Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

Một nửa mùa nhớ đi qua

Một nửa mùa nhớ đi qua
Chưa bao giờ tôi thấy rằng mình ý thức rõ ràng về chuyện quá khứ và tương lai sâu sắc như bây giờ, đơn giản ở cái không gian còn quan trọng chuyện bài vở, trường lớp mà thôi. Có bao giờ bạn nghĩ rằng: những năm còn là học trò, ta là con cá trong vùng nước ngọt đang cố tìm sự phiêu lưu mạo hiểm; khi lên ngồi trên giảng đường, thì ta thành ra chú cá con đang cố vùng vẫy ở một cửa biển nước lợ nào đó; và lúc bạn ra đời, bạn phải là con cá nước ngọt cố chịu sự mặn mòi đặc trưng của biển?
Bài viết này được viết nên từ một dòng suy nghĩ bất chợt đến không ngờ từ một sinh viên năm hai. Người đang có khoảng thời gian đứng nơi ngưỡng cửa nằm giữa đoạn đường nối liền môi trường sư phạm và môi trường xã hội. Nghe ra có vẻ trừu tượng, nhưng bạn thấy đó cả không gian và thời gian nó đều cán cái mốc lưng chừng. Thật, tôi chẳng biết phải làm cách nào để sắp xếp cái mớ hỗn độn trong đầu tôi bây giờ ra bằng văn ngôn thế nào cho thật trôi chảy. Chỉ biết rằng mình phải viết, chí ít là một vài câu vu vơ gì đó cho nhẹ lòng.
Câu chuyện bắt đầu từ hôm đăng ký học phần. Những lần “rình rập, canh me” khiến đầu óc tất cả sinh viên rối tung lên, thực tế là: “mắt hoa, tay mỏi”. Tôi cũng thế. Cuối ngày, khi tất cả đã đâu vào đó, tôi ngồi “vu vơ” để thả trôi hết mệt mỏi của mình vào gió. Bỗng tôi vẽ ra viễn cảnh về ngày nhập học sắp đến. Thế là: “Ta sẽ thoát chuỗi ngày ăn ngủ triền miên, dứt đi những buổi cắm đầu vào máy tính, rời xa cái cảm giác cô đơn và những cảm xúc bâng quơ của người đa cảm, đa sầu mà lại ngồi không….”. Tự nhiên sực nhớ rằng mình đã đầu năm ba, đã đi hết nửa chặng đường đại học, và cái phân nửa này cũng là cái ranh giới mỏng manh nối kết sự học và cuộc đời. Vào ngay Zalo nhắn hỏi thăm nhỏ bạn những cảm xúc bây giờ. Nó cũng vui chuyện sắp vào học, cũng lo sắp phải ra đời,… Ngay khi đó, tôi chợt sợ chữ “đời” – nơi nhiều việc quẩn quanh.
Tôi nói các bạn nghe: Khi đọc được những dòng này chắc là các bạn đã vào học. Ừ, thì chuyện học tập có khi làm các bạn mỏi mệt thật nhưng tôi dám chắc rằng khi đã không còn ngồi trên ghế nhà trường thì các bạn sẽ nuối tiếc lắm đấy (cái kiểu mà bây giờ chúng ta hay đăng trạng thái để hồi tưởng chuyện ở phổ thông). Con người ta ngộ, rõ là ngộ, cứ hay bám víu quá khứ, mơ mộng tương lai mà bỏ quên hiện tại. Để rồi khi hiện tại bị thời gian kéo lê phải trở thành quá khứ, thì ắt bạn lại nuối tiếc cái hiện tại đã qua đó mà đặt cho nó cái tên nghe “chan chứa nghĩa tình”: chuyện đã qua.
Không nói nhiều việc khác, chỉ mỗi cái vẻ đẹp của thanh xuân nơi học đường thôi, chúng ta đã thấy chúng ta ngốc chưa. Nhất là ở cái khái niệm “thời gian đẹp nhất cuộc đời” lại còn nhiều chuyện để các bạn phải nhớ hơn nữa, nức nở hơn nữa, chứa chan hơn nữa mỗi khi tìm về. Thời gian là vô tận, người ta bảo nó là dòng chảy bất tận, vô tình; tôi gọi nó là dòng chảy của những cơn mơ. Bởi đơn giản, người ta cứ mơ mãi trong khi đang bị nó cuốn trôi, đó là thực tế phải chấp nhận. Nhưng điều cần thiết là khi ta đang ở đoạn nào trên dòng chảy đó ta phải hết lòng tận hưởng giá trị của nó. Khi bạn sống hết mình ở mọi khoảnh khắc cuộc đời thì không có gì để tiếc nuối, phải níu kéo khi nhìn lại. Cũng là hồi tưởng, cũng là nhớ về, mà một người thì thấy nó thật tuyệt vời vì đã đi qua trọn vẹn, còn một người lại bảo “giá như…”
Tôi hay nghĩ về ngưỡng cửa Đại học này. Kiến thức là điều cần thiết, là nhiệm vụ nhưng nó chỉ là một phần của mục tiêu khi ai đó đăng kí bước vào ngưỡng cửa Đại học. Không nói ra chắc mỗi người cũng đều tự biết phần còn lại là gì. Người đã qua luôn miệng bảo người đang tới phải trân trọng thời gian này như một thói quen. Do vì họ thấy được “vết xe đổ” (từ này nghe ra có vẻ đao to búa lớn song lại chính xác nhất có thể) và chẳng muốn người sau giẫm phải. Không là vô lý khi ta cho rằng chỉ ở đây bạn mới nhìn rõ ràng nhất về tuổi học trò và việc đời (ngẫm chuyện quá khứ, nhìn về tương lai) vì nó chông chênh như một con đường xã lộ, chẳng phẳng giống quốc lộ, chưa đến nỗi gồ ghề tựa đường đê. Ta đang trong vùng nước lợ để dễ dàng quên đi những gì ngọt ngào của phù sa mà làm quen cái mặn mòi biển cả.
Tôi hay nghe mấy em cấp dưới than phiền về sự bất hòa, đố kỵ trong lớp, tôi cũng đã từng chịu. Bạn tôi nhiều đứa đã làm thêm, phụ việc, tôi cũng từng làm; chúng hay than vãn về chuyện chèn ép trong công việc. Mọi người đã hiểu tôi nói việc gì rồi chứ?
Những điều ta chạm trán khi càng học lên cao là sự rèn luyện mà thôi, nó đang tập quen cho mình khi bước vào đời. Chữ đời muôn màu, muôn vẻ. Song không phải ai cũng tìm được mảng hồng, phần đông phải tập quen với những mảng màu tối, lạnh. Và khi đã rời xa cái chữ “sinh”  quen thuộc (dù có là học sinh hay sinh viên) thì ta sẽ phải có ra cho mình một chữ “sinh” đúng nghĩa “sinh sống”.
"Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả
Anh hùng hào kiệt có hơn ai" (Nguyễn Công Trứ)
Tất nhiên là hết thảy những chuyện mà bạn đọc được ở trên không phải vì muốn bạn thành ra mẫu anh hùng như Cụ Trứ nói. Tuy vậy, bạn sẽ trở thành một anh hùng khi chiến thắng chính mình trên đoạn đường sắp đến. Bạn chưa hiểu những gì tôi nói ở trên? Đọc lại vài lần nữa nhé, ít ra bạn cũng có việc để làm khi ngồi buồn mà chẳng biết làm gì. Bạn đã hiểu những thứ tôi trình bày? Ít ra bạn đã có một nguồn động lực nữa để yêu hơn cuộc sống của mình. Xem ra những dòng suy nghĩ hỗn độn này cũng có giá trị nhất định của nó.
Thanh Duy 
 Theo http://enews.agu.edu.vn/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  “Gió Cửa Hà” - Những ký ức còn nguyên thổn thức “Gió Cửa Hà” dập dềnh những nỗi niềm. Tâm sự ấy là của một nhân vật trữ tình muốn bộc bạ...