuất hiện huyễn hoá (ảo hoá, vô minh) phân thành nhị kiến.
"Thân tông vô tướng bản lai không
Huyễn hoá phân sai thành nhị kiến"
Xuất hiện vô minh cũng là xuất hiện nhị kiến, có
nhị kiến là do vô minh, thủ tiêu nhị kiến thì vô minh tự diệt. Do đó, nhiệm
vụ của Trần Thái Tông là thủ tiêu niệm, còn ở Tuệ Trung là thủ tiêu nhị
kiến (Vong nhị kiến).
Để chỉ bản thể, Trần Nhân Tông dùng khái niệm
"bản" vì khuây bản (quên mất gốc) nên mới tìm Bụt vì Bụt ở
trong nhà, chẳng phải tìm xa. Nếu những khái niệm chỉ bản thể ở trên cho
ta mường tượng nó tồn tại ở khắp mọi nơi thì đến Trần Nhân Tông ta có cảm
giác nó chỉ tồn tại trong con người. Và bản cũng chính là tâm, lòng, Phật,
báu vật trong mỗi người mà họ không biết. Phật, Tịnh độ là lòng trong sạch.
Nếu ở Trần Thái Tông dùng Bồ đề giác tính thì Trần Nhân Tông dùng tính
sáng (giác tính), đối lập với vô minh. Ông kêu gọi trở về một lòng, nhất
tâm. Ông cho rằng chỉ vì phân biệt kén chọn, nên sinh ra lắm mối nhiêu giềng
(dường). ở đây ta thấy phân biệt kén chọn cũng là nhị kiến ở Tuệ Trung.
Như vậy, tư tưởng là một, nhưng những thiền ngữ ở Thái Tông bóng bẩy hơn,
của Tuệ Trung mạnh mẽ, mãnh liệt hơn, còn ở Nhân Tông thực tế hơn, chững
chạc hơn.
b. Con đường trở về bản thể.
Muốn trở về với bản thể, theo thiền phái Tì Ni
Đa Lưu Chi là phải quay đầu vào trong, đừng vướng vào có không; còn thiền
phái Vô Ngôn Thông, phải hội đắc được chân như, đạt đến tâm không, hư vô
tâm. Dĩ nhiên, trước hết và đầu tiên phải tu dưỡng đạo đức, cái mà Phật
giáo gọi là giữ giới. Tiếp theo giai đoạn giới là định. Không thể có định,
có sự tập trung cao độ của tinh thần, tư tưởng, nếu thân và tâm không
trong sạch. Khi đầu óc cháy bỏng bởi những khát vọng, ham muốn, tham lam,
ích kỷ; khi tâm hồn bị thiêu đốt bởi dục vọng; khi tâm tính mịt mù, mờ mịt,
thì không thể có một nhận định thực sự khách quan, trung thực, chính xác,
đúng đắn về sự vật hiện tượng được. Bởi vậy, giới (tu dưỡng đạo đức) là
điều kiện không thể t hiếu được cho việc tập trung tinh thần (định). Mà
có tập trung tinh thần thì mới có trí tuệ được. Có trí tuệ thì mới trở về,
thể nhập với bản thể,tức ngộ hay giải thoát. Do đó, giới định tuệ trong
Phật giáo liên hệ mật thiết với nhau, bổ xung cho nhau, làm điều kiện cho
nhau để đi đến giải thoát.
Trần Thái Tông kêu gọi quay đầu lại trở về quê
hương, buông thả tâm thì chìm sâu địa ngục; phải hồi quang phản chiếu, vô
khổ ngoại cầu; phải biện tâm, kiến tính. Để trở về với bản thể, Trần Thái
Tông đưa ra hệ thống luyện tập gọi là "Lục thì sám hối khóa nghi tự"
chia một ngày đêm làm sáu buổi, mỗi buổi sám hối một căn, hết ngày này
qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, dần dần nó biến tâm hành giả
thành hư vô - cái bản thể không thể hiện ở mỗi con người. Để trở về với bản
thể, Thượng Sĩ dùng phương pháp vong nhị kiến, buông bỏ tất cả (phá chấp)
từ đó sẽ có một cuộc sống ung dung tự tại (phóng cuồng). Trở về bản thể đối
với Trần Nhân Tông là phải đến một lòng, nhất tâm, diệt vô minh (giữ tính
sáng).
Nhìn chung, triết học Phật giáo (X- XIV), đặc biệt
thời Lý Trần là triết học duy tâm theo đúng nghĩa của nó.
V. Tư tưởng triết học Việt Nam thế kỷ XV đến
1858
1/ Thời Lê sơ
Sau khi đánh tan quân Minh, Lê Lợi lên ngôi vua,
một tầng lớp địa chủ quan liêu mới ra đời, chế độ quân điền ức thương được
thi hành. Kinh tế xã hội chủ yếu vẫn là nông nghiệp - nông thôn - làng
xã. Khác với thời Trần, các công thần thời Lê sơ được trao chức, chứ
không phong tước, chia đất; Nho sĩ chiếm số lượng lớn trong đội ngũ quan
liêu; từ đó tạo ra một bộ máy quan liêu hành chính.
Do yêu cầu muốn độc tôn Nho giáo nên Phật giáo
ngày càng đi xuống, dồn về những vùng nông thôn làng xã. Thời Lê sơ, Nho
giáo chi phối hầu hết mọi lĩnh vực, trước hết trong hệ thống giáo dục từ
địa phương đến triều đình. Lê Thánh Tông cho lập bia Tiến sĩ ở Quốc Tử
Giám. Thời Lê sơ, Nho giáo là hệ tư tưởng chủ đạo. Làng nước lấy "hiếu"
làm trục hoành, "trung" làm trục tung để giàng buộc, liên kết,
tự điều chỉnh, làm chất keo dính chặt mọi thành viên trong xã hội. Tư tưởng
Nho giáo thời Lê sơ ảnh hưởng ở khía cạnh đạo đức, ứng xử, văn học, còn
khía cạnh triết học, triết lý thì rất hạn chế. Thắng lợi của cuộc khởi
nghĩa Lam Sơn đã đưa vấn đề con người, dân tộc nổi trội lên hàng đầu. Để
minh hoạ điều này, ta đi sâu vào một nhà tư tưởng tiêu biểu là Nguyễn
Trãi (Qua những tác phẩm của ông, chẳng hạn như Quân trung từ mệnh
tập, Đại cáo bình Ngô, ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Dư địa chí,
v.v.).
Quan niệm về quốc gia, dân tộc ở Nguyễn Trãi đã
tiến lên một bước quan trọng khi ông xác định "Quốc" bằng lãnh
thổ, văn hóa, phong hoá, và lịch sử.
Về lãnh thổ, ông cho rằng ngay từ xưa Giao Chỉ
đã không phải lãnh thổ Trung Quốc, ở ngoài cương giới Trung Quốc. Ông chỉ
rõ: "Nước An Nam xưa bị Trung Quốc xâm chiếm là từ Tần, Hán trở đi.
Phương chi trời đã phân cách Nam Bắc có núi cao sông lớn, bờ cõi rành
rành".
Về văn hiến, theo ông, tuy An Nam ở ngoài Ngũ
Lĩnh mà có tiếng là nước thi thư, những bậc trí mưu tài giỏi đời nào cũng
có.
Về văn phong, tập quán là hoàn toàn khác Trung
Quốc từ hàm răng mái tóc, cách thức ăn mặc cho đến cưới xin, ma chay, giỗ
tết, đình đám, hội hè, cách làm ăn sinh sống. Ông nói: "Người nước
không được bắt chước ngôn ngữ và y phục của các nước Ngô, Chiêm, Lào,
Xiêm, Chân Lạp để làm loạn phong tục trong nước"(Dư địa chí).
Lịch sử dân tộc ta rất oai hùng qua nhiều triều
đại với những hoàng đế riêng và nhiều anh hùng hào kiệt. Nước ta là một
quốc gia độc lập. Ai xâm phạm tới, trước sau sẽ chuốc lấy sự thất bại.
"Xét nước Đại Việt ta
Thật là một nước văn hiến
Bờ cõi sông núi đã riêng
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi đàng làm đế một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Mà hào kiệt không bao giờ thiếu".
Đây là quan niệm rõ ràng và tương đối hoàn chỉnh
về quốc gia dân tộc, về chủ quyền ngang hàng với phương Bắc của Nguyễn
Trãi lúc bấy giờ. Đây cũng là bản tuyên ngôn độc lập hào hùng của dân tộc
ta ở thế kỷ XV.
Vấn đề con người trong tư tưởng Nguyễn Trãi được
tập trung ở khái niệm nhân nghĩa và đạo làm người.
Nhân nghĩa ở ông là một đường lối, chính sách cứu
nước và dựng nước, trong kháng chiến chống giặc cũng như trong xây dựng
hoà bình. "Kẻ nhân giả lấy yếu chế mạnh, kẻ nghĩa giả lấy ít địch
nhiều", "Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân làm thay đổi
cường bạo", cao hơn nữa, nhân nghĩa còn là cơ sở của đường lối, chuẩn
mực của ứng xử, giải quyết mọi việc, nó là phương pháp luận cho mọi suy
nghĩ, hành động. "Đạo làm tướng lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm
của"; "Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công
to phải lấy nhân nghĩa làm đầu". (Lại thư trả lời Phương Chính).
Nhân nghĩa còn thể hiện ở việc tha cho hàng binh
để tuyệt mối chiến tranh sau này, để tiếng thơm muôn thuở.Tư tưởng nhân
nghĩa còn thể hiện ở việc lên án chiến tranh, yêu hoà bình: "Đồ binh
khí là thứ hung bạo, đánh nhau là việc nguy hiểm, thánh nhân bất đắc dĩ mới
dùng đến".
Tư tưởng nhân nghĩa của ông còn thể hiện ở tư tưởng
lấy dân làm gốc: "Chở thuyền và lật thuyền cũng là
dân","Dân như nước", "Theo ý mình mà ức lòng người, tất
đến trăm năm oán giận". Từ đó "Dân tâm" (lòng dân) đã trở
thành cơ sở cho chủ nghĩa nhân đạo của ông.
Như vậy, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đã
đạt đến tư tưởng nhân đạo cao cả.
Chủ nghĩa nhân đạo này dựa trên một số tư tưởng
có tính chất duy vật ở ông, chẳng hạn "Đói rét thiết thân thì không
đoái gì đến lễ nghĩa" (Tấu cầu phong), "Một buổi không có ăn,
cha con hết tình nghĩa" (Lại thư cho Vương Thông), khiến cho nó mang
tính hiện thực, tích cực, toàn diện. Chính vì vậy, ông chủ trương dẹp
xong quân giặc, chia nửa số quân về làm ruộng.
Đạo làm người ở ông là phải vươn tới mẫu người
quân tử, hào kiệt, đại trượng phu, phải có ba đức tính: nhân, trí, dũng.
Đạo làm người của ông được phát triển từ đạo làm
người của Nho, nhưng lại khác Nho ở chỗ trung không phải là trung với một
triều đại, một ông vua, mà là trung với nước, nhân không phải là lòng
thương người chung chung mà là hướng vào người nghèo khổ, là yêu dân, cứu
dân. Như vậy, ông đã phát triển đạo làm người của Nho giáo trong điều kiện
giữ nước và dựng nước lúc bấy giờ.
Ông đã tìm thấy mối quan hệ nhân quả giữa các sự
vật hiện tượng, đặc biệt khi phân tích nguyên nhân của chúng. "Phúc
hay hoạ đều có manh mối từ lâu, không phải gây nên bởi một ngày".
Ông nói: "Xem việc làm như thế nào, xét duyên do vì sao lại như thế,
sự vui vẻ do đâu mà có. Thế thì nhân tình thực dối thế nào, mảy may cũng
không thể che dấu được" (Lại thư cho Vương Thông, Sơn Thọ).
Ông đã nhìn thấy và giải quyết tốt mối liên hệ
chằng chịt giữa cái nhỏ và cái lớn, giữa việc gần và việc xa, giữa lợi
ích trước mắt và lợi ích lâu dài, khi ông nói: "Không thấy việc nhỏ
mà hại việc lớn, không lấy nhìn gần mà lãng nhìn xa" (Lam Sơn thực lục).
Sự vật, hiện tượng, con người luôn biến đổi (mệnh không thường), việc đời
phức tạp (trời khó khăn) nên phải nghĩ chỗ khó mà mưu việc dễ. Công khó
thành mà dễ hỏng nên phải cẩn thận lúc đầu mà tỉnh về sau. "Phải coi
chừng mối hoạ loạn có khi do yên ổn mà nên. Phải đón ngăn ý kiêu sa có
khi do sung sướng mà đến". Nếu cần phải "nghĩ giữ nước từ khi
chưa nguy", "Phải cẩn thận lúc trước để tính lúc sau, phải làm
nên việc lớn từ việc nhỏ".
Giữa chủ quan (lòng người, ý người, ý dân, sức
người, sức dân) và khách quan (lẽ trời, vận trời, sức trời, lòng trời -
xu thế lịch sử khách quan, xu thế thời đại) có mối liên hệ biện chứng.
"Trên hợp lòng trời. Dưới hợp lòng người". Trong hai cái đó, mặc
dù dưới dạng thần bí nhưng ông đã thấy ra cái thứ hai là cơ sở quy định
cái thứ nhất. "Phải thuận được lòng trời mới hợp được lòng người".
Khi đã hiểu ra cái thứ hai thì phải lượng sức mình, hiểu đúng thực lực của
mình, từ đó nâng cao tính năng động để đạt đến mục đích. Chẳng hạn như Lê
Lợi dựng nước cơ nghiệp là do "Biết người biết mình, hay yếu hay mạnh",
"đã do trời mà biết thời, lại có trí để công thành" (Phú núi
Chí Linh). Chính cái này đã chống lại chủ nghĩa duy tâm về mệnh trời thần
bí trong Nho giáo.
Chính vì phân tích mối liên hệ chủ quan và khách
quan đúng đắn mà ông tìm ra, phát hiện thời cơ. Thời là lúc hoàn cảnh
khách quan thuận lợi để hoạt động chủ quan con người đạt đến kết quả
không ngờ. Ông kêu gọi "Thời sao, thời sao! Thực không nên lỡ".
Từ hiểu thời, thời mới thông biến. Đó là điều đáng quý ở người quân tử. Mặt
khác, phải tạo dựng lực lượng chủ quan để đón thời, tức tạo "thế",
vì có thời mà không có thế thì thời cơ đến sẽ bỏ lỡ mất. "Được thời
có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hoá ra lớn; mất thời không thế thì mạnh
hoá ra yếu, yếu lại thành nguy. Sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng trở bàn
tay. Cho nên "Điều đáng quý ở người tuấn kiệt là biết thời thế hiểu
sự biến mà thôi".
Từ sự phân tích thời thế, chủ quan khách quan
ông đã đưa ra phương pháp lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, và đã
thành công. Điều đó chứng tỏ tư duy lý luận của ông ở thời đó là hoàn
toàn đúng đắn và nó vẫn còn có ý nghĩa lý luận về sau.
2/ Thời Mạc (1527-1592)
Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập
nên triều Mạc. Trong chính sử nước ta, nhà Mạc không được coi là một
vương triều chính thức. Nhà Mạc cũng có một số biện pháp, chính sách để
xây dựng đất nước. Trong thời Mạc, nổi lên một số nhà tư tưởng là Nguyễn
Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dư, Phùng Khắc Khoan. v.v... nhưng tiêu biểu là Nguyễn
Bỉnh Khiêm (1492-1585).
Thế giới quan của ông. Trời ở ông là giới tự
nhiên chứ không phải là thượng đế có nhân cách, con người là một bộ phận
của giới tự nhiên, giữa trời và người có sự thống nhất, trời và người
cùng quan hệ với nhau lại cùng phù hợp với nhau (Thiên nhân tương dữ hiệu
tương phù). Con người, vạn vật đều sinh ra một cách tự nhiên, muôn loài đều
như nhau (vạn vật đồng). ở đây ông không thấy đặc điểm của con người, xã
hội, đánh đồng quy luật tự nhiên với quy luật xã hội, từ đó dẫn đến quan
điểm thần bí, số mệnh.
Sự phát triển của tự nhiên được ông gọi là đạo
trời, tuân theo luật mà Chu Dịch đã vạch ra. Sự vật có sinh thành, phát
triển mà động lực của phát triển là ở trong bản thân sự vật. Nhưng sự
phát triển ở đây là sự phát triển tuần hoàn, đi rồi lại lại, đó là lẽ thường
của lý (Tuần hoàn vãng phục lý chi thường). Chuyển hoá là một hình thức của
sự phát triển là điều kiện để sự vật này biến thành sự vật khác. Nhưng
ông không thấy được điều kiện của sự chuyển hoá đặc biệt là chuyển hoá
các mặt đối lập mà chỉ biết lẻ rồi chẵn, đầy rồi vơi, tròn rồi khuyết,
v.v... Quan niệm phát triển được gói gọn trong "lý" quy lại
hình vẽ trong Thái cực đồ.
Sự phát triển xã hội, con người được ông gọi là
đạo người phát triển theo kiểu tuần hoàn co duỗi, được mất,... Không thừa
nhận vai trò hoạt động của con người, tất cả ông đều quy về số mệnh, do
trời chi phối (được mất cùng không có gì là không do trời quy định). Đó
là quan niệm duy tâm thần bí phản ánh sự bó tay trước thời cuộc.
Ngay tính người cũng do trời phú, tính người vốn
thiện, tính người không thiện là do vật dục che lấp. Muốn trở về tính thiện,
không phải tìm ở đâu xa, chỉ tìm ở trong tâm. Không có thiên lý thì lòng
người khó tránh khỏi man rợ. Thực ra, đó là những quan điểm của Mạnh Tử,
Chu Hy.
Nội dung đạo người là "trung chính" tức
là "thiện" và "nhân".
Mô hình xã hội ở ông là thời Nghiêu Thuấn, Đường
Ngu. Ông phản đối chiến tranh, đề cao vương đạo (đức trị lấy nhân nghĩa để
cảm hóa, chứ không ràng buộc bằng tam cương, ngũ thường, đó đường lối của
nhà Nho sống gần với dân). Ông nói: "Xưa nay điều nhân là vô địch, cần
gì phải khư khư theo đuổi chiến tranh". Nhân nghĩa ở ông là phải
chăm lo đời sống của dân, đất nước phải hòa bình. "Xưa nay nước phải
lấy dân làm gốc, nên biết rằng muốn giữ được nước, cốt phải được lòng
dân" (Cổ lai quốc dĩ dân vi bản, đắc quốc ưng tri tại đắc dân),
"Mất nghìn vàng chớ mất lòng người" (thất thiên kim chớ thất
nhân tâm).
Theo ông, đạo làm người là phải theo cương thường
của Nho giáo (tam cương, ngũ thường). Nhưng hiện thực xã hội và Vua quan
triều Mạc khiến ông phải tạo ra đạo lý làm người khác. Ông đưa ra khái niệm
"trung tân", trung là đứng giữa không chênh lệch, giữ vẹn được
điều thiện. Trung không chỉ là trung với Vua mà còn hiếu với cha mẹ, thuận
giữa anh em, hoà giữa vợ chồng, tín giữa bạn bè, thấy của phi nghĩa đừng
có lòng tham, vui làm điều thiện, lại có độ lượng bao dung người khác,
suy lòng chí thành để đối đãi với mọi người. Tân là cái bến, biết chỗ
đáng đậu là bến chính, không biết chỗ đáng đậu là bến mê. Những điều này
khác xa so với Nho giáo, so với đạo đức phong kiến.
Phủ nhận tính năng động chủ quan của con người
ông khuyên người ta từ bỏ đấu tranh, sống "Dĩ hòa vi quý". Thi
vị sự vụng về, ghét bỏ sự khéo léo, ông chủ trương sống "an phận"
theo số mệnh.
Nhìn chung, trong tư tưởng của ông có yếu tố biện
chứng nhưng mang đậm màu sắc duy tâm.
3/ Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (Lê Trung Hưng)
a. Lê Quý Đôn (1726 - 1784)
Tác phẩm của ông gồm có Quốc sử tục biên, Đại
Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Quần thư khảo biện, Xuân thu lược luận,
Bắc sử thông lục, Toàn Việt thi lục, Vân đài loại ngữ, Kiến văn tiểu lục,
Thư kinh diễn nghĩa, Dịch kinh phủ thuyết, Hoàng Việt Văn Hải, Quế
Đường thi tập, v.v.
Đóng góp của Lê Quý Đôn không chỉ về mặt sưu tầm,
khảo cứu, mà còn về mặt tư tưởng.
- Về nguồn gốc, bản chất sự vật. Ông cho rằng
khí sinh ra mọi cái : mặt trời, mặt trăng, các vì sao, khoảng không vũ trụ,
sấm, bão, v.v... Như vậy, lập trường triết học của ông mang
tính chất duy vật.
- Về nhận thức, theo ông, lý và khí không đối lập
nhau; Hơn nữa, lý là một thuộc tính của khí, lý ở trong khí, mỗi vật có một
lý. Lý là những quy tắc tồn tại và phát triển của sự vật. Theo ông,
"có vật tức có quy tắc", "cùng lý để biết cho đến
nơi". Như vậy, nhận thức sự vật thì phải nhận thức lý, quy tắc của
nó (tức là quy luật phát triển của sự vật).
- Xem xét con người, theo ông, phải xét tài, đức.
Xét người thì căn cứ vào nết nhỏ, dùng người thì phải dựa vào nết lớn.
Hạn chế ở ông là còn tin vào bói toán, báo ứng,
cho người tài quyết định sự phát triển của lịch sử, v.v.
- Ông là người có ý thức xây dựng một nền văn
hóa tư tưởng phát triển và mang bản sắc dân tộc. Từ đó ông đã xây dựng
lòng tự hào và tự tôn dân tộc, làm tăng lòng yêu con người, yêu đất nước
của người Việt Nam.
- Nhìn chung, ông là một nhà bách khoa, luôn có
ý thức tiếp thu kiến thức của toàn nhân loại. Trong tư tưởng của ông có
những yếu tố duy vật chất phác.
b. Lê Hữu Trác (1720 - 1791)
Lê Hữu Trác hiệu là Hải Thượng Lãn Ông. Tác
phẩm của ông có bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh.
Theo ông, thể xác quyết định tinh thần, tinh thần
phụ thuộc vào thể xác; Tư tưởng tình cảm có nguồn gốc ở cơ thể sống. Ông
nói: "Thất tình (buồn, vui, mừng, giận, yêu, ghét, dục vọng) thuộc
loại vô hình, nhưng cũng do hữu hình mà ra". Mặt khác, tinh thần
cũng tác động lại thể xác, tinh thần thái quá cũng gây bệnh cho cơ thể.
"Quá mừng thì lại hại tâm, mà sinh ra tinh thần bồng bột, mạch tán
loạn".
Loại bỏ quan điểm mệnh trời, ông cho rằng sức
người có thể thay được số trời", dương vượng thì sinh nhiều trai, âm
thịnh thì sinh nhiều gái. Theo ông, thời tiết khác, phong thổ khác, thời
đại khác, thể trạng khác thì cách chữa bệnh cũng khác. Qua đó ta thấy sự
kế thừa sáng tạo của ông.
Nhìn chung, trong tư tưởng của ông có những yếu
tố duy vật và biện chứng nhưng đơn giản theo kiểu âm dương ngũ hành.
c. Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803)
Tác phẩm của ông gồm có Nhị thập thất sử
toát yếu, Bút hải tùng đàm, Hoàng hoa đồ phả, Hàn các anh hoa, Kim mã
hành dư, Xuân thu quản kiếm, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, v.v.
- Ở Ngô Thì Nhậm, thế giới vừa thống nhất, vừa
đa dạng. Mỗi môi trường đều có vật trung tâm và những vật khác xoay xung
quanh nó (trên trời thì mặt trời là trung tâm, xoay quanh nó là trăng,
sao, mây, gió; ở người thì Vua là trung tâm, xung quanh là thần dân). Thống
nhất ở chỗ "Số của trời bắt đầu từ một nguyên, lý của âm dương bắt đầu
từ một khuyên (thái cực), số "một" là nơi hóa công cất dấu những
cái vô tận và thánh nhân chứa đựng những cái bất kiệt", "Vạn vật
quy vào một, lẻ hợp vào xâu, cái lý và số của trời đất, âm dương đều ở
đó".
- Mọi sự vật hiện tượng đều có những mặt đối lập
như thể và dụng, tán và tụ, dị và đồng, cương và nhu, v.v... có cái này
không thể nào không có cái kia. Chúng đối lập nhưng lại gắn bó với nhau,
không thể gạt bỏ nhau, là điều kiện tồn tại của nhau. "Cứng chóng gãy,
mềm bền lâu, dù lưỡi dù rằng không tranh nhau khỏe yếu".
- Quan niệm về mệnh trời. "Thịnh suy,
dài ngắn, vận mệnh do trời, không phải sức người tạo ra được". Như vậy,
nó là lực lượng bên ngoài chi phối mà con người không cưỡng lại được.
Nhưng theo ông, "Lẽ trời ở tại lòng người" (thiên lý tại nhân
tâm).
- Quan niệm về thời. "Thời "
có vai trò quan trọng đối với vận mệnh của triều đại. Nhưng "thời"
ở trong dòng chuyển biến liên tục nên đạo cũng phải thay đổi cho phù hợp.
"Đạo có thay đổi, Thời có biến thông" cho nên phải thay đổi
theo Thời cùng với "Thời" mà biến hóa thì con người mới được tự
do. Cụ thể, ông cho rằng tình thế khác thì cách xử lý cũng phải khác. Ông
nói với Đặng Trần Thường "Gặp thời thế, thế thời phải thế".
- Kế thừa tư tưởng "Dân là gốc nước"
(Dân vi bang bản), ông xem dân là trung tâm của vũ trụ, lòng dân là trung
tâm của mối quan hệ trời người. "Trời trông, trời nghe do ở dân.
Lòng dân yên định thì ý trời cũng xoay chuyển"; "trong nước yên
là được lòng dân"; "Lòng dân yên... thì khí hòa sẽ tụ tập lại";
"Dân hòa cảm ở dưới thì thiên hòa ứng ở trên, hiệu nghiệm được mùa
không hẹn mà đến? (Kim mã hành dư).
Muốn được lòng dân, cốt là phải làm cho dân thư
thả; "hài lòng", "thỏa dạ", "vừa ý".
Ông là người yêu nước. "Thân hèn này bấy
lâu đã hiến dâng cho nước", "Thật là may mắn được sinh ra ở nước
Nam". Khi đi với phong trào Tây Sơn, ông có nhiều tư tưởng tiến bộ,
nhưng càng về sau, tư tưởng của ông càng đượm màu sắc Phật giáo.
4. Tư tưởng triết học thời Nguyễn
Ở phần này ta chỉ giới hạn ở tư tưởng triết học
triều Nguyễn trước khi thực dân Pháp xâm chiếm (1802-1858), trước khi có
tư tưởng phương Tây tràn vào.
Nếu vậy, về mặt tư tưởng chỉ có mỗi Minh Mệnh
(1791-1840) là nằm trọn trong giai đoạn này.
Tư tưởng triết học của Minh Mệnh được tập trung
trong "Minh Mệnh chính yếu". Ở đây ông hầu như không đề cập đến
thế giới quan mà chỉ bàn về nhân sinh quan trong đó nổi bật hơn cả là
quan niệm về dân và đạo làm người.
Ông cho rằng "dân là gốc nước", bởi vậy
phải “yêu cái dân yêu và ghét cái dân ghét"; "người làm chính
trị không thể trái ý muốn của dân". ở một chỗ khác ông nói :
"Vua đối với dân cũng như cha hiền đối với đứa con trẻ vậy, chưa lạnh
đã nghĩ đến áo mặc, chưa đói đã nghĩ đến cho ăn, há lại đợi lúc khóc hu
hu rồi mới cho ăn hay sao ?".
"Quan lại tham nhũng là giặc sâu mọt của
dân mà trộm cướp nổi lên cũng vì đó vậy", "Dẹp kẻ ác để yên dân
là việc trước mắt của chính trị".
Vua căn dặn, nếu có lợi cho dân thì cứ tự ý làm,
không có tội.
Về đạo làm người, năm 1834 ông cho ban bố 10 điều
huấn. Theo ông, dùng người như thợ giỏi dùng gỗ, không nên vì mục mất một
tấm mà bỏ mất cây gỗ to vừa người ôm, đánh giá cất nhắc người phải xem lời
nói, việc làm, không vì tình riêng.
Một vài nét khái quát chung về thế giới quan và
nhân sinh quan triều Nguyễn (trước 1858)
- Quan niệm về "mệnh",
"thiên mệnh". ý chí của trời gọi là "mệnh",
"thiên mệnh". Trời là lẽ định trước, thích mà không thể làm được,
sức người không thể thay đổi được.
Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Mệnh như trái núi đè lên con người. Con người cố
vùng vẫy nhưng vẫn không sao thoát khỏi mệnh.
Mệnh trời như một thứ vũ khí chính trị, Vua lĩnh
mệnh trời trị dân. Mặt khác, mệnh cũng có tác dụng an thần đối với tầng lớp
nhân dân đau khổ, tất cả đều đổ cho mệnh, sướng khổ, vui buồn, được mất,
hưng vong, v.v.
Vậy, Trời là gì? Theo Tự Đức, Trời chỉ là Khí,
là lý mà thôi, trời là khí thanh, lý là để chủ cho sự sinh hoá, biến chuyển
của muôn vật. Mặt khác, ông lại cho Trời là người cha có nhân cách.
Nguyễn Đức Đạt cho tâm là trời và dường như ông
ngả về duy tâm chủ quan. Cũng như Đổng Trọng Thư, ông cho rằng giữa Trời
và người có sự tương cảm (thiên nhân tương cảm). Tự Đức khẳng định: Đaọ
trời việc người nào có cách xa. Từ đó, triều Nguyễn đã không biết bao
nhiêu lần cầu đảo cho có mưa khi nắng hạn, có nắng khi mưa lụt.
Thiên nhân tương cảm cùng với thuyết mệnh trời,
vận số phổ biến không chỉ ở bên trên, triều đình, mà còn ở bên dưới,
trong dân gian, trong các truyện, văn thơ. Điều đó thể hiện rõ nét nhất ở
truyện Nhi độ mai. Trong nhân dân, tục cầu đảo, vái trời, cúng sao, khá
phổ biến. Từ đó tạo ra tư tưởng buông trôi" Chờ xem con tạo xoay vần
ra sao". Thỉnh thoảng cũng có tư tưởng phản kháng kiểu "Xưa nay
nhân định thắng thiên cũng nhiều", nhưng vô cùng yếu ớt.
Theo GS. Trần Văn Giàu, nước ta, thế kỷ XIX, từ
trong triều đình ra đến thứ dân, qua tầng lớp nho sĩ, từ trong sách vở
cho đến phong tục tập quán đâu đâu cũng thấy dấu vết ảnh hưởng của thuyết
âm dương, bát quái, ngũ hành. Nguyễn Đình Chiểu nói:
Ví dù tạo hóa mấy lò
Hóa công mấy thợ (thì muôn vật đều gốc ở) một pho ngũ hành.
Nguyễn Trường Tộ còn cho Thủy (Bắc - Trung Quốc)
diệt (đô hộ) hỏa (Nam - ta) Kim (Tây - Pháp), diệt (đô hộ) mộc (Đông -
ta), Âm Dương Ngũ hành đã nói vậy. Khoa học phương Tây không có âm dương
ngũ hành nên không tin.
Tự Đức cho cái tạo ra muôn vật là lý và khí. Khí
là âm dương, còn lý là đạo, cái biểu hiện thành hình là khí, cái không có
hình là đạo. Nhưng đạo không có khí thì không biểu hiện vào đâu được, Khí
mà không có đạo thì không lấy gì mà đứng vững được.
Theo Bùi Dương Lịch, mọi cái đều do khí lưu hành
mà sinh ra, đều do khí mà có. Sở dĩ có người trí, kẻ ngu là bẩm thụ khí
thanh hay trọc; sinh tử chỉ là sự tụ tán của khí.
Bên cạnh thế giới con người, có thế giới linh hồn.
Sinh là sự kết hợp của khí, hồn, phách, "thác là thể phách, còn là
tinh anh". Vua, quan, trí thức, bình dân đều tin như vậy. Nguyễn
Đình Chiểu, Nguyễn Du đều có văn tế người chết.
- Nhân sinh quan Triều Nguyễn
Ngũ luân mà trung tâm là tam cương, ngũ thường
là nền tảng đạo đức triều Nguyễn, trung hiếu là quan trọng nhất trong ngũ
luân.
Nhìn chung, thế giới quan và nhân sinh quan thời
Nguyễn đặc biệt là tầng lớp trên như vua quan, trí thức là thế giới quan
và nhân sinh quan của Nho giáo được ứng dụng, cải biên, cụ thể hóa vào
trong xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.
Những hạn chế của tư tưởng triết học Việt Nam
cho đến nửa đầu thế kỷ XIX cũng chính là sự hạn chế của hệ tư tưởng truyền
thống Việt Nam. Sự du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta đã tạo ra một
giai đoạn mới trong lịch sử tư tưởng nói chung, tư tưởng triết học nói
riêng ở Việt Nam.
Nguyễn Hùng Hậu
Theo http://www.cla.temple.edu/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét