Nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ
Lư Nhất Vũ: Một đời đi "đãi
cát tìm vàng"
Từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, vợ chồng nhà
thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã dành thời gian, tâm huyết của mình lặn lội
khắp các vùng quê ở Nam bộ để sưu tầm, biên soạn, khảo cứu các làn điệu dân ca,
điệu lý, hò, hát ru để xuất bản với hàng chục tập sách, được Trung tâm sách kỷ
lục Việt Nam (Việt Kings) trao danh hiệu kỷ lục gia. Đến nay dù tuổi đã cao sức
khỏe đã giảm, nhưng cả hai ông bà vẫn miệt mài đi, ghi chép, biên soạn và xuất
bản các công trình về dân ca Nam bộ như thể đó là một việc làm của người “đãi
cát tìm vàng” vậy.
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi đã tới căn hộ của nhà thơ Lê
Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ở lầu 6, chung cư đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa để tìm hiểu
về những chuyến đi điền dã và sự đóng góp của ông bà trong sưu tầm, biên soạn,
khảo cứu dân ca Nam bộ. Lần ấy được ông bà tặng cuốn sách: Dân ca Bến Tre và
Dân ca Hậu Giang dầy cộp với mỗi cuốn hàng trăm trang sách, tôi đã rất kính phục
sức đi và sức làm việc của ông bà. Tính từ cuốn Dân ca Bến Tre, xuất bản năm
1981 là công trình khảo cứu đầu tiên về dân ca Nam bộ đến nay ông bà đã lần lượt
cho xuất bản hàng chục cuốn dân ca Nam bộ, với mỗi cuốn gần cả ngàn trang sách.
Đó là: Dân ca Bến Tre, Dân ca Hậu Giang, Dân ca Cửu Long, Dân ca Kiên Giang,
Dân ca Trà Vinh, Dân ca Đồng Tháp, Dân ca Long An, Dân ca Sông Bé, Dân ca Bình
Dương…Để có được những cuốn sách như vậy ông bà và một số cộng sự đã phải lặn lội
đi điền dã nhiều tháng năm ròng rã, vượt lên bao khó khăn vất vả để gặp gỡ những
nghệ nhân ở khắp các vùng quê Nam bộ. Trong những chuyến đi điền dã “lang thang
gió cát” và “gặp gì ăn nấy”, ông bà đã miệt mài ghi chép, ghi âm, ký âm tất cả
các làn điệu dân ca, điệu lý, điệu hò, lời hát ru một cách thật tỷ mỷ công phu
có hệ thống. Là một nhà thơ sinh ra lớn lên ở xứ Cà Mau bà Lê Giang có thuận lợi
về mặt ghi chép (kể cả điển tích) của những câu ca dao, dân ca, hò, vè, câu lý,
câu hát ru…Còn về âm nhạc của các bản dân ca, điệu lý, điệu hò đã có nhạc sĩ Lư
Nhất Vũ ký âm một cách thật chuẩn xác, đúng với những bản gốc tại nơi xuất xứ.
Nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ nghe và ghi âm
nghệ nhân hát dân ca trong một chuyến đi điền dã tìm hiểu sưu tầm dân ca ở tỉnh
Sông Bé cũ (Bình Dương ngày nay).
Đó thực sự là một cuộc bộ hành với dân ca nói chung và dân ca
Nam bộ nói riêng không mệt mỏi của ông bà suốt mấy chục năm qua. Nếu không
có tình yêu, niềm
đam mê và sự quý trọng những bản dân ca Nam bộ đang có nguy cơ bị mai một dần,
thì có thể ông bà đã không vượt qua được những gian nan thử thách cả về vật chất
và sức khỏe để hoàn
thành tâm nguyện của đời mình. Không chỉ dừng ở mục đích sưu tầm, biên soạn, khảo
cứu, xuất bản sách mà tâm huyết của ông bà là phải phổ biến được dân ca Nam bộ
đến tận các địa phương, để cho đông đảo công chúng được thưởng thức. Đó là cách
đưa dân ca trở về với không gian cội nguồn nơi đã sinh ra chính những làn điệu
dân ca, điệu lý, điệu hò ấy. Để biến ý tưởng và tâm nguyện ấy thành hiện thực,
ông bà đã dày công năng động tổ chức những buổi giao lưu phổ biến các làn điệu
dân ca, điệu lý, điệu hò, điệu hát ru ở nhiều địa phương vùng Nam bộ. Ngoài ra
sự kết hợp thật đồng tâm, đồng điệu giữa hai ông bà nhiều bài ca với lời mới được
sáng tác dựa trên chất liệu các làn điệu dân ca, điệu lý truyền thống cũng lần
lượt xuất hiện làm say đắm bao trái tim người nghe hiện nay. Đó là những bài
hát: Hành trình lý ngựa ô; Ra giêng anh cưới em (hò cống chùa); Kiên Giang mình
đẹp lắm (lý chèo đưa cá ông); Thiết tha miền Hậu Giang (lý gọng kiềng); Về Sông
Bé quê em (lý chèo đò).
Sau những chuyến đi điền dã sưu tầm, ghi chép, ghi âm, ký
âm vợ chồng nhà thơ Lê
Giang, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ lại miệt mài công phu tập hợp, biên soạn và xuất bản
thành những tập dân ca với hàng trăm trang sách/ tập
Đặc biệt là Bài ca đất phương Nam là một trong những ca khúc
có tiếng vang và được đông đảo công chúng yêu thích, nhất là công chúng Nam bộ.
Bài ca đất phương Nam đã thêm một lần nữa khẳng định tên tuổi vị thế của nhạc
sĩ Lư Nhất Vũ trong nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Riêng trong lĩnh vực thi ca
từ những năm 70 của thế kỷ 20 đến nay bà Lê Giang đã xuất bản nhiều tập thơ được
độc giả nhiều thế hệ yêu thích. Đó là: Phím đàn xanh; Bông vạn thọ (Văn nghệ Giải
phóng, 1973); Sắc Trắng (Văn nghệ Giải phóng, 1977); Ơi chàng hát rong (Tác phẩm
mới, 1985)… Có thể nói, nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ thực sự là một cặp
đôi hoàn hảo trong sự nghiệp sưu tầm, bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống
dân tộc nói chung và dân ca Nam bộ nói riêng.
Lương Định
Nguồn: Lao động và Xã hội
Theo http://baodansinh.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét