Ký ức một chiều quê
Trời đã bắt đầu ngã bóng chiều, ngồi một góc trong quán cà
phê nhỏ tôi lặng nhìn được mọi thứ đang chuyển động xung quanh mình. Những hàng
quán bên đường đã đóng cửa dần, những gánh hàng rong, những chiếc xe bánh mì
bên góc đường cũng thưa thớt đi. Mọi người ngoài đường ai nấy đều tất bật,
nhanh chân để về nhà cho kịp bữa cơm chiều. Nhìn mọi người mà lòng tôi cứ nao
nao nhớ cái vị của bữa cơm chiều hồi còn ở quê.
Ngày đó, cứ mỗi chiều đi học về là lũ học trò áo trắng cứ cười
vang khắp đường làng ví như những cánh cò trắng tinh cũng đang kéo theo đàn
trên bầu trời để bay về tổ. Chúng tôi cứ đùa với nhau là “Đàn cò đó cũng đi học
giống mình đó, chắc giờ nó đang đói bụng bay về tổ”… Câu chuyện cứ thế mà làm rộn
vang cả buổi chiều quê. Hay những ngày hè cùng đám bạn ở xóm vui chơi đầu ngõ,
chơi những trò dân gian đầy ngẫu hứng nào là: ô ăn quan, cò chẹp, nhảy dây, trốn
tìm… hồi đó không mạng internet, không laptop, không smartphone cũng chẳng có
gì xa xỉ cả. Một trái banh, một sợi dây nhảy, vài viên bi nhỏ, ấy vậy mà không
lúc nào thiếu vắng tiếng cười, làm cái màu xám xịt của trời chiều cũng tan biến.
Nhưng vừa chơi mà đứa nào cũng liếc mắt về cái ống khói ở nhà đang bay lên nghi
ngút, hồi đó chỉ cần nhìn những làn khói trên mấy mái nhà là biết ngay mẹ mình
đã nấu cơm chín chưa. Y như rằng năm phút sau là tiếng mẹ gọi về ăn cơm. Hồi đó
tôi hay bới riêng một tô cơm cho mình, rồi lao đầu chạy ra sân với đám bạn nhìn
tụi nó chơi tiếp. Cứ mỗi lần như vậy tôi lại bị mẹ nhắc nhở, mẹ dặn cơm nhà
ngon nhất là lúc ngồi ăn chung chứ mỗi người mỗi tô thì còn gì là cơm nhà. Mẹ
cũng luôn dạy tôi “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng” dù việc gì nhỏ nhất cũng phải để
ý, phải tử tế. Giờ ngẫm lại, tôi quý giá những lời dạy đó biết bao.
Có hôm, nhà thiếu cá, ít thịt vậy là tôi cùng cha xách rổ,
xách lưới ra đồng chày mớ cá cho bữa cơm chiều. Tôi chẳng làm được gì đâu,
ngoài chuyện cầm cái rổ theo chân cha để đựng cá, tiện tay bẽ vài trái ổi bên
nhà ông Tư để ăn vặt. Còn cha tôi tài lắm, cứ khoảng vài chục phút là rổ cá đã
đủ cho cả nhà, thấy vừa đủ ăn là cha “hú” ra hiệu tôi về. Bởi ở quê, có bao giờ
người ta bắt cá đồng dư mà đem về rọng đâu, như vậy là hết ngon mà lần sau bắt
nữa cũng ít. Cái tính của dân quê là vậy, độ lượng, dân dã, vừa đủ chứ không
quá đà. Được vài con cá lóc đồng ngon là cha đem nướng rơm, rồi rủ mấy ông bạn ở
xóm lại nhâm nhi vài ly rượu đế cho ấm lòng dân quê. Có khi nhà kế bên đem món
ngon sang mời, sẵn tiện dùng chung bữa cơm. Mấy người phụ nữ thì ngồi một bên,
đàn ông thì ngồi quây quần một bên, còn cái đám con nít chúng tôi nữa chứ. Chén
cơm, món cá nướng đồng quê, ly rượu đế, những câu chuyện lao động xoay quanh
lúa thóc, ruộng vườn… cứ thế làm vui.
Ngay mùa nước nhảy lên bờ là cả xóm đã rộn ràng lên hết. Ở
quê người ta kêu là mùa nước nổi, mùa này nhà ai cũng đan vài cái lưới, may vài
cái rọng để kịp đón cá. Nhà nào kỹ hơn thì đặt lợp, đặt dớn dưới mé sông trước
mùa nước về gần cả tháng. Đương nhiên lượng cá cũng từ đó mà nhiều hơn. Độ khoảng
bốn năm giờ chiều là mấy người đàn ông ở xóm xuống sông dở dớn, đàn bà thì xách
rổ, xách thùng theo mà đựng, còn mấy đứa trẻ thì chèo xuồng gần chỗ dớn hái lục
bình chơi, hay có cần thì phụ tiếp một tay, một chân. Mấy đứa trẻ ở quê quen với
sông với nước hết rồi, cứ nhảy xuống sông là lội như nhái với lại chúng nó cũng
quen với chuyện sống khổ này rồi, nên sống khổ mà vui. Vài giờ sau là nhà nào
cũng cá tôm đầy thùng, là chúng tôi biết ngay chiều nay sẽ có nồi mắm kho cá
linh hay vài con tôm càng xanh ăn cho đã thèm rồi. Mấy người đàn bà ngồi lựa cá
để ở nhà ăn, mớ còn lại đem ra chợ bán hay được con tôm, con cá nào ngon là đem
cho ông bà, họ hàng. Dân quê mà, mộc mạc là thế, không toan tính thiệt hơn, miễn
sao đủ đầy, xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau là được. Với cái tính cách chân
chất, thật thà đó, đi đâu ai gọi “nhà quê” cũng thấy vui.
Giờ đây, tôi đã không còn là đứa trẻ ngây ngô ngày nào, tôi
đã là một chàng sinh viên năm hai. Cuộc sống xa quê, lắm lúc nhớ nhà lắm. Mấy
ngày đầu sống ở nơi thị thành tôi thấy tủi thân vô cùng, nhiều đêm còn khóc như
đứa trẻ. Bây giờ, nơi phố thị xa hoa tìm đâu ra cây trứng cá bên đường mà chiều
nào đi học về chúng tôi cũng tụm năm tụm ba hái, tìm đâu ra những buổi trời chiều
nhẹ nhàng nhưng rộn tiếng cười của lũ trẻ, tìm đâu ra khói bếp mà mẹ tôi hay nấu
cơm, đun nước, tìm đâu ra những dòng sông nơi chúng tôi lặn ngụp mà lớn lên… Ở
đây khác lắm, xa lạ lắm. Bước chân ra đường là xe cộ cứ ù ù bên tai lấn luôn cả
tiếng mấy con chim ríu rít như hồi còn ở quê hay có lẽ do chạy theo cuộc sống hối
hả ngoài kia nên tôi không kịp nhìn lên bầu trời để nhẹ đưa lòng mình với tiếng
chim. Mọi người nơi phố thị tất bật lắm, họ làm gì cũng nhanh, cũng gấp gáp, mặt
ai nấy đều rõ nét bận bịu cứ như không kịp làm gì đó. Có khi cả ngày chẳng ai
nói với ai câu nào, chuyện ai nấy làm, đèn nhà ai nấy sáng. Cũng vì cuộc sống
mưu sinh, cơm áo gạo tiền nên người ta cũng chẳng thèm để ý tới “họ hàng
xa không bằng láng giềng gần”. Tôi muốn nới rộng lòng mình ra nhưng lòng người
thì cứ chật. Quê người khác lắm, chiều xuống là ánh đèn khắp đường xá, mấy ngôi
nhà cao tầng sáng lên lấn át hết tất cả những khoảng trống, những góc khuất của
tâm hồn. Ở đây thì khỏi sợ đói, khỏi sợ thiếu cá, ít thịt như ở quê vì bước ra
đường là đầy rẫy quán cơm, đồ ăn thức uống, có khi còn cao lương mỹ vị hơn cả ở
dưới quê mình.
Mà buồn nỗi là không còn thấy khói bếp, không còn cái vị đậm đà của mẹ nấu, không còn những người thân yêu cùng dùng bữa cơm chiều, cũng không còn tiếng chuyện trò, lời dạy của cha năm xưa trong mỗi bữa cơm. Giờ muốn ngồi lại cùng với gia đình cũng không được, chỉ lặng lẽ một mình… một mình thôi.
Mà buồn nỗi là không còn thấy khói bếp, không còn cái vị đậm đà của mẹ nấu, không còn những người thân yêu cùng dùng bữa cơm chiều, cũng không còn tiếng chuyện trò, lời dạy của cha năm xưa trong mỗi bữa cơm. Giờ muốn ngồi lại cùng với gia đình cũng không được, chỉ lặng lẽ một mình… một mình thôi.
Bên người lúc nào cũng có smartphone, cũng có laptop, mạng
internet thì đầy rẫy… nhưng sao vẫn thấy thiếu vắng cái gì đó, thiếu những người
bạn năm xưa, thiếu tiếng cười lúc chơi đùa với nhau. Bây giờ, có đứa đã đi học
nơi xa, có đứa cũng không còn hiện hữu, có đứa đã lập gia đình thậm chí đã làm
cha, làm mẹ. Nhưng dù có đi đến đâu, có xa cách mấy tôi vẫn không thể quên đám
bạn ngày xưa, không thể quên kí ức của một buổi chiều quê và càng không thể
quên bữa cơm chiều mẹ nấu. Tất cả… tất cả sẽ mãi là ký ức đẹp, sẽ mãi là những
thứ vô cùng quý giá đã nuôi tôi lớn lên. Tôi sẽ cố gắng nhiều hơn và mong mỏi một
ngày trở về quê xưa lúc đã thành đạt để dùng hết tài sản mà tôi có được mua cho
mình một vé trở về tuổi thơ.
Trở về thực tại với ngọn đèn đường cũng dần sáng lên, ký ức về
một buổi chiều quê vẫn còn lưu luyến trong đầu tôi như không muốn rời xa. Một
buổi chiều cũng như bao buổi chiều khác, nhưng lòng tôi thì lại thấy khác vô
cùng… chắc là đang nhớ quê.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét