Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Mâm cơm cúng tất niên ngày 30 Tết

Mâm cơm cúng tất niên ngày 30 Tết
Ngày 30 Tết, từ sáng sớm, mẹ tôi đã đi chợ mua nốt những thứ cần thiết như­ trầu cau, gia vị, hoa tư­ơi…còn bố lau dọn bàn thờ, trang trí phòng khách, chuẩn bị đón năm mới với hy vọng mọi điều tốt lành sẽ đến.
Đối với những nhà có con, cháu sinh sống hoặc đi làm ăn xa thì dịp Tết nguyên đán chính là dịp để gia đình đoàn tụ, sum vầy. Cô em gái tôi công tác ở Hà Nội, năm nay đ­ưa cả gia đình về quê ăn tết, trư­ớc đó mấy ngày đã gọi điện về quê, dặn: Ông đợi các cháu về hãy gói bánh chư­ng, để chúng đư­ợc tận hưởng hương vị ấm áp trong ngày tết cổ truyền của dân tộc. Có lẽ vì thế khi về đến nhà, mấy đứa trẻ dư­ờng như­ quên hết say xe, mệt nhọc, tíu tít phụ giúp ông bà những việc vặt và không ngơi miệng hỏi những thứ mà chúng cho là lạ lẫm, chưa từng được thấy nơi đô thị. Chị em tôi cũng lên thực đơn chuẩn bị bữa cơm tất niên sao cho thịnh soạn, đầm ấm. 
Theo quan niệm của người Việt, bữa cơm tất niên sẽ được tổ chức vào chiều ngày 30 tết, lúc đó mọi công việc chuẩn bị cho ngày tết đã cơ bản xong, bánh chưng đã được vớt ra và bày biện ngay ngắn trên bàn thờ, nhà cửa cũng đã gọn gàng, sạch sẽ. Ngoài ý nghĩa tiễn biệt năm cũ, việc các gia đình sửa soạn bữa cơm tất niên còn để mời ông Công, ông Táo trở về trần thế tiếp tục cai quản việc bếp núc tư gia. Đây cũng là bữa cơm để con cháu thể hiện tấm lòng tôn kính, hiếu thảo với những ngư­ời đã khuất trong gia đình. 
Ở một số nơi, chiều ngày 30, trước lúc diễn ra bữa cơm tất niên, các gia đình thường ra mộ thắp hương mời ông bà, tổ tiên về ăn tết cùng con cháu, nhưng cũng có nhiều nơi không có phong tục này mà chỉ thắp hương tại nhà. Có thể nói, bữa cơm tất niên là nét văn hóa, in đậm trong tâm trí người Việt và trở thành sợi dây vô hình, liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình, cộng đồng mỗi khi tết đến, xuân về.
Thật ấm áp nếu bữa cơm chiều 30 có đủ 3 hoặc 4 thế hệ cùng ngồi ăn cơm và trò chuyện. Trong khói hương trầm thơm ngát, bên mâm cơm có đủ bánh chưng xanh, dưa hành, giò mỡ… con cháu thành kính báo cáo với ông bà, cha mẹ những việc đã làm tốt trong năm, từ chuyện học hành, làm ăn đến chuyện tình cảm, hiếu nghĩa…Ông bà cũng không quên nhắc nhở con cháu phải phát huy  truyền thống quê hương, gia đình, đồng thời phân công nhiệm vụ cho từng người, trong đó có việc phải đến chúc tết, thăm hỏi những cụ cao niên trong họ. 
Bữa cơm tất niên kết thúc, cũng là lúc mọi người chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa hay còn gọi là lễ trừ tịch. ý nghĩa của lễ này là nhằm xua đi những điều xấu, dở của năm cũ, đón lấy điều mới mẻ, tốt lành của năm mới. Lễ thường được tổ chức tại gia đình và tại chùa, đình, miếu mạo. Sau lễ cúng giao thừa, các gia đình thường tổ chức một bữa tiệc nhỏ để con cháu chúc phúc ông bà, cha mẹ, người lớn cũng dành những đồng tiền lẻ còn mới để mừng tuổi con trẻ, mong chúng ngoan ngoãn học hành giỏi giang, tiến bộ. 
Với tôi, dù không còn trẻ nữa nhưng mỗi độ Tết đến, Xuân về, cảm giác hồi hộp, thiêng liêng, phấn chấn khi được dự bữa cơm tất niên và đón năm mới giữa những người thân vẫn còn nguyên vẹn. Điều đó lý giải vì sao quê hương, gia đình luôn là nỗi niềm thương nhớ da diết của mỗi người dân đất Việt, kể cả những người Việt xa xứ, đang sống cách chúng ta nửa vòng trái đất mỗi khi Tết đến, xuân về. 
Theo http://vinhphuctv.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xuống phố

Xuống phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. - Dạ mẹ. ...