Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Cùng mùa Xuân em hát câu tình ca

Cùng mùa Xuân em hát câu tình ca

Thế hệ nhạc sĩ trẻ đang là trụ cột của nền âm nhạc nước nhà dường như đã bỏ qua nhiều mùa xuân có thể gợi ra những cảm hứng mãnh liệt.
Mỗi độ xuân về, hòa cùng không khí đón năm mới tưng bừng, lòng người trở nên rạo rực hơn khi đâu đó vang lên những lời ca mùa xuân ngọt ngào và sâu lắng.
Nhiều năm nay, cứ mỗi độ xuân về lại vang lên giai điệu du dương “Happy New Year” của nhóm ABBA (Thụy Điển). Dẫu nhóm nhạc quốc tế ấy chỉ còn là huyền thoại, nhưng bài ca này của họ mãi còn vang lên. Thế nhưng “Happy New Year” có hay đến chừng nào thì cũng là của quốc tế, Tết cổ truyền dân tộc thì phải “ta về ta tắm ao ta” chứ. Có so sánh hơn thua thì cũng phải nghĩ “dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.
“Xuân và tuổi trẻ”
Ca khúc mùa xuân đầu tiên không thể không nhắc đến là “Xuân và tuổi trẻ” (La Hối - Thế Lữ). Nhạc sĩ La Hối là người Việt gốc Hoa, anh được biết đến như một nhạc sĩ khởi đầu trào lưu cho dòng tân nhạc tại Hội An. Năm 1945, nhạc sĩ La Hối mãi mãi nằm xuống với 25 mùa xuân cuộc đời, nhưng khát vọng tuổi trẻ của anh vẫn còn ngân vang cho đến hôm nay: ”Ngày thắm tươi bên đời xuân mới, lòng đắm say bao nguồn vui sống. Xuân về với ngàn hoa tươi sáng, ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…”
Sau ca khúc “Xuân và tuổi trẻ”, có khá nhiều bài hát về mùa xuân với sắc độ âm thanh mang hơi thở nhạc tiền chiến như “Đón xuân” (Phạm Đình Chương), ”Xuân họp mặt” (Văn Phụng), “Gái xuân” (Từ Vũ - Nguyễn Bính)… vẫn được hát với bao niềm riêng tư thầm kín. Riêng nhạc sĩ Văn Cao lại có bước trỗi dậy bất ngờ với “Mùa xuân đầu tiên”. Trước đây, công chúng gặp Văn Cao ở một “Bến xuân” đắm đuối, thì sau 30 năm ngừng sáng tác, những tiết tấu cứ đẩy đưa trong lòng con người tài hoa ấy để mùa xuân năm 1976 bật lên “Mùa xuân đầu tiên”. “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường thành mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên, với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông, một trưa nắng cho bao tâm hồn…”
Với “Mùa xuân đầu tiên”, ca sĩ Thanh Thúy đã mang đến cho người nghe một món quà đầu xuân thật ấm áp. “Sài Gòn mùa xuân còn thoáng lá vàng bay, có mùa thu nào đang ở lại” - Thành phố mùa xuân, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn cảm nhận mọi vật bằng cảm xúc chân thành và độc đáo của mình, kể cả đối với mùa xuân. Ca khúc trữ tình của Trịnh Công Sơn, luôn đượm một nét buồn như “Hoa xuân ca” si mê và vắng xa. “Cây sẽ cho lộc và cây sẽ cho hoa... Xuân đến bên kia đồi trời mở ra cánh én. Em đến bên tôi ngồi đời mở ra cuộc tình...”
Thị trường mới quên mùa xuân cũ?
Những nhạc sĩ sống và viết tại TP.HCM từng có một bộ sưu tập các ca khúc mùa xuân dày dặn, như “Mùa chim én bay” (Hoàng Hiệp - Diệp Minh Tuyền), “Tình ca mùa xuân” (Tôn Thất Lập), “Mùa xuân bên cửa sổ” (Xuân Hồng)… Nhu cầu thị trường lắm khi khắc nghiệt thường vô cớ lãng quên những sáng tác này.
Ngay cả một ca khúc được nhiều người yêu thích “Lá thư ngày Tết” (Trần Long Ẩn), những ai muốn thưởng thức lại cũng phải chờ đợi chương trình ca nhạc của Đài truyền hình Việt Nam hay lục tìm băng đĩa cũ. “Ngày Tết đến được thư em là niềm vui bất ngờ. Ngày Tết đến rất nhớ em tựa một nỗi nhớ nhà…”
Thế hệ nhạc sĩ trẻ dường như đã bỏ qua nhiều mùa xuân có thể gợi ra những cảm hứng mãnh liệt. Nhạc sĩ Phú Quang có bài “Rock buồn” nghe hơi… buồn. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên lấy cớ “Theo em lên đồi chiều xưa” dễ… đi lạc. Nhạc sĩ Bảo Chấn có “Hoa cỏ mùa xuân” với niềm tự hào phơi phới: ”Người vừa hiền khô dễ thương, lại vừa đẹp trai nhất vùng, đến theo cùng hoa cỏ mùa xuân…”
Tâm Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tản mạn viết

Tản mạn viết Tôi thường rất có cảm hứng viết vào buổi sáng. Cứ sau một ly cà phê, một ấm trà, một đoạn nhạc, có khi là vài trang sách, thì b...