Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Tản mạn về thi ca HUY CẬN và ĐINH HÙNG

  Tản mạn về thi ca HUY CẬN và ĐINH HÙNG

Thi ca âm nhạc có thể nói có nhiều gắn bó với nhau, người nhạc sĩ cảm hứng một bài thơ, thì chất thơ và nhạc được giao duyên vào nhau. Cái lợi chung là tác phẩm giao duyên đó được mọi người biết đến. Trong lịch sử thơ nhạc Việt Nam, ví dụ chúng ta có các bài Màu Tím Hoa Sim, Lá Diêu Bông, Tuổi 13, Áo Lụa Hà Đông, Ai Về Sông Tương, Mộng Dưới Hoa hoặc Ngậm Ngùi,... Trong bài viết này, tôi muốn trình bày về hai thi sĩ Đinh Hùng với Ngậm Ngùi và Huy Cận với Mộng Dưới Hoa.
Về Huy Cận:
     Trong bài viết "Huy Cận Trong Tôi" của nhà văn Đặng Tiến có nhắc lại chuyện cũ tại Paris: "năm 1998, tình cờ Huy Cận và Phạm Duy cùng có mặt tại Paris. Nhạc sĩ muốn quan hệ, hỏi tôi số điện thọai, tôi tham khảo Huy Cận, và anh trả lời ngay: «Phạm Duy à? Phạm Duy thì mình phải gọi anh ấy trước, chớ sao để anh ấy gọi mình?» Sau đó vài giờ, Phạm Duy gọi lại tôi, giọng còn rơm rớm, kể đã nói chuyện với nhau cả tiếng. Huy Cận cảm ơn Phạm Duy đã phổ nhạc bài thơ Ngậm Ngùi làm cho nhiều người biết. Sau đó nhạc sĩ sưu tập 16 giọng hát bài Ngậm Ngùi nhờ tôi chuyển về nhà thơ. Tôi biết là Huy Cận chân thành, vì bài Ngậm Ngùi kể lại một mối tình có thật, anh “ ngậm ngùi” vì cô gái đẹp đi lấy chồng. Anh có nói lên điều ấy và chính thức nhắc đến nhạc phẩm Phạm Duy năm 1993, thời mà không mấy trong nước ai nói đến tên Phạm Duy.
       Năm 2000, một buổi chiều đi lang bang ở Paris với Huy Cận, tôi rủ anh gọi dây nói sang Mỹ thăm Phạm Duy chơi, từ phòng điện thoại công cộng. Tôi nhìn anh trong ca-bin : lúc đầu hùng hồn, khoa chân múa tay, về sau lấy khăn tay chậm lên mắt. Không biết hai ông nói chuyện gì, tôi không hỏi."
       Bài viết ghi nhận thêm: "Huy Cận là một tài năng lớn, đã có những đóng góp quan trọng cho phong trào Thơ Mới".
       Thật vậy, khi nhìn thơ Huy Cận qua lăng kính thi ca văn học trước 1954, thơ ông thật lãng mạn, trữ tình và nhiều thi vị. Bài Ngậm Ngùi cho thấy điều tôi muốn nói. Bốn câu đầu:
"Nắng chia nửa bãi; chiều rồi...
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau;
Em ơi ! Hãy ngủ... anh hầu quạt đây."
       Tôi thích từ ngữ mà ông dùng như: Nắng chia nửa bãi, chiều rồi...,  Vườn hoang trinh nữ, xếp đôi lá rầu hay Sợi buồn,... Lờng ta buồn khi nhìn con nhện đan tơ, với tôi thì nó hay vô cùng. Ở đoạn sau:
"Lòng anh mở với quạt này;
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường !
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ...
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ...
-- Hồn em đã chín mấy mùa thương đau ?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi..."
       Những nhóm chữ như:  Trăm con chim mộng về bay đầu giường, mộng bình thường, Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ, Cây dài bóng xế ngẩn ngơ, Hồn em đã chín, mấy mùa thương đau; và, trái sầu rụng rơi. Nỗi sầu tượng hình qua trái chín rơi rụng. Tôi thích cách ví von như vậy. Thuật dùng chữ của Huy Cận thật tuyệt vời.
       Huy Cận là tên thật, họ Cù. Sinh tại làng Ân Phú, huyện Hương Sơn, nay thuộc về huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, vào ngày  31/05, năm 1919. Thân phụ của ông là nhà nho, đậu tam trường, làm hương sư, sau về quê dạy chữ Hán. Thân mẫu là một cô gái ở vùng quê có nghề dệt lụa truyền thống (xã Tùng Ảnh, huyện Ðức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Cả hai đều yêu văn chương và rất thuộc truyện Kiều. Ông tốt nghiệp trung học tại trường Quốc Học Huế, rồi tốt nghiệp Cao đẳng Nông Lâm tại Hà Nội, 1942. Thời học sinh ông đã nổi tiếng, có thơ đăng báo Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn (1938). Ông giỏi Pháp văn, mê văn chương Pháp. Năm 1938, Huy Cận đã được giải thưởng toàn Đông Dương (concours général) về Luận Pháp văn. Thời sinh viên, năm 1940, đã cho in tập thơ Lửa Thiêng, Đời Nay xuất bản, Xuân Diệu đề tựa, Tô Ngọc Vân trình bày. Đây là thời gian mà tên tuổi của ông lên cao trong sự nghiệp văn học của nhà thơ Huy Cận. Theo học giả Hoài Thanh nhận xét:
   "Ðời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng, ta đi tìm bề sâu.Nhưng càng đi sâu, càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận. "
Ông có nhiều áng thơ hay. Những bài như:
"Đêm mưa làm nhớ không gian,
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la …
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn.
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi…
Rơi rơi… dìu dịu rơi rơi…
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ...
Tương tư..."
(bài "Buồn Đêm Mưa")
       Trong bài thơ sau đây, ý thơ dễ thương, tình mất đi trong nuối tiếc:
"...Yêu biết mấy nếu có lần gặp lại!
Tôi vụng về, tôi ngơ ngác, nên chi
Người bên tôi mà để người đi,
Tôi làm nũng, quyết giữ lòng kiêu hãnh;
Người ở đó, tôi làm như ghẻ lạnh;
Người đi rồi, thôi mong mỏi gì đâu!
Những bàn tay đáng lẽ phải giao nhau,
Hờ hững thế! Không chịu cầm lưu luyến..."
(bài "Tình Mất")
     Khi yêu nhau người ta nhớ nhau, dành thời gian cho nhau qua ý tưởng, thi sĩ tặng người yêu cả buổi sáng trong lòng:
"Anh tặng em buổi sáng hôm nay
Có hoa sen nở hồ Tây trắng hồng
Tặng em trời mát như sông
Trong veo chảy giữa hai dòng cây xanh
Anh tặng em buổi sáng lòng anh
Có mây có nước có cành có hoa
Có mình và lại có ta
Trong hương sen ngát nở xoà lòng sen
Anh tặng em cả những..."
 (bài "Buổi Sáng Hôm Nay")
    Thi sĩ Huy Cận vốn là người của lãng mạn, của thủy chung. Tác phẩm Lửa Thiêng có điểm đặc sắc của nét Thơ Mới và được lồng trong thi phong cá biệt của Huy Cận. Cũng theo bài viết của nhà văn Đặng Tiến thì Huy Cận đã tự nhận định về mình: "Dòng thơ tôi luôn luôn nhất quán, đó là thơ của cuộc đời, của con người, lúc buồn nhất cũng không lạc vào thơ Loạn, thơ Điên. Trong thơ tôi, cảm xúc vũ trụ rất đậm nét, nhưng hòa quyện với cảm xúc về cuộc đời…".
     Là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào Thơ Mới, thơ ông có một bản sắc và phong thái đặc thù, ẩn chứa chiều sâu của hồn thơ, sự lãng mạn của thi vị. Thơ Huy Cận mang một nỗi buồn sâu lắng, miên man sầu não và nỗi buồn của "trái sầu rụng rơi".
    Tác giả của Lửa Thiêng, Huy Cận đã tạ thế tại Hà Nội, vào ngày 19 tháng 2-2005, thọ 86 tuổi.
Về Đinh Hùng:
Nói tới nhà thơ Đinh Hùng, chúng ta không thể bỏ qua bài thơ tuyệt tác của sự lãng mạn trong tình yêu, bài Tự Tình Dưới Hoa, mà sau này ông phối hợp với nhạc sĩ Phạm Đình Chương, đưa vào khung nhạc thành bài ca nổi tiếng mang tên "Mộng Dưới Hoa".
Sau đây là trọn vẹn bài thơ:
"Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng:
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng.
Mắt xanh là bóng dừa hoang dại,
Thăm thẳm nhìn tôi, không nói năng.
Bài thơ hạnh ngộ đã trao tay,
Ôi mộng nào hơn giấc mộng này ?
Mùi phấn em thơm mùi hạ cũ,
Nửa như hoài vọng, nửa như say.
Em đến như mây, chẳng đợi kỳ,
Hương ngàn gió núi động hàng mi.
Tâm tư khép mở đôi tà áo,
Hò hẹn lâu rồi - Em nói đi !
Em muốn đôi ta mộng chốn nào ?
Ước nguyền đã có gác trăng sao.
Truyện tâm tình: dưới hoa thiên lý,
Còn lối bâng khuâng: Ngõ trúc đào.
Em chẳng tìm đâu cũng sẵn thơ.
Nắng trong hoa, với gió bên hồ,
Dành riêng em đấy. Khi tình tự,
Ta sẽ đi về những cảnh xưa.
Rồi buổi ưu sầu em với tôi
Nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời.
Vai kề một mái thơ phong nguyệt,
Hạnh phúc xa xa mỉm miệng cười."
(Đinh Hùng, "Tự Tình Dưới Hoa")
   Theo nhà văn Nguyễn Đình Cường viết trong bài "Một Chút Giai Thoại Về Bài Hát Mộng Dưới Hoa", đăng trong báo "Văn Nghệ", số 7, năm 2001, bài viết được trích đoạn về nguồn gốc của bài hát phát xuất từ thơ như sau:
      "Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã đóng góp nhiều tác phẩm thật đẹp, như những hạt kim cương lóng lánh, vào kho tàng âm nhạc Việt Nam - đây tôi không có tham vọng trình bầy về sự nghiệp sáng tác phong phú và giá trị của ông, mà chỉ xin ghi lại một giai thoại nhỏ đã được chính ông kể trong một lần tôi chở ông trên xe khi đi thăm ca sĩ Hoài Trung đang nằm trong một bệnh viện ở Pasadena vào năm 1990 . Khi tôi hỏi về trường hợp sáng tác bản Mộng Dưới Hoa thì ông cho hay là khoảng năm 1957 gì đó, ông đọc tập thơ Đường Vào Tình Sử của Đinh Hùng, thấy bài Tự Tình Dưới Hoa hay hay, có nhiều hình ảnh đẹp, lời thơ có vẻ cổ điển ước lệ với mỹ nhân, với trăng sao, mây nước, suối rừng, mơ mộng, v.v...".
   Vì khung nhạc được nhạc sĩ Phạm Đình Chương ngân nga sáng tác xong, nhưng lời thơ của bài Tự Tình Dưới Hoa chưa được hoàn chỉnh ở phần điệp khúc, lý do vì thơ thất ngôn, mà nhạc lại xử dụng 6 nốt. Do đó,  thi sĩ Đinh Hùng đã thay đổi thơ lại cho phù hợp với bài hát cho trọn vẹn. Kết quả sau cùng, bài Mộng Dưới Hoa được hình thành do nổ lực của cả hai phía nhạc sĩ và thi sĩ.
Về tiểu sử của nhà thơ của Tự Tình Dưới Hoa được ghi nhận như sau:
    Đinh Hùng sinh ngày 3 tháng 7 năm 1920 tại làng Phượng Dực tỉnh Hà Đông. Ông có bút hiệu Thần Đăng khi làm thơ châm biếm, và Hoài Điệp Thứ Lang khi viết tiểu thuyết. Sau khi đậu xong Cao Đẳng tiểu học, ông bỏ ngang đi viết văn, làm thơ; chịu sự dẫn dắt của Thế Lữ, bắt đầu nổi tiếng nhờ thi phẩm Kỳ Nữ mà Thế Lữ in trong truyện Trại Bồ Tùng Linh. Năm 1954, Đinh Hùng di cư vào Sài Gòn, chủ trương nhật báo Tự Do. Ông mất ngày 24 tháng 8 năm 1967 tại Sài Gòn vì bệnh ung thư ruột.
    Những tác phẩm tiêu biểu của ông là: 2 tập thơ Mê Hồn Ca (1954) và Đường Vào Tình Sử (1961 - Giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc về Thi Ca năm 1962), tiểu thuyết dã sử Cô Gái Gò Ôn Khâu, Người Đao Phủ Thành Đại La,..., kịch Cánh Tay Hào Kiệt, Phan Thanh Giản.
      Sở trường của Đinh Hùng là nét thơ của hệ phái Tượng Trưng (symbolism). Thơ ông trau chuốt, gọt dũa, có nhiều ý hay lạ, dùng nhiều hình ảnh như trong bài Tiết Điệu Một Bàn Tay, và ngôn từ ma quái như trong bài Ác Mộng:
"...Ta muốn điên vì khóe miệng em cười,
Ta cuồng dại bởi nghìn câu em nói.
Nhan sắc ấy chớ nên tàn nhẫn vội,
Tình mất rồi! oán hận đã mênh mông.
Chớ thờ ơ! Ta nổi giận vô cùng,
Nhiều ác mộng hằng len vào giấc ngủ.
Ta quên hết! Ta sẽ làm Bạo Chúa,
Sống nghìn năm ngự trị một lòng em.
Cuộc ân tình ghê rợn suốt muôn đêm
Nào ai tiếc thương gì thân mỹ nữ!
Tay mỏi ôm sẽ dày vò nhung lụa,
Phấn hương nhàu, tan tác áo xiêm bay.
Ta bắt em cười, nói, bắt em say,
Ta đòi lấy mảnh linh hồn bỡ ngỡ..."
    Hay trong bài thơ điển hình cho nỗi điên loạn sau, thi sĩ đã đi xa thực tế khi diễn tả người tình trong huyền thoại ma quái:
"Bóng ta đi trùm khắp lối hoang sơ
Và chân bước nghe chuyển rung đồi suối
Trông thấy ta, cả cõi đời kinh hãi...
...Ta cười mỉm, bỗng thấy nàng che mặt
Ta giơ tay, nàng khiếp sợ lùi xa
Ta lại điên rồ, đau đớn, xót xa
Trong cô độc, thấy tình thương cũng mất..."

(Bài Ca Man Rợ)
  Đinh Hùng vừa là thi sĩ của phong trào Thơ Mới khi mới bộc khởi, rồi theo luôn sang thời hậu Thơ Mới. Ông là một thi sĩ có khuynh hướng thích thơ tự do ngay từ lúc còn rất trẻ:
"Ta ném bút , giẫm lên sầu một buổi
Xa vở bài , mở rộng sách Ham Mê
Đã từng phen trèo cổng bỏ trường về
Xếp đạo đức dưới bàn chân ngạo mạn..."
 (Thơ Mới Nhớn)
Thơ theo hệ phái tượng trưng, tượng hình:
"Anh sẽ tạc hình em nguyên khối ngọc
Tay tình si lén đặt giữa hồn sầu
Rồi những ngày dài, rồi những canh thâu
Từng giọt lệ nát nhàu vai cẩm thạch
Ý nhạc tâm linh, cung đàn thể phách
Xin ghi vào tiết điệu một bàn tay:
- Em hát anh nghe âm hưởng mến thương này."
(Tiết Điệu Một Bàn Tay)
     Trong số những thi sĩ có mặt từ thời tiền chiến, sau đó di cư vào Nam, Đinh Hùng là thi sĩ gần như duy nhất tiếp tục sáng tác thơ và đã để lại một gia tài thơ có giá trị xét cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Tôi thích chất thơ trữ tình của Đinh Hùng. Tính lãng mạn lãng đãng trong nhiều bài thơ của ông, ví dụ như bài Bao Giờ Em Lấy Chồng:
"Ôi biết bao giờ em lấy chồng?
Đầu thu hay cuối một mùa đông?
Bên người có ánh trăng, đèn mới,
Em nhận thơ lòng tôi nữa không?
Hoa nở cô đơn, bóng động thềm,
Vườn xưa còn thoảng chút hương em.
Xót xa lá cỏ vương mùi tóc,
Tà áo bay về, nhớ suốt đêm..."
       Này nhé, chút hương em, bao xót xa lá cỏ vương mùi tóc, để tà áo bay về, anh nhớ suốt đêm. Lời em bay bướm, để tưởng rằng em đã yêu. Vì ai làm đẹp mây trời thế? Đó là nét thơ đẹp trong thơ Đinh Hùng:
"Mà chẳng tình chung cũng hẹn nhiều,
Lời em bay bướm, tưởng rằng yêu.
Vì ai làm đẹp mây trời thế?
Tôi đợi tin thu sớm lại chiều.
Em ướp hương vào những giấy thư,
Tôi hôn lên chữ một đôi tờ.
Nghĩ rằng: Em gửi hồn thơm đấy,
Là bởi lòng kia đã ước mơ..."

Tôi vẫn thích bài hát Mộng Dưới Hoa:
"Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng:
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng.
Mắt xanh là bóng dừa hoang dại,
Thăm thẳm nhìn tôi, không nói năng..."
     Thi sĩ của Tình Tự Dưới Hoa chôn giấc mộng nhớ em khi hồn gói trọn trong manh áo nhớ. Nhà thơ của tình tư yêu đương:
"Em đi rồi! Then khóa cả chiêm bao,
Gầy vóc mộng, gói tròn manh áo nhớ..."
Lời cuối, bài viết này đã điểm qua hai nhà thơ có nhưng áng thơ tình lãng mạn, theo khuynh hướng Thơ Mới, thơ tự do. Đặc biệt hai ông cũng là tác giả hai bài thơ được phổ nhạc, để rồi hai bài tình ca bất hủ đã vào trong vườn hoa âm nhạc Việt Nam, và mãi mãi ngự trong tâm hồn tôi: Ngậm Ngùi Mộng Dưới Hoa.
Đóa Hoa Hồng
Ngậm Ngùi - Thơ Huy Cận 
 Phổ nhạc Phạm Duy - Ca sĩ Lệ Quyên

Mộng dưới hoa - Thơ Đinh Hùng  
 Phổ nhạc Phạm Đình Chương - Ca sĩ Elvis Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy Cuốn Anh hùng còn chi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa được NXB Hội Nhà văn ph...