1. Về những bài thơ mà Quang Dũng viết hồi kháng chiến
1946-54, ngoài những bài như Tây tiến, Mắt người Sơn Tây, Những làng đi
qua,… người ta cũng thường nhắc đến bài Lính râu ria. Nhưng, toàn bộ bài
thơ ấy ra sao, hỏi mấy người biết ít nhiều về Quang Dũng đều lắc đầu nói không
rõ.
Bài thơ ấy không in trong mấy tập sách về Quang Dũng hồi những
năm 1990, nên bây giờ không ai nhớ.
Nhân đọc lại báo cũ, tôi thấy bài thơ Lính râu ria, sáng
tác từ 1948, vốn được chuyền tay trong bộ đội, đã được Quang Dũng đưa đăng lại
trên báo Văn nghệ số 151, ra ngày 14/12/1956. Ta sẽ thấy lại ở
đây không chỉ những nét riêng của những anh lính có gốc gác phố thị mà thời
kháng chiến người ta đã định danh bằng mấy chữ “tạch tạch sè” (TTS = tiểu tư sản);
với thời gian, ta còn thấy càng rõ lên ở họ cái chất nhân bản, cái tình người vừa
thường tình vừa đẹp đẽ, một cảnh sống “đẹp và buồn”…
Tiện thể nói thêm, gần như ngay sau khi báo Văn nghệ của
Hội Văn nghệ Việt Nam từ Việt Bắc trở về và ra mắt tại Hà Nội (từ 1/11/1954),
Quang Dũng đã góp mặt như một phóng viên về đời sống văn hóa ở vùng thủ đô; ông
không những viết về các hoạt động nổi bật như triển lãm mỹ thuật 1954, việc
khai thác vốn cổ của văn công quân đội, buổi họp mặt của câu lạc bộ nhạc cổ thủ
đô, v.v…, mà còn viết về sinh hoạt văn hóa ở các cơ sở xí nghiệp, trường học;
chỉ nghe tên bài báo đã thấy rõ điều ấy: “Đọc bích báo nhà máy nước”, “Đọc
bích báo nhà máy diêm Hà Nội và nhà máy Gia Lâm”, “Đọc bích báo hai trường Tân
Trào và Trưng Vương”, “Công nhân nhà máy đèn đấu tranh cho thống nhất”,v.v…
Coi thơ như khu vực sáng tác tâm huyết nhất của mình, Quang
Dũng có không ít những trăn trở về thơ tuy rất it khi ông nói ra; chỉ khi Hội
Văn nghệ Việt Nam phát động việc “phê bình lãnh đạo văn nghệ” để chuẩn bị cho Đại
hội văn nghệ toàn quốc 1956, người ta mới thấy ông hé ra qua bài “Mấy ý
nghĩ về thơ”,đăng 3 kỳ Văn nghệ trong tháng 9/1956 (tôi vừa đưa in lại
trên tạp chí “THƠ” số 10/2008).
Năm 1957, khi Hội Nhà văn Việt Nam thành lập và xuất bản tuần
báo Văn, Quang Dũng lại là một trong những cộng tác viên đắc lực. Các bút
ký về sinh hoạt văn hóa đời thường ở Hà Nội như các trò xiếc khỉ, diễn trò kèm
với bán thuốc “cao đơn hoàn tán” cạnh bờ hồ Gươm… do Quang Dũng viết, rất
sống động, vui nhộn; tiếc thay, trong mắt một vài nhà phê bình quyền uy thì nó
lại là sự nhấm nháp các mảnh sống cũ kỹ, khi mà người ta đòi hỏi “con người thời
đại” trên mặt tờ báo văn chương phải có ngay đường nét của con người xã hội chủ
nghĩa! Vậy là mấy bài bút ký của Quang Dũng bị nêu tên phê phán, bên cạnh các
bài “nặng tội” hơn, của các tác giả khác.
Tất nhiên, sau này ngẫm lại, có vẻ như các chuyện về xiếc khỉ
bờ hồ bị nêu tên ấy, chẳng qua cũng chỉ là dịp để người ta ngầm nhắc những lỗi
có vẻ còn to hơn của Quang Dũng, ấy là việc trước đó ít lâu, ông có thơ (2
bài Trên đường chiều thứ bảy, Những cô hàng xén) đăng ở hai tập Giai
phẩm mùa thu, sau lại có một bài nữa (Có nhớ về đất Bắc) đăng ở Sách Tết
1957, − một cuốn “hậu giai phẩm” − của nhà xuất bản Minh Đức. Cái lỗi “tòng phạm”
ấy, Quang Dũng thật sự khó tránh, khi mà các báo chính quy của hội chính quy hồi
năm 1956 chỉ giành rất ít chỗ cho những người như ông, đến nỗi một người cùng cảnh
ngộ “ngoại vi” là Nguyễn Bính đã phải dựng lại tờ Trăm hoa của ông
anh mình, để các bạn văn cũng lép vế như mình có chỗ đăng tác phẩm! Dù sao, lỗi
của Quang Dũng cũng được coi là nhỏ thôi, nên không bị nêu tên trong các bản tổng
kết hồi 1958; dẫu vậy, nghiệp thơ Quang Dũng trên đất Bắc cũng dần dần xem như
bị “chìm xuồng”, chứng cứ rõ nhất là không có bài thơ nào của Quang Dũng được
đưa vào “Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1960” (Nxb. Văn học, 1960) do
Xuân Diệu chủ trì và viết lời nói đầu, coi như không có tác gia Quang Dũng
trong thơ giai đoạn ấy!
Có thể bạn đọc trẻ ngày nay không tin, nhưng sự thực là: hồi
những năm 1960 ở miền Bắc, bài thơ Tây tiến của Quang Dũng chỉ được
nhắc đến duy nhất trong một cuốn sách, đó là cuốn Văn học Việt Nam hiện đại (giáo
trình Đại học tổng hợp Hà Nội) của Hoàng Như Mai, nhưng là nhắc đến Tây tiến với
nhận xét phê phán về sự tiêu biểu cho những cái “rớt” tiểu tư sản trong thơ thời
đầu kháng chiến!
Sau này, khi Quang Dũng mất (1988), chính nhà giáo Hoàng Như
Mai có dịp xác nhận cái sự thực từng phổ biến một thời, nghe như một sự lạ:
“Các bài Tây tiến, Đôi mắt người Sơn Tây, Đôi bờ, Anh lính râu ria, v.v… của
Quang Dũng được quá nhiều người thích và truyền tụng quá nhiều, vì thế ít nhiều
anh bị ‘vạ vịt’ vì chúng. Rõ tội: chữ ‘tài’ liền với chữ ‘tai’…” (trích theo
sách “Quang Dũng, người và thơ”, Hoài Việt sưu tầm biên soạn, Nxb. Hội
Nhà Văn, 1990, tr. 19).
Đặc sắc thơ Quang Dũng, trên thực tế, ngay trong những năm
1960, đã được văn giới ở miền Nam xác nhận và khẳng định. Cũng chính nhà giáo
Hoàng Như Mai, năm 1988, kể lại: “Sau ngày các tỉnh phía Nam được giải phóng,
tôi vào giảng bài ở thành phố HCM., có đọc sách báo Sài Gòn cũ. […] Gặp anh giữa
phố Hà Nội, tôi bô bô: Này ông Quang Dũng, Sài Gòn họ ca tụng ông ghê lắm, có đến
mấy đặc san về ông. Anh vội xua tay nói khẽ: ‘Thôi xin ông, đừng nói với ai
nhé!’ Tôi ân hận vì lơ đễnh” (sách trên, tr. 19).
Dẫu sao rồi cũng đã qua đi cái thời có những sự lạ kỳ như thế,
− nghe chuyện thơ mình được công chúng trong Nam khen mà chính tác giả lại thấy
lo sợ đến bủn rủn chân tay!
Từ đầu những năm 1990, giá trị những bài thơ xuất sắc nhất của
Quang Dũng đã được xác nhận. Ngày nay, nói đến thơ thời đầu chống Pháp, không một
ai ít nhiều hiểu biết về thơ lại không nhắc đến bài Tây tiến. Nhưng xin đừng
quên: điều có vẻ đương nhiên ấy đã không hề là đương nhiên, như ta vừa thấy.
2. Nhân nói về Quang Dũng, có một điểm tôi từng nghe
nói, nhưng nay rất cần xác minh lại. Đó là một tình tiết thuộc tiểu sử Quang
Dũng. Hồi 1990, khi làm công việc biên tập cho cuốn sách“Quang Dũng, người và
thơ”, tôi được nghe các ông Trần Lê Văn, Hoài Việt kể tình tiết này, nhưng
khi tôi yêu cầu hai vị ấy viết ra giấy và đưa vào sách thì họ lại từ chối, cho
là chưa đến lúc. Tình tiết đó, thiết nghĩ đến nay không còn là điều “nhạy cảm”
gì nữa, nên cần nói ra và cần đi tìm người xác minh, nếu không sẽ là quá muộn.
Đó là chuyện, đầu những năm 1940, Quang Dũng đã từng dấn bước
phiêu lưu sang đến đất Tàu, rồi, do tình huống nào đó, đã gặp Nguyễn Hải Thần
(thủ lĩnh Việt Nam cách mạng đồng minh hội, gọi tắt là Việt Cách), được ông này
coi như môn khách. Năm 1945, trong đoàn người của Việt Cách trở về Hà Nội, có
Quang Dũng. Phía Việt Minh thấy Quang Dũng là người có thể tranh thủ được nên
đã tìm cách tách ông ra khỏi nhóm gần gũi của Nguyễn Hải Thần bằng việc đưa ông
đi học trường quân chính ở Tông (Tùng Thiện, Sơn Tây), từ đó Quang Dũng đi sang
quỹ đạo của phía Việt Minh, tham gia đoàn võ trang tuyên truyền biên khu Lào-Việt.
Đơn vị này được thành lập trên đất Thạch Thất-Quốc Oai hồi 1947, rồi di chuyển
lên vùng Hòa Bình, Sơn La của Tây Bắc. Những bước chân hành quân hồi này đã đi
vào thơ Tây tiến, Những làng đi qua, Mắt người Sơn Tây của Quang Dũng
và ông cũng đặt dấu ấn của mình vào thơ Việt từ đó. Quang Dũng có kể về những
ngày đầu của đơn vị này trong thiên truyện ký “Đoàn võ trang tuyên truyền
biên khu Lào Việt”, viết năm 1952 ở Cổ Thành, Thanh Hóa.
Cách đây ít lâu, nhân nói chuyện với nhà thơ Vân Long, tôi được
anh bổ sung cho một dị bản hơi khác chút ít, dường như do chính Quang Dũng từng
tâm sự kín đáo với một vài bạn thân: khi theo chân Nguyễn Hải Thần về nước,
Quang Dũng nhận ra phía Việt Minh mới là phía có chính nghĩa và sức mạnh nên đã
tự tìm cách liên hệ để thoát khỏi ảnh hưởng của nhóm Việt Cách; và ông đã đạt
được mong muốn ấy. Trong việc này, ông được một cán bộ Việt Minh có chân trong
thành ủy (ĐCS) Hà Nội giúp đỡ; Vân Long nhớ không chắc chắn tên người nên chưa
vội ghi ra đây. Các bạn nghiên cứu trẻ, nếu muốn tìm hiểu rõ thêm về Quang
Dũng, nên gặp một vài người như nhà thơ Vân Long và qua nhà thơ này tìm thêm
các đầu mối … mong manh khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét