Chúng ta biết,
học giả Bùi Kỷ (biệt hiệu Ưu Thiên, 1888-1960), đã biên soạn nhiều công trình
giáo khoa ngữ văn học tiếng Việt như “Quốc văn cụ thể” (1932), “Việt Nam văn phạm
bậc trung học” (1940, cùng soạn với Trần Trọng Kim, Phạm Duy Khiêm), “Tiểu học
Việt Nam văn phạm” (1945, soạn cùng Trần Trọng Kim, Nguyễn Quang Oánh), hiệu khảo
văn bản nhiều tác phẩm thuộc di sản Hán Nôm Việt Nam như “Truyện Thúy Kiều”
(1925, soạn cùng Trần Trọng Kim) và nhiều áng văn nôm khuyết danh như “Trê
cóc”, “Trinh thử”, “Lục súc tranh công”, “Hoa điểu tranh năng”, v.v…, dịch
thuật nhiều tác phẩm chữ Hán của tác gia cổ trung đại Trung Quốc và Việt Nam,
trong đó có “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, “Trần tình văn” của Cao Bá Nhạ,
v.v…
Bên cạnh đó, ông cũng là một ngòi bút sáng tác văn thơ, cả
Hán lẫn Nôm.
Theo sách “Nhà văn hiện đại” (1942 - 1945) của Vũ Ngọc Phan
thì Bùi Kỷ có tập bản thảo các sáng tác văn thơ nhan đề “Ưu Thiên đồ mặc” trong
đó một số bài đã đăng báo. Nhưng rồi không thấy tác giả đưa xuất bản, có thể,
vì bản thảo đã bị mất.
Thật ra, nếu tìm kỹ trong “Nam Phong” cũng có thể thấy được một
vài bài của Ưu Thiên, đăng khoảng năm 1927. Một điều trớ trêu là trong cuốn “Mục
lục Nam Phong” (Sài Gòn, 1968; tái bản, Hà Nội, 2002) của Nguyễn Khắc Xuyên, cuốn
sách thông tin tốt nhất về tạp chí “Nam Phong”, nhìn chung được biên soạn rất
công phu, tiếc thay vẫn có thiếu sót, cụ thể là quên mất Bùi Kỷ và các bài ca
trù của ông. Chỉ khi đọc đến hồi ký Nguyễn Hiến Lê, thấy ông đánh giá rất cao
ca trù của Bùi Kỷ, tôi mới tra cứu lại “Nam Phong” và nhận ra điều đó!
Vừa đây, nhân đọc lại sưu tập tuần báo “Nhật tân” (Hà Nội,
1933-1935), tôi được thấy một loạt sáng tác Nôm (Quốc ngữ) của Ưu Thiên Bùi Kỷ.
Có thể nói, từ số 65 (ra ngày 7/11/1934) trở đi, số nào ở mục “Rừng văn” của
“Nhật tân” cũng có đăng thơ Bùi Kỷ.
“Nhật tân” là tuần báo của chủ nhiệm Đỗ Văn, vai trò chủ bút
có lúc là Nguyễn Triệu Luật (Phất Văn nữ sĩ), hoặc Tiêu Viên (Nguyễn Đức Bính),
hoặc Lãng Nhân (Phùng Tất Đắc); tòa soạn ở 15 Hàng Da, Hà Nội; số đầu ra ngày
2/8/1933; số cuối cùng ra ngày 20/2/1935 (theo Nguyễn Thành: “Từ điển thư tịch
báo chí Việt Nam”, H.: Nxb. VHTT, 2001); hiện sưu tập báo này ở Thư viện Quốc
gia, Hà Nội, có từ s. 1 đến s. 76 (ra ngày 23/1/1935).
Đọc những bài thơ bài ca của Bùi Kỷ đăng ở “Nhật tân”, có thể
bắt gặp một thứ tiếng Việt vừa cổ điển vừa hiện đại, nhiều đoạn thơ vừa có thể
khiến ta tưởng như đang đọc Kiều hay Tú Xương, Nguyễn Khuyến, lại vừa khiến ta
nhận ra vẻ mực thước vốn có ở văn chương một nhà nho.
Xin chỉ nói đến những bài hát ả đào, tức là những bài ca trù,
của Bùi Kỷ.
Được biết, trong cuốn “Tuyển tập thơ ca trù” (Ngô Linh
Ngọc và Ngô Văn Phú biên soạn, tuyển chọn, Hà Nội: Nxb. Văn học, 1987), nhà thơ
Ngô Linh Ngọc có nhắc đến ba nhân vật thuộc loại khách văn chương của giới ca
trù Hà Thành hồi đầu thế kỷ XX, mỗi người có một cái tên tự nhận (theo tư chất
các bài ca do họ viết): Á Nam (Trần Tuấn Khải) là “bi” (đau, sầu), Tản Đà (Nguyễn
Khắc Hiếu) là “ngông”, Ưu Thiên (Bùi Kỷ) là “ưu” (lo đời). Soạn giả cuốn tuyển
kể trên đã lấy làm tiếc là không tìm được bài ca trù nào của Bùi Kỷ để đưa vào
cuốn tuyển của hai soạn giả họ Ngô.
Thế mà trên các số báo “Nhật tân” kể trên, tôi thấy có đến 5
bài ca trù của Ưu Thiên: Tiễn bạn về hưu, Nhớ bạn, Ưu (Lo đời), Lạc (Cái
vui), Lao (Sự nhọc nhằn). Tìm đến cuốn “Thơ văn Bùi Kỷ”, tập hợp từ
nguồn tư liệu gia đình (Nguyễn Văn Huyền biên soạn, Nxb. KHXH., H., 1994) thấy
có 4 bài ca trù, nhưng trong đó chỉ có một bài (Nhàn) là không trùng với các
bài đã đăng “Nhật tân”. Tính chung lại, hiện nay chúng ta còn thấy được 6 bài
ca trù của tác giả Ưu Thiên.
Thể hát nói, dù có nguồn từ thời trung đại, song chỉ mới thịnh
hành ở thời cận đại. Con người trong các bài hát nói là con người cá nhân, tuy
vẫn xưng “ta” chứ chưa xưng “tôi”. Nhắc đến hát nói người ta thường kể đến Nguyễn
Công Trứ (1778-1859). Nhưng con người tài hoa mà đường quan lộ thăng giáng bất
thường ấy dù sao cũng là người của thế kỷ XVIII-XIX. Sang vài thập niên đầu thế
kỷ XX, hát nói vẫn đang còn ở thời thịnh, với rất nhiều tên tuổi mới.
Học giả Nguyễn Hiến Lê coi hát nói là thể tài “hoàn
toàn Việt Nam”, mỗi bài “không ngắn không dài, gồm 11 câu, hoặc thêm 4 câu mưỡu
nữa là 15 câu…, rất vừa vặn”, một thể tài tuy có luật nhưng “không chặt chẽ,
tương đối tự do nên rất hợp để diễn những tư tưởng phóng khoáng, có thể hùng hồn,
có thể nhàn nhã”. Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Hiến Lê trong hồi ký của mình đã
chép lại toàn văn 2 bài hát nói của Bùi Kỷ: bài về chữ “nhàn” và bài về chữ
“lao” (Nguyễn Hiến Lê, “Hồi Ký”, phần III, chương 18, bản trên
internet).
Các bài hát nói của Bùi Kỷ, có thể nói, cũng rất tiêu biểu
cho triết lý nhân sinh của giới kẻ sĩ thời ông. Họ là nhà nho, nhưng là nhà nho
ở thời đại mà các quan hệ xã hội đã rất phát triển, ý thức về cái riêng, về giá
trị từng con người đã là cả một thực tại không thể bác bỏ: Nhất tiếu quy
lai thiên địa ngã/ Ta là ta, ai đã biết ta?
Ai ơi có biết ta chăng
Túi giang sơn đã gió trăng nhẹ nhàng
Dang
tay bốn bể thênh thang
Dầu lòng ngang dọc dọc ngang cũng vừa
Cầu xa mã sớm trưa lẵng đẵng
Quán công hầu mưa nắng long đong
Vai
hai quang hai thúng tang bồng
Đi chợ mãi, anh hùng cũng mệt
Nhớ đến câu viêm viêm diệt mà mà long long tuyệt [1]
Hoài công đâu mải miết làm chi!
Khóc dở dang ta hãy cười khì,
Được ngắm vuốt cái tu mi là hả
Nhất
tiếu quy lai thiên địa ngã [2]
Ta là ta, ai đã biết ta!
Đi về, vẫn nước non nhà.
(Tiễn bạn về hưu)
Kẻ sĩ trong các bài ca trù của Bùi Kỷ là kẻ luôn luôn biết tự
trào, giống như bản thân ông đã lấy biệt hiệu Ưu Thiên cho mình với nụ cười diễu
(diễu cái người nước Kỷ kia toan lo chuyện … trời sập!).
Nó hiểu mình sinh ra trong cuộc đời này không thể trốn món “nợ
vũ trụ”:
Phàm vật hữu hình giai hữu hoại [3]
Vỏ kiền khôn trút lại mấy tầng tro.
Tội gì mà lo tính quanh co
Thừa hơi sức để bày trò thêm nhọc!
Song đã là người, dù lớn nhỏ cũng linh kỳ chung dục, [4]
Chẳng có lẽ si si ngốc ngốc, chịu hồ đồ thanh trọc với cừ
lư! [5]
Kìa thử xem: kiến cõng mồi, chim nhặt rác, ong ủ mật, nhện se
tơ,
Vật còn thế, nữa người ngu hơn vật!
Nợ vũ trụ chồng chồng chất chất,
Trốn làm sao, toan lẩn quất cho rồi!
Đã đem thân gánh vác với đời,
Quản gì nước mắt mồ hôi, bõ cái tiếng nâng trời là hả,
Nên ra thì cưỡi gió đè mây, nắm nhật nguyệt vào trong chưởng
bả,
Chẳng nên thì lở bờ sạt bến, cát dã tràng tơi tả tiếc gì
công.
Dầu sao cũng nhất thế hùng!
(Lao)
Nó biết, dù có lo lắng mấy cũng chẳng đối phó được mọi mối
nguy nan, nên tốt hơn cả là đừng lo tính gì cả!
Lo như ai cũng là ngốc thật
Lo trời nghiêng, lo đất chông chênh!
Lo
chim bay lạc tổ quên cành,
Lo cá lội sa ghềnh lạ nước,
Hão huyền thế đố ai lo được?
Ngay
ngáy thay!
Đời bao nhiêu tuổi, tuổi bao nhiêu năm,
Đời bao nhiêu tuổi, tuổi bao nhiêu năm,
năm bao nhiêu tháng, tháng bao nhiêu ngày,
Trằn trọc mãi để gió mây thêm vẩn đục.
Ngồi lẳng lặng như ông Xanh cũng bực,
Phải van nài xin chú ngốc đừng lo.
Bật cười người nhỏ lo to!
(Ưu)
Cái thích nhàn, cái ham chơi, ở đây được mặc nhiên xem là
thiên tính, là trí khôn của người đời.
Có tiền mua tiên cũng được,
Đố bao nhiêu mua được cái vui?
Vui có khi loa qua luýt quýt mà thôi,
Vui có khi yếu phải khỏe, già phải trẻ,
buồn phải tươi, khóc phải cười,
Vui cho trăng gió lả lơi,
cho mệt đất long trời thời mới thích,
cho mệt đất long trời thời mới thích,
Thiên cổ du du trường tịch mịch
Nhất sinh lục lục kỷ bi hoan
Dù đổ cả kho vô cùng vô tận của lưỡng gian
Mua một cuộc bàn hoàn coi cũng khó
Tập tầm vông, tay nào không tay nào có
Tay này vui, tay nọ chẳng cần tiền
Khi vui, vui cũng là tiên…
(Lạc)
Sự hưởng
nhàn được nâng đến tầm triết lý, xem như chỉ là một nhúm nhỏ rút từ “túi càn
khôn” vũ trụ.
Dù
ái ưu cũng có khi nhàn
Thì
tiêu khiển cuộc rượu cung đàn chơi cũng nhã
Hãy gác cả vinh nhục, thị phi, cùng cổ kim, nhân ngã
Đem
hạo nhiên mà hể hả với cầm tôn
Trộm
cái nhàn trong túi càn khôn
Dăm bảy vốc cỏn con thôi cũng đủ
Rồi tung ra cho nó chảy cồn cồn như nước,
tuôn cuồn cuộn như mây,
bay
lững thững như trăng,
thổi thênh thênh như gió
Rải rắc cả ngoài bát hoang trong lục vũ vẫn còn thừa…
Cái nhàn đã lạ lùng chưa?
Một giọng triết lý, một giọng thơ đặc sắc như của Bùi Kỷ, mà
bị hậu thế lãng quên, có lẽ vì tác gia này tham dự vào đoạn kết của nền văn
chương kiểu cũ, đúng vào lúc mà các giới trẻ đang xăng xái tìm cách phát kiến
những cái mới, noi theo nguồn văn Âu-Mỹ. Rồi về sau, khi mọi thứ đã xong xuôi,
người ta lại chỉ nhớ đến vai trò học giả của Bùi Kỷ mà quên mất vai trò thi gia
của Ưu Thiên.
Thiết tưởng, những ai yêu thơ Việt, yêu mến ca trù, rất nên
tìm đọc lại những bài hát nói, nói riêng, và các sáng tác thơ, nói chung, vốn
không nhiều nhưng đặc sắc, của tác gia Ưu Thiên Bùi Kỷ.
Xin nhắc lại để phân biệt, về thể thơ, nó là “hát nói”; về
bài ca, nó là “ca trù”; gắn với người ca, nó là “hát ả đào”.
Chú thích:
[1] Viêm viêm diệt, long long tuyệt: Câu này
đầy đủ là 炎炎 者
灭,隆 隆 者 绝 “Viêm viêm giả diệt, Long long giả tuyệt” (Hán
thư, Dương Hùng truyện): Lửa cháy đến sáng rực sẽ dần tắt, tiếng sấm đến cực to
sẽ dần lặng, - ý nói sự vật thịnh cực tất đến lúc suy. Các chú thích chữ
Hán ở đây đều do nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn làm giúp; xin cảm ơn.
[2] Nhất tiếu quy lai thiên địa ngã: 一 笑 歸 來, 天 地 我; giải nghĩa: Một cười mà quay về,
trong thiên hạ chỉ ta là tôn qúy. (Tương truyền Thích Ca Mâu Ni nói “Thiên thượng
địa hạ, Duy ngã độc tôn”)
[3] Phàm vật hữu hình giai hữu hoại: Phàm sự vật
có hình tất có lúc bị hư nát.
[4] Cả câu này ý nói: người ta dù lớn nhỏ
cũng do khí thiêng của trời đất un đúc, nuôi nấng.
[5] Cừ lư: Lò cừ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét