Hôm 5/3/2003
vừa qua, giới nghiên cứu, giảng dạy văn học ở Hà Nội đã tiễn biệt nhà giáo, nhà
nghiên cứu văn học, giáo sư Đỗ Đức Hiểu (16/9/1924 - 27/2/2003) về nơi an nghỉ
cuối cùng.
… Năm 1946, chàng
sinh viên luật 22 tuổi ấy rời Hà Nội đi kháng chiến rồi vào nghề thày giáo tại
trường Hùng Vương (Phú Thọ) và suốt đời ở luôn trong nghề dạy học.
Năm 1955 ông được cử vào Ban tu thư (Bộ Giáo dục) soạn bộ
giáo khoa môn văn cho học sinh trung học. Từ 1958 ông là giảng viên phụ trách
môn văn học phương Tây của khoa Khoa học xã hội trường Đại học tổng hợp Hà Nội.
Có thời gian ông được cử đi dạy tiếng Pháp tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc),
đi nghiên cứu tại Đại học Paris VII (Pháp), nhưng phần lớn thời gian đời mình
ông dành cho giảng dạy nghiên cứu trong nước.
Với vốn hiểu biết về văn học Pháp được học từ bậc trung học
trường Pháp-Việt, Đỗ Đức Hiểu đã tự học, tự đào tạo mình thành một chuyên gia ở
bậc đại học về bộ môn này. Bên cạnh việc giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, nghiên
cứu sinh, nhà giáo Đỗ Đức Hiểu đã cho in khá nhiều sách nghiên cứu, biên khảo.
Đầu những năm 1980s, bộ “Từ điển văn học” 2 tập khổ lớn, Đỗ Đức
Hiểu chủ biên, với sự tham gia của hàng chục chuyên gia khác, ra mắt lần đầu
tiên, đánh dấu thêm một bước trưởng thành của ngành nghiên cứu văn học ở Việt
Nam.
Chính vào lúc bộ từ điển này đang được lên khuôn chuẩn bị cho lần ra mắt thứ hai với tính tham vọng vượt xa lần trước, thì giáo sư Đỗ Đức Hiểu, người chủ biên bộ sách, lại đã không thể nào chờ đợi thêm để được thấy gương mặt mới của công trình.
Chính vào lúc bộ từ điển này đang được lên khuôn chuẩn bị cho lần ra mắt thứ hai với tính tham vọng vượt xa lần trước, thì giáo sư Đỗ Đức Hiểu, người chủ biên bộ sách, lại đã không thể nào chờ đợi thêm để được thấy gương mặt mới của công trình.
Một nét đáng nhớ, nét tạo ra đặc điểm cho tiểu sử khoa học của
Đỗ Đức Hiểu là khả năng tự đổi thay, tự làm mới chính mình, sau hành trình hơn
ba chục năm cầm bút, bỗng thấy những gì mình viết ra đã trở nên xa lạ. “Tôi đã
đánh mất tôi, tôi là người khác, là kẻ xa lạ với chính tôi: tôi mất lòng tin
vào tôi, tôi đi tin người khác, đó là bi kịch của tôi” (Đôi lời tâm sự, 1997).
Ông đã tự trang bị lại một phần kiến thức mới, tự thay đổi cách phân tích trên
hàng loạt dữ kiện văn học sử, tự vượt qua xu thế biệt phái, tìm cách hội nhập
vào tư duy nghiên cứu của các khoa học nhân văn trong thế giới hiện đại. Các
bài nghiên cứu, tiểu luận, phê bình mà ông tập hợp vào các cuốn “Đổi mới
phê bình văn học” (1993), “Đổi mới đọc và bình
văn” (1999), “Thi pháp hiện đại” (2000), hầu hết đều in dấu những
run rẩy vừa cả quyết vừa ngỡ ngàng của nhà nghiên cứu đang muốn nghĩ mới viết mới
trên những thi liệu văn liệu hoặc rất xưa hoặc rất mới.
Có lẽ đấy là hình ảnh cuối cùng về mình mà chính ông muốn còn
đọng lại trong mắt thế hệ đến sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét