Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Sách bách khoa sao lại gọi là “Tổng tập”

Sách bách khoa sao lại gọi là “Tổng tập”?
Mới đây tại Hà Nội đã ra mắt bộ sách “Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long”. Các phóng viên đưa tin về buổi lễ ra mắt bộ sách này (Thể thao & Văn hóa, 28/5/2009) đã trích lời ông Vũ Khiêu, chủ tịch hội đồng biên soạn bộ sách, nói rằng: chất lượng và hiệu quả của bộ sách sẽ do độc giả sau này đánh giá! Tức là ý ông muốn nói: quyền đánh giá công trình này chỉ thuộc về tương lai!
Vậy thì người của ngày hôm nay có lẽ sẽ không được phép đánh giá công trình này? − Đây là điều cần hỏi lại những người đã tham gia biên soạn. Riêng người đang viết những dòng này thì nghĩ rằng: mỗi bộ sách, mỗi công trình biên khảo xưa nay nói chung, những điểm khả thủ (hoặc bất cập) của nó có thể chỉ bộc lộ thật rõ sau một thời gian không ngắn; song nếu nghĩ rằng ở thời điểm vừa xuất xưởng, người ta chỉ có thể được nói đến nó bằng những lời ngợi ca, − thì đó chỉ là tâm lý của những người quen làm thứ hàng lễ lạt, không phải sự suy nghĩ thực tế.
Mặc dù chưa được cầm tận tay các cuốn sách của công trình này, người ta vẫn có thể cảm nhận phần nào tính chất không thiết thực của những người biên soạn. Quả vậy, một bộ sách tổng cộng 12.000 trang khổ 20,5 x 31 cm, chia làm 4 quyển, nặng 25 kg, giá bán 4 triệu đồng, mà lại tham vọng “có mặt ở mỗi cơ quan, mỗi gia đình, mỗi nhà quản lý, mỗi nhà khoa học”, −  như lời chủ tịch hội đồng biên soạn trong lễ ra mắt bộ sách − thì thật là một ao ước viễn tưởng, nhất là khi ta đem đặt nó bên cạnh các thống kê về sự thụ hưởng sách báo tính theo đầu người của dân số Việt Nam hiện tại.
Nhìn qua ảnh chụp và xem thông tin lại cũng đã thấy từng cuốn của bộ sách này quá dày và nặng, khá đặc trưng cho phong cách hãnh tiến của lối làm sách lễ lạt hiện nay: mỗi cuốn sách đã quá khổ (khổ 20,5x31cm đối với sách là khổ lớn rồi!), lại quá nặng (khoảng trên 6 kg) và quá dày (khoảng 6.000 trang), chỉ gây ấn tượng “hàng khủng” khi đem trưng bày, triển lãm, nhưng sẽ rất khó sử dụng, vì rất mau hư hỏng, rất sớm bị tuột chỉ, đứt gáy, v.v... Sự đọc (trừ việc đọc “báo chữ to” ra!) vốn là việc của từng người, cho nên dễ hiểu là vì sao nền xuất bản ở các nước tiên tiến thường hướng đến việc làm ra những cuốn sách khổ nhỏ hoặc vừa, giấy nhẹ bìa mềm, có thể cầm đọc khi ngồi khi nằm tùy thích, lại thuận tiện cho người ta đem theo khi đi máy bay, khi gửi theo tàu biển tàu hỏa đi khắp thế giới, bởi nghĩ rằng sách luôn gắn với các sinh hoạt con người. Trong khi đó, một bộ phận trong nghề làm sách ở ta đang đua theo kỷ lục khổ lớn dày trang; đã có những cuốn sách đạt đến khổ 40x60cm, nay lại thấy những cuốn sách dày đến 6.000 trang; − các kỷ lục này chỉ đặc trưng cho những cuốn sách mà, sau khi làm ra, sẽ được đặt cố định ở một vị trí đẹp trong những nội thất sang trọng quyền quý, chứ rất ít khi được mở ra xem đến, càng khó được đem theo mỗi cuộc đi để có thể thao thức với mỗi con người!
Song những điều nói trên chưa phải là điều chủ yếu muốn nói trong bài này. Điều chủ yếu tôi muốn trao đổi với những người biên soạn bộ sách nói trên và giới biên khảo nói chung là nhận định sau đây.
Theo nhận biết sơ bộ thì đây là một công trình biên khảo mang tính chất bách khoa thư, vậy mà ban biên soạn lại đặt cho nó cái tên gọi là “Tổng tập”, − đó phải chăng là công trình biên khảo này đã bị gọi sai tên?
Trước hết, tính chất bách khoa thư của công trình này là rất rõ. Hôm nay ta hãy căn cứ vào những lời miêu tả công trình này của chính ông Vũ Khiêu, chủ tịch hội đồng biên soạn, trong lễ ra mắt bộ sách. Ông nói rằng bộ sách này “đã phần nào phác họa được một bức tranh toàn cảnh về văn hiến Thăng Long và trở thành  bộ sách để giúp độc giả tra cứu và thu nhận những kiến thức tối thiểu trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thủ đô ngày xưa và hôm nay”.  Ở một chỗ khác, có lẽ vẫn là lời ông Vũ Khiêu (qua tường thuật của phóng viên Thể thao & Văn hóa), bộ sách này đã được ví với “một bảo tàng, một thư viện thu nhỏ về Hà Nội. Nó cung cấp cho độc giả tất cả những gì muốn biết về Kinh Kỳ - Kẻ Chợ. Với khối lượng kiến thức khổng lồ ấy, bộ sách được chia làm 28 phần, phản ảnh về Thăng Long - Hà Nội trên nhiều bình diện: Địa lý, địa chất, lịch sử, kinh tế, văn hóa, danh lam thắng cảnh, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật như: văn học, kiến trúc, hội họa... trải qua hàng nghìn năm phát triển, rồi toàn cảnh về các vương triều: Lý, Trần, Lê...”
Những lời miêu tả của chính người đóng vai trò chủ chốt trong ban biên soạn bộ “Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long” như trên, thiết nghĩ, đã  đủ cho thấy đây chính là một công trình bách khoa thư về văn hóa Thăng Long-Hà Nội, hoặc một công trình địa chí văn hóa Thăng Long-Hà Nội.
Vậy thì, thưa trên 1200 soạn giả của bộ sách vừa ra mắt, tại sao quý vị không gọi tên nó là “Bách khoa thư văn hóa Thăng Long-Hà Nội” hay “Địa chí văn hóa Thăng Long-Hà Nội”?
Quý vị hẳn biết, loại sách có nội dung tổng hợp như thế, ở Đông Á trung đại xếp vào loại sách gọi là “loại thư”, tương đương với khái niệm “bách khoa thư” của Tây Âu; chỗ khác nhau chỉ là bách khoa thư của Tây Âu sắp xếp các nội dung theo trật tự bảng chữ cái, còn những bộ sách tương tự ở Đông Á thì phân chia và sắp xếp nội dung theo từng môn loại. Bộ sách về văn hiến Thăng Long vừa công bố, trên nét lớn được chia thành 28 phần, tức là 28 môn loại; − điều này cho thấy nó được làm theo kiểu “loại thư”, tức là sách tập hợp tri thức bách khoa về một vùng đất Thăng Long-Hà Nội. Sự thực hiển nhiên là thế.
Vậy thì vì sao lại đặt cho nó cái tên (mà theo tôi là hoàn toàn sai lệch) là “Tổng tập” ? Chẳng lẽ chỉ cần biết “tập” là gom lại, “tổng” là tất cả mọi thứ, rồi quyết định đặt ra tên ấy, bất chấp việc tìm hiểu truyền thống và tập quán trứ thuật của các thế hệ xưa nay?
Theo tôi hiểu, từ “tập” có mặt trong nhiều tên sách của các tác gia Việt Nam từ thời trung đại, là có nguồn từ quan niệm Cổ Trung Hoa  về các loại hình sách: “kinh, sử, tử, tập”, v.v… “Tập” có khi dùng để gọi tên các cuốn sách đơn, nhưng ở thời trung đại thì thường được dùng để gọi các sưu tập thi văn hay trứ thuật của cả một đời người (ví dụ “Giới Hiên thi tập” là sưu tập cả một đời thơ Nguyễn Trung Ngạn, “Nhị Khê tập” là tên sưu tập thơ văn cả đời Nguyễn Phi Khanh, v.v…); mỗi thi tập, văn tập, vì vậy, bao giờ cũng gắn với đơn vị tác gia. “Tập” cũng được dùng để gọi những sưu tập mang tính chất liên tác giả, hoặc tập hợp những nhóm tác phẩm theo dấu hiệu cùng thể tài, đề tài, v.v…, ví dụ “Việt âm thi tập” (1433) là tuyển thơ của các thi gia Việt Nam do Phan Phu Tiên biên soạn, “Quần hiền phú tập” (1457) là tuyển các tác phẩm thể phú của tác gia Việt Nam do Hoàng Tụy Phu biên soạn, v.v…
Chính kiểu tập hợp và cách gọi tên các sưu tập tác phẩm ở thời trung đại đã gợi ý cho cách làm và cách gọi tên các bộ tuyển mang tính tổng kết thơ văn ở thời hiện đại. Từ giữa thế kỷ 20 đến hiện nay, trong thực tế xuất bản ở miền Bắc Việt Nam, đối với từng tác gia, hai thể tài sách thường được dùng là “tuyển tập” và “toàn tập”; đối với các công trình tập hợp tác phẩm của nhiều tác giả, ta đã thấy xuất hiện các tên gọi “tuyển tập” và “hợp tuyển”, ví dụ “Tuyển thơ Việt Nam 1945-1960” do Xuân Diệu chủ trì, hoặc bộ “Hợp tuyển thơ văn Việt Nam” gồm nhiều tập, được thực hiện ở miền Bắc từ giữa những năm 1950 đến giữa những năm 1970.
Tên gọi “tổng tập” chỉ xuất hiện vào khoảng năm 1977-79, khi hình thành dự án “Tổng tập văn học Việt Nam”  do Nxb. Khoa học xã hội chủ trì, gồm 36 tập, tập 1 khởi từ bài “Nam quốc sơn hà…”, tập 36 là thơ văn Hồ Chí Minh.
Theo tôi nhớ, từ “tổng tập” đưa ra hồi đó đã gây nhiều phản ứng khác nhau, có phía đồng tình, lại có phía phản đối. Người ta cảm thấy chữ “tổng” này như là đặc hiệu của thời bao cấp (các cửa hàng tạp hóa được gọi là “bách hóa tổng hợp”, trường dạy các môn khoa học cơ bản được gọi là “đại học tổng hợp”, v.v…, như là một cách phiên chuyển những “UNIVERMAG”, “UNIVERSITET” của Nga Xô-viết!). Song, từ “tổng” ấy dù sao cũng chấp nhận được, vì nó diễn đạt ý niệm “nhiều”, lại đi với “tập” vốn vẫn diễn đạt ý niệm tác gia. Chính ý niệm tác gia như cái đơn vị chủ thể trong tổng tập ấy đã là cơ sở để, từ sau 1986, bộ “Tổng tập”  này được nới rộng ra, ví dụ làm thêm tập 29B để đưa vào đó các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng; nhiều tác gia và mảng tác phẩm khác cũng được đưa thêm vào theo cách như vậy. Khi mà cái tên “tổng tập” có vẻ đã mặc nhiên đứng được, từ những năm 1990 trở đi, lại thấy thêm đôi ba bộ sách được đặt tên tương tự, ví dụ “Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam”, “Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam”,
“Tổng tập văn học dân gian người Việt” − ở đây đơn vị có thể không chỉ là tác gia, mà là tác phẩm. Cũng cho là được đi! Song phải ghi nhận chiều hướng chung là cái tên gọi “tổng tập” đang bị lạm dụng.
Trở lại bộ sách về văn hiến Thăng Long được biên soạn theo kiểu sách tri thức bách khoa lại được đặt tên là “Tổng tập”: đơn vị của nó có phải là tác gia hay không? Hẳn là không!
Tất nhiên sẽ có lối đáp “đánh bùn sang ao” bằng cách nói rằng sách nào chẳng có tác giả (tác giả = soạn giả)!
 Song điều cần trả lời nghiêm túc là: bộ sách này được dựng trên cơ sở  đơn vị nào? − tác gia hay tri thức?
Căn cứ vào những dấu hiệu khái quát đã biết, có thể khẳng định rằng bộ sách này không phải là một sự tập hợp các tác phẩm của những tác gia nhất định (ví dụ cùng có “quê” là Hà Nội, đều viết về Hà Nội, …) mà là sự tập hợp các loại tri thức (lịch sử, địa lý, địa chất, kinh tế, văn hóa, v.v…) về vùng Thăng Long-Hà Nội từ xa xưa đến hiện tại. Tóm lại, từ “tập” ở đây không trỏ đơn vị tác gia (hay tác phẩm) như một vài bộ “tổng tập” ta đã biết. Vậy chữ “tập” này trỏ cái gì? − Thiết nghĩ, chỉ các vị trong hội đồng biên soạn ra bộ ấn phẩm quá đồ sộ này mới có câu trả lời.
   10/6/2009
Lại Nguyên Ân
Theo http://lainguyenan.free.fr/






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...