'Tiếng lòng' xứ núi Con Cuông
Người Con Cuông đều luôn tự hào vì quê hương
có bề dày truyền thống văn hóa và được thiên nhiên ban tặng nhiều phong cảnh đẹp,
là nơi khởi nguồn của những bài ca, câu hát mê đắm lòng người.
Chừng 4 thế kỷ trước, không rõ khi đến vùng đất Thành Nam
(tên gọi Con Cuông xưa) để du ngoạn hay công cán, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan
(1528-1613) đã gửi gắm cảm xúc qua những câu thơ: “Núi chẳng cao, nước cũng chẳng
sâu/ Tranh sơn thủy một màu ai khéo vẽ”. Như những nét chấm phá, hai câu thơ đã
gợi lên vẻ đẹp và sức cuốn hút của bức tranh sơn thủy hữu tình được vẽ bởi đôi
bàn tay khéo léo, tài hoa của tạo hóa.
Vẻ đẹp sông núi Con Cuông
Vẻ đẹp của “Tranh sơn thủy một màu” ấy là nguồn mạch nuôi dưỡng
tâm hồn và cảm xúc của những người con quê hương suốt dòng chảy lịch sử. Nghĩa
là, vẻ đẹp sông núi, bản làng đã bồi đắp cho con người nơi đây nguồn cảm hứng dạt
dào, một tâm hồn dễ rung động. Những người con của bản làng cất lên giai điệu đắm
say, những khúc ca vang vọng để ca ngợi cảnh sắc tươi đẹp.
Lên miền Tây vào những ngày lễ hội, chúng ta thường được nghe
những ca khúc quen thuộc về núi rừng, bản làng. Và mỗi khi kể về những khúc ca ấy,
bà con thường bày tỏ niềm biết ơn và kính trọng đối với các nhạc sỹ đã thành
danh như Lương Tuyển, Trần Vương và Lê Hoàng. Cả 3 tác giả này đều là những con
người gắn bó máu thịt với mảnh đất Con Cuông.
Du thuyền ngắm cảnh đẹp sông Giăng- Pù Mát
Lần đầu lên với Con Cuông, tôi được thưởng thức giai điệu rạo
rực và tràn đầy sức sống của những ca khúc: “Ngày hội Xăng khan”, “Lời ru đầu
tiên”, “Tiếng khèn lạc nhịp”, “Xên bản xên mường”, “Ngày hội” và “Âm điệu Tăng
boang bu”. Hỏi về tác giả, không ít người buồn rầu, vì lúc ấy nhạc sỹ Lương Tuyển
(1955-2008) vừa mới về với “cõi Mường Then”, để lại một khoảng trống không nhỏ
trong lòng người dân các bản mường.
Ông ra đi nhưng “tiếng lòng” vẫn ở lại với đồng bào các dân tộc
vùng cao, danh tiếng của ông vẫn sống mãi với núi rừng quê hương. Được biết, cố
nhạc sỹ Lương Tuyển sinh ra và lớn lên ở Môn Sơn, một miền quê trù phú với câu
ca nổi tiếng bao đời: “Cơm Mường Qụa/ Cá sông Giăng”. Người con của bản làng
dân tộc Thái ấy từng tham gia tham gia hoạt động nghệ thuật ở Đoàn 559 (Trường
Sơn), đem đến lời ca, tiếng hát động viên tinh thần đồng chí, đồng đội trên những
chặng đường hành quân và chiến đấu hết sức gian khổ.
Đồng bào Thái ở Con Cuông vui hội
Rời quân ngũ, về quê hương, ông tham gia phong trào văn hóa-
văn nghệ làng xã, là cán bộ văn hóa huyện, sau đó lên Phó giám đốc Trung tâm
Văn hóa- Thông tin tỉnh. Từ thuở bé thơ, những làn điệu dân ca, dân vũ và dân của
quê hương đã trở thành bầu sữa tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sỹ của Lương
Tuyển. Khi lớn lên, người con ấy viết nên những ca khúc mang đậm âm hưởng của
núi rừng.
Hai người còn lại là nhạc sỹ Trần Vương và Lê Hoàng, tôi may
mắn đã được nhiều lần diện kiến. Điều đặc biệt của nhạc sỹ Trần Vương là không
phải sinh ra và lớn lên ở Con Cuông, mà quê ông ở xã Nam Cường (Nam Đàn)- nơi hạ
nguồn của dòng Lam.
Nhưng có vẻ như cuộc đời ông sinh ra là để dành cho núi rừng,
bởi từng giảng dạy Âm nhạc tại Trường Sư phạm miền núi Nghệ An, rồi Trưởng phòng
Văn hóa huyện Con Cuông nhưng cái để người ta biết đến ông là những bài hát
mang đẫm hơi thở của núi rừng. Mỗi lần nhắc đến Trần Vương, bà con thường nhắc
tới những ca khúc “để đời” như “Cây đa Cồn Chùa”, “Trăng ngàn”, “Cây khèn bè”,
“Em đi chăm vườn rừng”, “Rừng xuân nhớ Bác”, “Miền Tây quê ta”...
Nhạc sĩ Trần Vương
Nhạc của Trần Vương dễ nhớ và dễ thuộc, bởi ca từ, giai điệu
và tiết tấu đều gần gũi, giàu hình ảnh và được đón nhận một cách nồng nhiệt. Giờ
đây, tuổi đã khá cao, không còn đủ sức để rong ruổi khắp các bản làng lắng nghe
hơi thở cuộc sống nhưng nhạc sỹ Trần Vương vẫn dõi theo từng bước đi của quê
hương và vui với niềm vui khởi sắc của các bản làng.
Còn với nhạc sỹ Lê Hoàng (1957) có vẻ như tâm hồn ông còn khá
trẻ trung so với ngưỡng tuổi 60. Các cuộc vui, từ việc cưới hỏi, lễ tết hay hội
hè, ở đâu có ông, mọi người xung quanh thêm phần hào hứng, niềm vui như tăng
thêm sau những khúc hát say lòng. Ở tuổi ấy, ông vẫn hăng say đi, bước chân in
dấu khắp các bản mường, mở rộng giao lưu, gặp gỡ để “thâu nhận” những nét tinh
túy của cuộc sống.
Tròn 20 tuổi, ông rời bản làng theo học nghề y rồi trở về làm
việc ở Bệnh viện huyện Con Cuông. Những chuyến đi về các bản làng khám chữa bệnh,
ông nhận thấy và không nguôi trăn trở trước cảnh đồng bào của mình vẫn còn mê
tín dị đoan. Nỗi trăn trở cùng với niềm đam mê và năng khiếu sẵn có, ông quyết
định gửi những dòng tâm tình vào những nốt nhạc để bà con có thêm niềm tin.
Nhạc sĩ Lê Hoàng (Ảnh: Lao Thanh Chương)
Hơn ai hết, nhạc sỹ Lê Hoàng biết được niềm kính trọng và biết
ơn của đồng bào các dân tộc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh nên trong sáng tác của
mình, ông thường bộc bạch nỗi lòng của bà con mỗi khi nghĩ về Người . Và đó
cũng là lý do giải thích vì sao ông có nhiều bài hát về Bác như: “Bản mường ơn
Bác”, “Lời Bác còn ngân trong lòng mường”, “Lời ca ơn Bác”, “Suối ngàn nhớ
Bác”...
Năm trước, huyện Con Cuông cho ra đời đĩa DVD ca nhạc với chủ
đề “Rừng xanh Con Cuông” trên cơ sở tập hợp những ca khúc tiêu biểu viết về quê
hương của các nhạc sỹ Lương Tuyển, Trần Vương và Lê Hoàng. Đây là những “lát cắt”
về phong cảnh và cuộc sống nhưng cũng đủ gợi lên truyền thống và vẻ đẹp của
vùng non nước Trà Lân xưa.
Công Kiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét