Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

Tiếng nấc giữa dòng đời

Tiếng nấc giữa dòng đời
Viết cho những ngày cuộc sống sắp quật ngã con rồi, mẹ ạ! Mẹ yêu quý: “vũ trụ có nhiều kỳ quan nhưng kỳ quan tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ” (George Bernard Shaw). Mẹ - Tiếng gọi thiêng liêng và thân thuộc quá! Con gọi mẹ khi chuyến xe cuộc đời dần lăn bánh… Chuyến xe ấy chở con đi qua cái ngưỡng cửa cuộc đời đầy khó khăn và giông bão - cái tuổi 18.
Con vẫn còn nhớ cái ngày đó - cái ngày mà mẹ yêu đã chợt mỉm cười thật tươi khi thấy con khóc và con tin chắc rằng đó là ngày duy nhất mẹ cười khi con rơi những giọt nước mắt đầu tiên. Ngày đứa con bướng bỉnh và mít ướt của mẹ chào đời - 10/10. Con cảm ơn mẹ thật nhiều dù rằng chẳng biết mẹ có đọc được những dòng cảm xúc chân thành từ đứa con gái này không? Con cảm ơn mẹ đã sinh ra con vào một ngày thật tròn trĩnh và trọn vẹn như thế mặc dù cuộc sống của con - tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa bao giờ là “trọn vẹn”…
Chợt dừng lại giữa cuộc đời đã có quá nhiều cố chấp này, tim con lại vang lên những lời ru thiết tha, dịu nhẹ của mẹ ngày nào: “À ơi… cái ngủ mày ngủ cho ngoan…”. Mẹ con không phải là một người nghệ sĩ có thể đứng trước bức rèm nhung ngân nga cho hàng nghìn khán giả nghe, mẹ chỉ là một người phụ nữ tất bật với bếp núc nhưng đã nuôi dưỡng tinh thần con bằng những lời ru chân chất nhất, xuất phát từ chính trái tim của một người mẹ dành cho con! Lời ru đó có thể không đúng nhịp, đúng câu… nhưng nó đúng với nhịp đập trái tim của đứa con bé bỏng của mẹ. Mẹ ơi, chắc mẹ không ngờ đâu nhỉ, chính những lời ru ấy mà mẹ đã trở thành “một người nghệ sĩ” thành công trong mắt con! Con nợ mẹ - nợ ơn sinh thành dưỡng dục - nợ mẹ một lời ru - và nợ mẹ… một lời cảm ơn chân thành nhất…
“Trăm năm mẹ gánh đời con qua đèo
Gánh yêu thương, gánh khổ nghèo
Gánh mơ ước lẫn gieo neo đi - về….”
(Cây đòn gánh - Nguyễn Vân Thiên)
Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm! Ngần ấy thời gian con xa nhà là ngần ấy giọt nước mắt và nỗi nhớ. Mẹ biết không, con yêu mẹ lắm! Con là đứa không biết thể hiện cảm xúc cũng chẳng thể làm nũng trước mẹ, chắc mẹ buồn con lắm. Buồn vì con bướng bỉnh, cứng đầu và buồn vì con hay tự làm theo ý mình như cái ước mơ của con chẳng hạn. Con biết mẹ sợ con cực khổ, sợ con hư hỏng, vâng con hiểu mẹ yêu ạ! Con hiểu tất cả! Nhưng mẹ hãy yên tâm, 18 tuổi, con đủ suy nghĩ, đủ chín chắn để hiểu chuyện, để tự quyết định và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình nên mẹ đừng lo cho con mẹ ạ!.
Mẹ - nơi con tìm về sau những lo toan, vất vả của cuộc sống, là bầu ánh sáng vĩ đại, là khu vườn luôn luôn chào đón con với những bông hoa thật xinh tươi và ngát hương nhất. Đêm đêm, trở về với góc tối cố hữu của mình, con dùng nước mắt để vẽ nên nỗi nhớ về mẹ. Con vô dụng quá phải không mẹ!? Mọi thứ con đều dùng nước mắt để chan hòa. Con chẳng muốn thế đâu. Mẹ à, ngần ấy năm trôi qua, nuôi dưỡng đứa con gái này mẹ có mệt không mẹ? Đôi lúc con không vâng lời mẹ có buồn không mẹ? Chắc chắn là có rồi. Con biết mẹ rất mệt mỏi và buồn vì đứa con gái này nhưng mẹ chẳng bao giờ nói đâu - bởi mẹ là mẹ của con - một tình yêu vĩ đại và tuyệt diệu nhất thế gian!
Mẹ ơi, quả thật trường đời nó khắc nghiệt quá mẹ ạ! Từ lòng người cho đến vạn vật trần gian. Nhưng con vẫn tin rằng trên thế gian này còn có những tấm lòng rộng mở như những đóa hướng dương vươn mình ra đón lấy bầu ánh dương vĩ đại kia vậy.
Mẹ ơi, con yêu mẹ, con nhớ mẹ lắm! Con cảm ơn mẹ, cảm ơn đôi vai gầy là điểm tựa của cả cuộc đời con, cảm ơn vòng tay ấm áp luôn cho con sà vào lòng sau những bộn bề của cuộc sống. Con chỉ cần có mẹ, chỉ cần được mẹ ôm vào lòng dù cho giông bão ngoài kia có dữ tợn đến chừng nào, con chẳng sợ gì cả - bởi con chỉ cần có mẹ - mẹ yêu ạ! Con cảm ơn mẹ vì tất cả!
“Một đời gánh nắng và mưa
Mòn vai mà mẹ vẫn chưa yên lòng
Một đời gióng đứt đòn cong
Vì ai vai lệch lưng còng? Mẹ ơi! ”
(Cây đòn gánh - Nguyễn Vân Thiên)
Con yêu mẹ! Mẹ yêu ạ!
Kim Phụng
 Theo http://enews.agu.edu.vn/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. ...