Dấu ấn Hàn Mặc Tử
Cách
nay vừa đúng 100 năm, vào ngày 22 tháng 9 năm 1912, một gia đình viên chức đang
tại nhiệm ở vùng bờ biển Quảng Bình được hưởng niềm vui chào đón sự ra đời một
đứa con thứ, sẽ được đặt tên là Nguyễn Trọng Trí.
Nguyễn Trọng Trí sống trên cõi đời này vẻn vẹn 28 năm, tham
gia hoạt động văn học khoảng trên 10 năm, nhưng đã khắc tạc dấu ấn riêng hồ như
vĩnh viễn không phai nhạt được của mình vào nền thi ca tiếng Việt, nền văn học
Việt Nam, dưới một bút danh anh tự đặt cho mình: HÀN MẶC TỬ.
Nhân 100 năm sinh Hàn Mặc Tử, chúng ta nhắc lại cùng nhau đôi
nét về một con người, một sự nghiệp mà từ khi được biết đến, - vào giữa những
năm 1930 - cho đến tận những thập niên gần đây, cộng đồng văn học Việt Nam hầu
như chưa bao giờ ngớt bàn luận, nhận định, bình giá.
Nền thơ ca bằng tiếng Việt của người Việt đã tồn tại cả ngàn
năm trước khi Hàn Mặc Tử xuất hiện ở cõi đất Việt này, chính nó là mảnh đất, là
nguồn nước, là nguồn không khí trong đó Hàn Mặc Tử được nuôi dưỡng để lớn lên
thành một con người, một chủ thể trưởng thành. Sáng tạo của Hàn Mặc Tử là dựa
vào, bằng vào nền thi ca tiếng Việt, nền văn hóa Việt Nam, thừa kế những
truyền thống ưu tú của nó, tính đến thời đại mình. Không những thế, sáng tạo của
Hàn Mặc Tử còn góp sức đẩy tới, làm giàu thêm cho thi ca Việt Nam, văn hóa Việt
Nam những phẩm chất và năng lực mới, trước đó chưa từng được thể nghiệm và khám
phá, và qua đó, đưa hoạt động sáng tạo tinh thần của người Việt sáp tới gần để
có thể đồng hành với hoạt động sáng tạo tinh thần nhân loại ở các xã hội phát
triển sớm hơn, tân tiến hơn.
Cuộc đời sáng tác văn nghệ của Hàn Mặc Tử trải ra trong khoảng
trên 10 năm.
Hàn đã bắt đầu từ thể thơ Đường luật - một trong những thể
thơ Tàu đã được Việt hóa từ lâu để trở thành một loại luật thơ phổ biến trong
văn hóa thi ca người Việt, lại cũng bắt đầu từ ca dao lục bát - một thể thơ Việt
thuần thành, - với những sáng tác ban đầu, thể nghiệm lại cái hồn thơ dân tộc,
hồn thơ phương Đông, hoặc hàm súc ý tứ đến kìm nén xúc cảm, hoặc giản dị phô
bày tình ý trong nhạc điệu phong phú, dồi dào.
Sống vào một thời đại mà dân Việt mình đang buộc phải làm
quen nhưng rồi dần dà cũng trở nên thân gần một văn hóa khác – văn hóa nhân bản
cởi mở từ Âu Tây đưa lại, Hàn Mặc Tử đương nhiên đã lĩnh hội văn hóa ấy, từ nhà
trường, từ sách vở, từ sinh hoạt tôn giáo; hơn thế Hàn cũng đã biết được rằng
trào lưu Âu hóa đang đem lại sức sống mới và tầm cao mới cho văn chương một vài
nơi trong vùng Đông Á, ví dụ Nhật Bản.(1)
Khi phong trào thơ mới bùng nổ trong giới văn chương nước nhà,
Hàn Mặc Tử đã nhận ra ý nghĩa giải phóng sức sáng tạo cá nhân đầy ưu thế của
nó.(2) Tập thơ Gái Quê ra mắt cuối năm 1936, cho thấy Hàn
Mặc Tử, từ cung cách sáng tác trong phạm vi thi ca hậu cổ điển, đã nhanh chóng
bước sang lĩnh vực thơ mới lãng mạn và sớm ghi được thành tựu của mình ở đấy, mặc
dù Hàn Mặc Tử không thuộc trong số những người cổ vũ cuồng nhiệt nhất cho phong
trào này, cũng không tự coi mình là “tín đồ trung thành” của nó.
Khác với những thi gia hàng đầu có thành tựu xuất sắc của
thơ mới đã từng vô tình hay cố ý coi thơ mới ở giai đoạn lãng mạn duy lý như những
quy phạm mẫu mực, “kinh điển” mới, Hàn Mặc Tử và một số nhà thơ khác, những
thành viên hiếm hoi của “trường thơ loạn”, chỉ gồm Hàn Mặc Tử, Bích Kê và Chế
Lan Viên, ngẫu nhiên chăng, lại cùng sống và làm thơ hồi những năm 1930-40 tại
vùng Quy Nhơn-Bình Định – đã bước qua giai đoạn lãng mạn duy lý, đẩy thi ca tiếng
Việt phát triển sang miền tượng trưng, siêu thực, đưa thơ Việt, văn học Việt
sáp lại gần giai đoạn hiện đại chủ nghĩa, giai đoạn mới nhất của văn học các nước
phát triển tính đến thời gian đó.
Như đã được các giới văn chương và khảo cứu chỉ ra, Hàn Mặc Tử
vừa là người cổ vũ, là lý luận gia, vừa là nhà sáng tạo có thành tựu nổi trội
nhất của “trường thơ loạn”, của thi ca tượng trưng siêu thực hiện đại chủ nghĩa
tiếng Việt những năm 1930-40. Biểu hiện tập trung, thành tựu nổi trội nhất của
Hàn Mặc Tử trên hướng này chính là tập thơ “Đau thương”, cũng được gọi là “Thơ
điên”.
Không ít người cho rằng, Hàn Mặc Tử sở dĩ bước được sang bến
bờ tượng trưng, siêu thực trong sáng tác và cả trong quan niệm mỹ học, là bởi
trạng thái đau bệnh, do ông mắc một trong số các chứng bệnh mà đương thời xem
là “tứ chứng nan y”, với những đau đớn vô cùng tận trong thể xác, những đau đớn
bí mật bởi không thể chia sẻ với ai khác, không thể nối dây thần kinh người bệnh
với dây thần kinh nhiều người khác để giảm thiểu cảm giác đau bệnh; chính những
đau đớn ấy làm rối loạn thần trí, làm phát sinh những hoang tưởng quái dị;
trong tình thế ấy, hoạt động văn chương, hoạt động thi ca, hoạt động ngôn từ vừa
như là sự chuyển dạng vừa như là sự giải thoát của con bệnh.
Thế nhưng nếu đã có hàng ngàn hàng vạn ca bệnh tương tự mà chỉ
có hầu như một trường hợp Hàn Mặc Tử – “con bệnh” hiếm hoi đã biết làm và làm
được cái việc kể lại tả lại những trải nghiệm đau thương, những động loạn trong
tâm trí, những huyễn tượng quái dị – cứ cho là hệ quả trực tiếp từ những cơn
đau bệnh đi! – thì chính điều đó đặt chúng ta không phải trước các trạng thái bệnh
lý với “bệnh phẩm” của chúng, mà là trước những trải nghiệm tâm lý-tinh thần của
con người đã và đang sống cuộc sống thực tại với những khổ đau tuy lớn hơn ở những
người khác nhưng không hề xa lạ những khổ đau của người đời. Từ chỗ không thể
san sẻ về thể chất, khi được “kể lại tả lại” bằng ngôn từ, bằng thi ca, những
khổ đau của một con người trở nên có thể được sẻ chia bởi những người khác về mặt
tinh thần. Việc “kể lại tả lại” những trải nghiệm ấy, bằng ngôn từ, – hơn nữa,
ngôn từ của thi ca – là việc hầu như không ai có thể làm được, nếu đó không phải
là những thiên tài.
Hàn Mặc Tử chính là con người hiếm hoi đó: ông là một
thiên tài. Sự kết tụ tài năng vào một cá nhân đau bệnh như Hàn Mặc Tử, là rất
khó giải thích cặn kẽ, chỉ có thể nói đó là một sự kết tụ ngẫu nhiên kỳ diệu.
Từ thi ca lãng mạn bước sang thi ca tượng trưng, siêu thực,
Hàn Mặc Tử và các nhà thơ của “trường thơ loạn” đã làm cho thơ tiếng Việt chẳng
những có thể diễn tả những xúc cảm trữ tình lãng mạn, mà còn có thể diễn đạt những
xúc động, những chấn động tâm hồn vi tế hơn, phức hợp hơn, nhiều nghịch lý hơn,
khó nhận biết hơn, gắn với trực giác, với cõi vô thức, chẳng những có thể diễn
tả cái hữu lý mà còn có thể diễn tả cái phi lý, cái quái dị, sản phẩm của hoang
tưởng siêu thực tại.
Với những trải nghiệm như vậy, ngôn ngữ thi ca chẳng những có thể là thứ ngôn ngữ sáng rõ mà còn có thể là thứ ngôn ngữ mờ đục, đôi khi là những dòng lời hỗn độn, tối nghĩa, thậm chí dường như vô nghĩa trong nhận biết thông thường, trong khi nhạc tính của thi ca tượng trưng, siêu thực này thậm chí còn gây ấn tượng nhiều hơn so với thơ lãng mạn.
Với những trải nghiệm như vậy, ngôn ngữ thi ca chẳng những có thể là thứ ngôn ngữ sáng rõ mà còn có thể là thứ ngôn ngữ mờ đục, đôi khi là những dòng lời hỗn độn, tối nghĩa, thậm chí dường như vô nghĩa trong nhận biết thông thường, trong khi nhạc tính của thi ca tượng trưng, siêu thực này thậm chí còn gây ấn tượng nhiều hơn so với thơ lãng mạn.
Những sáng tác loại này tuy chỉ chiếm một số lượng nhỏ bé so
với nền thơ chung đương thời, nhưng chúng vẫn có tác dụng thách thức các quan
niệm thi ca, quan niệm văn học quen thuộc, đòi hỏi mở rộng chúng, thay đổi
chúng.
Hàn Mặc Tử là một thiên tài của thi ca, của văn học tiếng Việt
thế kỷ XX. Ông chẳng những cống hiến cho thơ tiếng Việt những tác phẩm xuất
chúng, những câu thơ bất diệt như trăng sao, mà còn đẩy thi ca người Việt đi tới,
hòa nhập với hướng đi của thi ca ở các xã hội phát triển.
Chúng ta cùng nhau nhắc nhở tên tuổi và sự nghiệp Hàn Mặc
Tử nhân 100 sinh ông là vì đóng góp mạnh mẽ của ông cho thi ca Việt Nam, văn học
Việt Nam, cho chiều hướng phát triển của nó.
Chú thích:
[a] Về điểm này xin xem bài của Hàn Mặc Tử: Thi
văn Nhật Bản với phong trào Âu hóa, đăng báo Sài
Gòn ngày 3/2/1936 (theo Phan Cự Đệ: Thơ văn Hàn Mặc Tử, Hà Nội:
Nxb. Giáo dục, 1993, tr. 115-119.
[b] Xem: Phong Trần: Không nên có luật thơ mới// Tiến bộ, Sài Gòn, s. 2 (6. 8. 1938) (theo Phan Cự Đệ: sách đã dẫn).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét