Thơ Bích Khê trên sách báo Việt trước 1945
Về sáng tác của nhà thơ Bích Khê (họ tên thật: Lê Quang
Lương, 24/3/1916 – 17/1/1946), lâu nay dư luận công chúng thường biết đến
tập “Tinh huyết” – tập thơ duy nhất được xuất bản trong sinh thời tác giả (Trọng
Miên xuất bản, nhà in Thụy Ký, Hà Nội, in xong 30/12/1939). Một số sáng tác
khác của Bích Khê cũng đã được công bố, ví dụ trong tập “Thơ Bích Khê” (Chế Lan
Viên, Hà Giao, Nguyễn Thanh Mừng biên soạn, Sở VH-TT Nghĩa Bình xb., 1988), hoặc
tập “Tinh hoa” (Lê Thị Ngọc Sương sưu tầm, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 1997).
Tuy nhiên, công chúng ngày nay đã cách xa thời Bích Khê sống
và sáng tác trên nửa thế kỷ; họ có nhu cầu được các nhà nghiên cứu, sưu tầm cho
biết ít nhiều về sự ra mắt, sự “trình làng” của nhà thơ này.
Nhân tham gia công việc chuẩn bị kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ
Bích Khê, theo gợi ý của các bạn văn Quảng Ngãi, tôi đã giành thời gian khảo
sát báo chí những năm 1930-40, mong tìm ra một số tác phẩm Bích Khê được đăng
báo vào thời gian kể trên, đồng thời cũng tìm những dấu vết ảnh hưởng mà thơ
Bích Khê đã gây ra, trên dư luận báo chí đương thời.
Kết quả là tôi đã tìm thấy những dấu vết tác phẩm Bích Khê
trên báo “Tiếng dân” ở Huế, và trên tuần báo “Tiểu thuyết thứ Năm” ở Hà Nội;
tôi cũng thấy sự kiện tập thơ “Tinh huyết” của Bích Khê đã trở thành nguồn cơn
của một cuộc và chạm ý kiến giữa Huỳnh Thúc Kháng, một địch thủ chung thân của
thơ mới, và Phan Khôi, người khởi xướng thơ mới.
Dưới đây là những thông tin chi tiết.
1/ THƠ (CŨ) BÍCH KHÊ TRÊN BÁO “TIẾNG DÂN”, HUẾ
Gợi ý đầu tiên cho tôi chính là dòng chú thích của Hàn Mặc Tử
ở dưới bài đề tựa tập “Tinh huyết”: “Xem Tiếng Dân, ta thấy Bích Khê đã được
hoan nghênh về thơ cũ (1931-1936)”.
Vậy là có thể tìm thơ Bích Khê trên tờ “Tiếng dân”.
“Tiếng dân” là tờ báo hoạt động theo kiểu nhật báo, tức là xuất
bản 2 kỳ/tuần (vào thứ tư, thứ bảy) hoặc 3 kỳ/tuần (vào thứ ba, thứ năm, thứ bảy),
đây là ấn phẩm của “Huỳnh Thúc Kháng công ty”, do Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947)
trực tiếp làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, tòa soạn ở số 123 đường Đông Ba, Huế; ra
số đầu tiên vào ngày 10/8/1927, và số cuối cùng vào ngày 24/4/1943.
Mỗi kỳ báo “Tiếng dân” thường gồm 4 trang khổ lớn (61x40cm)
giành 2 trang ngoài (tr. 1 và 2) đăng tin tức và bình luận thời sự chính trị xã
hội, 2 trang ruột (tr. 3-4) đăng quảng cáo và truyện nhiều kỳ (feuilleton).
Ngoài các tin tức và bình luận, trên “Tiếng dân” cũng có đăng
tải các sáng tác văn học, có khi là truyện (văn xuôi tự sự), nhưng thường khi
là thơ. Tôi thấy tòa soạn “Tiếng dân” mở mục “Vận văn” (= văn vần) để đăng thơ,
suốt từ 1929 đến 1939; cuối năm 1939 thì tên mục này đổi là “Thơ”, nhưng cũng
có lúc báo này lấy lại tên mục “Vận văn”. Có một điểm nhất quán, dù gọi là “vận
văn” hay “thơ” thì báo “Tiếng dân” chỉ đăng thơ kiểu cũ, trước hết là thơ Phan
Sào Nam, và hầu như không bao giờ đăng “thơ mới”.
Ít ra, để tìm dấu vết đăng tải thơ Bích Khê, cần có đủ bộ sưu
tập báo này từ 1931 đến 1936 (theo gợi ý từ ghi chú kể trên của Hàn Mặc Tử),
nhưng tôi chỉ có thể khảo sát trên sưu tập “Tiếng dân” hiện có tại Thư viện Quốc
gia (tại Hà Nội) các năm: 1930, 1940, 1941, các bộ sưu tập từng năm này cũng bị
mất và rách khá nhiều. May mắn là tôi còn có sẵn từ mấy năm trước bản chụp sưu
tập “Tiếng dân” các năm liên tục 1936-1939 (nhưng trang nào chụp mờ hoặc thiếu ở
đây thì không có báo để đối chiếu lại).
Kết quả tôi tìm được các bài thơ sau, tất cả đều ký Bích Khê:
- Bài
hát xuân của Nàng Thơ // Tiếng dân, s. 871 (13 Février 1936), tr. 1.
- Đêm
khuya nghe chuông…// Tiếng dân, s. 906 (7 Mai 1936), tr. 1.
- Tết
mùng năm tháng năm// Tiếng dân, s. 929 (2 Juillet 1936), tr. 1.
- Cùng
bạn chơi Ngũ Hành Sơn, Quảng Nam// Tiếng dân, s. 937 (23 Juillet 1936), tr. 1.
- Bán
thi// Tiếng dân, s. 954 (1er Septembre 1936), tr. 2.
- Giàu
văn// Tiếng dân, s. 1442 (23 Décembre 1939), tr. 1.
(Theo lời dẫn
của tác giả ở bài “Bán thi” người ta được biết tác giả Bích Khê đã từng
đăng ở báo này năm trước /tức là 1935 ?/ một bài nhan đề “Bán sầu”)
Về thể tài,
trong số 6 bài trên, có 3 bài theo thể luật Đường (Tết mùng 5 tháng 5 ;
Cùng bạn chơi Ngũ Hành Sơn ; Giàu văn), 3 bài thuộc thể hát nói, tức ca
trù (Bài hát xuân của Nàng Thơ; Đêm khuya nghe chuông; Bán thi).
Về sự phản xạ
sau khi được đăng tải, có hai bài cho thấy rõ dấu vết.
Bài “Bán
thi” đăng ngày 1/9/1936 thì chỉ trên một tuần sau (TD., 12/9/1936) đã thấy
báo này đăng bài họa lại với ý tranh luận rõ rệt. Đó là bài ca trù nhan đề “Đáp
bài Bán thi của Bích Khê”, tác giả ký tên 2 chữ, chữ đầu là Yểm, chữ sau không
đọc được (vì chữ in sát lề báo, lấp vào gáy sách của bộ sưu tập). Sau đó, đến
cuối tháng (TD., 29/9/1936) lại xuất hiện thêm bài họa nữa, ký X.T.T. (tức Xích
Tùng Tử, một bút danh của chủ bút Huỳnh Thúc Kháng). Cả hai bài họa này đều tỏ
ra dị ứng với diễn ngôn “Bán thi” của Bích Khê, dường như coi đó là hành
vi ngông cuồng không nên có.
Suốt hai năm
1937-1938 trong mục vận văn của báo “Tiếng dân” tôi không thấy có bài nào của
Bích Khê, trong khi vẫn có thơ của Q.T. (tên tắt này luôn kèm địa danh Nha
Trang trong vòng đơn, có thể đoán chắc là Quách Tấn), đôi khi có thơ Lê Ngọc
Sương (chị gái của Bích Khê)… Phải chăng việc Bích Khê không có thơ đăng “Tiếng
dân” hai năm này là hệ quả từ một vài va chạm do bài “Bán thi” gây ra?
(Như đã biết,
một trong những mối liên lạc giữa Bích Khê với báo “Tiếng dân” chính là nhà báo
Lạc Nhân /Nguyễn Quý Hương/, người bạn và về sau là chồng bà Lê Thị Ngọc Sương,
chị của Bích Khê; đọc trên các sưu tập “Tiếng dân”, có thể thấy ông viết cho mục
“Chuyện đời” của báo này từ giữa năm 1930 đến đầu năm 1938, là một trong vài ba
cây bút chủ chốt của mục này (sau ông là Chuông Mai, Thạch Phi); những năm
1936-37, qua “Tiếng dân” có thể thấy ông Nguyễn Quý Hương và bà Ngọc Sương hoạt
động khá nổi bật trong phong trào Đông Dương đại hội ở Huế, vận động thảo thỉnh
nguyện thư gửi lên phái đoàn của Mặt trận bình dân Pháp).
Đến cuối năm 1939, khi mục “Vận văn” trên “Tiếng dân” đã đổi
thành mục “Thơ”, ta lại bắt gặp trong mục này thêm một bài của Bích Khê: bài
“Giàu văn” (TD., 23/12/1939). Khẩu khí bài này rõ rệt là ngông, tòa soạn thấy
điều đó, và đã cho ai đó đọc rồi có bài họa lại; tòa soạn cho đăng bài họa ấy
ngay dưới bài của Bích Khê. Vậy là chính lúc đã đưa in tập thơ mới “Tinh huyết”,
Bích Khê vẫn có thơ cũ đăng báo; đồng thời, ngay trong thơ cũ, dường như Bích
Khê vẫn tiềm tàng khả năng xung khắc với giới tác gia thơ
cũ.
2/ THƠ MỚI BÍCH KHÊ TRÊN “TIỂU THUYẾT THỨ NĂM”, HÀ NỘI
Nguồn tác phẩm
thơ mới của Bích Khê trên tuần báo “Tiểu thuyết thứ Năm” là do nhà thơ Anh Chi
sưu tầm và tái công bố từ 2002 (sưu tập:“Tiểu thuyết thứ Năm”, tác giả và tác
phẩm”, Anh Chi sưu tầm, Hà Nội, 2002: Nxb. Văn học, tập 1: 772 tr. ;
t.2 : 875 tr. 14,5x20cm); ngoài sưu tập đã in này, nhà thơ Anh Chi cũng đã
cho tôi tham khảo bộ sưu tập “Tiểu thuyết thứ Năm” mà anh có, dưới dạng các bản
chụp (photocopy) hoặc có một ít (gần 10 số) là báo gốc.
“Tiểu thuyết
thứ Năm” thoạt đầu là tờ báo công khai của nhóm cộng sản thuộc Xứ ủy Bắc Kỳ,
thư ký toàn soạn là Học Phi; ra được chừng 7 số (từ 18/3/1937 đến 01/5/1937) dưới
dạng in li-tô; sau đó giấy phép ra báo này được bán lại cho nhóm khác và trở
thành một tờ báo dân sự thông thường, tự xác nhận là tuần báo trào phúng và văn
chương (Hebdomadaire satirique et littéraire), ra số 1 vào ngày 08/5/1937. Các
chủ nhân mới của “Tiểu thuyết thứ Năm” là Đình Mai, rồi đến Lê Cường, chủ nhà
in; chủ bút “Tiểu thuyết thứ Năm” có lúc là Bùi Huy Phồn, sau đó là Lê Tràng Kiều;
tòa soạn đặt tại 88 phố Huế, Hà Nội. Một số tài liệu nói tuần báo này hoạt động
đến đầu năm 1942, song hiện tài liệu chỉ có đến gần cuối năm 1939.
Đây là một trong những tờ báo hiện khá hiếm tài liệu; Thư viện
Quốc gia (Hà Nội) hầu như không còn giữ được số nào. Những năm 1990, nhà thơ
Anh Chi quen biết ông Phạm Văn Kỳ, được ông kể cho biết nhiều sự việc hồi ông
tham gia biên tập tờ “Tiểu thuyết thứ Năm” và ông cung cấp khá nhiều tài liệu,
đôi khi là các số báo gốc, nhưng thường thường là các bản chụp (photocopy) do bạn
bè ông Kỳ chụp từ Thư viện quốc gia Pháp gửi về tặng ông. Từ các tài liệu này,
nhà thơ Anh Chi đã biên soạn và đưa in bộ sách “Tiểu thuyết thứ Năm, tác giả và
tác phẩm” kể trên.
Theo những kết quả sưu tầm kể trên, ở “Tiểu thuyết thứ Năm”
đã tìm thấy 5 tác phẩm, đều đăng năm 1939; ở đây tên tác giả được ký có lúc đến
5 từ: Bích Khê Lê Mộng Thu, có lúc chỉ 3 từ: Lê Mộng Thu, có lúc chỉ 2 từ: Mộng
Thu.
Cụ thể:
- Trống giao thừa// TTTN, s. 19 (9 Février 1939) /ký Mộng
Thu/
- Thu// TTTN, s. 32 (25 Mai 1939) /ký Lê Mộng Thu/
- Thu// TTTN, s. 37 (29 Juin 1939) /ký Lê Mộng Thu/
- Gió lạnh// TTTN, s. 38 (6 Juillet 1939) /ký Bích Khê
Lê Mộng Thu/
Ngoài ra, qua lời dẫn nhập của chủ bút Lê Tràng Kiều khi đăng
bài “Hoàng hoa”, ta còn biết thêm: báo này từng đăng các bài “Tỳ bà”, ở một số
nào đó trước số 30 kể trên, và sẽ đăng bài “Nghê thường” ở số 31 (hiện thiếu
tài liệu nên không có văn bản).
Đọc trực tiếp vào các bản chụp hoặc báo gốc “Tiểu thuyết thứ
Năm”, ta còn biết một số chi tiết thú vị, ví dụ tuần báo “Ngày nay” của Tự Lực
văn đoàn đã đăng lại bài “Hoàng hoa” của Bích Khê, với một vài chỗ bị sắp
chữ lầm (“ngưng lưng trời” thành “ngừng lưng trời”, “eo mình” thành
“co mình”). “Tiểu thuyết thứ Năm” vốn là nhóm kình địch với Tự Lực văn đoàn nên
nhân dịp này Lê Tràng Kiều có cớ để châm chọc các nhân vật trong nhóm ấy. Chẳng
hạn, thấy trên “Ngày nay” có bài thơ Lê Ta làm theo lối dùng toàn vần bằng, Lê
Tràng Kiều liền lên tiếng, bảo rằng thơ Thế Lữ lúc này đã dở đi nhiều, có học
theo lối thơ này của Bích Khê thì cũng chỉ thành anh thợ vẽ chứ không thể thành
nghệ sĩ trong loại thơ này được! (L.T.K., Một lời khuyên, TTTN, s.
32, ngày 25/5/1939)
Cũng trên “Tiểu thuyết thứ Năm”, ta thấy xuất hiện khá sớm
khung quảng cáo tập thơ “Tinh huyết” đang in; vậy là tuần báo này quảng cáo rất
sớm cho tác phẩm thơ mới của Bích Khê.
Ta biết, trong đời sống văn nghệ 1930-45, các nhà văn nhà thơ
miền Trung thường đưa tác phẩm mình ra công chúng ở cả ba vùng, nhất là đưa
đăng báo, in sách ở hai trung tâm là Hà Nội và Sài Gòn. Tại Sài Gòn và Hà Nội
đương thời ấy có khá nhiều nhóm văn nghệ sĩ liên kết những tác giả đang sống ở
thành phố với những tác giả đang sống và viết ở miền Trung. Liên hệ của Bích
Khê với nhóm “Tiểu thuyết thứ Năm” thuộc dạng thức như vậy.
3/ TRANH LUẬN GIỮA 2 TỜ “TIẾNG DÂN” VÀ “DÂN BÁO” LIÊN QUAN ĐẾN
TẬP THƠ “TINH HUYẾT” CỦA BÍCH KHÊ
Khoảng mươi
năm trước đây, nhân đi tìm các tác phẩm đăng báo của Phan Khôi (1887-1959), tôi
đã thấy tập thơ “Tinh huyết” của Bích Khê trở thành cái nguyên cớ cho một cuộc
tranh cãi giữa Huỳnh Thúc Kháng và Phan Khôi xung quanh sự phát triển của phong
trào thơ mới.
Sự thể là, vào năm 1941, Phan Khôi ở Sài Gòn, ký lại tên
Thông Reo để viết mục “Chuyện hàng ngày” cho tờ “Dân báo” do Bùi Thế Mỹ làm chủ
bút và chủ nhiệm. Lúc này thơ mới đã giành vị trí chủ đạo trên thi đàn Việt
Nam, đã hoặc đang được những nhà phê bình như Lê Tràng Kiều hay Hoài Thanh tổng
kết. Tuy vậy vẫn có không ít người trong giới cầm bút đàn anh vốn là địch thủ
"chung thân" của thơ mới, sẵn sàng tìm cách làm mất uy tín của nó trước
dư luận.
Chính Phan Khôi cũng không ngờ có lúc sẽ bị họ lợi dụng. Đó
là khi ông, dưới bút danh Thông Reo, viết bài chê trách tập thơ “Tinh huyết”
(1939) của Bích Khê, tựu trung, ông không chấp nhận những sáng tác thơ được đan
dệt bằng những gì mà ông gọi là "câu văn vô nghĩa".
"Phàm văn, khoan cầu hay đã, trước phải cầu cho có
nghĩa. Phải có nghĩa đã, rồi sau mới nói đến hay hay dở. Nhưng hiện nay có một
hạng văn sĩ, hình như họ chỉ cầu cho hay, còn có nghĩa hay không, họ không cần.
Bởi vậy thường có những câu vô nghĩa trong văn họ mà có lẽ họ gọi là hay đó".
Ông dẫn bài Hoàng hoa của Bích Khê và đặt những câu hỏi: “Lam
nhung” là gì? “Xanh nhung” là gì? “Chim yên” là gì? “Xương cây” là gì? Chẳng có
nghĩa gì cả".
Nhận xét này chính là bộc lộ quan điểm về sự viết
văn nói chung của Phan Khôi mà ông cho là cần áp dụng cho mọi thể tài văn
chương, kể cả thơ mới. Ông chỉ có thể quan niệm thơ ở dạng những sáng tác dù
lãng mạn vẫn cần phải duy lý, trước nhất là duy lý về cú pháp, về ngữ nghĩa,
như thơ Thế Lữ, Xuân Diệu. Ông không chấp nhận các sáng tác tượng trưng với những
chất liệu siêu thực tại, nhất là với cấu trúc dường như “phi cú pháp” và ngữ
nghĩa thì phi lý như thơ văn Bích Khê, Hàn Mặc Tử. Đấy là giới hạn quan niệm của
Phan Khôi về thơ mới, và về văn học nói chung.
Nhưng những người kiên trì chống thơ mới lại hiểu, – nói đúng
hơn là lợi dụng – phản xạ nói trên của Phan Khôi theo cách khác hẳn.
Bài viết trên đây của ông đã được các tác giả Minh Viên,
Chuông Mai của tờ “Tiếng dân” ở Huế nhắc lại và bình luận như thể là Phan Khôi
đã từ bỏ thơ mới, như là dấu hiệu sụp đổ nay mai của thơ mới! Sự loan tin và
bình luận của báo “Tiếng dân” đã khiến Hoài Thanh, – lúc ấy đang ở Huế và đang
viết thiên khảo luận “Một thời đại trong thi ca” và biên soạn cuốn tuyển “Thi
nhân Việt Nam 1932-1941”, – cảm thấy bất thường, phải gửi thư cho Phan Khôi, nhờ
đặt mua năm tờ “Dân báo”, lại lưu ý gửi cho từ số có bài bàn về thơ mới!
Trước tình
thế ấy, Phan Khôi đăng liền hai bài báo, bài thứ nhất khẳng định: Báo "Tiếng
dân" nói sai, tôi không hề công kích thơ mới, nhắc lại bài viết ký Thông
Reo, tuy không thừa nhận đó là tên mình, nhưng nhấn mạnh rằng bài ấy chỉ công
kích lối viết văn vô nghĩa mà thôi, chứ không hề công kích thơ mới. Bài thứ
hai, sau khi đính chính báo "Tiếng dân", ông xác nhận, một lần nữa,
thái độ của ông đối với thơ mới.
Tất nhiên, phái đả kích “thơ mới” không dễ bỏ rơi vụ việc;
bài của Mính Viên khép lại vụ này chỉ níu lấy một điểm: dầu sao thì ông Phan
Khôi dưới bút danh Thông Reo đã có một lần “công kích” tập “Tinh huyết” – một tập
thơ mới, tức là nói chung ông đã một lần “công kích” thơ mới, dù sau đó đã lên
tiếng cải chính!
Quả thật, rất ít khi người ta bắt gặp một nhà nghị luận lừng
danh như Huỳnh Thúc Kháng lại bộc lộ thái độ cố chấp đến vậy, về chuyện thơ cũ/
thơ mới.
Nhân vụ việc này, ta nên nhìn hơi rộng ra một chút để thấy
phái bài xích thơ mới những năm 1932-45 là khá đông đảo. Trước khi báo “Tiếng
dân” lên tiếng rằng “ông Phan Khôi đã quay lại công kích thơ mới”, báo này cũng
vừa hồ hởi tường thuật cuộc diễn thuyết của Nguyễn Tiến Lãng tại hội Quảng Tri ở
Huế, ở đó diễn giả cũng một giọng miệt thị thơ mới. Tôi sẽ đưa cả sự việc này của
báo “Tiếng dân” vào chùm tài liệu về cuộc xung đột này.
Chùm tài liệu xung quanh đề tài này theo mốc thời gian, gồm:
1/ Thạch Phi: “Chuyện đời”: Con cóc trong hang, con cóc
nhảy ra… // Tiếng dân., Huế, s. 1590 (25 Juin 1941)
2/ Thông Reo: “Chuyện hàng ngày”: Một tai nạn của văn học
// Dân báo, S.G., s. 605 (25 Juin 1941)
3/ Mính Viên: “Việt ngâm thi thoại”: Lời nói đầu // Tiếng
dân, Huế, s. 1594 (9 Juillet 1941)
4/ Chuông Mai: “Chuyện đời”: Phải chăng đã dến ngày mạt
vận của thơ mới? // Tiếng dân, Huế, s. 1595 (12 Juillet 1941)
5/ Phan Khôi: Báo “Tiếng dân” nói sai, tôi không hề công
kích thơ mới // Dân báo, S.G., s. 627 (23 Juillet 1941)
6/ Phan Khôi: Sau khi đính chánh báo “Tiếng dân”: Ý kiến
tôi đối với thơ mới// Dân báo, S.G., s. 628 (24 Juillet 1941)
7/ Mính Viên: Cùng ông Thông Reo và ông Phan Khôi trong
“Dân Báo” về chuyện thơ mới: Nếu cho là sai thì điều “sai” đó không phải tự “Tiếng
dân”// Tiếng dân, Huế, s. 1602 (6 Août 1941).
Trên đây là toàn bộ kết quả khảo sát trên thư tịch hiện còn về
thơ Bích Khê và ít nhiều dư luận về thơ Bích Khê trên báo chí tiếng Việt trước
1945.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét