Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Nhân ngày khai trường:- Đọc lại bài thơ "Tựu trường" của Huy Cận


Nhân ngày khai trường: 
         Đọc lại bài thơ "Tựu trường" của Huy Cận

Giờ náo nức của một thời trẻ dại
Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương
Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường
Rương nhỏ nhỏ với linh hồn bằng ngọc.

Sắp hạnh phúc như chương trình lớp học
Buổi chiều đầu, họ tìm bạn kết duyên
Trong sân trường hướng dạo giữa Đào viên
Quần áo trắng đẹp như lòng mới mẻ.

Chân non dại ngập ngừng từng bước nhẹ
Tim run run trăm tình cảm rụt rè
Tuổi mười lăm gấp sách lại, đứng nghe
Lòng mới mở giữa tay đời ấm áp.

Tựu trường đó, lòng tôi vừa bắt gặp
Nỗi xôn xao thầm lặng ở trong rương
Của chàng trai mười lăm tuổi vào trường
Mắt tin cậy và tóc vừa dưỡng rẽ

Người bạn nhỏ! Cho lòng tôi theo ghé
Không nỗi gì có thể vuốt ve hơn
Đêm tựu trường mùi cửa sổ mới sơn
Tủ mới đánh và lòng trai thơm ngát

        Hơn một nửa thế kỷ đã trôi qua. Khi làm bài thơ này tác giả tóc hãy còn xanh lắm, đến bây giờ dù đã bước quá sang tuổi "xưa nay hiếm" nhưng chắc hẳn những giờ phút xôn xao của ngày tựu trường năm ấy vẫn còn nguyên những kỷ niệm của tuổi mười lăm.
        "Tựu trường", cả bài thơ là cả một mạch cảm xúc náo nức của tuổi học trò trong ngày đầu nhập học. Lời thơ giản dị, dễ hiểu, không suy tư, không triết lý nhưng lại có sức liên tưởng và sức gợi mở rất rộng. Đọc bài thơ, ta cảm được nỗi niềm hạnh phúc và phấn kích của những chàng trai trẻ tuổi mười lăm trước buổi khai trường. Chính họ đã thốt lên nỗi niềm đó với những vật là vô tri nhất: "Giờ náo nức của một thời trẻ dại/ Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương"... Vâng, dù ngói nâu, tường trắng, cửa gương.. những vật tưởng chừng như vô tri đó, bắt đầu của ngày tựu trường này sẽ trở thành một phần trong ký ức của tuổi học trò. Những hình ảnh về chúng chắc hẳn sẽ ở lại mãi mãi giữa tâm hồn của những chàng trai tuổi mười lăm thuở ấy. Nhà thơ Huy Cận đã từng hồi ức về bài thơ "Tựu trường" như thế này:
        "Bài thơ Tựu trường tôi làm lúc 19 tuổi, lúc đó tôi đang học năm thứ hai ban tú tài Trường Quốc Học Huế (1938), bài thơ là khoảng hồi ức nhớ lại tuổi mười lăm của mình trong ngày tựu trường. Tôi rất tha thiết với đời sống học sinh nội trú của Trường Quốc Học. Ngày khai trường, không khí chung náo nức và mới mẻ. Tủ đựng quần áo, sách vở của học sinh được đánh vecni lại. Trường được sơn cửa, quét vôi, toả hương dễ chịu. Sân trường rất rộng, những bụi tre ngà, những cây phượng vĩ rung rinh như chào đón chúng tôi. Tôi nhớ đến tình bạn của chúng tôi trong trường. Một tình bạn rất lý tưởng, thơ mộng. Tình bạn học, tình văn chương, tình đời... chắp cánh cho những ước mơ. Tựu trường nói đến tình bạn học, tuổi thơ non dại, mở ra một cuộc đời lý tưởng trong nhịp điệu thơ như bước chân của người học trò..."
        Vậy đó, những tâm hồn thơm tho lung linh ánh ngọc. Trước một năm học mới và trước cả ngưỡng cửa cuộc đời, những người học trò ấy hoàn toàn thanh thản trong tâm thế tự tin ngây ngất và trong nỗi xôn xao thầm lặng của tuổi mười lăm: 
Tựu trường đó, lòng tôi vừa bắt gặp
Nỗi xôn xao thầm lặng ở trong rương
Của chàng trai mười lăm tuổi vào trường
Mắt tin cậy và tóc vừa dưỡng rẽ
        Hơn sáu mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Tựu trường ra đời, thế mà những chút tình cảm rụt rè của những con tim run run thuở ấy, đang giúp những người đọc qua nhiều thế hệ, sống lại với những kỷ niệm của riêng mình. Và phải chăng, chính vì lẽ đó mà bài thơ Tựu trường của nhà thơ Huy Cận sẽ còn luôn sống mãi với thời gian?!.
Vân Anh
 Báo TTHuế 190/2003



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một cách tiếp cận thơ Thiền

Một cách tiếp cận thơ Thiền Thơ ca dân tộc có một bộ phận thơ Thiền đặc sắc. Nhiều bài thơ của các Thiền sư từ  thời Lý (1010-1225) - Trần...