Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Nhớ Trần Quốc Vượng, một bậc đàn anh

Nhớ Trần Quốc Vượngmột bậc đàn anh
Nghe tin Anh mệt nặng, cách nay vài hôm, tôi cùng vài bạn vào bệnh viện thăm Anh. Anh đã mệt lắm, không nói được, nhưng đôi mắt còn rất sáng, rất tinh. Chắc Anh nhận ra từng đứa trong bọn tôi.
… Lại nhớ hồi mùa thu 1964, chúng tôi vào học khoa Khoa học xã hội của Đại học Tổng hợp Hà Nội, thì bộ tứ “Lâm Lê Tấn Vượng” các anh đang cho ra mắt những tập đầu của bộ “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam”. Tôi học ngành Văn, không được trực tiếp nghe Anh giảng, nhưng nhờ đọc các anh qua bộ giáo trình đó mà xây dựng cho mình những ý niệm liền mạch về lịch sử thời đại quân chủ ở Việt Nam. Sau này khi Anh hướng về phía xây dựng ngành văn hoá học Việt Nam, bọn đàn em chúng tôi thường xuyên dõi theo, lúc đồng cảm, lúc phản ứng, rồi rốt cuộc thần phục mỗi khi nhận ra một ý tưởng sâu sắc của bậc đàn anh.
… Nhớ hồi đầu năm 2001, tôi cùng Anh về Hà Nam tham gia duyệt lần cuối bộ sách về nhân vật văn hoá do tỉnh chủ trì biên soạn; làm việc cả ngày rồi mà gần suốt đêm Anh còn kể tôi nghe những địa danh khảo cổ đang khai quật, những đề tài nghiên cứu văn hoá dân gian đang triển khai, và sớm hôm sau, khi tôi trở về Hà Nội thì Anh đón xe hẹn trước, đi tiếp vào miền trong, đến một điểm khai quật đang chờ…
…Tin Anh mất lúc này hẳn đã đến với bè bạn ở xa…
…Những ngày trầm luân của đời Anh hồi những năm 1990, tưởng khiến Anh gục ngã. Nhưng rồi Anh đã gượng dậy và đứng vững.
…Nhớ đến Anh là tôi nhớ đến các anh Từ Chi, Thái Bá Vân,…, những học giả có phong thái nghệ sĩ. Nhưng khác chút ít so với học giả và nghệ sĩ, ở Trần Quốc Vượng có những nét rất Việt; tôi gọi nét ấy là nét trạng. Anh là ông trạng Vượng.  Được nghe chuyện trạng Vượng một lần, người ta nhớ rất lâu… Anh có một lối nói rất riêng, một lối viết cũng rất riêng, đầy duyên dáng mà cũng đầy …ương bướng, biết tận dụng mọi cắc cớ vốn có của ngôn từ nhân loại, nhất là tiếng Việt.
Những học giả có nét nghệ sĩ như Anh thường không chịu được cả vẻ chính thống khô cằn lẫn sự giả tạo, ngụy tạo. Họ đi tìm cái mà họ cho là đích thực; trên khía cạnh dân tộc-văn hoá học, cái mà họ tìm kiếm là những gì thực sự đặc trưng cho dân tộc, kể cả những tính cách xấu. Không phải ngẫu nhiên có lúc Anh ngỏ ý viết một tập sách nói riêng về những nết xấu của người Việt. Chẳng biết rồi đây có cây bút nào dám thực hiện ý đồ chưa có tiền lệ ấy của nhà khoa học đàn anh? 
… Anh ra đi để lại khoảng trống vắng không thể lấp nổi trong khoa học lịch sử Việt Nam, trong ngành văn hoá học còn quá non trẻ của Việt Nam. 
9/8/2005
Lại Nguyên Ân
Theo http://lainguyenan.free.fr/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tàn Rụng Trái Mơ Đời - 1 - 1/- Nếu trí nhớ của Tường Vi đừng quá chây lười thì vào năm học đệ ngũ hay đệ tứ ông thầy dạy Việt Văn nhâ...