Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến: Ngõ hẹp

Truyện ngắn Nguyễn
Hải Yến: Ngõ hẹp

Làng cổ Kim Trang Đông của tôi nổi tiếng khắp vùng với những con đường lát gạch nghiêng quanh năm lạnh toát và ẩm sì hơi đất. Nhà tôi ở cuối làng, giáp cánh đồng, tận cùng một trong những con ngõ dài, sâu hun hút, lúc nào cũng tối mờ mờ.
Từ đường lớn rẽ vào phải đi qua đầu hồi nhà ông Thặng có hai ô cửa sổ gỗ xanh lơ, mở toang cả mùa hè như hai con mắt thao láo nhìn sang khu vườn toàn cây cổ thụ với hàng rào mục mọc đầy mộc nhĩ. Hết rẻo đất vườn là túp lều vách đất, cửa sổ tò vò có chấn song tre, cổng dấp bằng một túm rào, rêu ám quanh năm vì nằm dưới bóng chuối che hết mặt trời. Đó là nhà cụ Nuôi – bà cụ lòa, ở một mình, cơm niêu, nước lọ. Tiếp quãng nữa đến một ngôi miếu cổ, cửa che bằng tấm mành đỏ in những hình thù gì không rõ bởi mưa nắng phai màu, sân miếu rộng bằng cái chiếu đôi có hai con chó đá chầu hai bên gốc cây mẫu đơn hoa trắng. Cuối con ngõ càng dài càng âm âm hơi đất bỗng dưng xuất hiện khoảnh đất trống chẳng của nhà nào. Ở đó có một gốc sung hai thân cổ quái. Một nửa vươn lên lừng lững, thân lở bung, nham nhở từng mảng vỏ. Nửa kia sã xuống hệt cánh tay bị gãy, xoài rạp sát mặt ao, hơi nước ám lên quanh năm lạnh toát. Dưới gốc sung ai đó dựng một cây hương cao ngang ngực người lớn, ngói mũi thâm xỉn những rêu. Lũ trẻ con trong làng không đứa nào dám bén mảng tới chỗ này, trừ tôi, bởi cây sung ở ngay trước cổng nhà và tuần rằm mùng một nào tôi cũng bưng đồ đi cùng bà ra thắp hương ngoài ấy. Trong âm u bóng cây, những đốm hương lập lòe chấm đỏ, tôi cũng lẩm nhẩm theo bà những lời khấn như lời hát: “Hồn cô bóng lẻ, cuối gốc đầu cây, ngày rằm mồng một về đây, cho đỡ bề đói khát…”.
Cứ như lời bà rì rầm thế thì ở cái làng này, đầu sông góc máng nào cũng đầy rẫy là ma. Càng gốc cây to, càng quẩn. Ma cũng giống như người, có kẻ giàu sang nhà cửa đàng hoàng nhưng cũng những kiếp ma nghèo bơ vơ đầu đường xó chợ chờ bố thí. Khi con người ta chết đi rồi thì sẽ chẳng còn sân si thù hận, nhưng có ai vì cớ gì đó còn quẩn quanh không siêu thoát thì sẽ chẳng bao giờ vô cớ hại người. Bà nói thế nhưng ngày mới về, ngõ sâu, nhà lẻ bóng, không bao giờ tôi dám đi một mình đâu đó ban đêm vì nghe tiếng bước mình vang trong ngõ tối hệt như tiếng chân ai từ đâu đó tìm về.
Mãi như thế cho đến một ngày…
Nhà văn Nguyễn Hải Yến
Sau vụ gặt mùa, bà bị ốm, nằm liệt luôn mấy bữa không ăn. Quãng ấy đã già chiều, thằng Thọ kéo tôi ra tận đầu hè thì thầm : “Chị biết bà thích gì không? Em hỏi rồi. Bà bảo thích uống nước dừa.”. “Ở đâu bây giờ?”. “Chị quên à? Nhà ông Hồng có một cây. Hôm nọ mình sang chơi đầy quả đấy thi.”. “Thế thì giờ phải đi. Mai ông ấy lại không có nhà…”.
Ông Hồng là em họ bà tôi, nhà ở bên Chương, cách một quãng đường đồng chừng ba cây số, làm nghề hoạn lợn. Hàng ngày, từ sáng sớm, ông đeo cái tay nải đựng dao kéo, kim chỉ, mấy lọ thuốc sát trùng, tay cầm cuộn thừng, rong ruổi khắp các chợ phiên hay ngõ cùng ngách hẻm hành nghề, tối chẫm mới về. “Thế hai đứa mình cùng đi!”. “Em ở nhà trông bà. Đừng nấu cơm kẻo cháy bếp. Nhớ thắp đèn chai treo trước cổng chờ chị!”.
Ra khỏi làng, tôi cắm đầu chạy ngược chiều hoàng hôn. Đồng càng lúc càng sẫm lại. Sang đến Chương, xóm trên thôn dưới trước sau hết thảy đã lần lượt lên khói bếp chỉ trừ ngôi nhà vách liếp có tấm giại tùm hum phía trước. Ông Hồng vẫn chưa về. Tôi ngồi thu lu bên bậu cửa hóng mãi về phía cây dừa  nằm nghiêng trên mặt ao cho đến khi cái cổ đeo chùm quả tròn cố ngỏng lên của nó chìm vào sương tối. Bấy giờ mới có tiếng lịch kịch. Ông Hồng gồng đôi quang thúng lệt sệt bước vào, giật nảy mình quăng cả gánh định co giò chạy khi thấy tôi đứng lên: “Sao ông về muộn thế?”. Lắp bắp một lúc, chừng nhận ra tôi, ông líu ríu hai đầu gối lần về phía đầu hồi. Có tiếng tồ tồ rót vào nồi hông. Rồi mùi  nước giải ngấu xộc thẳng vào mũi: “Sang tao có việc gì? Nửa đêm gà gáy lù lù một đống hãi bỏ bu.”. Tôi bảo giờ mới chập tối, có ông về muộn ấy. Tiếng lệt sệt quay ra: “Tại hôm nay tao đen quá. Hoạn cố con lợn bên Chũ, vừa mới khâu xong chưa kịp uống hớp nước thì lăn quay ra chết. Nhà chủ bắt đền. Tao phải đun nước làm thịt, tuồn lòng, pha phách đủ vẻ đâm mới tối dư này. May nó còn chưa bắt giã giò cho nó đấy. Thế có việc gì? Xin dừa hả? Bà ốm  bao giờ? Thế ra tao trật rồi về cho sớm. Đi một mình không sợ à? Con này giỏi chứ tao yếu vía, lúc vửa trông mày tưởng ma, tí đái ra quần. Lấy mấy quả? Dừa này bánh tẻ. Nặng phết mày ạ …”.
Nghĩ đến món dừa ủ muối ăn với nước rau muống luộc tôi bảo cho cháu bốn quả rồi hôm nào ông ở nhà chúng cháu sang chơi cả ngày. “Ừ nhá! Sang mấy ngày nhá! Cho nó vui. Tao mua bánh đa về ăn với cùi dừa thích thôi. Sang tuần nhá! Tầy rầy tao cũng không đi chợ xa. Già rồi, cuồng chân lắm!”.
Tôi túm mỗi bên hai dẻ kẹ dừa, lủng lẳng mỗi dẻ một quả bằng cái ấm tích ra khỏi ngõ trong sự ngưỡng mộ của ông Hồng con này mặt sứa gan lim. Tao thì phải ban ngày ban mặt, thư thả khoan nhặt chứ tối tăm mù mịt trông cái gì cũng hãi. Tôi bảo thế ông lấy vợ đi, ở một mình càng sợ.  Ông gật gù ừ tao già như này chó nó lấy!
Ra khỏi rặng cúc tần xanh lút đầu, bóng ông Hồng khuất hẳn, tôi lại cắm đầu chạy. Trong bóng tối, con đường xuyên đồng trở về càng lúc càng lê thê. Lũ dừa óc ách nước mỗi lúc một trĩu xuống. Lên đèn đã từ lâu nhưng làng xa bốn bề toàn bóng tre đen kịt, thi thoảng mới thấy đôi chấm đèn vàng.
Có tiếng bước chân phía trước. Hóa ra đồng vẫn còn người. Tôi đuổi theo, qua cây đa gò Ông Đống thì kịp. Một người đàn bà tôi không quen mặt cắp mê nón rách, dắt theo một đứa bé trạc bằng tuổi tôi khoác trên vai cái tay nải cũ đầy mụn vá. Thằng cu tò mò đi đâu về tối thế, có nặng không, tao xách hộ. Rồi nó đón lấy cả bốn quả dừa trên tay tôi, vừa đi vừa vung vẩy. Người đàn bà trìu mến vuốt tóc tôi: “Bé thế mà dám đi một mình? Không sợ tối?”. Tôi kể chuyện bà con ốm, thèm uống nước dừa. Nhưng cũng thú thật là hai chị em thích ăn dừa ủ muối. Mới lại cũng tại ông Hồng chứ không con về lâu rồi. Mà sao cô cũng đi đâu về tối thế.
Người đàn bà cười. Thằng cu dừng lại, giở tay nải bảo tôi đoán xem. Tôi chạm tay vào, dễ đến lưng nải toàn những bông, những dé và cả những hạt lúa rời. Nó thì thầm: “Đi mót đấy…”. Tôi ngạc nhiên: “Nhiều thế? Ở đồng nào? Gặt xong rồi mà?”. “Còn đầy. Nhưng phải chịu khó tìm. Thóc này héo rồi, tí giã nấu ngay. Ngọt cơm phải biết.”. “Ăn với dừa ủ muối ấy!”. “Thế á? Tao chưa được ăn bao giờ. Nhưng có cái này…”. Nó chìa ra bó rau bằng chít tay người lớn buộc trong sợi rơm: “Toàn dền cơm, thài lài, rau dệu đấy. Nấu canh ngon cực!”.
Người đàn bà cứ lặng im đi trong bóng tối mặc kệ hai đứa chúng tôi nói chuyện với nhau. Hóa ra nhà thằng cu cũng ở gần nhà tôi. Chuyện trong xóm cái gì nó cũng biết.  Nó kể vanh vách nhà ông Thặng đầu ngõ có anh con trai lớn chết vì rắn cắn. Cái cối đá lỗ nhà bà Bể cứ mùa này trở đi lúc nào cũng toát mồ hôi… Linh tinh thiên địa một hồi, rồi bỗng quay sang tôi, giọng đầy nghiêm trọng mày có sợ ma không? Tôi định bảo chả sợ thì sao, nhưng nhìn cái bóng loắt choắt vừa bé vừa gầy và ánh mắt sáng lấp lánh đợi chờ của nó liền đổi ý: “Tớ không! Cậu cũng đừng sợ. Bà tớ bảo ma chẳng bao giờ vô cớ hại người. Không làm gì xấu thì chả sao sất. Đúng không cô?”.
Người đàn bà quay nhìn tôi gật đầu, nét cười mơ hồ trong đêm tối.
Chia tay nhau ở lối rẽ vào đầu ngõ, tôi dúi lại cho nó một quả dừa. Mang về ủ muối mà xem. Ngon cực. Nó gạt đi: “Tao không lấy!”. Người đàn bà cũng gật đầu: “Con mang về đi kẻo mọi người chờ. Đi bao nhiêu cây số đêm hôm…”.  Nhưng tôi bảo cháu cứ cho bạn ấy một quả. Mấy hôm nữa sang Chương cháu vặt đầy.
Người đàn bà mỉm cười nép vào một bên ngõ nhìn theo tôi và thằng cu. Nó bảo để tao đưa mày về tận cổng. Mà hôm nào lấy dừa nhớ rủ. Tao đi với nhá! Cái ngõ này sâu, lần sau nhớ mang theo đèn chứ tối như này hãi lắm. Cây duối trước cổng đang treo đèn chai kia kìa, mày nhớ bảo bà phạt bớt cành cho quang. Đừng um tùm thế. Chỗ này sáng rồi, mày về nhá. Tao đi kẻo bu tao chờ…
Thằng cu đeo tay nải thóc, xách quả dừa, ngoắt một cái biến mất trong con ngõ dài hun hút…
Cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa biết tên nó.
Chúng tôi đi tìm thằng bạn mới nát cả mấy buổi chiều khắp xóm trên thôn dưới. Thằng Thọ cằn nhằn: “Nhẽ ra phải hỏi tên. Cứ tả vu vơ thế này còn lâu mới thấy.”. “Đã bảo quên mà lị! Nhưng rõ là nó ở gần nhà mình. Cái gì cũng biết đấy thi…”. “Đi khắp làng rồi. Làm gì có đứa nào như thế! Mấy chiều ra ngõ đón cũng làm gì thấy…”. “Hôm nay chờ cố. Chị đem theo đèn chai…”.
Cuối thu, tàn hoàng hôn mà trời vẫn trong veo. “Sao Hôm kìa chị! Lấp lánh  như mắt người!”. “Ừ! Nàng tiên chờ chồng đấy. Nhưng chồng nàng ấy là anh tiều phu, là sao Mai, sáng mới mọc cơ…”. “Thế chẳng bao giờ gặp nhau được nhỉ. Mà ngộ nhỡ bọn mình chờ thằng kia cũng thế?”. “Thế là thế nào. Làng bé tí, ai mà chả biết nhau. Hôm nay không gặp, mình về hỏi bà…”. “Ừ! Kiểu gì bà chả biết! Nếu tìm được, mình sang ông Hồng luôn nhá! Hai đứa em đi bẻ mía. Mùa này ngọt rồi!”.
Thằng Thọ kể tôi nghe về dự định của nó. Nếu được chúng em ở bên ấy mấy ngày, đi chợ phiên xem hoạn lợn. Em chỉ thích hoạn xong, lợn chết, người ta bắt đền, xem ông Hồng thịt xong em xin cái bong bóng để đá. Hay cực. Tôi bảo mày nói thế ông ấy nghe, chửi chết. Nó cãi còn lâu, ông Hồng kể ngày nhà ông trúng pháo bên bốt câu sang, con trai ông bằng tuổi em bây giờ, giống lắm. Mà sao ông ấy không lấy vợ nhỉ? Ở một mình buồn chết. Cái vườn trồng bao nhiêu là cây…
Nó cứ lẩm bẩm như một ông già về cái vườn cây ấy. Về những ổi, những mía, những dừa, những bưởi ngọt bưởi chua… Tận đến khi đường hết bóng người, nghe tôi giục thôi đi về mới chợt nhớ ừ nhanh lên, bà đi ăn giỗ thôn Ngoài kiểu gì cũng lấy phần…
Ngõ tối om. Ánh đèn chai vàng mù lờ mờ di chuyển theo bước chân vọng vào lòng đêm tĩnh. Chúng tôi đi qua vườn cổ thụ, qua túp lều trong vườn chuối, qua miếu mẫu đơn đến khoảng đất trống có vòm sung âm u huyền thoại. Thằng Thọ từ nãy im bặt, giờ túm chặt lấy tay tôi giật giật ý bảo đi nhanh hơn tí nữa. Bỗng dưng ở phía mặt ao đen quánh có tiếng nước té ào ào trong khi vòm cây vẫn im lìm, ẩm sì, lạnh toát hơi sương. Một cơn gió từ đấy thốc ra, thổi tắt ngọn đèn chai, mùi khói dầu hỏa khét mù. Mắt chưa quen, đang dò dẫm trên nền đường khấp khểnh gạch nghiêng thì lại nghe tiếng rào rào trong vòm cây sẫm xịt, rồi quả sung từ đó ném ra tới tấp, trúng đầu, trúng vai, rơi lộp bộp cả xuống đất. Nhớ lời bà, tôi bấm tay thằng Thọ thì thầm cứ bình tĩnh, bà bảo chẳng ma nào vô cớ hại người. Rồi cúi xuống, lần vơ từng chùm quăng trả. Thằng Thọ cũng đánh bạo làm theo. Im lặng…Rồi lại rì rào… Lộp bộp…  Nghe tiếng trẻ con cười rúc rích… Té ra bọn ma sung  cũng nghịch như người.
Bà ở thôn Ngoài về sau chúng tôi. Nhìn hai đứa co ro trên bậc hè, cây đèn chai bóng đen sì những muội vứt chỏng chơ bên cạnh, hỏi vừa đi đâu, sợ cái gì mà rúm vó chó bó vó mèo thế kia? Thằng Thọ nhớn nhác kể chúng con vừa ném nhau với bọn ma sung chỗ cây hương đầu ngõ. Tôi bảo không phải tự yên mà ném. Tại nó trêu trước. Nó là trẻ con bà ạ. Con nghe rõ tiếng nó cười.
Bà lặng đi một lúc rồi đứng dậy, nhặt cây đèn, lẩm bẩm: “Rõ tội. Bao nhiêu năm… Chẳng hiểu sao còn vương vấn mãi chỗ này…”. “Ai hả bà?”. “Bà cũng không biết. Chỉ nghe kể lại. Ngày xưa dân tình nghèo lắm, đói khát quanh năm. Làng mình không giàu nhưng cũng vào dạng khá lại gần đường cái quan nên cứ tháng ba ngày tám, lúc cạn đồng giáp hạt dân tứ xứ dồn về ăn xin. Đận ấy mất mùa mấy năm liền, chỗ nào cũng nhao nhác đói, có người đàn bà dắt theo đứa bé từ đâu phiêu dạt đến, vật vờ bên gốc sung, lúc ấy vẫn là bãi đất trống cách xa làng mạc, chưa có nhà cửa như này. Thoạt đầu, ai cũng tưởng là hai mẹ con. Sau hỏi ra mới biết là không. Thằng bé mồ côi được người đàn bà ăn xin cưu mang, dắt díu nhau khắp đầu đường xó chợ rồi lưu lạc đến chốn này. Hỏi thế thôi chứ chẳng ai giúp được gì nhiều vì nhà nào cũng đã treo niêu hàng tháng. Bẵng đi mấy ngày không thấy, có người sốt ruột ra tìm mới hay cả hai đã chết từ lúc nào. Hai cái xác còng queo bên gốc sung bị bóc trụi từng lớp vỏ. Thằng bé vẫn ôm khư khư trong lòng cái tay nải rách, bên trong còn lưng lửng những gié lúa thâm xỉn. Người làng bảo chắc hai mẹ con bòn mót, nhặt nhạnh dành dụm từ mùa trước, đói đến chết cũng chỉ bóc vỏ cây ăn đỡ chứ không dám đụng vào…”.
Thằng Thọ nắm chặt tay tôi. Hai đứa ngồi lặng đi trên bậu cửa hút mắt nhìn vào bóng tối. Rồi tôi nghe tiếng nó thì thầm ngày mai sang nhà ông Hồng mình đi qua rủ nó. Xong chị nấu cơm, em làm dừa ủ muối mời mẹ con cô ấy cùng ăn. Từ giờ em không sợ cây sung nữa. Tôi bảo ừ, thương không hết làm sao phải sợ…
Đêm tĩnh. Nghe gió rì rào. Rồi đâu đó vẳng về tiếng hát: “Trời mưa cho lúa thêm bông. Cho đồng thêm cá cho sông thêm thuyền…”. Cả tiếng trẻ con cười. Tôi bảo chị em mình hát theo đi. Em biết không, nếu ngày mai gặp lại bạn ấy, khi về đi qua quãng đồng đêm, chị sẽ hỏi nó bây giờ đằng ấy còn sợ ma không?
NGUYỄN HẢI YẾN
 
14/5/2021
Nguyễn Cẩm Hương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cây nghiêng bóng thẳm

Cây nghiêng bóng thẳm Sim ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sim nhổ ở hàng rào nhà ng...