Thứ Tư, 21 tháng 7, 2021

Heo trong ca dao tục ngữ

Heo trong ca dao tục ngữ

Việt Nam cũng như đa số các nước châu Á khác đều mừng năm mới theo Âm Lịch. Trong văn hóa phương Đông, Heo hay Lợn đứng cuối cùng trong 12 con giáp: Tý Sửu Dần Mão Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi (chuột, trâu, hổ, mèo, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, heo) và cũng đứng cuối cùng trong lục súc (trâu,ngựa, chó, dê, gà, heo). Heo (hay Lợn) là loài vật đã gắn bó lâu đời với con người và được người xưa đề cập nhiều nhất khi nói đến trong nhiều câu chuyện về văn hóa đại chúng, trong ca dao, tục ngữ vì ca dao tục ngữ thường đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, đặc biệt là xã hội, gia đình và tình yêu đôi lứa. 
Trước hết hình ảnh chú Heo xuất hiện trong công tác tán tỉnh, ve vãn gái của các chàng thanh niên nông thôn. Quan niệm về hôn nhân của giới bình dân này rất mộc mạc, chỉ cần lo làm sao kiếm đủ tiền để nợp “cheo” cho làng, như nuôi heo thì phải vớt bèo: 
“Nuôi heo thì phải vớt bèo 
Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng” 
Tiền “cheo” xưa kia là một khoản tiền phải nộp cho làng xã khi người con gái lấy chồng. Khoản tiền này thường do nhà trai lãnh trả như một sính lễ trong thủ tục cưới hỏi. Bên nhận là làng của cô dâu. Theo thông lệ thì cheo nộp bằng tiền nhưng cũng có nơi nộp bằng hiện vật tùy theo đòi hỏi của làng. 
“Giúp em quan tám tiền cheo 
Quan năm tiền cưới 
lại đèo buồng cau...”. 
Nhân dịp này Heo cũng được luôn luôn nhắc đến vì vai trò quan trọng trong lễ cưới hỏi: 
“Em về thưa với mẹ cha 
Bắt heo đi cưới, bắt gà đi cheo 
Đầu heo lớn hơn đầu mèo 
Làng ăn không hết, làng treo đầu đình 
Ông xã đánh trống thình thình 
Quan viên níu áo ra đình ăn cheo” 
Khi lập gia đình, khi chọn một người vợ phải xem dòng họ đó ra sao so sánh giống như mua Heo phải chọn nái vậy: 
“Lựa được một con dâu sâu con mắt 
Mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng” 
Trong nghệ thuật tỏ tình thông thường phải dùng đến văn hoa bóng bẩy nhưng các chàng nông thôn thời chỉ mượn đến con Heo làm phương tiện bày tỏ hầu tìm cách làm quen: 
"Cô kia đi chợ Hà Đông 
Để anh kết nghĩa vợ chồng cùng đi 
Anh đi chưa biết mua gì 
Hay mua con lợn phòng khi cheo làng" 
Nhiều chàng tìm cách tán tỉnh, tuy tỏ tình kín đáo, tuy khéo nói, nhưng vẫn phải nhờ đến chú Heo: 
"Tình cờ bắt gặp nàng đây 
Mượn cắt cái áo, mượn may cái quần 
May xong anh trả tiền công 
Bao giờ lấy chồng anh đỡ vốn cho 
Anh giúp một thúng xôi vò 
Một con lợn béo một vò rượu tăm... 
Anh giúp đôi chiếu em nằm 
Đôi chăn em đáp đôi tằm em đeo 
Anh giúp quan tám tiền cheo...". 
Khi không cưới được người yêu chàng than thân trách phận cho rằng mình giống như cảnh con Heo bị chủ bỏ đói. Nhưng khi ước mơ thành sự thật con Heo không phải hiến mình làm cỗ cưới mà lại là con vật làm chứng cho hạnh phúc lứa đôi. Chàng trai mừng rỡ: 
"Yêu nhau chả lấy được nhau 
Con lợn bỏ đói buồng cau bỏ già 
Bao giờ sum họp một nhà 
Con lợn lại béo cau già lại non". 
Trong bài “Tát nước đầu đình“, người con trai bỏ quên cái áo tìm cách tán gái, ngỏ ý nếu em “nhặt được thì cho anh xin” và gợi ý sẽ tiến đến hôn nhân. Hình ảnh chú Heo lại có dịp xuất hiện: 
“Áo anh sứt chỉ đã lâu, 
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng. 
Khâu rồi anh sẽ trả công, 
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho: 
Giúp cho một thúng xôi vò, 
Một con lợn béo, một vò rượu tăm. 
Giúp em đôi chiếu em nằm, 
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo. 
Giúp em quan tám tiền cheo, 
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau”. 
Thi ca trào phúng cũng từng đưa giá trị con Heo lên để so sánh: 
- “Còn duyên anh cưới ba heo 
Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi” 
- “Nước chảy dưới đèo 
Bà già lật đật mua heo cưới chồng 
Cưới về chồng bỏ chồng dông 
Bà già mới tiếc ba mươi đồng mua heo” 
Ngoài cái vai trò quan trọng trong cưới hỏi thời đầu Heo (thủ Lợn) luôn là một món sính vật quan trọng trong một mâm cúng ở những buổi lễ long trọng hay lễ nghi của người dân hoặc để ám chỉ sự giàu có của chủ nhân:
"Cồng cộc bắt cá dưới bàu 
Cha mẹ mày giàu, đám giỗ đầu heo" 
Người Hoa xưa kia với tục lệ trong lễ cưới, có con Heo quay đầy đủ đầu đuôi, sau đêm động phòng hoa chúc, nếu người con dâu không còn trinh trắng trước khi về nhà chồng, nhà trai cắt lỗ tai con Heo quay đó trả lại cho nhà gái. Không rõ tục lệ này còn tồn tại không? 
“Heo lành ai nỡ cắt tai, 
Gái ngu chồng bỏ, khoe tài nỗi chi? 
Xã hội nào cũng có sự chênh lệch của hai giai cấp là kẻ giàu người nghèo. Để diễn tả tình trạng này con Heo cũng được lấy làm biểu tượng cho sự giàu có sung túc qua các lễ hội, đình đám, nhất là trong công việc cưới hỏi: 
"Anh là con trai nhà nghèo 
Nàng mà thách thế anh liều anh lo 
Cưới em anh nghĩ cũng lo 
Con lợn chẳng có, con bò thì không 
Tiền gạo chẳng có một đồng 
Thiên hạ hàng xứ cũng không đỡ đần 
Sớm mai sang hiệu cầm khăn 
Cầm được đồng bạc để dành cưới em” 
Con Heo đôi khi là một tài sản lớn nên nhà nông nghèo cũng có lúc trong lễ cưới, trong hôn nhân đành diễn ra thật đơn giản, không cần đầu Heo, thịt thà hay vàng bạc châu báu mà chỉ cần một cặp vịt đôi bông mà thôi: 
“Người ta giàu thì đầu heo mâm thịt 
Hai đứa mình nghèo thì cặp vịt đôi bông 
Người ta thách lợn, thách gà 
Nhà em thách cưới, một nhà khoai lang” 
Ngày xưa có nhiều lời oán trách than vãn khi bị “ép duyên”. Nhiều bà mẹ trong gia đình nghèo nhưng lại muốn con gái mình lấy chồng giàu (có Heo, có tiền) nên đưa đến những chuyện buồn: 
- "Mẹ em tham thúng xôi dền 
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng. 
Em đã bảo mẹ rằng đừng 
Mẹ lườm mẹ nguýt mẹ bưng ngay vào 
Bây giờ chồng thấp vợ cao 
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng." 
- ‘Mẹ em tham thúng xôi chiêm 
Tham con lợn béo tham tiền hoa viên’ 
Cảnh bị “cha mẹ ép gả làm dâu nhà người” đôi khi mang lại một cuộc sống không mấy hạnh phúc. Nhiều người đã phải than trách vì công việc chăm lo cho Heo, cho chó: 
"Tối về đã mấy năm nay 
Buồn riêng thì có, vui rày thì không. 
Ngày thời vất vả ngoài đồng 
Tối về thời lại nằm không một mình. 
Có đêm thức suốt năm canh 
Rau heo, cháo chó, loanh quanh đủ trò." 
Thời phong kiến đôi khi lại thêm cảnh mẹ chồng khắc nghiệt với nàng dâu. Cô gái mới về nhà chồng thường phải "làm dâu" hầu hạ, chiều chuộng, chăm sóc gia đình nhà chồng rất vất vả nhưng vẫn chịu nhiều bất công, vì vậy mới có câu: 
"Bà con có biết hay không? 
Bố chồng là lông con lợn 
Mẹ chồng như tượng mới tô, 
Nàng dâu mới về là bồ chịu chửi" 
Lắm khi vì thương chồng, muốn hy sinh cho chồng con (như chăm sóc cẩn thận cho Heo) nên nàng dâu phải gánh chịu nhiều đắng cay: 
"Bởi vì con heo nên 
phải đèo khúc chuối, 
Bởi vì con muỗi nên phải thả màn loan, 
Bởi vì chàng nên thiếp 
phải chịu đòn oan 
Phụ mẫu nhà đay nghiến, 
thế gian chê cười." 
Trong công tác chăn nuôi hình ảnh chú Heo được bộc lộ trong những câu ca dao khen tặng sự khéo léo quanh năm hay làm ăn thành công của những gia đình nông dân: 
- "Giàu lợn nái, lãi gà con" 
- "Chăn nuôi vừa khéo vừa khôn 
Quanh năm gà lợn xuất chuồng quanh năm." 
- “Muốn giàu, nuôi heo nái 
Muốn lụn bại, nuôi bồ câu” 
Heo cũng giúp cho kinh nghiệm của người dân quê Việt Nam trong cách chăn nuôi. Khi không cho Heo ăn đầy đủ, còn bị đói Heo sẽ không nằm mà cứ réo và sẽ bị gày chứ không béo mập: 
- “Heo ăn xong, heo nằm: heo béo. 
Heo ăn xong, heo réo: heo gầy”  
- “Heo đói một bữa bằng người đói nửa năm...” 
- ‘Con lợn trắng mắt thì nuôi 
Con người trắng mắt là người bỏ đi’ 
Người ta cố nuôi Heo cho béo mập và hy vọng chúng sẽ đẻ được nhiều heo con để người chủ đem bán lại. Ăn xong Heo thường nằm trong chuồng và "đòi" mua hành cho nó vì thịt Heo rất hợp với món hành hăng hăng ấy theo như cách thức sử dụng gia vị rất tinh tế trong cách ăn uống của người Việt: 
"Con gà cục tác lá chanh 
Con lợn ụt ịt (ủn ỉn) mua hành cho tôi 
Con chó khóc đứng khóc ngồi 
Bà (Mẹ) ơi đi chợ mua tôi đồng riềng" 
Heo còn được dùng để nói lên nhận xét mang tính chê bai thói lười biếng của ngưởi đàn bà không biết nuôi gia súc, tạo ra thiệt hại trong cuộc sống: 
“Đàn bà không biết nuôi heo 
là đàn bà lười 
Đàn ông không biết buộc lạt 
là đàn ông hư” 
Hình ảnh nuôi Heo cũng được mang ra để so sánh với việc nuôi dưỡng con cái rất khó của cha mẹ trong một gia đình. Cách dạy con trai hay con gái thường khác biệt nhau. Cha mẹ luôn được khuyên nhủ là nuôi con trai mà không dạy thì cũng giống như nuôi một con lừa (lư). Còn nuôi con gái mà không dạy thì cũng giống như nuôi một con Heo (trư): 
"Dưỡng nam bất giáo như dưỡng lư 
Dưỡng nữ bất giáo như dưỡng trư" 
Lợn sề là lợn nái nuôi để cho đẻ và đã đẻ nhiều lứa. Một sinh kế của giới nông dân Việt là nuôi lợn này để đem bán nhưng không phải lúc nào cũng kiếm được lời. Lắm khi bán chẳng ai mua. Gánh Heo đi rồi lại gánh về. Từ đó sinh ra những lời châm biếm: 
"Ba bà đi bán lợn con 
Bán đi chẳng được lon ton chạy về 
Ba bà đi bán lợn sề 
Bán đi chẳng được chạy về lon ton" 
Chú Heo cũng giúp nói lên sự thiếu thật thà của đám con buôn: 
"Treo đầu heo, bán thịt chó."  
Bản tính người đàn bà nước Việt vốn đảm đang, giỏi trên nhiều phương diện, nhất là lo cho gia đình chồng con. Để diễn tả sự khó nhọc, bổn phận làm vợ và khả năng đa diện của người đàn bà Việt, ca dao từng đề cập tới cái cảnh: “Lửa bị tắt lúc nồi cơm đang sôi, nếu không kịp nhóm lại, cơm sẽ bị "trên sống dưới khê, bốn bề nhão nhẹt". Lại còn cái con Heo lòng của ông chồng đang lồng lộn lên cơn nữa. Toàn là những công tác thuộc loại thượng khẩn, hỏa tốc tới cùng một lúc, thế mà bà nội trợ này giải quyết được êm đẹp: 
"Đang khi lửa tắt cơm sôi 
Lợn đói, con khóc, chồng đòi tòm tem 
Bây giờ lửa đã cháy lên 
Lợn no, con nín, tòm tem thì tòm" 
Hình ảnh chú Heo cũng từng giúp để nói lên những sự nhẫn nại mà người đàn bà Việt từng hy sinh cho chồng con dù cho lắm khi phải gánh chịu nhiều cay đắng: 
"Bởi vì con heo 
nên phải đèo khúc chuối, 
Bởi vì con muỗi 
nên phải thả màn loan, 
Bởi vì chàng 
nên thiếp phải chịu đòn oan 
Phụ mẫu nhà đay nghiến, 
thế gian chê cười." 
Người Việt mình Tết về hay đi xem bói xin quẻ, đây là cái thói bị chê là mê tín dị đoan. Hình ảnh cái chuồng Heo rất bình thường cũng được mang ra để mỉa mai mấy ông thầy bói thầy tướng: 
"Bói cho một quẻ trong nhà 
Chuồng heo ở dưới, chuồng gà ở trên" 
Cảnh đa thê của đàn ông dưới chế độ phong kiến khiến tâm tư của người đàn bà nổi lên sự chống đối hờn ghen. Cái chuồng Heo lại được dịp bị nêu ra như một hình ảnh để cảnh cao dằn mặt người lắm vợ: “Một vợ nằm giường lèo 
Hai vợ nằm chèo queo 
Ba vợ ra chuồng heo mà nằm” 
Con trẻ đôi khi phải lãnh việc trông coi, chăn nuôi chú Heo khi cha mẹ vắng nhà. Tất nhiên nhiều chuyện bất ngờ có thể xảy ra do hậu quả của sự vô tâm của con trẻ ham chơi:
"Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà. 
Bao nhiêu củ rím củ hà 
Để cho con lợn con gà nó ăn." 
Thay vì nói rõ ra điều mình muốn là cái gì thời người ta lại thường hay mượn hình ảnh con Heo để diễn tả cái ý nghĩ thầm kín đó: 
"Trông mặt mà bắt hình dong 
Con lợn có béo thì lòng mới ngon" 
Cũng có lúc hình ảnh chú Heo được gợi lên để làm phương tiện trách khéo sự thiên vị của người đời: 
"Mèo theo thịt mỡ ồn ào 
Cọp tha con lợn thì nào thấy chi!"  
Trong tục ngữ Việt Nam chữ “Heo” cũng rất thông dụng qua nhiều câu nói. 
Trước hết hình ảnh chú Heo trong chuồng cũng có lúc được mang ra để so sánh với hình ảnh cô gái bên song cửa. Chú Heo trong chuồng chái (chái là gian xép ở 2 đầu nhà) được coi là trông to mập thêm ra. Cô gái xuất hiện thấp thoáng tại cửa buồng sẽ trông đẹp hơn vẻ đẹp thực có của nàng: 
“Lợn chuồng chái. Gái cửa buồng” 
Các đồ vật đang nguyên lành bình thường lại đem ra sửa chữa thành hư hỏng khiến gây thiệt hại. Người không chuyên môn mà lại hay táy máy vào những việc xa lạ nên dễ làm hư hỏng, đáng tiếc. Bà con chê trách: 
“Lợn lành thành lợn què” 
Khi muốn diễn tả những câu nói thẳng, không vòng vo tam quốc, đi thẳng vào vấn đề không cần rào trước đón sau. Muốn làm mất đi cái vỏ bề ngoài và làm rõ cái bên trong: 
“Nói toạc móng heo” 
Khi muốn ám chỉ những kẻ trung gian, môi giới chuyên mua bán bằng nước miếng để thủ lợi: 
"Mượn đầu heo nấu cháo" 
Heo cũng được nêu ra để phê phán tệ xôi thịt, tranh ăn, tranh hưởng hơn người khác trong xã hội: 
"Đầu gà má lợn" 
Heo cũng còn là biểu tượng cho sự bẩn thỉu, dơ dáy, tính lười biếng, sự ngu dốt và tính ham ăn, phồn thực. Nói chung bao nhiêu cái xấu trên cõi đời này đều đổ lên đầu con vật hiền lành và tội nghiệp này: 
- “Ở dơ như heo” 
- “Làm biếng như heo” 
- “Ngu như heo” 
- “Mập như heo” 
Hình ảnh Heo thả rông được vẽ ra để chê trách người hoạt động mà không biết cân nhắc tính toán để rồi phải mang thêm việc vô tích sự vào mình: 
“Heo trong chuồng thả ra mà đuổi” 
Cần nói thêm là chú Heo cũng xuất hiện trong tiếng lóng (slang) của Mỹ. Tự điển Merriam-Webster đưa ra mấy định nghĩa về chữ Heo (Definition of pig): 
- an immoral woman; a prostitute: một người đàn bà vô luân, một gái điếm. 
- a police officer: một viên cảnh sát. 
Trong tiếng Mỹ cũng có thành ngữ: 
- “to make a pig of oneself”: ăn phàm, ăn tham, ăn uống thô tục như heo (to overeat; to take more of something than anyone else gets) 
- “to buy a pig in a poke”: mua vật gì mà không được trông thấy hay biết rõ. (Poke là cái túi nhỏ). 
- “pigs might fly”: heo có thể bay. Ngụ ý biết đâu một chuyện thần kỳ hay phép màu có thể xảy ra mà ta không ngờ (to mean that something that has just been mentioned is very unlikely to happen). 
Cuối cùng có vài hình ảnh về chú Heo cũng cần đề cập tới để phiếm bàn: 
- Trước hết là “Ống Heo”, tức là hình ảnh con heo làm bằng đất (thường gọi là heo đất) được coi như là một biểu tượng về tài chính. Như một tập tục, trẻ em cũng như người lớn đều để dành tiền lẻ trong “cái ống heo đất” này. 
- Kế đến là “Phim Con Heo”, tên gọi chỉ về những bộ phim làm tình (phim sex) có nội dung dâm ô, đồi trụy, khiêu dâm, mô tả quan hệ tình dục một cách rõ ràng với mục đích kích thích tình dục. 
Có người nói “phim con heo” đó là bắt nguồn từ chữ Pháp: “cochon”. Tiếng Pháp cochon nghĩa là con heo (lợn). Chữ “cochon” có nghĩa bóng là bẩn thỉu, tục tĩu. Histoire cochonne là chuyện tục tĩu (dirty story). 
Từ cochon cũng thường được dùng để chửi rủa, chửi thề nữa…“C’est un cochon” (It's a pig) là… đồ con heo!. 
Xuân Kỷ Hợi 2019
Ngô Tằng Giao 
Theo http://chimvie3.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cây nghiêng bóng thẳm  Sim ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sim nhổ ở hàng rào nhà...