Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Triệu phú làng Kình

Triệu phú làng Kình

Khi đến làm ở nhà tôi, bà Sáng đã có thâm niên trong nghề giúp việc. Một nghề mới mẻ nhưng kỳ thực đã có từ đời tám hoánh. Ít nhất bà đã có dăm bảy năm “công tác” và đã bôn ba qua vài bốn gia đình đủ hạng. Đến lượt tôi, bà cười hề hề, nói mà quá như mắng:
– Giúp việc cái gì. Nói tuột gióng tre là đi ở cho xong. Đi ở đấy! Miễn là đúng việc, đúng tiền, thanh toán sòng phẳng, hề hề… Anh hiểu chưa? Bố con mủm này…
Bà Sáng nói to quá, khiến con gái tròn ba tháng tuổi của tôi giật mình khóc ré. Vợ tôi chưa kịp nựng, bà đã bồi thêm, không hề giảm âm lượng:
– Cha tông môn họ nhà mủm, khóc cái gì, bố mủm mày đang sốt ruột kia kìa… hề hề… chỉ giỏi ăn tục nói phét, nhà này thêm cả bà là năm mủm. Bố mày… hề hề… kẻng giai nhất nhà. Nào, nín không thì bảo!
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến
Như mệnh lệnh, con bé nín ngay tắp lự. Giờ thì tôi đã hiểu từ “mủm” của bà. Quái quỷ thật! Đấy là bà toẹt thẳng vào mặt tôi sinh con một bề. Bé Ngọc Linh kém chị Vân Ngọc của nó đúng một giáp. Năm mủm là kể cả vợ tôi, bà nội các cháu và bà trong chức danh người giúp việc.
Nghe bà Sáng nói, vợ tôi cứ tủm ta tủm tỉm. Cái vố  “mủm” không có trong từ điển này, có lẽ vợ tôi là khoái nhất. Cũng bởi, tôi đã trót huênh hoang, thêm nữa đã từng chỉ giáo thành công, kiếm khá nhiều rượu thịt cho đám bạn bè khi hướng dẫn họ sinh con theo ý muốn. Người thì thế nhưng đến mình…
Vẫn là tiếng oang oang của bà Sáng:
– Sao? Được đứa con như thế này, bố mủm còn đòi gì nữa. Vớ vẩn! Con nào chả là con. Miễn là nó đẹp, nó ngoan, nó tốt tính, tốt nết, nó hiếu, nó nghĩa, nó đức, nó độ, nó báo, nó đáp…
Bà làm một tràng dài, lạ là giọng cứ nhỏ dần rồi lịm hẳn. Đầu hùng dũng bao nhiêu, cuối lại yếu ớt, run rẩy ngần ấy. Bà ôm bọc quần áo, thu mình nhỏ lại, khép nép như thể đúng với tình cảnh, thân phận của mình. Tôi ngỡ ngàng, không hiểu mặt mình có hiện ra điều gì chạm đến niềm riêng của bà không. Vợ tôi nhắc khéo:
– Kìa, anh đưa bà vào thu xếp chỗ nghỉ đi.
Tôi gật đầu, kịp nhận thấy mi mắt bà mọng dần, mọng dần.
Thực ra, bà Sáng là chỗ họ hàng xa với nhà vợ tôi. Cấp “bà” được gọi theo mối quan hệ này, bằng không, tuổi năm nhăm của bà còn kém chị cả tôi mấy tuổi. Năm nhăm tuổi, vóc dáng còn khoẻ mạnh nhưng mặt mũi bà đã nhàu, cũ, chằng chịt rãnh dọc, rãnh ngang. Bà đi làm cái nghề này cũng là việc cực chẳng đã. Bây giờ còn đỡ, chứ dạo trước, nghĩa là cách đây dăm, bảy năm, việc bà Sáng “thoát ly” ra thành phố làm việc là một chuyện kinh thiên động địa ở làng Kình. Sao lại có chuyện vô lý thế nhỉ? Ừ thì đi ở đấy, nói theo ngôn ngữ gióng tre của bà Sáng thì cũng là đi làm thuê, khác gì người ít ruộng làm mướn, làm công, làm rẽ cho người nhiều ruộng. Thế mà có chuyện mới lạ. Cách đây dăm, bảy năm là thời kỳ đời sống dân mình đã tung tẩy lắm rồi. Khoảng cách giữa thành thị và nông thôn chả còn mấy nả. Khối anh trọc phú ở làng cưỡi “Rim” cưỡi “Tếch” phóng vèo vèo còn oách bằng mấy đám tiểu dân thành phố lọm cọm xe đạp, xích lô. Vậy mà việc bà Sáng đi làm mướn ở thành phố cắc cớ làm sao lại hoắng huýt tít mù mất một dạo ở làng Kình? Chuyện đó thật sự có những nguyên do của nó. Dân làng Kình luôn luôn tự hào làng mình là làng gốc. Đất làng có sắc phong hẳn hoi. Bởi thế làng có đủ đình, chùa, miếu mạo. Đường làng vẫn lát gạch bổ cau bất chấp các làng bên bê-tông hoá rần rần. Làng bên ở đây là làng Cuông, làng Kịch, rặt dân tứ chiếng ngụ cư, giỏi làm ăn buôn bán đấy, nhưng bì làm sao được với làng Kình. Người máu mặt nhất làng Cuông cũng chỉ ở tầm phó giám đốc nhà máy gạch đang cổ phần hóa. Làng Kịch còn tệ hơn, tay giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn đan lát mây tre xuất khẩu vốn xuất thân từ dòng dõi lái trâu. Người làng Kình thì khỏi bàn. Dân gốc làng Kình có người làm đến cấp tỉnh. Cỡ bác sĩ, kỹ sư như vợ tôi đong hàng đấu cũng chưa hết. Hiện tại là thế, lần ngược lại quá khứ làng Kình còn lẫm liệt hơn nhiều, chưa cần kể dông dài đâu xa, toảnh toanh đây thôi, dạo chiến tranh, làng Kình không thiếu một cân thóc nghĩa vụ. Người, đợt tuyển quân nào, làng cũng vượt định mức vài suất tình nguyện. Trong kháng chiến, cũng ăn chung nước sông Cái, nhưng làng Cuông làng Kịch là làng tề, còn làng Kình lậm lờ nửa ta, nửa địch. Nghĩa là ngày tề đêm kháng chiến. Điều này mới hách. Nghĩa trang làng Kình to đẹp nhất vùng. Dân làng Kình mãi mãi tự hào phần đóng góp lớn lao của mình vào sự nghiệp giải phóng đất nước. Truyền thống hiển hách như thế, đương nhiên dân làng tràn đầy ý thức giữ gìn. Các thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội khó bề du nhập được vào làng Kình. Nói không ngoa, làng Kình như một pháo đài kiên cường ngăn chặn lối sống thực dụng, thương trường. Của đáng tội, người dân làng Kình thừa biết giữ được thanh sạch tất phải chịu thiệt thòi. Kinh tế làng Kình vì ngại chuyện đụng chạm buôn bán, nên có khí kém so với các làng lân cận. Gọi thế cho lịch sự, tóm lại, làng Kình là làng nghèo vì không chịu du nhập cái mới từ bên ngoài vào. Không sao cả, con người ta thật sự sống vì danh vì tiếng, chứ không phải vì ba miếng ăn thường nhật. Bởi thế, cái tin bà Sáng đi làm thuê cho người ta ở thành phố quả là chuyện động trời. Tất nhiên đó là tính ở thời điểm bảy năm về trước. Lúc ấy làng Kình nhộn nhạo cả lên. Thôi thì túng phải tính đã đành, đằng này bà Sáng thuộc hộ dân khá giả trong làng. Bà góa chồng từ trẻ, có ba người con, hai gái, một trai. Dâu, rể của bà Sáng đều ngụ cả ở làng. Không có ai thoát ly, nhưng cũng nhà ngói, cây mít đoàng hoàng. Bà Sáng ở với anh con trai út. Anh này vừa sinh con đầu lòng tháng trước thì tháng sau bà Sáng dứt áo ra đi. Tệ thế thì thôi. Nhẽ thứ nhất, bà là người đầu tiên làm ô danh làng bằng cái nghề đi ở. Thà đi ăn xin, ăn nhặt khuất mắt trông coi ở đâu đó còn có thể chấp nhận được, đằng này bà đầu quân vào chính nhà con trai của tay giám đốc tre mây xuất khẩu làng Kịch xuất thân lái trâu. Vẫn biết anh này đậu kỹ sư, công tác ở thành phố đã lâu, nhưng dù sao anh ta vẫn là người làng Kịch. Đó là một nhẽ, nhưng nhẽ thứ hai mới là nhẽ chính để dân làng Kình nổi giận. Đầu tiên là gia đình. Hai chị con gái chưa cần biết nếp tẻ thế nào, mọi uất ức trút cả vào vợ chồng cậu út. Một cuộc khẩu chiến kịch liệt đã xảy ra. Chàng út vốn hiền lành, cục mịch được cô vợ trẻ hỗ trợ đã phát khùng cầm chiếc đòn càn vát đầu, xọc thẳng vào giữa thân cây chuối ở góc vườn, tuyên bố xanh rờn:
– Được, các người nhìn đây này. Tôi thề, nếu bà ấy không về… tôi thề… không mẹ con gì nữa.
Hãi quá! Kinh quá! Dân làng Kình vốn khuôn phép từ lời ăn tiếng nói, sự phá lệ của anh út cũng gây một cú sốc kinh khủng. Hai chị con gái bà Sáng tái mặt, dông thẳng. Đận ấy, bà Sáng phải xin phép gia chủ nghỉ “đột xuất” ba ngày để giải quyết việc nhà. Đương nhiên, anh út không dám thực hiện lời thề độc địa kia, nhưng quan hệ mẹ con thì xấu hẳn.
Lại nói việc phản ứng. Sau gia đình đến họ hàng. Ở đây là họ hàng đằng nhà chồng bà Sáng. Nhân cú nghỉ “đột xuất” của bà Sáng, một cuộc họp được tổ chức. Cũng không khuất phục nổi bà Sáng. Vị trưởng họ kiêm phó chủ tịch xã buộc phải kết luận sẽ dùng biện pháp chính quyền. Nghĩa là nếu bà Sáng tiếp tục “thoát ly” sẽ bị cắt khẩu. Hộ khẩu ở quê chẳng mấy quan trọng, nhưng nó gắn với ruộng khoán. Anh út lồng lên vì biện pháp này. Cũng may việc chỉ dừng lại ở lời nói. Bà Sáng nhất quyết ra đi. Làng Kình ồn lên một dạo, rồi cũng ắng lịm. Có điều, không ai ở làng Kình biết rõ nguyên do vì sao bà Sáng lại làm thế. Cả đời vất vả nuôi con, nhẽ ra bây giờ bà được an nhàn, tọa hưởng những gì mình có. Chưa phải dư dật gì lắm, ít ra bà cũng không phải đi phục dịch cửa người. Bồng con, bế cháu ở nhà lại chả chán vạn lần sướng hơn ư? Thắc mắc này, phải đến bảy năm sau, khi hết nhiệm kỳ ở nhà tôi, dân làng Kình mới tỏ rõ ngọn ngành.
Bà Sáng đến nhà tôi giúp việc hoàn toàn là vô tình. Bà đến thăm cháu. Lúc đó, bà đang làm việc cho một tư thương buôn xe máy ở chợ giời. Bà dắng dẻ:
– Nhà này là nhà thứ tư bà làm. Khá khấm lắm. Bố mủm biết không. Máy móc tất tần tật. Nhàn! Nó trả lương cao. Sáu đồng (sáu trăm ngàn) một tháng. Mỗi tội, cha tông môn nhà nó, nó coi mình là con ở thật. Nhưng… Không sao… hề hề… miễn là đủ “đạn dược”… hề hề.
Tôi đưa mắt nhìn con gái lớn. Cháu vẫn mải miết học bài. Thứ ngôn ngữ chợ giời, bà nhiễm phải kia, du nhập vào nhà tôi chưa chừng mang đại họa. Ở chơi được một lát, chứng kiến cảnh náo loạn của nhà tôi (có thêm một đứa trẻ, nhà khác gì có giặc), bà thở dài đánh sượt:
– Hơi bị hoàn cảnh đấy. Rồi xoay xở thế nào với con mủm này.
Đấy là bà nói về sự bận rộn của vợ chồng tôi. Bận chứ, trăm thứ việc không tên. Thề có trời xanh, tôi đã bấm đồng hồ, trong một giờ, tôi bị gọi để sai phải không dưới bốn mươi lần. Đi một lượt hết căn hộ tập thể của tôi, bà buông một từ thật đanh gọn và chính xác vô cùng:
– Mướp!
Ngay sau đó bà quyết định:
– Phải thêm người. Bà sẽ về đây giúp bố mẹ mủm!
Tôi hãi quá. Thứ nhà văn bét dem như tôi, cộng thêm lương bác sĩ của vợ, chạy đủ ăn đã toát mồ hôi hột, thêm một người ăn, còn lương tháng nữa… Bà Sáng nhìn xoáy vào mắt tôi, hiểu hết:
– Lo mướp hả? Không sao, bà giúp thôi, đừng ngại.
Việc rồi cũng thu xếp được ổn thoả. Bà Sáng rời nơi mới làm béo bở ở chợ giời về nhà tôi. Vợ chồng tôi sau khi bàn tính kỹ lưỡng, xin được gửi bà mỗi tháng bốn trăm. Bà đồng ý ngay:
– Thế cũng được, cho dễ xử. Bố mủm cũng đỡ áy náy… hề hề, bốn đồng, được… bà cũng có thu nhập. Mà này, nếu tháng nào mướp quá, bà cho, đừng ngại. Thế nhé!
Thế nhé, tôi thoát bị gọi tên, nhưng cuộc sống của tôi thực sự bị đảo lộn từ đấy.
Phải công nhận bà Sáng rất thạo việc. Kinh nghiệm của ngần ấy năm “xuất ngoại” được bà phát huy vô cùng hiệu quả. Tất cả những đồ điện hiện tại bà sử dụng thành thạo. Nhìn qua đồ điện nhà tôi bà bĩu môi:
– Rặt đồ bãi rác, sê-cần-hen!
Chao ôi, đúng quá là đúng. Tôi trợn mắt vì ngạc nhiên. Vốn hiểu biết về đồ đạc tiện nghi của bà dứt khoát hơn đứt tôi. Điều này có được chính là do bà đã bôn ba qua mấy nhà, mà các gia chủ đều ở dạng khá giả. Sau cái đận gia đình họ hàng làm ầm, làm ĩ vì cú đi ở đầu tiên, bà bỏ việc ở nhà này. Dân làng Kình cho đấy là sự nhượng bộ của bà và họ tặc lưỡi cho qua. Có thể họ hiểu việc này theo hướng tích cực. Bà Sáng đã biết điều, không đi ở cho người làng Kịch nữa, theo cái lý người làng Kình dứt khoát không thể thua kém người làng Kịch. Rút kinh nghiệm, tăng sau bà Sáng đi làm công hẳn cho người thiên hạ. Bà cũng ít về làng, việc bà Sáng dần chìm vào quên lãng. Ở chức danh giúp việc, trong bảy năm bà đã qua bốn nhà chủ. Trong đó có hai nhà, bà có nhiệm vụ chăm sóc người già. Nhiệm vụ này được kết thúc khi những người già kia nhắm mắt xuôi tay về cõi thiên thu. Đáng kể nhất là cái đận bà được đón vào Sài Gòn trông trẻ. Chính là một người họ hàng về quê chịu tang thân chủ mà bà Sáng phục dịch, phát hiện ra nếp ăn, nếp ở của bà. Người này là một thương gia mới sinh con. Lại sinh đôi, nên cũng bấn người. Ông ta thương lượng với bà Sáng. Tất nhiên, bà đồng ý. Lần đầu tiên, bà Sáng được đi máy bay. Nhắc lại cú này tận bây giờ bà vẫn khoái. Bà cười hề hề, rút ra từ trong túi vải có dây buộc, luôn giắt trong người, hai chiếc vé máy bay, khoe hồ hởi:
– Bố mủm xem này, không lại bảo bà nói phét. Chưa được đi thì háo hức, nhưng đi rồi… hề hề… cũng kinh bỏ bố, ù sệt hai bên tai. Nói dại, nhỡ nó rụng…
Từ sân bay, bà được tắc-xi đón. Cũng là thứ lần đầu tiên bà biết trong đời. Lần này bà được bố trí ở hẳn một tầng lầu.
– Rộng lắm bố mủm ạ. Như cái sân đình làng mình ấy. Cha tông môn, sao lại có người giàu đến thế.
Bà không phải làm bất cứ việc gì ngoài việc chăm nom hai đứa trẻ kia. Chính bản thân bà Sáng đang lúc trông hai cậu quý tử của ông chủ, lại được người giúp việc khác phục vụ. Nhà chủ không biết có duy tâm không, thấy bà Sáng mát tay chăm bẵm, bọn trẻ phổng phao từng ngày, bà cháu lại quyến luyến ríu rít, nên mừng lắm. Khỏi nói họ chiều chuộng bà như thế nào. Mỗi tháng họ trả cho bà bạc triệu. Tiền tươi, tháng nào cắt rốn tháng ấy. Cứ đà này, chả mấy bà Sáng phất. Nhưng chỉ được non một năm, chính bà giở chứng đòi về. Nhà chủ cố thuyết phục, nhưng bà Sáng không chịu. Hỏi vì lý do gì, bà cũng không nói. Cuối cùng đành phải tiễn bà ra sân bay. Đương nhiên bà có một chiếc vé, kèm theo dăm triệu làm quà. Thấy tôi tỏ ra tiếc hộ, bà mắng té tát:
– Bố mủm làm nghề viết lách mà “ngỗng” thế không biết. Tiền ai chẳng thích. Nhưng… có đi xa hẳn thế, mới thấy nhớ nhà không chịu được.
Nói xong, bà ngồi thừ ra. Tôi bùi ngùi nhìn mái tóc đốm bạc của bà. Cái lý của bà Sáng, đúng một cách thật giản dị, nhưng cái tình của bà thì mãi sau này tôi mới biết nó sâu đến mức nào.
Ngay tuần lễ đầu tiên, sinh hoạt của tôi bị đảo lộn dưới bàn tay sắp đặt của bà. Tôi có thói quen làm việc về khuya, nên buổi sáng thường dậy muộn. Đầu tiên bà diệt giấc ngủ của tôi. Mới bảnh mắt, bà đã dậy dọn dọn, dẹp dẹp, làm ti tỉ thứ việc. Đúng nhạc hiệu “Chào buổi sáng” bà bèn khua loạn nhà:
– Mẹ mủm dậy nào. Mủm chị có đi học không đấy.
– Bố mủm, bố mủm!
Không một ai cưỡng được mệnh lệnh của bà Sáng, trừ mủm em ngủ tít đến giữa buổi. Thoạt đầu tôi khó chịu lắm, nhưng không dám cãi, đành bụng bảo dạ, dậy sớm một chút cũng chẳng chết ai, quen thành nếp có khi lại hóa hay. Nhưng cái thói làm việc khuya bị bà dẹp mới báo hại. Nhà tôi quãng bốn chục mét vuông. Có ngăn phòng, nhưng chỉ là ngăn lấy lệ bằng tủ tường, bằng ri-đô vải vóc. Biết thế, nên tôi kê chiếc bàn gập ở góc bếp, viết lách đêm cho tiện. Được hôm đầu thoát, hôm sau mới chưa đến mười một giờ, bà Sáng đã ngủ được một giấc ngắn, vùng dậy, la như mất trộm.
– Bố mủm cứ lục sục cả đêm thế này, đếch cho ai ngủ à? Tắt đèn đi!
Hôm sau, hôm sau nữa, bà kiên quyết dẹp không cho tôi lọ mọ ban đêm. Bà viện lý do bà nội mủm già rồi. Người già đêm khó ngủ, nên cần yên tĩnh. Thường thì lý lẽ của bà Sáng ít khi căn vặn lại được. Tôi chào thua, đành phải thay đổi thói quen từng tồn tại đến hai chục năm có lẻ. Sau giờ làm việc ở công sở, tôi buộc phải nán lại nếu không muốn tự chặt tay mình. Chưa hết, nhà ở ngoại ô nên thi thoảng lựa hướng gió, tôi vẫn hút thuốc trong nhà. Có bà, tôi vừa châm xong, bà đã giật phắt điếu thuốc, giậm chân bành bạch:
– Giời ạ, định giết chết con bé hay sao mà… mà…
Đại loại thế, cả cái thú tụ tập uống của tôi và đám bạn bè cũng bị bà dẹp một cách không thương tiếc. Có lần nhân cuốn sách mới in, tôi đãi rượu bạn bè. Nào ngờ, giữa chừng, lúc tôi đứng dậy đi mua thêm, bị bà la:
– Thôi! Uống thế đủ rồi! Lương tháng này của tôi, anh còn đang khất. Đừng sĩ diện hão!
Như thế này ai mà chịu được hở giời. Nhưng đấy chỉ là những phiền toái tôi phải gánh, còn thì việc nhà, bà làm không chê vào đâu được. Con mủm nhà tôi quấn bà còn hơn cả bà nội. Vợ tôi sướng lắm, khoe khoang luôn miệng, rằng số mình có quý nhân phù trợ. Đàn bà luôn có cái sướng hồn nhiên như vậy. Tôi ngờ rằng lý do để vợ tôi phong bà Sáng vào hàng quý nhân chính là những gì bà đã gây ra cho tôi. Tất nhiên đó là những việc, phần có lợi thuộc về nàng.
Thời gian thấm thoắt, con mủm được sáu tháng thì vợ tôi đi làm. Sáu tháng nghỉ là vợ tôi phải cộng thêm cả bù, cả phép. Tôi không hiểu tại sao, vị nào đó có quyền lại ra một chính sách hà khắc đến thế với đàn bà đẻ. Nhân công nước mình có bao giờ thiếu. Người nhà nước tuần được nghỉ những hai ngày. Hà cớ gì mà bắt đàn bà đẻ nghỉ có bốn tháng. Có là thánh các vị có con mọn kia cũng không thể làm việc tốt được. Hơn nữa, phải ở trong cuộc mới thấy đứa bé mấy tháng tuổi lạc mẹ một ngày tội nghiệp ra sao. Ý kiến này của tôi được bà Sáng chia sẻ. Vậy là bà đã ở nhà tôi được ba tháng. Bất chợt tôi phát hiện ra chưa một lần bà về quê thăm nhà. Tôi tự trách mình về sự vô tâm này. Nhưng cũng từ đấy, tôi bắt đầu để ý đến bà Sáng. Phải có nguyên do nào ghê gớm lắm mới khiến bà làm thế. Tôi vẫn chưa quên được cái ấn tượng về dáng ngồi buồn bã của bà khi tâm sự về lần bỏ dở chuyến làm ăn ở Sài Gòn. Hóa ra, tất cả cái sự nhiệt tình thật sự trong công việc kia, cả cái tính bỗ bã, ăn nói băm bổ rặt tiếng lóng của bà chỉ là phần sổi. Còn có một bà Sáng trong phần chìm khuất lặng lẽ. Không lâu la và tốn phí công sức gì, tôi phát hiện ra bà thường ngồi lặng một mình trong đêm. Bà rất ít ngủ. Những lúc ru con gái tôi, tiếng ậm ờ của bà cất lên thật não lòng. Mắt bà đắm chìm về một miền xa lắc. Tôi biết cái miền ấy chính là làng Kình của bà.
Cho đến một hôm tôi phát hiện ra điều bí mật của bà Sáng. Hôm đó cũng là vô tình. Tôi bị đau đầu nên trằn trọc không ngủ được. Quãng nửa đêm, chợt thấy bà Sáng sẽ sàng vạch màn chui ra. Lẽ ra tôi đã nhắm mắt để không mang tiếng là rình mò. Nhưng kìa, điệu bộ của bà Sáng thật lạ, vừa lén lút vừa bồn chồn hấp hoáy. Bà bỏ dép đi chân đất đến tận bên giường vợ chồng tôi nhìn vào. Tôi vờ ngáy. Tiếng chân nhẹ nhàng của bà dẫn dần xuống bếp. Không nén nổi tò mò, tôi cũng nhẹ nhàng chân không, bám theo. Bà ngồi khuất ở góc bếp, đang lần lần giở cái túi vải vẫn giắt trong người, rút ra vật gì đó. Nhoáng nhoàng ánh sáng từ chiếc bật lửa ga. Bà soi sát vật đó. Một tấm sổ tiết kiệm bìa xanh. Vừa lúc bà nhận ra có người đứng gần, bà Sáng phắt người đứng dậy, tay ghì chặt tấm sổ tiết kiệm. Người hoảng hốt hơn là tôi:
– Cháu… cháu đây mà…
Bà Sáng bật đèn. Tôi kịp nhận ra má bà vằn vèo vệt nước. Tiếng của bà thật khó nhọc:
– Bố mủm à…
Bà đưa tôi tấm số tiết kiệm. Tôi kinh ngạc nhìn số dư ghi trong sổ. Bốn mươi mốt triệu chẵn. Hồi chiều đến kỳ trả tiền tháng, thấy tôi có tiền, bà bảo đưa trước cho bà một tháng. Bây giờ thì tôi hiểu, bà lấy ứng trước để cho tròn con số bốn mốt này đây. Tôi gửi bà cuốn sổ. Giọng bà vẫn khó nhọc.
– Bảy năm trời đấy bố mủm ạ… Bảy năm bỏ làng xa con xa cháu…
*
*    *
Cái tin bà Sáng có những mấy chục triệu tiết kiệm chả mấy đã loang kín làng Kình. Chao ôi, một món tiền khổng lồ. Làng Kình bây giờ đã khá hơn nhiều, nhưng với một số tiền lớn như thế quả thật không ai có. Vẫn biết người gốc làng Kình sống ở thành phố khối kẻ có tiền tỷ. Nhưng số ấy, họa hoằn lắm mới đáo về làng. Họ coi quê hương chỉ là như một kỷ vật của ký ức. Thành thử, theo người làng Kình thì hiện tại, bà Sáng thành triệu phú làng Kình. Cũng tại vì chuyến công tác ấy, tôi tranh thủ tạt qua làng. Mấy gói bánh tôi mua làm quà lại nói thác là của bà Sáng gửi, được đám con bà Sáng tiếp nhận một cách khinh thường. Chính từ mồm cậu út thở ra câu này:
– Dào ơi, anh nói hộ với bà ấy đừng vẽ vời nữa. Mấy gói bánh này không rửa hết nhục cho con cháu đâu.
Cậu út bây giờ đã là cha của hai đứa con. Tôi nhìn mặt cậu út, thấy lòng dửng dưng lạnh lẽo. Bây giờ thì tôi tin những gì đám con này đã dám làm với bà Sáng. Dạo bà mới đi làm, lúc về thăm cháu, ở nhà, con dâu không cho bà mó vào cháu vì sợ đứa trẻ sẽ bị cái dớp đi ở của bà. Đến nhà cô con gái cho quà, đám cháu sợ bố mẹ, nhận quà của bà qua hàng rào. Không nhịn được nữa, tôi xổ toẹt bí mật của bà Sáng với một ý định thôi thì tình không lay chuyển được, có lẽ tiền sẽ làm họ thức tỉnh được chăng?
*
*     *
Nhà tôi có khách liên tục. Đám con bà Sáng, đủ cả dâu, rể, cố thuyết phục bà trở về làng. Cái lý họ đưa ra quá đúng. Tuổi bà cao rồi, sức người có hạn, bà nên về làng ở với con với cháu. Tôi cũng lựa lời khuyên bà theo hướng này. Người đàn bà xa quê đã khổ, huống hồ lại xa con, cách cháu. Có vẻ như bà Sáng cảm động. Nấn ná một thời gian, bà xiêu lòng. Bà bảo với tôi:
– Tiền dành dụm cũng là để cho chúng nó thôi. Bà định vớt vát thêm vài năm nữa. Nhưng thôi… bà nghe bố mủm. Có điều này…
Bà Sáng không nói hết câu. Tôi hiểu, bà vừa kìm giữ được điều bí mật còn lại, điều khiến bà phải bỏ làng Kình ra đi đằng đẵng bảy năm trời.
Vắng bà Sáng, nhà tôi phải đến hàng tháng trời mới ổn định lại được sinh hoạt. Không còn lý gì để thuê người làm nữa, bé Ngọc Linh được điều động đến nhà trẻ phường. Sự kiềm toả bấy nay của bà Sáng chưa đủ rèn rũa tôi, bởi vậy, tôi trở lại nếp sống cũ. Nghĩa là lịch hoạt động và tác phong của tôi vẫn y hệt như hồi bà chưa đến. Đương nhiên vợ tôi tiếc bà Sáng ra mặt.
Gần tết âm lịch tôi vinh dự được vợ uỷ thác về làng Kình làm một số công việc họ mạc. Tôi đến nhà bà Sáng. Không có bà ở nhà. Cậu út tiếp tôi ở sân, bên chiếc Dream II bóng lộn. Tay cậu út tỷ mẩn vuốt từng chiếc nan hoa sáng loáng. Giọng cậu út tràn đầy hãnh diện:
– Con Rem này tôi mới bắt. Gần tết giá lên, đắt mất nửa vé…
Nhà cậu đồ đạc đã thay đổi nhiều. Tôi hiểu đó là nhờ vào cuốn sổ bìa xanh của bà Sáng. Vừa hay chị con gái lớn của bà Sáng te tái đến. Hai chị em ý nhị kéo nhau ra góc sân thầm thào gì đó một lúc. Chú út căng thẳng mở tủ đưa cho chị gái một cục giấy báo vuông chằn chặn. Khi tôi hỏi đến bà Sáng, cậu út thoáng nhún vai, tay vẫn cần mẫn miết giẻ:
– Chán lắm, anh ạ. Bà tôi già cả, lẩm cẩm mất rồi. Tham công tiếc việc, lại đi.
– Đi đâu?
Tôi hỏi mà vẫn không tin điều vừa nghe thấy.
– Còn đi đâu nữa? Lại ra thành phố. Mới sáng nay thôi. Tết nhất đến nơi rồi, thật không ra thể thống gì cả.
Tim tôi quặn đau. Điều cậu út lậm lờ là sự thật. Bà Sáng đã lại dấn thân vào cuộc ra đi mới. Đúng thế, chiều đó về đến nhà, tôi thấy bà Sáng ngồi khép nép thu mình bên cạnh bọc quần áo. Bà chào tôi, giọng đầm đẫm nước mắt:
– Bố mủm à…
*
*     *
Tôi không tin vào tai khi nghe những điều bà Sáng kể. Chuyến hồi hương của bà khá suôn sẻ. Bà yên ổn chí ít được mươi bữa cho đến khi cuốn sổ bìa xanh được hoán đổi chia thành mấy phần. Vị trưởng họ, dạo nọ là phó chủ tịch xã, giờ đã nghỉ được khóa rưỡi, vui vẻ nhận số tiền một triệu của bà Sáng cúng vào việc họ. Khi cuốn sổ bìa xanh được giải vây, đồng nghĩa với danh hiệu triệu phú của bà Sáng bị tước bỏ, thì dân làng Kình biết chính xác nguyên nhân bảy năm trước bà Sáng bỏ làng ra đi. Nguyên là bà Sáng có sào vườn hương hỏa, trên đó có phần cốt táng của chồng bà. Lúc sinh con, cậu út nằng nặc đòi bán sào vườn này để tậu chiếc bình bịch, làm phương tiện kiếm ăn. Bà Sáng dứt khoát không chịu. Cô con dâu, trước mặt chồng đã đốp vào mặt bà:
– Con nói thật, bà hệt như dân cả làng Kình này, rặt sĩ rởm! Đã không có tiền còn cốt cách, cao đạo… hương với chả hỏa…
Láo quá! Anh chồng im lặng. Bà Sáng phản ứng yếu ớt:
– Mày… mày dám… khinh thường…
– Bà cứ thử có nhiều tiền xem. Ai dám khinh nào. Túi không có một cắc, đến con cháu nó cũng chả chịu được. Huống hồ thiên hạ!
Bà Sáng sụp xuống và bà quyết chí ra đi vì thế. Mấy chục triệu mang về cho con, ngờ đâu lại là điều báo hại. Giọng bà Sáng bây giờ đầy nhẫn nhịn:
– Khổ quá. Có tiền chia nhau xong, chúng nó hoắng lên, hùa nhau bán phắt sào vườn, không tài nào giữ được. Lúc nghèo còn giữ được đất, bố mủm ạ, trăm sự tại mình thôi, bà ấy mà… bà dại quá… giá đừng trữ số tiền lớn kia… thì chưa đến nỗi…
Tôi uất thay cho bà Sáng.
– Nhưng việc gì bà phải đi nữa, cứ ở dưới quê…
Bà Sáng khe khẽ lắc đầu:
– Có tiền, chị em chúng nó xâu xé nhau, nhìn đau lòng lắm. Bố mủm ạ, tìm cho bà nhà nào tử tế… Lần này bà không dại nữa đâu…
Tôi hiểu rồi, bà không muốn làm triệu phú. Bà Sáng ơi, người tử tế thì nhiều lắm, nhưng bà đã năm nhăm tuổi rồi. Sức vóc của bà còn được mấy nả. Dù không muốn bà vẫn lại tích, lại cóp. Người như bà, không sống khác được đâu.
Vợ tôi nãy giờ bồng con ngồi im lặng, kín đáo nhìn tôi khẽ gật đầu. Tôi nhìn vào khuôn mặt của cô con gái đang trong giấc ngủ thiên thần. Người rưng rưng, tôi đón lấy con siết chặt vào lòng. Bất ngờ nó giật mình khóc ré. Bà Sáng như quên bẵng tình cảnh của mình, chửi nựng:
– Cha tông môn nhà mủm. Có hơn tháng mà khác quá. Khóc cái gì? Có nín không thì bảo!
Nó vẫn khóc vì ngái ngủ. Chao ôi, tiếng khóc. Để sinh thành một con người, sao khó khăn đến vậy, cực nhọc đến vậy. Biết thế sao con người cứ tàn nhẫn với nhau, cứ phung phí sự sống. Bà Sáng sấn vào, gần như giằng lấy con gái tôi:
– Cha tông môn mày, khóc mãi. Kìa, bố mủm, bố mủm sao thế…?
Mai Động 1999
PHẠM NGỌC TIẾN
 
14/5/2021
Nguyễn Cẩm Hương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tấm bưu thiếp tố cáo  Có một vụ xô xát nảy lửa xảy ra trong khuôn bếp này. Vệt máu khô này tôi đoán là của ông cụ. Tuy ông cụ Phố và gã ...