Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Một hồn thơ giàu trắc ẩn

Một hồn thơ giàu trắc ẩn
  Tôi đọc một lèo tập thơ Mùa hoa bách hợp của Võ Thị Nhung (Thi Nhung), nữ tác giả mới toanh trong làng thơ, quê gốc Duy Thành, Duy Xuyên, Quảng Nam, sống và làm việc ở Hà Nội. Cảm nhận đầu tiên trong tôi đây là một người thơ rất hiếu đễ với cha mẹ, một hồn thơ đa cảm, giàu lòng trắc ẩn với thiên nhiên, với con người, những số phận, những mảnh đời éo le, bất hạnh. Đó là  những câu thơ lấp lánh, vừa tự nhiên như cây cỏ thiên nhiên, vừa bật lên cái mầm nhân bản, nhân văn, nhân quả “sắc sắc không không” của nhà Phật. Có cảm nhận bài thơ Hoa bách hợp có hai câu như sợi tâm hồn xuyên suốt toàn tập thơ, như một lẽ sống của tác giả: Vu vơ nhặt lấy nụ cười/Cùng em xoa dịu kiếp người đa mang. Một tâm hồn nhân ái biết mở lòng sẻ chia cho những tâm hồn gánh nặng nhân sinh.
Mà đâu chỉ với phận người, với tâm hồn đa cảm, đa tình, nữ tính, tác giả lắng nghe đời sống thiên nhiên, đã “ sống cùng” và thương cảm cỏ cây, cảnh sắc cuối chiều, trong bài Lối cỏ may: Mệt nhoài nắng tựa triền đê. Luênh loang hắt bóng lối về cỏ may. Ráng chiều buông sẫm khóe ngày. Rưng rưng khỏa một vốc đầy hoàng hôn. Qua những bài thơ, những câu thơ hồn nhiên như minh họa, ta bắt gặp một góc tâm hồn lặng lẽ, ngẫm nghĩ sâu sắc rất minh triết của Thi Nhung: Bâng khuâng giữa phố nhìn hoa cải. Mùa xuân khung cửa bỗng thênh thang (Bình hoa cải). Ừ thôi chẳng níu mùa xuân.  Đưa tay... bất chợt lòng chùng kiếp hoa (Kiếp hoa). Từ bình hoa cải bình dị ở phố chật người đông mà động lòng ấm áp tình quê, mà thấy đời rộng mở Nói kiếp hoa hay chính phận cái đẹp, phận người, phận đời?...

Nhờ tấm lòng thương người, cái tâm thanh tịnh, tâm hồn lắng đọng, mộng mơ và cái nhìn tinh tế, Thi Nhung đã hái được nhiều câu thơ đẹp: Sương giăng bản nhỏ chập chùng. Mải mê khâu cả lòng thung vào chiều (Niềm vui bản nhỏ) Hanh hanh mõ rụng cửa thiền. Xòe tay hứng được cả miền heo may. Tàn thu rồi cũng qua ngày. Lặng xâu một chuỗi hao gầy riêng mang (Duyên)...
Gấp lại tập thơ Mùa hoa bách hợp của Thi Nhung, mở ra trong tôi tính thiện, hơi thiền và tâm hồn bình yên trước sự bão dông biến động của đời sống rất ưu phiền hệ lụy hiện nay của một hồn thơ, tình thơ thương thân mình, thương phận người, phận cây cỏ thiên nhiên.

Lê Anh Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...