Năm 1973, lúc chiến tranh còn phủ trùm khắp miền Nam, tuy loạn
ly, nhưng phong trào văn học và văn nghệ miền Nam khá phong phú, sung túc.
Trong đó, phạm vi văn học nghệ thuật của Phật giáo được phát triển rầm rộ tại đại
học Vạn Hạnh, cơ sở chính ở cầu Trương Minh Giảng cũ, nay là đường Lê Văn Sỹ.
Thế hệ trên 60 tuổi, sống tại Sài Gòn, nhất là trong giới
sinh viên, trí thức, không ai là không từng nghe đến Phạm Thiên Thư, Phạm Công
Thiện, Lê Mạnh Thát, Tuệ Sỹ, Phạm Thế Mỹ, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đức Sơn, Bùi
Giáng, Trí Hải...Ngay cả một số giáo sư, Linh mục như Thanh Lãng, Linh mục
Thanh, Linh mục Kim Định...cũng ảnh hưởng trào lưu sống dậy của đại học Vạn Hạnh
lúc bấy giờ.
Bùi Giáng là một trong những nhân vật nổi cộm, một nhân vật
không thể lẫn lộn bất cứ bóng dáng ai, từ hình thể, diện mạo, tài năng, tư chất... Những
hiện tượng rộ lên như trăm hoa đua nở đã tạo một dấu ấn cho Phật giáo nói chung
và đại học Vạn Hạnh nói riêng, mà từ lâu, dưới cặp mắt của giới trí thức, xem
Phật giáo như một tôn giáo lỗi thời. Những nhân vật kể trên, tuy mỗi người đóng
góp một khía cạnh làm sáng giá tư tưởng triết học, văn học của Phật giáo, nhưng
tài năng của họ -" mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười".
Riêng Bùi Giáng, mãi đến bây giờ, vẫn có người thắc mắc, vấn
nạn về một thiên tài điên, thi sĩ điên... có người bảo, Bùi Giáng rất tỉnh, tỉnh
hơn cả người tỉnh. Có lẽ quá tỉnh, tỉnh hơn người tỉnh thành người điên trước
con mắt người tình bình thường chăng?
Trong đêm giao lưu thơ Bùi Giáng tại chùa Phổ Quang, giáo sư
Trần Hữu Tá (miền Bắc) bảo: - "trước 1975, những sách báo của miền Nam được
đưa ra Bắc cho giới trí thức nghiên cứu, ông ta đánh giá Bùi giáng là một hiện
tượng lạ".
Thực ra miền Nam không chỉ riêng Bùi Giáng là một hiện tượng
lạ, Bình Nguyên Lộc từng thách đố giới trí thức phía Bắc bác bỏ luận cứ của ông
ta khi xuất bản cuốn sách "Mã Lai Á, nguồn gốc dân tộc Việt". Lúc bấy giờ,
miền Bắc làm gì có những nhân vật như Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Lê Mạnh
Thát...chứ chưa nói đến Bùi Giáng.
Chiến tranh càng thúc bách, cuộc sống người dân miền Nam càng
chộn rộn dồn dập như yêu vội sống cuồng; do áp lực của sống chết trước vô thường,
giới văn học nghệ thuật cũng bị thúc bón để cho ra những hoa trái được mùa;
chính vì vậy miền Nam xuất hiện nhiều anh tài về thi ca, âm nhạc, hội họa, tư
tưởng, dịch thuật...
Riêng Bùi Giáng, không chỉ là thiên tài trong thi ca mà ngay
cả ngôn ngữ. Khi phong trào kiếm hiệp của Kim Dung phát triển, Bùi Giáng nằm tại
Vạn Hạnh, tự học chữ Hoa trong 6 tháng, ông ta trực tiếp đọc sách Kim Dung bằng
Hoa Ngữ. Trên đầu giường, một đống bánh mì khô cứng, mốc xanh để ông ta gặm, cuối
chân giường là lồng chim cuốc (phong trào chim cuốc lúc bấy giờ) đã bị quên cho
ăn.
Khi Vạn Hạnh được phong trào sinh viên trí thức có khuynh hướng
chính trị làm náo, Bùi Giáng rút lui về Nhà Bè, trú trong ngôi chùa Lá Huyền
Trang, cách căn cứ Đặc khu Rừng Sát hơn 500m. Tuy chưa trang sức lỉnh kỉnh những
đồ phế thải như những năm tháng sau 1975, nhưng cách ăn mặc cũng cho mọi
người thấy ông ta không bình thường.
Tờ mờ, chưa kịp mời ăn sáng, ông ta đã la cà các quán nhậu ở mũi tàu Nhà Bè, chiều tối mới trở lại tá túc trong căn chòi lá phía sau chính điện. Ít khi nào nhà chùa được mời ông ta một bữa cơm. Ngày nào ông ta ăn thì chiều hôm đó ông ta mang về hủ chao, chai tương, bảo rằng ông nhặt được hoặc bảo ai đó cho ông ta. Chứng tỏ ông ta không muốn nợ nhà chùa. Có hôm, bị bọn lưu manh móc túi đánh ông bầm mắt, tôi phải đưa ông ta xuống gặp Thiếu tá Cảnh (cháu gọi Thiếu tướng Đỗ Mậu bằng cậu). Thiếu tá Cảnh là đại đội trưởng tiếp vận, viết vài dòng giới thiệu:" Đây là nhà thơ Bùi Giáng, yêu cầu anh em đừng hành hung làm khó" Thế là thi sĩ nhà ta đem ép nhựa tấm giấy đeo trước ngực làm bùa hộ mạng.
Tờ mờ, chưa kịp mời ăn sáng, ông ta đã la cà các quán nhậu ở mũi tàu Nhà Bè, chiều tối mới trở lại tá túc trong căn chòi lá phía sau chính điện. Ít khi nào nhà chùa được mời ông ta một bữa cơm. Ngày nào ông ta ăn thì chiều hôm đó ông ta mang về hủ chao, chai tương, bảo rằng ông nhặt được hoặc bảo ai đó cho ông ta. Chứng tỏ ông ta không muốn nợ nhà chùa. Có hôm, bị bọn lưu manh móc túi đánh ông bầm mắt, tôi phải đưa ông ta xuống gặp Thiếu tá Cảnh (cháu gọi Thiếu tướng Đỗ Mậu bằng cậu). Thiếu tá Cảnh là đại đội trưởng tiếp vận, viết vài dòng giới thiệu:" Đây là nhà thơ Bùi Giáng, yêu cầu anh em đừng hành hung làm khó" Thế là thi sĩ nhà ta đem ép nhựa tấm giấy đeo trước ngực làm bùa hộ mạng.
Ông ta lựa quán nào nghèo nhất, vào ngồi uống bia như uống nước
lã, trẻ con nào vào mua hàng, ông ta xuất tiền trả thế và còn cho tiền chúng.
Những cô gái không được lính ở căn cứ đặc khu Nhà Bè chiếu cố, vì quá xấu, ông
ta vờ say xỉn, để lòi tiền cho họ móc. Ông ta xài tiền vô tội vạ không phải
phóng đảng mà ông không muốn bị ràng buộc bởi tiền bạc và dùng nó để giúp kẻ
khác một cách tế nhị như thế. Nhà xuất bản Võ Tánh là một trong ít nhà xuất bản
kén chọn, luôn in sách của Bùi Giáng; biết tánh họ Bùi, ít khi nào họ giao hết
tiền cho ông ta một lượt, cho dù bao nhiêu cũng chỉ chóng sạch trong một
hai ngày.
Từ Nhà Bè về Sài Gòn hơn 15km, chở bằng xe Honda, phải mất nửa
ngày. chạy một chốc, nhìn thấy quán nào thích, cứ bảo dừng xe, tấp vào cho ông
ta uống bia. Không dừng theo ý thì ngồi sau ông ta nắm cổ áo nhật bình lôi lại
như lôi dây cương ngựa. Nhiều lần không chịu nổi, buộc lòng thả ông ta muốn đi
đâu tùy ý.
Một đêm trăng sáng, chùa Huyền Trang xa khu dân cư, ba bề
sông rạch, lá dừa nước bao phủ trở thành một ốc đảo huyền ảo, gió rì rào từ
sông lớn băng qua cánh đồng lúa, luồn vào rặng dừa nước. trên chiếc võng
dưới chái lá hông chùa, Bùi Giáng tâm sự (có lẽ lúc đó nhà thơ tỉnh táo nhất)
khi hỏi về thân thế của ông trong quá khứ, ông ta cho biết: -"ngày xưa dạy
học ở Huế, trọ một nhà dân, có hai chị em nữ sinh dễ coi, Bùi Giáng thầm kín
yêu cô em, không bao lâu, cô em lên xe hoa, hoảng quá, ông ta đành cưới đại cô
chị. Thời gian ngắn khi con đầu lòng bị bệnh qua đời, cô vợ cũng quá vãng. Bùi
Giáng bị khủng hoảng, bỏ dạy, về lại xứ Quảng. Cuộc vô thường đã nâng hồn họ
Bùi lên tầng mây triết lý thi ca, từ đó Bùi Giáng thâm nhập triết học và suối
thơ len lách sỏi đá cuộc đời, trổi dậy, nâng hồn thơ bềnh bồng trên tầng
không siêu thực.
Cuộc định mệnh đưa Bùi Giáng qua những đâu, khó mà nối kết
khi cuộc đời bãng lãng bềnh bồng đưa thi sĩ lên đỉnh trùng dương, tiếp giáp với
sương khói mây ngàn cho đến ngày vĩnh biệt mà nhân thế chỉ biết chiêm ngưỡng,
không đủ khả năng thẩm định tiếp xúc một ảo ảnh hư hư thực thực như Bùi Giáng.
Sau một năm trú tại chùa Huyền Trang (nay biến thành nghĩa
trang). Thi sĩ họ Bùi lang bạt về khu vực Bình Thạnh. Từ đó, chùa Già Lam,
Trung Tâm Tịnh Xá, chùa Đồng Hiệp, Trương Minh Giảng cũ và một vài nơi thường
thấy Bùi Giáng xuất hiện như kẻ không nhà.
Lúc còn làm chủ bút Nội san Bát Nhã ở Thanh Minh Thiền Viện,
mỗi khi muốn xin thơ của họ Bùi, phải đạp xe chạy quanh thành phố như truy tìm
một báu vật vô hình, đem theo xị rượu và món nhâm nhi nào đó. chịu khó ngồi vỉa
hè với ông ta, gợi chuyện bên xị đế, nguồn cảm hứng từ con tim và hốc mắt sâu
thẳm của Bùi Giang bắt đầu xuất hiện; vừa viết tốc ký, vừa lắng nghe những
tràng giang đại hải do ngẫu hứng họ Bùi, không dám ngắt ngang hay hỏi bất cứ
cái gì khi lão Bùi đang hứng. Đặc biệt, cho dù ông nói huyên thuyên,
nhưng không bao giờ lệch ý ban đầu; có giao tiếp mới thấy trình độ uyên thâm
văn học và triết lý cũng như sự tỉnh táo ẩn tàng trong bộ dạng người điên.
Sau 1978, suốt thời gian dài không được gặp con người vĩ đại ấy
bởi hoạn nạn lao lý, khi biết họ Bùi thanh thản ra đi để lại sự quý kính cho
đàn hậu học, cho giới thi ca văn học, và nền văn học Việt Nam đương đại, hân hạnh
được tham dự đêm thơ kỷ niệm 15 năm vắng bóng của người, có thêm một vài kỷ niệm,
nhận định về Bùi Giáng từ Hòa thượng Thích Giác Toàn, những thắc mắc về tỉnh
và điên của nhà thơ họ Bùi mà hầu hết mọi người mãi cật vấn, giờ đây, người từng
hân hạnh sống một năm với nhà thơ tại Nhà Bè năm xưa, từng giao tiếp hàn huyên
thì biết rằng: "Bùi Giáng điên vì không ai hiểu Bùi Giáng, Bùi giáng quá
Tỉnh vì chúng ta quá Điên chỉ nhìn nhau qua hình thức.
Bùi Giáng muốn thể hiện sự tự do tuyệt đối bởi sự giam hãm của tập quán con người qua tính nhị nguyên thường tình. vì vậy nhà thơ can đảm sống theo cái mà không ai dám sống, dám lăn lộn với bụi đời, dám bươi rác tìm cái ăn. Mọi hình thái Bùi Giáng làm đều muốn vượt qua sự giam hãm của ý thức phân biệt thường tình như ngôn ngữ thi ca của họ Bùi vượt khỏi định tính xã hội.
Phải chăng sự vượt thoát trước thời đại nên mọi người cảm thấy Bùi Giáng điên chăng?
Bùi Giáng muốn thể hiện sự tự do tuyệt đối bởi sự giam hãm của tập quán con người qua tính nhị nguyên thường tình. vì vậy nhà thơ can đảm sống theo cái mà không ai dám sống, dám lăn lộn với bụi đời, dám bươi rác tìm cái ăn. Mọi hình thái Bùi Giáng làm đều muốn vượt qua sự giam hãm của ý thức phân biệt thường tình như ngôn ngữ thi ca của họ Bùi vượt khỏi định tính xã hội.
Phải chăng sự vượt thoát trước thời đại nên mọi người cảm thấy Bùi Giáng điên chăng?
Nếu Bùi Giáng thực sự điên thì không có những hồn thơ, lời
thơ siêu tuyệt, vượt thoát, nhuốm màu triết lý như thế
Nếu Bùi Giáng điên thì không có cung cách tế nhị giúp người,
bù đắp tương chao khi ăn cơm Tam Bảo.
Nếu Bùi Giáng điên, sao biết đeo tấm bản của Thiếu tá Cảnh để
bảo vệ mình khỏi bọn du đảng quấy rầy lúc bấy giờ.
Nếu Bùi Giáng điên thì làm sao biết nhờ HT Giác Toàn đến thăm
mẹ mình khi nghe mẹ bệnh?....
Nếu nhìn hình thức và hành động bên ngoài thì khó mà
xác định mật hạnh của một vị Bồ Tát, chắc gì Bùi Giáng không là một Bồ Tát mật
hạnh?.
Nếu Bùi Giáng là một Bồ Tát mật hạnh thì chắc gì Bùi
Giáng Điên hay Tỉnh? Vì Tỉnh và Điên chỉ là trạng thái đối đãi thường tình,
chưa vượt thoát đến chân trời tự do tuyệt đối của tâm thức.
10/10/2013
Kỷ niệm 15 năm ngày vắng
nhà thơ họ Bùi - cẩn bái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét