Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Đi trong mùa hoàng hoa

Đi trong mùa hoàng hoa
Tôi có đọc đâu đó, rằng xưa mai vàng chủ yếu dùng để tiến Vua, đến thời Bình Định vương Nguyễn Huệ mới cho người mang về ươm giống để ngày nay mỗi một nhà vườn, mỗi một sân cây cảnh đều có giống mai này.
Hẳn chỉ là một truyền tụng, nhưng cũng bị thôi thúc bởi truyền tụng ấy, xuân này, tôi ghé bước đến đất Thành, và hưởng trọn, một mùa hoàng hoa…
Thụ cảm mùa xuân trên ngón tay
Tôi gặp ông cách đây chừng 5 năm. Ngày ấy, vườn nhà ông còn cả ngàn mai, và loại trồng nhiều nhất nhì cái thị trấn Đập Đá. Bởi thế, chỉ cần đến ngay đầu bến xe ngựa của thị trấn này, hỏi cái tên Hồng mù trồng mai (ông tên thật là Nguyễn Ngọc Hồng), là ai cũng biết.
Và ai cũng hay, chuyện của ông, một người thanh niên tuổi đang ăn nên làm ra với nghề mua bán phế liệu, một hôm đang nấu phế liệu thì một viên đạn phát nổ, bắn vào mắt và trở nên mù lòa, rồi chuyển sang nghề trồng mai. Ông Hồng kể: "Bỏ hết cả nhà cửa, một chồng một vợ, nách theo thằng con vài tháng tuổi, vô tận Sài Gòn chạy chữa suốt nửa năm trời, mù vẫn hoàn mù. Lúc đầu, tôi chẳng thiết gì làm ăn nữa, rờ rẫm đi ra đi vào, rồi rờ trúng mấy cây mai trong vườn, tui cứ mường tượng ra màu này, dáng nọ, tự dưng thích thích. Vậy là nói ông già dăm cho vài chậu chơi riêng, rồi mê từ đó đến giờ".
Thủa ấy, tôi cứ lấy làm ngạc nhiên lắm lắm khi trước mắt mình, một người đàn ông mù, chỉ bằng đôi tay mà uốn thế, tỉa cành cứ thoăn thoắt. Mỗi thân mai dưới tay ông, trở nên một thế mai đẹp. Ngàn mai trong vườn ông là ngàn thế, không phải cây nào rồi cũng hoàn mỹ, tuyệt bích, nhưng so với những người trồng mai khác, ấy đã là một mơ ước.
Rồi ngày ngày, ông còn ngồi sau lưng chiếc xe của cậu trưởng nam, đi "xem" mai các vườn bạn để học hỏi, để trao đổi. "Làm sao ông thấy mà học" - tôi hỏi. Không đáp, ông lại gần một thân mai rồi đôi bàn tay cứ như lướt đi trên thân mai, tưởng như không hề chạm vào cây. Lát sau, ông cho tôi mấy nhận xét về thế cây mai ấy. Rồi ông nói: "Mai đang trổ nụ, cứ rờ rẫm hoài thì chủ vườn cũng xót lòng lắm. Nên tôi chỉ chạm nhẹ và nhờ vào đôi bàn tay mà nhận ra thế mai".
Tôi liếc nhẹ đôi bàn tay ông, đôi bàn tay sần sùi vì tỉa cành, cắt lá. Còn đôi mắt, hấp háy và bạc trắng, và trong đó, như có cả một mùa hoàng hoa trở lại.
Xuân này, tôi trở lại. Vườn mai chỉ còn độ hơn chục chậu. Nghe tôi hỏi về ngàn mai xưa, ông cười buồn: "Tui giải nghệ rồi, từ ba, bốn năm nay. Cả vườn mai hai ngàn cây, tui bán ba đợt, hết sạch". Hỏi, hay là ông chán cái nghiệp mai rồi, ông lắc đầu: "Chán thế nào được cậu. Nhưng bây giờ thêm một đứa chuẩn bị thi đại học, phải tính đường chuẩn bị, nên tôi quyết. Ngẫm ra, tương lai con cái với tôi mới là mùa mai rực rỡ nhất!".
Gieo mùa hoàng hoa
Mùa hoàng hoa nay đến thị trấn Bình Định, đã thấy mai vươn ra bán trên những cung đường. Mai đã nhặt lá, trổ nụ, gốc chỉ một, hai trăm, có gốc tròm trèm bạc triệu, đủ dáng, đủ hình, đủ năm, đủ tháng. Tôi cố tìm những người có thâm niên trồng mai ở đất Thành. Nhưng người trồng mai nào cũng lắc đầu: không rõ.
Ấy! Ngay như làng mai Háo Đức (xã Nhơn An), có hộ thì nay tới 90% là trồng mai, nhưng cũng chỉ khởi nghiệp từ vài năm trở lại đây. Rồi có người mách, trước có cụ Hương kiểm Kính ở Hòa Nghi và cháu cụ là ông Lê Địch ở Hòa Cư (thị trấn Bình Định) cũng vào dạng lão làng. Cụ Kính thì đã mất vài năm nay, nay chỉ còn ông Địch. Vậy là tôi đến làng Hòa Cư, hỏi tìm "ông Địch trồng mai".
Ông Địch nay cũng đã giải nghệ. Trong vườn nhà ông, nay chỉ còn vài ba chậu gọi là, cùng dăm thứ hoa cho có chút vị xuân. "Giờ nghĩ lại, tôi ngạc nhiên, sao mà xưa mình mê mai đến vậy. Hồi đó là năm 1960, trước tui chỉ trồng bông tươi, sau mới học theo bác Kính trồng mai. Nhưng ông cụ chỉ trồng mai vườn để lấy cành cắm bình chứ ít để ý tạo thế mai. Tui nghĩ mình chơi thì phải làm sao cho khác người ta, vậy là tui nghĩ đến chuyện tạo thế cho gốc mai. Đêm nằm không ngủ được, cứ hình dung phải uốn thế nào để mai tạo gốc như mong muốn. Rồi mong trời hưng hửng sáng là bật dậy làm. Trưa trợt, nắng như đổ lửa cũng lui cui, tối thui còn chong đèn bên mai. Mỗi cây mai, nói chú không tin, chứ tôi cứ phải nhổ lên trồng xuống ba lần trong cả 6, 7 năm mới tạo được gốc mai như ý. Rồi để đó, ai quen mà biết chơi là tui cho không chứ có bán chác chi đâu. Mê vậy mà đến giờ, tuổi đã cao, tay chân yếu rượi, xê xịch chậu mai cũng hổng nổi, nói gì đến chuyện tạo thế, uốn dáng nên tui đâm lười, bỏ dãi. Bao nhiêu gốc mai lớp bán, lớp cho hết sạch".
Những cội mai mang thương hiệu "mai ông Địch", nay đã lưu lạc khắp nơi, lên Tây Nguyên có, ra các tỉnh ngoài cũng có, mai ra Háo Đức, mai ra Bình Định, xuống Tuy Phước… Nhưng có một cây ông ưng ý nhất, ra hoa thường niên, tức là khi nào muốn cũng có thể cho ra hoa được thì ông bán cho một người quen, mang biếu tận Khánh Hòa, nay chẳng biết còn không.
"Ở với mình thì cây như vậy, nhưng đến với họ chẳng biết ra sao? Cái quan trọng là phải biết chăm sóc" - ông tâm sự. Hóa ra, tưởng đã hết "ham" với mai, nhưng tự trong sâu thẳm tâm hồn ông vẫn rất quý, rất yêu những cội mai thủa ấy.
Mai vàng Bình Định đi xa
Tháng Chạp này, đi trên đất Thành, hai bên đường lộ, ngợp bóng những gốc mai. Những búp mai chúm nụ, mang cả trong đó hy vọng của nhà vườn về một mùa mai xuân tốt đẹp.
Mai vàng Bình Định nay dường như trở nên dễ tính hơn nhờ được cắt ghép, lai tạo nhiều. Như những gốc mai vườn nhà ông Hồng, xưa do ba ông đem về từ Gia Lai, cánh vàng rực, nhưng hiềm lá hơi vàng, lại rỗ mặt, cây sinh trưởng chậm. Nay người trồng mai lai với cây mai "giảo", nguyên là một giống mai miền Nam, hoa 5 cánh nhưng màu ít đậm bằng, trở thành loại mai cánh lớn, đậm tỏa kín, có hương thoảng nhẹ vào buổi sáng sớm, sinh trưởng lại nhanh, cữ ba năm là có gốc bằng cổ tay, ngang với giống cũ trồng trong 5, 6 năm và vẫn quen gọi chung là mai "giảo".
Mai vàng Bình Định được thương lái đem bán tận Tây Nguyên, hay ra Bắc, lặn lội vào Nam. Mai Bình Định được ưa chuộng vì ngoài sắc vàng rực, còn bởi được tạo thế đẹp. Cữ cuối xuân, khi hạt mai đã đen bóng, người trồng mai thường lấy hạt mai ươm trong bọc ni lông. Cây cao chừng 10 cm, người trồng mai lấy ghim hay móc ép cho mai nằm sát đất, rồi mai vươn lên theo ánh nắng. Mai chuyển sang chậu, người ta dùng sợi đồng uốn dọc thân mai để sửa dáng. Gốc mai được che mát bằng vỏ dừa, bèo…
Theo tính toán của người trồng mai, hiện có tới vài chục giống mai, hồng, hoàng, bạch mai là phân theo màu hoa; còn cúc mai, hoàng tỉ, ngũ đài hoa… là phân theo cấu tạo hoa, số cánh.
Mai có giá, giống đã được cải tạo, nhiều nhà vườn chuyển sang trồng chuyên canh. Nhiều vườn rộng hằng mẫu chuyên canh mai. Chỉ với diện tích ba trăm mét vuông, những năm may mắn vào dịp Tết những hộ trồng mai như ở Háo Đức bán bán vài trăm cây, thu đến bạc triệu.
Mai vàng Bình Định ''đổ bộ'' vào Phú Yên, Nha Trang, giá đã nhẹ, sắc vàng, lại được tạo thế, trong khi các mai ở các địa phương này thường để dáng tự nhiên, nên mai Bình Định được nhiều người thích, có giá hơn. Mai vàng ra Bắc, dần được chuộng chưng bên cạnh cành đào. Thương hiệu mai vàng Bình Định đang lan xa.
Người Bình Định có quyền tự hào về mai vàng, như tự hào về những bóng cổ tháp ngự trên những đồi cao, như tự hào về tiếng nhạc ngựa rộn những nẻo quê, như ly rượu Bầu Đá lắng trọn hồn đất võ. 
Lê Viết Thọ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Má lúm đồng tiền

Má lúm đồng tiền Hắn ngồi cặm cụi cưa loẹt xoẹt. Mạt ốc bay bụi mù. Hắn hít phải khá nhiều. Cái mùi bụi ốc hôi hôi cộng thêm cái mùi sơn ở...