Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Một vài ý kiến về việc biên soạn Bách khoa thư văn học

Một vài ý kiến về việc biên soạn 
Bách khoa thư văn học
Tham luận tại Hội thảo về biên soạn Bách Khoa Thư Văn Học,
do Viện từ điển học và bách khoa thư (Viện HL KHXH VN) tổ chức,
Hà Nội, 24/12/2013
1/ Từ khuôn khổ đến sự xác định một số đặc tính của sách bách khoa này
− Được biết, Bách khoa thư Văn học được trù định biên soạn lần này nằm trong trên 30 tập Bách khoa thư bằng chữ Việt đang được dự kiến biên soạn đồng thời. Mỗi cuốn sẽ giới hạn trong khoảng trên dưới 1.000 trang khổ lớn (nếu theo khổ “Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam”, 4 tập đã xuất bản, sẽ là khổ 26,5x20 cm)
− Theo tôi hiểu, dù tên gọi sẽ là “Bách khoa thư Việt Nam về Văn học” hay “Bách khoa thư Văn học Việt Nam” hay chỉ là “Bách khoa thư Văn học” thì đề tài cuốn sách bách khoa này cũng là về văn học nói chung, tức là văn học của nhân loại, của tất cả các dân tộc, chứ không phải một cuốn bách khoa thư chuyên về văn học Việt Nam. Như vậy, các tri thức về văn học được trình bày trong sách là các tri thức chung về văn học; mà tri thức chung về văn học thì sẽ là các loại tri thức lý thuyết (= những hiểu biết chung về văn học) và các loại tri thức lịch sử về các nền văn học cụ thể.
Vấn đề đặt ra, theo tôi, là trong khuôn khổ số trang như trên, bảng mục từ sẽ gồm các nội dung gì, nhất là có đưa vào đây loại mục từ nhân vật, tức là các tác giả văn học vào không?
Xin nêu để tham khảo một cuốn bách khoa thư mà tôi biết, ấy là từ điển “Bách khoa thư văn học” 1987 của Liên Xô (Литературный Энциклопедический Словарь. Moсква, “C. Э.”, 1987), dày gần 800 trang, cùng khổ sách 4 tập từ điển bách khoa mà Việt Nam đã làm. Cuốn này hồi mới ra có bán ở Hà Nội, do vậy có thể khá nhiều người trong giới học thuật Việt Nam có biết cuốn này. 
Nhóm biên soạn cuốn này (tổng chủ biên: V. M. Kozhevnikov và P. A. Nikolaev) chủ trương đáp ứng nhu cầu của bạn đọc rộng, quan tâm đến cả bản thân văn học lẫn những cơ sở tri thức chung về văn học. Họ chia nội dung sách thành 2 phần, tôi tạm gọi là chính và phụ. Phần chính, chiếm trên 500 trang, gồm các mục từ về tri thức chung, gồm các thuật ngữ và khái niệm về lý luận văn học, về thi học, về lịch sử văn học, và về sự phát triển văn học đương đại của tất cả các nền văn học các dân tộc trên thế giới. Phần phụ, khoảng trên 400 trang, là thống kê chỉ dẫn về tiểu sử và tác phẩm của các nhà văn mà tên tuổi được nhắc tới trong các mục từ ở phần chính.
Tôi nghĩ, cách xử lý của nhóm biên soạn cuốn bách khoa thư kể trên rất đáng để chúng ta tham khảo, nhất là chúng ta cũng giới hạn trong khuôn khổ 1.000 trang và cũng nhằm cung cấp cho bạn đọc rộng (chứ không phải giới nghiên cứu) những hiểu biết chung về văn học của nhân loại, những hiểu biết về diện mạo lịch sử các nền văn học dân tộc tại các quốc gia trên thế giới.
Tôi nghĩ, đối với sách Bách khoa thư Văn học mà chúng ta đang định làm, cũng nên chia sách thành hai phần lớn, phần chính là các mục từ về các thuật ngữ, khái niệm về văn học có độ phổ cập thế giới, hoặc có độ phổ cập ở các khu vực lớn, các khái niệm văn học sử cho thấy sự phát triển của các nền văn học dân tộc… Chỉ ở phần hai, xem như phần phụ, ta mới làm thống kê thật cô đọng nhưng chính xác về tiểu sử và tác phẩm của các nhà văn các nước. Như vậy, ở phần chính sẽ không có mục nào nói riêng về sự nghiệp của từng nhà văn.  
Đây có thể xem như cuốn bách khoa mô tả và thông tin về hầu hết – nên nói trong tham vọng là tất cả – các nền văn học mà nhân loại từng có và hiện có. Căn cứ vào quốc gia, ít nhất tại mỗi quốc gia có một nền văn học, dù nó có thể dùng ngôn ngữ của nước khác. Đối với những quốc gia trong đó tồn tại nhiều nền văn học, cần có các mục từ riêng về những nền văn học bằng các thứ ngôn ngữ dân tộc riêng ấy.
Riêng ở bình diện đương đại các nền văn học ở các quốc gia cụ thể, theo tôi, cần liên lạc với cơ quan ngoại giao để có thể có ít nhất mỗi nước (nhất là những nước mà hiện nay nhà nước Việt Nam có quan hệ ngoại giao) một mục từ, cho biết những thông tin cần thiết về trạng thái văn học ở nước ấy và lịch sử phát triển của nó.
Đối với các nền văn học tương đối lớn, lại ở những nước mà người Việt Nam biết và có liên hệ tương đối nhiều, số mục từ có thể không giới hạn. Các phạm trù có sự phổ cập ở nhiều nền văn học, nên được biên soạn trong sự phối hợp của những người được giao biên soạn các nền văn học liên quan.
Nhân đây tôi cũng đề xuất là nên hình thành những người chuyên soạn và nhóm chuyên soạn các mục từ về những nước, những khu vực văn học nhất định.
Riêng về văn học Việt Nam, tuy nằm trong cuốn Bách khoa này thì cũng chỉ là một trong hàng trăm nền văn học được sách này thông tin, song ta có quyền thông tin đậm hơn, kỹ hơn. Ví dụ, ở khía cạnh văn học sử, cần có một mục từ “Văn học Việt Nam” thông tin chung về sự phát triển nền văn học này từ nguồn gốc đến hiện tại; ngoài ra nên có mục từ “Văn học chữ Hán Việt Nam” để thông tin về bộ phận rất quan yếu của bộ phận văn học này, con đường phát triển và sự kết thúc lịch sử của nó; bên cạnh là mục từ “Văn học chữ Quốc ngữ Việt Nam” thông tin về bộ phận này từ ngọn nguồn đến trạng thái tồn tại ở trạng thái trong nước và liên quốc gia hiện tại của nó.
Cũng nên có mục từ “Văn học Đàng Trong” thông tin về sự phát triển văn học từ phía nam sông Gianh từ những năm 1558 đến 1802; mục từ “Văn học miền Nam” thời kỳ 1954-1975, “Văn học người Việt ở nước ngoài” thông tin về bộ phận văn học này từ xa xưa đến hện tại. Nếu ta có chuyên gia, thì có thể có và cần phải có những mục từ “Văn học Chăm”, “Văn học Thái”, “Văn học Tày-Nùng”, v. v… Ở mục từ “Văn học Việt Nam”, sau sự mô tả và thông tin về lịch trình phát triển, nên có một biên niên cho thấy các mốc phát triển lịch sử của văn học ở Việt Nam.
Như đã nói trên, theo cách cấu tạo này thì ở phần chính sẽ không có các mục từ riêng về từng nhà văn, mặc dù những đóng góp của họ vào sự phát triển văn học sẽ được đề cập trong các mục từ liên quan.
Thật ra, đưa các nhà văn có vị trí dựng nên các nền văn học dân tộc-quốc gia vào sách bách khoa này thành những mục từ, là việc chính đáng; tuy vậy, khuôn khổ 1.000 trang là khá hẹp; vì vậy, rút gọn quy mô chỉ dẫn về các nhà văn xuống và đưa sang phần sau, như “Bách khoa thư văn học” 1987 của Nga Xô-viết đã làm, theo tôi là cách xử lý hợp lý. Tôi đề xuất xử lý theo cách này.
Ví dụ, hệ thống các mục từ về văn học Việt Nam những năm 1930-45 có thể gồm những mục từ về các hiện tượng như “Tự Lực văn đoàn”, “phong trào thơ mới”, “kịch nói”, v.v…, các báo chí như “Phong hóa”, “Ngày nay”, “Bắc hà”, “Hà Nội báo”, v.v…, các nhà xuất bản như “Đời nay”, “Tân dân”, v.v…, nhưng không có các mục từ riêng như “Nhất Linh”, “Khái Hưng”, hay “Vũ Trọng Phụng”…
Tất cả các thông tin căn bản về từng nhà văn, tiểu sử và sự nghiệp của các nhà văn kể trên, sẽ được ghi một cách chi tiết, chính xác trong phần phụ (hay nói chính xác là phần thứ hai) của sách. Cách ghi nhận chính xác theo cách ghi thống kê chi tiết (chúng ta sẽ cần đề xuất và thảo luận những chuẩn mực về việc này) sẽ còn giúp sách bách khoa này vượt qua được thói quen bình tán về đặc sắc riêng của các nhà văn mà những người biên soạn ở ta thường hay mắc phải.
Để thực hiện việc đưa chỉ dẫn về các nhà văn xuống phần sau, trong biên soạn, cần đề ra quy chế: người biên soạn mục nào có đề cập tới tên nhà văn nào, thì phải lập bản chỉ dẫn về tiểu sử, sự nghiệp, bảng kê tác phẩm chi tiết của nhà văn đó. Nhóm biên tập sẽ lấy các bản chỉ dẫn ấy đưa xuống phần sau theo thứ tự abc chung; tất nhiên nội dung sẽ được kiểm định đối chiếu để tìm và sử dụng thông tin chính xác. Ở đây sẽ cần sự quy định về “tác phẩm lẻ” hay “sách lẻ” để không bị nhầm lẫn với các loại sách tuyển, dù chỉ là sơ tuyển, cũng như phân biệt những vựng biên (tác phẩm của nhà văn ấy) do giới sưu tầm nghiên cứu thực hiện chứ không phải sách do tác giả thực hiện trong sinh thời.
2/ Các vấn đề xung quanh việc biên soạn các mục từ 
Việc biên soạn các sách dạng từ điển chỉ dẫn, ở ngành xuất bản của ta trong vài chục năm gần đây đã bộc lộ những vấn đề mà khi biên soạn cuốn bách khoa này, chúng ta không thể tránh đối mặt.
Trước hết và quan trọng nhất là vấn đề tác quyền ở tri thức đưa ra trong nội dung các mục từ. Thật lý tưởng ra thì mục từ nào cũng phải được soạn bởi người có hiểu biết đầy đủ nhất, chuyên sâu nhất về lĩnh vực ấy, ví dụ người Nga những năm 1980 mời S. S. Averintsev soạn các mục từ “Ngữ văn” (Filologia), “Huyền thoại” (Mythologia), v.v....
Nhân đây xin mở ngoặc nói rộng ra là, tuy bách khoa thư là sách chỉ dẫn tri thức, tức là chủ yếu hướng tới việc ghi nhận, tổng kết những vốn liếng tri thức đã có; song ở những giai đoạn nhất định, việc biên soạn bách khoa thư có thể là công việc khởi lên những tư tưởng mới. Nhóm bách khoa ở châu Âu thời Khai sáng là ví dụ rõ nhất. Ngay ở tầm mức nhỏ hẹp hơn nhiều, thời kỳ giới nghiên cứu văn học ở Liên Xô những năm 1960-70 tổ chức biên soạn thêm tập 9 sau khi đã xuất bản đủ 8 tập từ A đến Ja (chữ cái Nga) của bộ “Giản yếu Bách khoa thư văn học”, thì nhóm các nhà biên soạn của bà I. B. Rodnjanskaya được giao những mục từ quan trọng nhất, thể hiện những bứt phá của khoa ngữ văn học do được triển khai sự tiếp nhận những di sản tư tưởng của M. M. Bakhtin.
Trở lại công việc của ta ở thời điểm hiện tại, có lẽ chúng ta không kỳ vọng các nhóm biên mục của chúng ta có thể đưa ra từ đây những hệ tri thức được kiến giải mới, gieo mầm cho một tương lai phát triển mới của khoa học ngữ văn ở ta; bởi giản đơn là hình như chưa đến thời của loại công việc đó. Chúng ta chỉ khiêm tốn đặt kỳ vọng tiếp nhận, truyền đạt được ở tầm mức hiện tại những hiểu biết khả thủ tính đến nay về các phương diện từ bao quát đến cụ thể về các thuật ngữ, khái niệm, quan niệm về văn học nói chung, về lịch sử các nền văn học cụ thể. Điều có lẽ cần được đặc biệt lưu ý là làm sao tránh được những quan niệm và kiến giải đã tỏ rõ sự sai lầm về nội hàm lý thuyết, về lịch sử phát triển.
Điều quan trọng là ban biên soạn tìm sự liên hệ để giao những mục từ cho những nhà nghiên cứu có thể xem được là chuyên gia lĩnh vực ấy ở ta. Về mặt lý thuyết, nói chung chúng ta còn khá nhiều khiếm khuyết so với bên ngoài, vì vậy có lẽ khó tránh khỏi việc biên dịch từ các nguồn sách ngoại. Tuy vậy, cần lưu ý các nhà biên soạn hoàn toàn tránh việc dịch nguyên văn (để khỏi gây các hậu quả bê bối về tác quyền), đồng thời cần quy định mọi mục từ đều cần có thư mục (những tài liệu quan trọng nhất về đề tài mục từ); đây là điều các từ điển chuyên môn ở các nước ngoài đều thực hiện từ lâu, hầu như chỉ có của VN là chưa thực hiện.
Một điều theo tôi cũng rất hệ trọng là phải đề cao tính thông tin tri thức của các mục từ. Các mục từ về các nội dung lý thuyết thì cần tuyệt đối tuân thủ điều đó, coi như nguyên tắc, dàn ý tri thức phải rõ đến mức có thể tóm ngắn lại hay mở dài ra đều được. Các mục từ mang tính mô tả văn học sử cũng cần được viết với dàn ý chặt chẽ như vậy; cần tránh bình tán lan man, dài dòng mà không nêu được hồn cốt hàm nghĩa của mục từ ấy.       
3/ Xung quanh vấn đề cách viết tên riêng
Viết tên riêng không thống nhất là vấn nạn của sách báo tiếng Việt ở ta từ khá nhiều năm nay. Từ giữa những năm 1970s, trong giới nghiên cứu khoa học xã hội đã có một chỗ dựa là quy tắc phiên âm do Viện thông tin KHXH đề xuất, trong đó nguyên tắc phiên sang latin, hoặc phiên sang tiếng (= chữ) Anh được coi như điểm tựa căn bản. Tuy vậy, các dạng “Việt hóa” toàn bộ hoặc nửa chừng vẫn còn sức chi phối khá nặng.
“Từ điển văn học”, kể cả bộ cũ (1983-84) lẫn bộ mới (2004), do nhóm nhà nghiên cứu ở Viện Văn học là nòng cốt, tuy nó mang tính chất một công trình do liên kết tự do các nhà nghiên cứu chứ không phải ấn phẩm chính thức của Viện Văn học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam), song vẫn áp dụng dạng “Việt hóa” nửa chừng (phiên âm chữ Việt, nhưng viết liền như latin).
“Từ điển bách khoa Việt Nam” (4 tập, 1995, 2002, 2003, 2005) là xuất bản phẩm chính quy của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (sau là Viện Khoa học xã hội Việt Nam), nhưng cũng sử dụng dạng “Việt hóa” nửa chừng (phiên âm chữ Việt, nhưng viết liền như latin)  có ghi nguyên dạng latin trong ngoặc đơn. Ví dụ: Niu Yooc (New York), Epfen (Eiffel), Ruzơven (Roosevelt), Taylo (Taylor), Tơvacđôpxki (Tvardovskij), Tơruyfô (Truffaut), v.v…
Trong khi áp dụng lối “Việt hóa” toàn bộ hoặc nửa chừng kể trên cho các tên riêng có xuất xứ từ hầu khắp mọi nơi trên thế giới, thì cả hai ấn phẩm kể trên đều áp dụng tên riêng Việt hóa cho tất cả các tên riêng có xuất xứ Đông Á, nhất là Trung Quốc. Riêng với Triều Tiên, Nhật Bản, nguyên tắc áp dụng dường như không thống nhất, có khi dùng phiên âm sang latin, có khi dùng lối Việt hóa, do dùng qua nguồn Trung Quốc.
Tôi nghĩ, trong điều kiện thông tin toàn cầu có sự liên thông qua mạng internet như hiện nay, chúng ta nên áp dụng cho sách Bách Khoa Thư Văn Học này thống nhất một cách viết tên riêng theo phiên âm latin, trong đó:
a/ Các tên riêng từ các khu vực khác nhau trên thế giới đều nên quy về dạng viết tương tự tiếng (chữ) Anh, Pháp, …, nếu có dạng phức tạp, như một số từ của tiếng Đức, Đông Âu, Bắc Âu … thì có thể quy gọn theo dạng chữ Anh vẫn dùng. Nếu muốn thận trọng để thêm cách đọc cho người Việt thì nên mở ngoặc chú thích âm đọc nhưng chỉ ghi một lần trong từng mục từ (không ghi tại mọi trường hợp như “Từ điển bách khoa Việt Nam” đã xuất bản). Ngay cả các tên riêng có nguồn Arab, Ấn Độ, Thái Lan, châu Phi, cũng có thể xử lý như vậy.
b/ Các tên riêng có xuất xứ từ toàn vùng Đông Á, cũng nên theo quy tắc trên. Điều này xét ra sẽ thuận lợi cho chúng ta trong tương lai, khi cần thông tin liên thông với các khu vực khác có động đến các tên riêng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên.
Vấn đề này, bạn Đoàn Lê Giang đã có sự lý giải và đề xuất khá thuyết phục trong một bài báo (trên báo “Thanh Niên” gần đây). Theo cách anh Giang đề xuất, ta có thể nêu thành quy tắc viết tên riêng có xuất xứ Trung Quốc như sau:
Đối với các tên riêng thuộc văn học cổ trung đại, ta viết từ Hán-Việt trước, rồi ghi chú Hán ngữ, sau đó ghi cách phiên hiện đại, ví dụ:
Lý Bạch  , Li Bo (701-762)
Đỗ Phủ   , Du Fu (712-770) 
Nhưng đối với các tên riêng thuộc văn học hiện đại, ta sẽ viết từ phiên âm latin trước, rồi chú nguyên dạng chữ Hán, sau đó ghi âm Hán-Việt, ví dụ:
Ba Jin      /Ba Kim/ (1904-2005)
Gao Xingjan     /Cao Hành Kiện/ (sinh 1940-)
Ja Pingwa  賈平  /Giả Bình Ao/ (sinh 1952-)
Mo Yan  莫言 /Mạc Ngôn/ (sinh 1955-)
Tie Ning     /Thiết Ngưng/ (sinh 1957-)
Weihui    /Vệ Tuệ/ (sinh 1973-)
Quy tắc này cũng nên áp dụng cho các tên riêng Nhật Bản, Hà Quốc, Triều Tiên, tức là hướng tới một quy tắc chung đối với tên riêng vùng Đông Á; trong ba dạng của một tên riêng, dạng chính ta nên dùng là phiên âm latin. Ví dụ:
Chỉ cần ghi Kobo Abe  /1924-1993/, không cần ghi dạng chữ Nhật    , cũng không cần ghi dạng phiên Hán-Việt “An Bộ Công Phòng”.
Chỉ cần ghi Ri Ki-yong /1895-1988/, không cần ghi dạng chữ Triều Tiên  리기영 hay dạng chữ Hàn Quốc  이기영 ,  càng không cần ghi phiên âm Hán-Việt “Lý Cơ Vĩnh”.
Ở đây tôi chỉ nêu các tên riêng nhà văn, nhưng nguyên tắc này cũng nên phổ cập vào tên địa danh, tên các sự việc khác, có nguồn gốc Trung Hoa hoặc Đông Á. Cách ghi này, khi thành quy tắc chung, sẽ tạo thuận lợi lớn cho việc thông tin chung, kể cả cho người viết sách báo chữ Việt, người đọc sách báo Việt, lẫn người nước ngoài đọc sách báo Việt.
Trên đây là một số suy nghĩ và đề xuất của tôi nhân được biết cuốn Bách Khoa Thư Văn Học đang được tổ chức thực hiện.
         9/11 - 19/12/2013
Lại Nguyên Ân
Theo http://lainguyenan.free.fr/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...