Ngày mùa quê tôi
Chỉ một điều nhỏ bé thoáng qua đã đủ làm sống dậy bao miền ký ức xa xưa trong tôi. Buổi chiều tà, từng hạt nắng vàng của buổi ban mai
đã nhạt màu hẳn đi, sức nóng của nó dường như cũng đã tắt dần, chỉ còn lại cái
hơi nóng từ mặt đường và vách tường của khu trọ vắng mà lúc sáng còn vương lại.
Ngồi trước bậc thềm của khu trọ, ngắm vẩn vơ những đám mây ánh hồng bồng bềnh
bay trong buổi hoàng hôn, thỉnh thoảng lại có từng đợt gió vội vã lướt qua xoa
mát cả khuôn mặt, cảm giác khoan khoái một cách lạ thường.
Và cứ như thế từng đợt, từng đợt một, chúng lại lướt qua một
cách vội vã, nhưng chúng lại kéo chùng suy nghĩ của tôi trong lúc này. Chính
con gió vừa lướt qua, tôi cảm nhận cái mùi quen thuộc lắm nơi quê tôi sau mỗi
mùa gặt. Cái mùi của cỏ cháy, của rơm khô, và lẩn đâu đấy tôi nghe được cả mùi
khói đốt rơm. Nó khiến tôi chợt nhớ quê, và hình như quê tôi bây giờ cũng đang
vào mùa gặt, có lẽ ngôi nhà nhỏ sát cạnh cánh đồng của tôi cũng đang ngập nức
mùi rơm khô.
Ngày tôi còn nhỏ vào mỗi mùa gặt cánh đồng sau nhà tôi như
đang mở hội. Cánh đồng không lúc nào là ngớt người, mọi người tranh thủ từ khi
trời tờ mờ sáng khi những tia nắng vàng vẫn chưa rớt xuống; khi trên ngọn cỏ,
ngọn lúa còn phải oằn mình vì giọt sương đêm, mọi người đã tay xách, nách mang
đủ thứ nào là người đội cơm, người quẩy giỏ lưỡi hái, người vác trên vai một
can nước lớn,… Mọi việc được chuẩn bị một cách chu đáo để bắt đầu một ngày dài
làm việc vất vả. Họ phải mang theo tất cả như thế để khi trời vừa sáng bụng
cũng vừa đói, khi đó thì cũng có cái để ăn mà tiếp tục công việc. Tiếng loạt soạt
của từng bước chân đi trong đám lúa vàng hực hỡ, rồi tiếng sừng sực sau một
nhác lưỡi hái vừa dứt, hòa lẫn trong tiếng ếch nhái kêu vang, nó tạo nên một bản
âm hưởng riêng biệt – bản âm hưởng của đồng quê. Nó đồng thanh vang lên, tạo
nên một nỗi buồn da diết.
Thỉnh thoảng lại có một vài câu vọng cổ được cất lên, giọng
hát quen thuộc của cậu tư, giọng cậu nghe thanh và mùi lắm, tiếng hát cứ ngân
dài ngân dài, xung quanh đôi lúc lại có một số người hát nhẩm theo từng lời mà
cậu đang hát. Để tỉnh ngủ hẳn giữa cái đêm khuya một hai giờ sáng, khi những giọt
sương vẫn đang tiếp tục rơi, giữa cái tiết trời lành lạnh, mọi người đã bắt
chuyện với nhau, họ nói với nhau vẩn vơ một vài câu chuyện, khi những mẫu chuyện
ấy vừa dứt thì lại nghe một vài tiếng xì xào từ một mẫu chuyện khác mà dường
như họ nói chỉ để cho họ nghe. Rồi mọi âm thanh lại tắt dần đi, chỉ còn lại là
tiếng ếch nhái cộng hưởng với một vài tiếng của các loài chim hoang từ phía xa
vọng lại, nghe mà buồn não nuột!
Ngày ấy thỉnh thoảng anh em tôi vẫn thường được mẹ cho đi
cùng vào những cánh đồng gần nhà, mỗi lần cứ nghe bữa nào mẹ cắt lúa gần nhà là
phải đòi bằng được để mẹ cho đi cùng. Vào đồng cắt chỉ được một vài cọng lúa
lưng tôi đã mỏi nhừ dường như không còn có khả năng tiếp tục nữa, từ tư thế đứng
tôi chuyển sang tư thế ngồi, nhưng ngày ấy tôi chỉ khoảng chừng bảy tám tuổi gì
đó, nên khi ngồi lúa cao cả quá đầu, khiến không thể thấy tôi ở đâu trong đám
lúa bát ngát ấy. Sợ tôi vụng về cắt trúng vào tay, nên mẹ bảo thôi đi đừng cắt
nữa, tôi cũng thôi không cắt nữa. Tôi tìm chỗ trải chiếc manh bao và giậm giậm
cho gốc rạ sát xuống. Anh em tôi cùng đặt lưng xuống chiếc manh, nằm ngắm từng
ngôi sao trên bầu trên xa thăm thẳm, có những ngôi sao nhấp nháy một cách tinh
nghịch. Ánh sao có vẻ huyền ảo và mang cả một điều lí thú về số mệnh của một
con người, theo như trí tưởng tượng thơ bé của tôi ngày ấy. Tôi vẫn thường nghe
mẹ nói, mỗi ngôi sao tượng trưng cho số mệnh của một con người, ai làm việc thiện,
ai là người tốt thì ngôi sao người ấy sáng, còn ai là người xấu thì ngôi sao
người ấy lu mờ dần, và khi một người mất đi thì ngôi sao của người ấy cũng rơi
khỏi bầu trời. Nằm sát bên nhau trong chiếc manh bao, anh em tôi cố tìm xem
ngôi sao nào là của mình, và chúng tôi cứ xem ngôi sao nào sáng nhất lại cho là
ngôi sao của mình. Bất chợt anh giật mạnh người tôi, “em xem những ngôi
sao ấy có giống như con lu nhà mình không?” vừa nói anh tôi vừa chỉ như
đang cố nối ghép những ngôi sao ấy thành hình…
Ánh trăng hôm nay tròn hơn mọi ngày, có lẽ chính cái ánh sáng
hiền diệu từ nó đã làm cho những ngôi sao sáng yếu ớt kia trở nên lu mờ và
không thể nhìn rõ được chúng nữa. Tôi quay sang anh tôi và bảo “đố anh nhìn thấy
được cây đa trên mặt trăng đó”, những vân sáng chỗ mờ chỗ tỏ trên mặt trăng lại
làm anh em tôi mờ hồ nghĩ về những câu truyện cổ tích xa xưa vẫn thường nghe
ngoại kể về chú Cuội, về cây đa… đến khi đôi mắt đã mỏi nhừ và dòng suy nghĩ
miên man cũng đã nhạt dần. Ngoài kia tiếng soạt soạt, tiếng xì xầm vang lại, từng
cơn gió thổi nhè nhẹ, trong làn sương đêm lành lạnh, giữa cánh đồng lúa bát
ngát, anh em tôi ngủ quên từ lúc nào không hay biết!
Ở đằng đông, một hòn lửa khổng lồ rực đỏ đã dần dần ló rạng.
Và từng tia nắng vàng cũng đã rớt xuống. Hôm qua, mảnh đất vẫn còn vàng hực màu
lúa chín, thế mà mới một đêm chúng nó đã nằm gọn gàng thành từng mớ trên những
gốc rạ còn đứng sừng sững ngay đó. Mặt trời càng lên cao hơn, những giọt sương
long lanh trên ngọn cỏ cũng dần tan biến. Trời sáng đủ để mọi người vừa trông
rõ mặt nhau, nửa thân dưới của ai cũng thế, vẫn còn lấm lem ướt vì sương của
đêm hôm qua và vì mồ hôi của sáng hôm nay. Cánh đồng trở nên tấp nập hơn hẳn,
dường như ở xóm nào cũng thế cứ mỗi lần vào vụ mùa là toàn bộ người lớn đều vào
đồng cả, chỉ còn lại ở nhà là những đứa trẻ và những người bà vì bận trông cháu
nên chẳng được vào đồng. Tiếng cười nói cũng đã rộ - vang khắp cả cánh đồng. Mọi
người đều tranh thủ đi vào đồng từ rất sớm để tránh cái nắng nóng ban trưa, nên
khi mặt trời vừa lên cao khi những tia nắng vàng đổ xuống cũng hối hả hơn, thì
hầu hết mọi người cũng đã hoàn thành được công việc buổi sáng của mình. Tôi và
anh tôi, thế là cũng có một giấc ngủ vô cùng ngon lành giữa cánh đồng bao la,
bây giờ nhiệm vụ của anh em tôi là đũng đỉnh từng bước chân bé xíu theo sau mẹ
về nhà. Trên cái bờ đập chừng ba tấc để ngăn nhau giữa những mảnh ruộng, thế mà
anh em tôi vẫn thi nhau chạy xem đứa nào về đến nhà trước, chạy mệt quá anh em
tôi đi chậm lại miệng thì líu lo những bài hát mà không biết rõ tên, thỉnh thoảng
anh tôi dừng lại hái cho tôi những bó bông u du mà thân cây vẫn còn dài ngoằn,
những cái bông tia tỉa cùng với chiếc lá dài, có khi làm xước đứt cả những ngón
tay của anh tôi…
Anh em tôi về nhưng vẫn nghe rõ lắm cái mùi lúa của buổi sớm mai vừa mới cắt xuống, nó thơm một cái mùi thanh thanh, nhẹ nhẹ một mùi thơm như đang lẫn vào đấy sự tinh khiết của từng giọt sương mai.…
Anh em tôi về nhưng vẫn nghe rõ lắm cái mùi lúa của buổi sớm mai vừa mới cắt xuống, nó thơm một cái mùi thanh thanh, nhẹ nhẹ một mùi thơm như đang lẫn vào đấy sự tinh khiết của từng giọt sương mai.…
Mặt trời đã lên đỉnh đầu, từng giọt nắng vàng chói đã đổ xuống
vội vã hơn, nắng hét to hơn, giữa cánh đồng, lúa vàng hoe. Cái vàng chói của nắng,
cái vàng hoe của đồng lúa chín tạo nên một bức tranh vàng hực, một bức họa đồng
quê với gam màu chỉ toàn là vàng với vàng. Trong cái nắng như sắp ngạt thở giữa
mùa hè, khiến người ta chỉ khao khát là những cơn gió. Thế rồi từng cơn gió ào
ào thổi, nó làm bốc tung cả những mớ lúa đang nằm gọn gàng, bổng trở nên rối bời
bời. Trước những cơn gió, mọi người trầm trồ như đang được ban tặng một món quà
vô cùng giá trị, họ trân trọng từng cơn gió, vì nó như một liều thuốc giúp mọi
người tan đi cái nóng như thiêu như đốt giữa mùa hè này, gió thổi có lúc nó thổi
tung cả vành nón lá, chiếc khăn đội đầu của mẹ. Đây chính là thời điểm, mọi người
lại bắt đầu với công việc mới của mình, buổi sáng thì còng lưng cắt lúa, còn giờ
thì mọi người phải gòng mình đối mặt với cái nắng chang chang để gom từng mớ
lúa chất vào cự lúa. Ngày ấy tôi cứ thắc mắc hỏi mẹ mãi “tại sao người ta
lại gom lúa khi trời nắng thế này hả mẹ?”. Hỏi thì hỏi như thế, nhưng tôi
biết rằng, người nông dân họ trân trọng cái nắng lắm, họ cố gắng lấy cho được hết
mọi giọt nắng, không bỏ sót một giọt nào, họ sợ lắm những cơn mưa, vì mỗi lần
có những cơn mưa vô tình ghé qua cũng đã đủ làm cho họ thêm khổ, thêm cực. Có một
lần vào đồng nhìn người nông dân lao động thì mới thấm được câu ca dao
Ngoài kia bao hạt mồ hôi thắm đồng”
Khi cái nóng của “hòn lửa khổng lồ” phía trên đã bớt gay gắt,
và nhạt màu hẳn đi cũng chính là thời khắc “mở hội” của lũ trẻ, chúng kéo nhau
ùa ra cánh đồng. Đúng nghĩa như một ngày hội, khắp cánh đồng đâu đâu cũng nghe
tiếng trẻ con hò hét, chúng cười vang như để xoa dịu cái mệt mỏi một ngày dài
mà cha mẹ chúng đã làm việc trên chính cánh đồng ấy. Trên tay đứa nào cũng xách
theo một “kiệt tác” mà chúng vừa hoàn thành, đó chính là những con diều được
làm bằng những chiếc bọc, con nào cũng thế chúng đều có cái đuôi tua tủa dài….
Ánh mặt trời đã ngã dần về đằng Tây. Mùi khói đốt rơm đã dậy
khắp cánh đồng, đôi mắt trong veo của lũ trẻ đã bị mờ đi vì làn khói, tiếng nổ
lách tách của những hạt lúa còn sót lại trong đống rơm thơm phức. Rồi tiếng gọi
của mẹ từ trong nhà vọng ra, thế là một ngày hội đã tàn...
Tiếng mưa tí tách rơi trên mái nhà, dòng người như đang vội
vã hơn dưới cơn mưa, tiếng còi xe inh ỏi trên đường, đã kéo tôi trở về với thực
tại… Thì ra mình cũng đã từng có một tuổi thơ đẹp đến thế!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét