Phạm Quỳnh (1892-1945) là một trong những nhà hoạt động văn
hóa có ảnh hưởng nhất trong những năm 1920-1945 ở Việt Nam. Cái chết tức tưởi của
ông, sự đánh giá miệt thị và bất công đối với sự nghiệp và di sản tinh thần của
ông từ phía dư luận chính thống ở VNDCCH (1945-76) và CHXHCNVN (từ 1976) tuy
cho đến nay vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn, nhưng ít nhiều đã được nêu ra ở dư
luận của các giới trí thức Việt Nam trong và ngoài nước.
Thiết nghĩ, tiểu sử và sự nghiệp Phạm Quỳnh, giá trị và ý
nghĩa của di sản Phạm Quỳnh sẽ còn được tiếp tục làm sáng rõ hơn trong sự tiếp
cận của các giới nghiên cứu sử học, văn hóa, văn nghệ hiện tại và tương lai.
Trong bài báo nhỏ này, chỉ xin nêu một chuyện nhỏ về ứng xử với
giới trẻ trong đời Phạm Quỳnh, một ứng xử mà lẽ ra không nên mắc phải ở những
người lớn tuổi, nhất là người thuộc giới tai mắt, giới chính khách.
Xin coi đây như một bài học.
Chuyện xảy ra khoảng cuối năm 1931 đầu năm 1932, vào dịp
Tổng trưởng Bộ thuộc địa và tư pháp của chính phủ Pháp là Paul Reynaud (1878-1966)
thăm Đông Dương, phóng viên Jean Dorsenne của tờ “Petite Parisien” đi cùng và
lúc qua Hà Nội đã có dịp hỏi chuyện Phạm Quỳnh, khi ấy đang là chủ nhiệm kiêm
chủ bút tạp chí “Nam phong”. Bài ghi chi tiết cuộc trò chuyện ấy đăng trên một
tờ báo Pháp xuất bản tại Pháp, hẳn sẽ ít hoặc chậm được biết đến ở Việt Nam nếu
như không được một tờ báo chữ Pháp xuất bản tại Hà Nội thuật lại và có thêm lời
bình luận. Đó là tờ “Pháp-Việt tạp chí” (Revue Franco-Annamite), tờ tạp chí
song ngữ Pháp-Việt; tác giả bài bình thuật chính là vị chủ nhiệm tạp chí: nhà
báo A. E. Babut (1878-1962), một nhà hoạt động nhân quyền, một đảng viên đảng
xã hội Pháp. Rồi nội dung bài báo chữ Pháp của A. E. Babut được tờ “Đông Tây tuần
báo” ở Hà Nội dịch đăng, nhân đó chủ bút “Đông tây tuần báo” là Hoàng Tích Chu
mở ra một cuộc bút chiến nhắm vào thái độ đối với thanh niên của nhà báo chủ
nhiệm “Nam phong”.
Ta hãy nghe nội dung ý kiến Phạm Quỳnh qua lời ghi của phóng
viên Jean Dorsenne, được Babut trích dẫn (bản dịch chữ Việt của “Đông tây tuần
báo”, s. 173, ra ngày thứ tư 25 Mai
1932):
“Ông Phạm Quỳnh thực là người làm đại biểu cho hạng nhà nho
phong nhã lịch duyệt, khôn khéo mà cẩn thận. Ông khen mãi cái tài của người
Pháp; ông nói cho tôi biết tất cả những điều sở đắc của ông ở tư tưởng học thuật
nước Pháp. Ông cảm phục một cách chính đáng cái công cuộc tốt đẹp mà nước Pháp
đã làm ở Đông Dương, ông rất lấy làm khen ngợi những đường, những sông, những cầu
đã giúp cho dân nhiều điều ích lợi, mà nếu không có người Pháp chúng ta, tất không
thể có được. Ông tỏ ra một người ơn nước Pháp vô cùng về sự đã làm cho 5 xứ
Đông Dương được yên ổn.”…
Ý kiến này của Phạm Quỳnh mà J. Dorsenne thuật lại, nhà báo
Babut không lạ, vì ông đã từng biết điều ấy không ít lần từ ngòi bút chủ nhiệm
“Nam phong”; tuy nhiên nhà hoạt động nhân quyền A. E. Babut vẫn muốn lưu ý:
“Chúng tôi vẫn thường nhắc đi nhắc lại rằng: cái chính sách của nước Pháp ở
Đông Dương cần phải là cái chính sách làm cho người An Nam mến người Pháp để lợi
cho người An Nam chớ không phải mến người Pháp vì người Pháp”. (bài đã dẫn).
Nhưng nội dung thứ hai trong ý kiến của Phạm Quỳnh về giới trẻ
đương thời, hoặc hẹp hơn, về một bọn thanh niên du học từ Pháp về, đã khiến A.
E. Babut không thể đồng tình. Đây là nội dung ý kiến ông chủ nhiệm “Nam phong”
(mà J. Dorsenne thuật lại, Babut trích dẫn, “Đông tây tuần báo” dịch)
“…Ông Phạm Quỳnh phàn nàn: ông không theo kịp thời buổi này.
Ông trạc độ bốn mươi nhăm tuổi, người cao và mềm mại, mắt lóng lánh đằng sau
đôi kính trắng, miệng nhạo đời. “Ông thử nhìn tôi xem – ông Phạm nói – tôi chưa
hẳn đã già, phải không? Vậy mà tất cả những thiếu niên ở Pháp về, không kiêng nể
ai, không hiểu những ý kiến của tôi. Theo ý họ, tôi là người không được hăng
hái cho lắm…” Rồi ông nói, giọng chua cay: “Họ đã coi tôi là một người già lão
rồi! Những hạng thiếu niên ấy đều là những ranh con vô giáo dục. Họ chằng biết
kính ai cả; họ muốn phá hoại tất cả mọi việc, họ tự đắc, tưởng đã đủ tài đức để
tự lập”.
“Thiếu niên nước tôi đang đua nhau học, – ông Phạm nói nối tiếp
– nhưng những luật sư, y sĩ, kỹ sư còn hiếm lắm. Nếu nước Pháp bỏ mặc chúng tôi
một mình, chúng tôi sẽ trở ra sao?”… (bài đã dẫn)
A. E. Babut không tán thành sự xét đoán trên đây của Phạm Quỳnh;
ông còn biết nguyên do của thái độ ấy.
“Chúng tôi vẫn biết đã lâu, ông Phạm Quỳnh không ưa, không mến
thiếu niên cho lắm. Về việc ấy, có lẽ riêng phần ông, cũng hơi có sự cay đắng
do ở sự người ta phạm đến tính tự trọng của ông và làm ông thất ý. Chắc hẳn ông
Phạm Quỳnh cũng đã có hy vọng làm hướng đạo cho thiếu niên An Nam. Ông thấy họ
không theo ông nên ông đâm ghét.” (bài đã dẫn)
A. E. Babut cho rằng tuổi trẻ xứ này cũng chẳng khác gì tuổi
trẻ các xứ khác, vốn có những ý kiến hăng hái, quá đáng, hay ưa những phe đảng
quá khích. Ông dẫn lời chính khách Clémenceau: Khi còn trẻ cũng nên có tính
ngông cuồng một chút, nên có tính khảng khái, không chịu nhường ai, nên hăng
hái, rồi dần dần năm nọ sang năm kia sẽ có tính ôn hòa; đó là cách hay nhất để
đến khi lớn tuổi trở nên người có tư tưởng tự do và biết tin theo lẽ phải. A.
E. Babut cũng biết thanh niên Việt Nam đôi khi tự phụ đến mức khó chịu, muốn
thay đổi tất cả, không muốn những thứ thuốc chỉ chữa một vài chứng bệnh, một
vài cải cách, mà thường làm như đã có trong tay thứ thuốc chữa bách bệnh; họ muốn
tổ quốc họ được tự do hơn tình trạng hiện tại, v.v… Nhưng theo A. E. Babut, “Nếu
họ lại không có một sự ham muốn gì mới thực đáng lo!” Ông viết tiếp: “Vậy chúng
tôi thiết tưởng họ không đáng bị những lời bình phẩm quá nghiêm của ông Phạm Quỳnh.
Chúng tôi trách ông Phạm Quỳnh đã không phân biệt kẻ hay người dở. Đối với thiếu
niên An Nam ngày nay, ông chủ nhiệm “Nam phong” đã nói vơ đũa cả nắm”.
Dịch đăng bài trên đây của A. E. Babut, tuần báo “Đông tây” của
Hoàng Tích Chu (1897-1933) – vốn tự nhận là “tờ báo của thanh niên” đương thời
– ngay từ đầu đã hứa sẽ có lời đáp lại sự xét đoán của Phạm Quỳnh, đồng thời
tuyên bố mở rộng cột báo cho tất cả những ai là thanh niên muốn có ý kiến đáp lại
nhà “học phiệt” này (“học phiệt” là chữ do nhà báo Phan Khôi mệnh danh cho chủ
bút “Nam phong” trong việc ông này lờ đi không đáp lại bài bút chiến của Ngô Đức
Kế, năm 1924, chống lại việc Hội Khai trí tiến đức khởi lên việc tôn vinh “Truyện
Kiều”).
Trong không khí làng báo đương thời, không phải ai cũng sẵn
sàng lên tiếng; bởi thế, ở những việc thế này, hầu như ai nêu ra việc gì thì phải
tự mình theo đuổi việc ấy. Bên cạnh Hoàng Tích Chu, đáng kể nhất là ý kiến Lãng
Nhân (Phùng Tất Đắc, 1907-2008) cây bút trẻ của “Đông tây” góp chuyện bằng một
bài hài đàm rất ngắn, với một nhan đề công nhiên diễu nhại: “Ranh con mất dạy!” :
“Mãi đến tuổi 36, Nguyễn Công Trứ mới hết đời long đong. Còn
trong lúc thiếu niên, cụ chỉ là một anh “công tử sác”. Vậy mà danh tiếng cụ còn
lại nghìn thu, cũng chỉ vì mấy câu ca hát buổi hàn vi, đem tài hoa ngầm giận
cùng non nước.
Ông Tú Xương chỉ sống có một đời thanh niên, đem cái khí
phách ngang tàng mà mỉa mai chế diễu người đời, trăm năm để tiếng con người
ngông nghênh.
Racine viết xong vở kịch đầu, đem hỏi ý kiến Corneille;
Corneille khuyên Racine nên biết điều thôi hẳn nghề văn tự. Về sau tên Racine rạng
rỡ hơn tên Corneille.
Erasme, nhà bác học có tiếng nhất của châu Âu trong thế kỷ
XVI, thuở còn nhỏ, ai cũng bảo không có khiếu gì thông minh. Đến nỗi vào làm trẻ
hát trong nhà thờ mà cũng phải đuổi vì không đủ tư cách…
Erasme, Racine, Tú Xương, Nguyễn Công Trứ, ví hồi nhỏ có gặp
nhà “học phiệt” kia thì tiên sinh kính trắng đã lại bĩu cái môi, tắc cái lưỡi
là lẩm bẩm: “Đồ ranh con mất dạy!” (“Đông tây”, s. 177, ngày 02 Juin 1932)
Sau bài của
Lãng Nhân khá lâu không thấy động tĩnh gì từ phía “Nam phong”, nên báo “Đông tây”
thông báo “xếp câu chuyện ấy” lại. Có vẻ như ông chủ nhiệm “Nam phong” biết
mình đã trót quá lời trước một phóng viên ngoại quốc nên rốt cuộc đành lại lấy
im lặng làm giải pháp, dù có thêm một lần cung cấp chứng cứ cho làng báo mệnh
danh mình là người “học phiệt”!
Thế nhưng Trần Khánh Giư (Khái Hưng, 1896-1947) trên tờ
“Phong hóa” lại lên tiếng trách chủ nhiệm “Đông tây” đã từng kiếm cơm ở tờ “Nam
phong” mà nay lại nói phạm ông chủ của nó! Vậy là Hoàng Tích Chu buộc phải đáp
lại:
“Tôi đã làm cho Nam phong. Nếu tôi đã được điều gì ở ông
Quỳnh, tôi chẳng từng quên, tôi cũng đã từng nhiều lần nói lên trên báo. Nhưng
ông Quỳnh không phải là ông Trời con trọn vẹn mà Kế Thương này [Kế Thương là một
bút danh của Hoàng Tích Chu – người viết ghi chú] chưa hẳn là cục thịt đứng
yên. Trên trường ngôn luận, trong vòng chánh giới, cái điều hay của người, ta
không nên dấu, thì cái dở của người, ta có phép nào che”. (“Đông tây”, s.
205, ngày 4&5 Juillet 1932).
Tiếp đó, Hoàng Tích Chu viết
liền mấy bài ngắn, so sánh Nguyễn Văn Vĩnh với Phạm Quỳnh. Sau khi giải thích với
công chúng “tôi xét ông Quỳnh bằng lối người vô học trông người có học, người
trẻ tuổi nhìn người nhiều tuổi”, “ấy chỉ là một bài học cho bọn thiếu niên về
môn xét người xét việc”, Hoàng Tích Chu thẳng thắn nhận xét: “ông Quỳnh hẹp lượng
hơn ông Vĩnh” (“Đông tây”, s. 206, ngày 6 Juillet 1932); ông Quỳnh lúc là học
trò là “học trò chăm học”; lúc là thày ký vẫn là “thày ký chịu học”; khi là nhà
báo vẫn là “nhà báo còn học”; đến khi làm quan, làm chính trị gia, vẫn là “nhà
chính trị còn có mùi học”… nhưng – theo Hoàng Tích Chu – cũng vì thế mà “cái óc
nghĩ của ông Quỳnh không được rộng, nó thật gay go như óc nghĩ của mấy ông đầu
hói trong bộ Latinh bên Pháp: ai nói động đến là cuống lên, không mấy khi dự hội,
ra phố; ghét nhà báo đến phỏng vấn” (“Đông tây”, s. 208, ngày 8 Juillet 1932;
s. 209, ngày 9 Juillet 1932).
Quả là thiệt
đơn thiệt kép cho ông chủ nhiệm “Nam phong”!
Sau này,
trên sách báo ở miền Nam những năm 1960, một số tác giả như Tế Xuyên, Dương Thiệu
Thanh… đã nêu lại việc “gây sự” này của tuần báo “Đông tây” với ông chủ nhiệm tạp
chí “Nam phong”, coi vụ việc này như là cái cớ để tờ “Đông tây” bị đóng cửa
(sau số 222, ngày 25 Juillet 1932), bởi Phạm Quỳnh luôn luôn được nâng đỡ, bênh
vực bởi Louis Marty, khi đó đang là cố vấn chính trị của Toàn quyền Đông Dương.
Tuy vậy, đấy là một giả thuyết cần được nghiên cứu riêng.
Trở lại câu
chuyện Phạm Quỳnh trót đưa ra những xét đoán quá nghiêm khắc đến mức bất công đối
với một nhóm thanh niên du học trở về hồi những năm 1930. Rõ ràng đây là một sự
quá lời rất tai hại. Có lẽ không chỉ Phạm Quỳnh mà bất cứ người lớn tuổi nào,
nhất là những người có tiếng, những chính khách, càng nên biết đến những bài học
loại này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét