Đến thăm Huế, một trong những môn nghệ thuật được nhiều người yêu
thích đó là đi xem múa hát cung đình. Huế là mảnh đất của nghệ thuật, đặc biệt
là những môn nghệ thuật truyền thống như nhã nhạc, tuồng, ngâm thơ, hò vè, ca
Huế, múa cung đình được giữ gìn và phát huy giá trị trong cuộc sống hiện tại.
Và một điệu múa được bạn bè khắp nơi biết đến là “Lục cúng hoa đăng”.
Điệu múa “Lục cúng hoa đăng”
Nơi thường biểu diễn hàng ngày điệu múa này trong chương trình nghệ
thuật truyền thống Huế phục vụ khách du lịch, đó là Nhà hát Duyệt Thị Đường - Đại
Nội Huế. Lục cúng hoa đăng là một điệu múa quan trọng bắt nguồn từ Phật giáo.
Điệu múa này có từ thời cổ do các vị sư Ấn Độ truyền vào nước ta. Đến đời Minh
Mạng, vũ khúc này được sửa chữa để biểu diễn trong các ngày lễ. Tên gọi “Lục
cúng hoa đăng” chính thức có từ ngày ấy. Theo nghệ sĩ ưu tú La Cẩm Vân: múa Lục
cúng hoa đăng là điệu múa cung đình quan trọng thứ hai sau múa Bát dật. Nội
dung điệu múa gồm có 6 phần tượng trưng cho 6 lần dâng cúng Phật các lễ vật
hương, hoa, đèn, trà, quả và thực. Mỗi lần dâng cúng có một khúc nhạc khác
nhau. Dâng hương có khúc hát dâng hương, dâng hoa có khúc hát dâng hoa...và
bao giờ cũng được bắt đầu bằng một câu khởi xướng.Trong 6 lần múa các vũ sinh đều
hát theo 6 khúc lời Hán Việt với nhan đề : Tán hoa đăng, tán hương phù, tán hoa
quả, tán trí đăng, tán Phật điện, tán khế thủ. Những khúc hát này được thể hiện
theo cách hát ngân nga, trầm bổng, dứt một khúc hát nhạc công gõ não bạt, đánh
trống đổ hồi. Toàn cục các khúc hát mang âm hưởng điệu tán trong âm nhạc Phật
giáo.
Về trang phục, trên vai áo của các vũ sinh đều có 5 tua vải, tượng
trưng cho 5 màu trong ngũ sắc Huế và cũng là tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc,
thủy hỏa, thổ. Các vũ sinh nữ mặc áo màu cánh sen , trên đầu đội mũ màu vàng
tượng trưng cho nhụy sen, hai tay cầm hai cây đèn hình hoa sen. Trong Đạo Phật, hoa sen tượng trưng cho sự thanh cao, tinh khiết, đóa sen cũng chính là nơi đức
Phật tọa thiền.
Trong bài vở cổ, mỗi bài múa Lục cúng hoa đăng dài 22 phút có 48 vũ
sinh tham gia. Hiện nay, Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế đã dàn dựng
lại được một số trích đoạn, bài dài nhất là 10 phút, bài ngắn nhất là 4 phút.
Nghệ sĩ La Thị Cẩm Vân là người đã có công sưu tầm, tìm kiếm và đưa vào dàn dựng
lại các đoạn trích trong điệu múa “Lục cúng hoa đăng”. Theo chị cho biết để
dàn dựng lại điệu múa này , chị đã đi tìm kiếm tư liệu từ các nghệ nhân của thời
kỳ ấy, từ cha chị - cũng là một nghệ sĩ cung đình, tìm kiếm nguồn tư liệu ở các
thư viện quốc gia, từ bạn bè quốc tế và từ những hiểu biết của chị vì chị cũng
là ngườì đã từng tham gia vào đội múa cung đình khi còn nhỏ tuổi.
Hiện nay múa lục cúng hoa đăng không chỉ được giới thiệu tại Huế mà
còn được đưa đi biểu diễn trong các chương trình văn hóa giao lưu quốc tế. Với
kỹ thuật xây dựng đội hình biến hóa rất đẹp mắt, điệu múa lục cúng hoa đăng đã
để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem.
Nguyên Khoa (TRT)
Con đường nào ở Huế trong "Mưa Hồng" của Trịnh Công Sơn?
Vừa rời khỏi núi rừng Bạch Mã sau chuyến vi hành mỏi mệt và nhiều
thú vị.Chợt nhớ đã hơn 10 năm về trước một nhạc sĩ tài hoa của xứ Huế đã đi vào
cõi xa khuất.Tôi không khỏi bùi ngùi thương cảm tiếc thương,cho một nhạc sĩ đã
đi vào miền đất lạnh.Mười năm không phải là dài mà cũng đâu phải là quá ngắn
cho một cảm xúc trong tâm hồn yêu nhạc như tôi.Để rồi những cánh phượng hồng
tung bay theo gió về nơi cuối trời mênh mông sâu thẳm.
Đường Đoàn Thị Điểm có phải là đường Phượng bay?
Huế muôn đời vẫn đẹp.Huế một thành phố có nhiều cây xanh bóng mát tỏa
bóng soi mình xuống dòng sông Hương dịu dàng xanh thắm.Huế một thành phố bình
yên, một bức tranh nên thơ hữu tình và ngọt ngào,đã làm say đắm bao tâm hồn yêu
thơ yêu nhạc yêu cả những gì có ở nơi đây.
Kể cả những người con xứ Huế với tâm hồn sâu lắng thiết tha trầm ấm
với tiếng Dạ tiếng Thưa làm nao lòng người. Nếu là một người yêu nhạc đam mê sự
lãng mạn.Hãy lắng nghe một cảm xúc đang dâng trào trong lòng... Một cảm giác khác
lạ miên man như lá như hoa bay, qua từng ca từ của tình khúc Phượng Hồng của Trịnh
Công Sơn bạn nhé.
Trời ươm nắng cho mây hồng
Mây qua mau em nghiêng sầu
Còn mưa xuống như hôm nào
Em đến thăm mây âm thầm mang gió lên
Hay như…
Này em đã khóc trời mưa đỉnh cao
Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu
Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào
Hàng cây lá xanh gần với nhau…
Từng ca từ như rót mật vào tim,lời trong bài hát như ru hồn vào cõi
miên man lá mênh mang hoa bay.Bài hát này được Trịnh Công Sơn sáng tác vào năm
1964. Đã nhanh chóng đi vào lòng người, nhất là với những người còn rất trẻ, những
người đang yêu. Cũng xuất phát từ nhạc phẩm này mà giới trẻ ở Huế hay nói với
nhau về con đường có tên là đường Phượng bay và đều nhất trí với nhau rằng đó
là con đường đẹp nhất, con đường lãng mạn nhất của Huế, cho dù nhiều người…
chưa hề biết chính xác con đường ấy nằm ở chỗ mô ( chỗ nào nơi thành phố Huế
này?
"Đường phượng bay mù không lối vào
Hàng cây lá xanh gần với nhau…"
Không ai biết không hay khi mà cảm xúc dâng đầy để nhạc sĩ viết lên
tình khúc hay này. Tất cả chỉ là sự hoài nghi trong mơ hồ khi ở Huế có nhiều con
đường bình yên rất đẹp rất thơ đều có những hàng Phượng vĩ
Có người nói là đó là con đường Lê Duẩn lãng mạn nhất, từ ngã ba An
Hòa ngoài quê nội tôi đi vào chạy tới đằng cầu Tràng Tiền.Người thì nói đó là
con đường Đoàn Thị Điểm Đoàn Thị Điểm nối đường 23 tháng 8 đến đường Mai Thúc
Loan,cũng có nhiều cây Phượng vĩ và có nhiều kỷ niệm của Trịnh Công Sơn hơn.
Đường Lê Duẩn có phải là cảm hứng của Phượng Hồng
Trong Huế - Tên đường phố xưa & nay của Dương Phước Thu khi nói
về đường Lê Duẩn (trang 174-NXB Thuận Hoá, 2004) có đoạn : Đoạn đường từ cầu
Trường Tiền lên cầu Bạch Hổ, người cao niên ở Huế vẫn thường quen gọi là đường
phượng bay.
Nhà thơ Anh Phan năm nay đã quá tuổi cổ lai hy minh chứng cho điều
này từ năm 1966 qua bài thơ Con đường phượng bay…
"Con đường phượng bay nằm dọc bờ bắc sông Hương
Từ cầu Trường Tiền lên cầu Bạch Hổ
Đi trên con đường phượng bay nắng hoa vàng rơi lỗ chỗ…”
Phải chăng, đây cũng là một dữ liệu nữa góp phần khẳng định đường
Lê Duẩn chính là đường phượng bay? Tuy nhiên, cũng trong Huế-Tên đưòng phố xưa
& nay, khi nói về đường Đoàn Thị Điểm, Dương Phước Thu lại cũng cho rằng
“ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gọi đó là con đường phượng bay ”.
Đường Phan Đình Phùng cũng từng
được ngỡ là đường Phượng Bay.
“Đường phượng bay” của nhạc sĩ họ Trịnh đó có thể là
con đường đặc biệt nào đó theo tâm thức của ông. Riêng đối với tôi tôi luôn
giữ cho mình.một “đường phượng bay” theo cảm nhận chủ quan của bản thân.. Và ắt
hẳn cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chắc cũng mong muốn mỗi người yêu Huế hãy dành
riêng cho mình một “đường phượng bay ”
Tất cả đã chìm sâu và đã đi vào cõi lặng thiên thu bất tận.Để lại lời
nhạc trầm ấm tình tứ ngọt ngào bay bổng trong nhân gian.Tất cả chỉ là hoài niệm
của quá khứ với bao nỗi niềm hoài nghi.Nhưng người dân Huế thì vẫn mong ngày sẽ
có thêm nhiều những con đường thật đẹp thật lãng mạn xanh lá,để Huế mãi là nguồn
cảm hứng cho văn nhân thi sỹ làm nên những tuyệt phẩm dâng tặng cho đời…
Nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét