Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

Bản du ca mùa đông

Bản du ca mùa đông
Chạy quanh Hồ Tây là chuỗi đường hẻm đuổi nhau sau các khóm lau sậy um tùm hoặc những dải đường mòn giữa các lùm cỏ uốn lượn quanh co, tô điểm cho các vườn ươm cây cảnh.
Vết tích chiến tranh vẫn còn đó. Thi thoảng lại thấy một lô cốt của lính Pháp nhô ra mặt hồ, còn đứng lừng lững với những lỗ châu mai sâu hoắm hướng ra phía hồ như vẫn sẵn sàng khạc đạn uy hiếp những tốp du kích từ đâu đó thâm nhập, gây kinh hoàng cho binh lính trong các đồn bốt mà quân Pháp trấn đóng quanh đô thành.
Những ngày chiến tranh đã qua hơn một năm rồi, kể từ khi những người lính Pháp cuối cùng tiếp nối nhau qua Cầu Long Biên về tập kết ở Hải Phòng trước ngày xuống tầu vượt đại dương vào Nam [1]. Cuộc chiến chống Pháp chấm dứt từ hôm ấy. Người dân Hà Nội hồ hởi đón mừng cuộc sống trở lại yên lành như thời thái bình thịnh trị của thành Thăng Long xưa.
Cửa hàng cửa hiệu nhộn nhịp trở lại. Xưởng thợ lại ro ro tiếng máy vọng ra đường phố xen lẫn tiếng chuông xe điện leng keng. Trường học lần lượt mở cửa đón học sinh nhộn nhịp. Các trường đại học cũng tuyển sinh trở lại… Tất cả đang hứa hẹn một cuộc sống tươi mới rộn rã.
Sau cả tuần bù đầu sách vở, sớm chủ nhật nào cũng vậy, từng tốp sinh viên, học sinh đạp xe len lách giữa những bụi lau sậy, vòng quanh Hồ Tây, làm một cuộc picnic. Mỗi tốp lên đường mang theo một sở thích.
Lố nhố các tốp xe đạp trên đường Cổ Ngư [2]. Tốp thì mang quần vợt và các túi bóng tennis. Họ đạp một vòng quanh hồ rồi dừng tại sân quần vợt Trường Chu Văn An. Tốp thì đèo theo túi lưới lộ rõ những trái bóng đá. Họ đạp hết vòng hồ, rồi dừng ở sân bóng Quần Ngựa. Tốp khác mang đàn… ghi-ta và accooc [3]. Mấy chú nhóc còn mang theo kèn acmonica.[4]
Picnic quanh Hồ Tây là một hành trình vĩ đại. Từ sớm tinh mơ, những đoàn xe đạp lố nhố. Đủ kiểu xe. Xe nam. Xe nữ. Xe đua… Đủ loại người. Thanh niên. Thiếu nữ. Thêm cả mấy chú choai. Mỗi người mang vài ổ bánh mì pa-tê, hoặc một hộp ghi-gô [5] xôi, cho vào ba lô, sà-cột đeo ngang hông, buộc bi đông nước vào khung xe…, lỉnh kỉnh, nhưng hào hứng. Và thế là … lên đường. Mấy chú nhóc cũng đeo những ba lô tí hon, vừa đạp xe vẹo sườn… vừa nghêu ngao “Ngày nào năm xưa em còn bé tí teo. Nằm cạnh bên mẹ em bé hơn con mèo. Ngày nào năm xưa em còn khóc í e. Đòi mẹ mua bánh, bánh đâu bé nhè.”
Nhóm bạn bè gặp nhau không ước hẹn. Họ là những cô gái, chàng trai Hà Nội, có người còn trẻ măng, có người đã không còn trẻ nữa. Các anh chị lớn tuổi là sinh viên. Vài anh chị là học sinh Chu Văn An, có cô nữ sinh Trưng Vương, có anh từ mấy trường ở Hải phòng cũng lên nhập bọn; Một nhóm vốn là học sinh Hà Nội tản cư [6] tít mít tận các chiến khu kháng chiến trở về. Hai anh từng học trường Hùng Vương, Phú Thọ. Một anh nữa học trường Huỳnh Thúc Kháng, Nghệ An. Một anh lạc loài, lớn tuổi nhất, gọi là anh Hoàng, vốn học Chu Văn An, sau vào trường thiếu sinh quân Việt Bắc, học xong gia nhập bộ đội tình nguyện Lào, sau hòa bình trở về Hà Nội. Cả nhóm giao du với nhau, rồi thi vào những trường đại học ở Hà Nội. Họ hẹn gặp trên bãi cỏ đầu ngõ vào làng Võng Thị, chỗ gần chùa Tĩnh Lâu, dân làng gọi là Chùa Sải. Bãi cỏ xanh mượt mà, nhìn ra Hồ Tây sóng biếc, thơ mộng.
Bờ hồ bên kia, chếch bên phải một chút là dãy mái ngói đỏ của Trường Chu Văn An lấp ló sau vài khóm lau ven hồ.
Anh Hoàng lặp đi lặp lại câu chuyện thời xa xưa của Trường Chu Văn An. Thời ấy người Pháp đặt tên trường là Trường trung học Bảo hộ, tiếng Tây là Lycée du Protectorat, gọi tắt là Lypro. Anh học lớp Đệ Tam, còn hai năm nữa hết bậc tú tài. Lớp học sinh hồi ấy đầy nhiệt huyết, hòa trong các phong trào yêu nước chống Pháp. Trong một lần mít tinh, nhà đương cục Pháp đến nói một chuyện gì đó xúc phạm những người yêu nước. Thế là một anh đứng bật dậy… giơ cao tay mạnh mẽ như kiểu hô khẩu hiệu,.. Les enfants de Lypro![7] Cả hội trường nhất tề đứng dạy, đồng thanh Debout! [8]… Ngày hôm sau có lệnh bắt anh. Cứ mỗi lần kể lại câu chuyện, mắt anh đều ánh lên một niềm hãnh diện, là đứa con của Lypro. Cũng từ lúc nào đó, mọi người gọi anh là Hoàng Lypro.
Đầu tiên nhóm chỉ có bốn năm người. Một anh kéo accooc, tên là Quý, mọi người gọi là Quý accooc. Một anh tên Hùng, có giọng nam cao, nên gọi là Hùng tenor. Một cô bạn tên Quỳnh, học sinh Trưng Vương, có giọng nữ trung, nên gọi là Quỳnh mezzo… Phút chót thêm chú nhóc chẳng biết tên gì, học trường nhạc gần Cửa Nam, nên gọi là chú Nhóc trường nhạc. Trẻ con vây quanh xem cả hội đàn hát. Chủ nhật sau xuất hiện vài ba người nữa, thêm một cây ghi-ta… Dần dần nhóm có đến hơn chục người. Trẻ con từ các ngõ ngách trong làng Võng Thị kéo ra, líu tíu vây quanh.
Thế là thành một nhóm du ca. Nhóm du ca họp với nhau vào mùa đông, nên họ ngẫu hứng đặt tên là Nhóm Du ca Mùa Đông.
Bài ca được mọi người tán thưởng đầu tiên là sáng tác của cựu học sinh Hà Nội Huy Du, Sẽ về thủ đô. Họ hát để sống lại những tháng năm trên chiến khu Việt Bắc ngóng trông ngày trở lại Hà Nội… Bọn học sinh Hà Nội không về chiến khu cũng thích bài hát này, vì ca từ thiết tha, mượt mà, như vang lên từ đáy con tim người Hà Nội. Tiếng đàn accooc của Quý lấp lánh… Bài hát kỳ lạ. Mỗi lần cất tiếng hát là một lần có bạn gái rút khăn thấm nước mắt. Những tràng vỗ tay cổ vũ, rồi có tiếng “Bis. Bis” [9].
Thế là nhóm lại đồng thanh cất tiếng hát… “Ai về thủ đô tôi  gửi vài lời… nghe có tiếng hát láy…cho tôi gửi vài lời…” Và có những lời ca tiếp sau “Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó. Đây chợ Đồng Xuân bên dòng Nhị Hà. Đi học về qua luôn hát vui ca.”
Tiếng đàn im. Mọi người nín thở. Chờ đợi. Rồi khoan thai. vọng lên óng ả giọng của Quỳnh mezzo… “Đây Hồ Hoàn Gươm bên nhịp cầu hồng. Khi chiều dần buông tôi hay qua đó…” Mọi người im bặt. Quý accooc kéo mạnh hơi cho âm thanh lớn hơn… Quỳnh mezzo chậm rãi, giọng trầm xuống, êm ả…“Hoa phượng hè vui in đỏ đường dài. Tô đậm lòng tôi năm tháng khôn nguôi.”
Quý  accooc nín hơi lấy sức… Buông tay khỏi phím, rồi vẫy tay bắt nhịp. Đập mạnh tay vào bàn phím, anh ta nghển cổ lấy hơi…, và hát bằng giọng trầm hùng theo nhịp đàn “Đô thành kháng chiến”. Anh ta đập mạnh chân… “Sôi sục phố phường.” Anh lại dướn người lên mạnh mẽ… “Sông Hồng kia dâng sóng cùng quê hương.” Rồi lại dướn cao hơn nữa, lấy hơi… “Lên đường kháng chiến tiêu diệt quân thù. Năm cửa ô reo bước quân ca vang”.
Cả nhóm cất vang đồng thanh hùng tráng “Cất bước ra đi chiều năm xưa. Dặm dài kháng chiến (ư) quên ngày về. Bụi đường trường chinh pha mái tóc. Vẫn nhớ khi đi ghi lời thề…”
Hát xong, Hoàng Lypro, vẫn ôm ghi ta, mắt mơ màng nhìn những ngọn sóng bạc của Hồ Tây, long lanh rớm ướt… Các bạn ạ. Cuối năm bốn tám đầu năm bốn chín [10], chúng mình được nghe bài hát này lần đầu. Anh em trong lớp cứ nhập tâm hát mãi vì ca từ sao mà đằm thắm. Nó đúng với tâm trạng lớp học sinh xếp bút nghiên lên chiến khu kháng chiến. Từ sau ngày tiếp quản thủ đô, không thấy bài này được hát vì trong một cuộc chỉnh huấn có giảng viên cao giọng phê phán rằng, nó mang tâm tình “tiểu tư sản”. Thú thật chúng mình đâu có biết “tiểu tư sản” là cái gì…, chỉ thấy rất buồn, nhớ Hà Nội xưa, và mãi đến sau này cứ phải chờ dịp gì đấy, chẳng hạn, kỷ niệm ngày về thủ đô để được nghe đài và những buổi ca nhạc ở Nhà Hát lớn, hy vọng được nghe lại bài hát này. Ôi! nó bồi hồi, xúc động. Gợi nhớ một thời lớp thanh niên Hà Nội hào hoa xếp bút nghiên đi kháng chiến, vô tư và hồn nhiên đến mức quên ngày về! Nhưng dù gian khó, tâm hồn lãng mạn vẫn hẹn nhau ngày về. Xúc động lắm. Nó gợi lớp trẻ nhớ về một thời những chàng trai cô gái Hà Nội hào hoa đi vào cuộc kháng chiến bằng những tình cảm vô cùng trong sáng.
Là lại rộn lên “Bis. Bis”
Quý ôm accooc dạo vài phím… Anh ta đàn một mạch, như thể độc tấu Sẽ về Thủ đô, không ra hiệu cho mọi người hát… Mọi người tưởng anh dạo nhạc quá đà… Nhưng hết bài… tự dưng nghe lạc hẳn, chuyển sang một giai điệu hoàn toàn khác. Hết bài này, lại đến bài khác.
Quỳnh ra hiệu cho Quý dừng lại. Anh chàng kéo bi-đông nước cột vào khung xe đạp, ngửa cổ tu một hơi. Quỳnh mở hộp ghi-gô xôi xéo mang từ nhà đi mời mọi người. Anh Hoàng ghi-ta chìa tay nhận một thìa đầy xôi của Quỳnh mezzo, vỗ gọn vào miệng. Dù tiếng accooc đã ngừng, mấy cậu bé vẫn vừa nhai, vừa hát, vừa khoát tay, đánh nhịp chân và hát. Một chú tinh nghịch đặt ngửa cái mũ kê-pi xuống nền cỏ. Một chú ném mấy đồng xu lấp lánh ánh bạc vào lòng mũ. Chú nữa lên tiếng: “Xu ném vào mũ rồi đấy. Các ca sĩ hát đi!”
Vài tuần sau lại thấy nhóm du ca kéo đến. Bọn trẻ trong làng Võng Thị lại kéo đến kín bãi. Tiếng accooc vang mặt hồ. Thi thoảng có tiếng bàn tay đập vào mặt đàn gỗ… Tiếng ai đó cất lên hòa lẫn tiếng ghi-ta. Cả nhóm hát vang, oai hùng như tiếng chân của đoàn quân xung trận… Thế rồi cả nhóm dừng lại, cười vui râm ran, lôi bánh mì và nước uống, chia cả cho bọn trẻ từ trong làng ra góp vui đàn hát…
Bỗng dưng anh chàng Quý ngồi bệt xuống nền cỏ, rồi từ từ ngả lưng trên bãi,… vẫn nằm ôm cây đàn accooc trên ngực. Bỗng anh đột nhiên anh kéo mạnh cây đàn, vừa khẽ ngân nga, kéo cả hội cùng hát theo.
“Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống.
Anh dừng lại, đột nhiên lên giọng hào hứng… Đây chính là “Hội ca” của chúng ta, của Nhóm Du ca Mùa Đông… Nhóm du ca của chúng ta gặp nhau vào mùa đông. Chọn bài hát Đêm đông là quá chuẩn… Chúng ta gọi là Bản Du ca Mùa Đông nhá. Nào… Anh chàng vẫn nằm trên cỏ, đập tay mạnh lên bàn phím của accooc, ngồi nhổm dậy, chống một chân trong tư thế như anh lính quỳ bắn súng trên bãi tập, rồi đứng thẳng, vẫn ôm cây accooc, và cất tiếng hát từ đầu, Bản Du ca Mùa Đông.
Chiều chưa đi màn đêm buông xuống.
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông.
Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời.
Cùng mây xám về ngang lưng trời.”
Tự nhiên mọi người có cảm giác như mặt hồ đóng băng. Chết lặng trong cảm xúc đằm thắm. “Thời gian như ngừng trong tê tái. Cây trút lá cuốn theo chiều mây. Mưa giăng mắc nhớ nhung, tiêu điều. Sương thướt tha bay, ôi đìu hiu!… Đêm đông... Ôi ta nhớ nhung đường về xa xa…”
Quý ngân nga và lắc nhẹ đầu, bên trái, rồi bên phải, rồi ngửa cổ như để lấy hơi hứng chí nhắc lại… “Đêm đông…Ôi ta nhớ nhung đường về xa xa…” Thế là cả nhóm cao giọng đồng thanh, riêng Hoàng ghi-ta thì hát âm vang nhất với giọng trầm trầm buồn buồn.
Bỗng nhóm du ca lặn mất tăm. Mãi hai tuần sau mới quay lại. Bọn trẻ trong làng lại kéo ra. Lần này có hiện tượng mới, rất mới… Anh chàng Quý accooc đi cùng với em Quỳnh mezzo. Đến bãi cỏ hai người dừng lại. Quý ngồi ghếch trên yên xe, chống một chân xuống đất, tháo cây accooc khỏi vai, đặt phịch xuống nền cỏ. Rồi cả hai buông xe, đứng sát nhau. Lướt nhìn một vòng mọi người, cười hi hi:
Các bạn hôm nay vui quá nhỉ!
Có tiếng hưởng ứng của Hoàng ghi-ta:
À. Vui vì sự kiện này đây - anh ta vừa nói vừa lướt bàn tay qua hai người mới đến, hướng về Quỳnh mezzo trước và dừng lại ở Quý accooc. Cả hội cùng cười rộ.
Quý cười hưởng ứng, ôm vai Quỳnh lắc lắc làm cô bé đỏ mặt, gỡ tay Quý khỏi vai và ngồi phịch xuống thảm cỏ, lảng chuyện:
Các anh chị ăn xôi nhá. Hôm nay Quỳnh có xôi lạc lạp xường này.
Thế rồi Quý ôm accooc. Lại ngân nga… “Chiều chưa đi màn đêm buông xuống…”
Cuộc sống những tưởng từ nay cứ như thế yên bình. Bãi cỏ trước ngõ hẻm vào làng Võng Thị trở thành nơi hẹn hò thân thương của nhóm du ca.
Nhưng rồi, … khi kết thúc chiến tranh cũng là bắt đầu không khí bận rộn của cách mạng. Xuất hiện những chiếc loa cỡ đại trên cột điện. Loa phát liên hồi các bài giáo huấn, nhắc mọi người luôn nhớ truyền thống của chiến tranh. Mấy đoàn ca múa nhạc, gọi là “của các nước anh em”, như Trung Quốc, Triều Tiên, rồi xiếc Liên Xô… đến Hà Nội, mang tình hữu nghị của bè bạn đến với dân ta. Học sinh, sinh viên thủ đô dang tay đón họ đầy ngưỡng mộ, như nhìn thấy tương lai của chính đất nước mình.
Đường phố dồn dập các sự biến. Cách mạng không chấp nhận mọi thứ của trật tự cũ, phải xóa bỏ hoàn toàn trật tự của tư bản và phong kiến.
Trường học nhộn nhịp phong trào, hết văn hóa, thể thao, lại đến phong trào thi đua …, rồi những cuộc về nông thôn, vừa để lao động cải tạo tư tưởng, vừa để giúp đỡ nông dân…
Các trường nháo nhác. Thi thoảng một vài sinh viên mất tích. Bạn bè không biết nhà trường đã làm gì với họ. Chỉ thấy một số bạn đột nhiên bặt tăm, không có mặt ở lớp… Bạn nọ ngơ ngác hỏi bạn kia… không ai biết… Dần dần mới vỡ ra các nhẽ.
Một anh đột nhiên không đi học. Mãi cả tháng sau mọi người mới biết, nhà trường đã phát hiện, anh đã từng là nhân viên gì đó, đại loại là thư ký đánh máy trong một đơn vị hải quân của Pháp. Thế là nhà trường phải thải loại. Trong các cuộc học tập chính trị tập trung, nhà trường giải thích, là đề phòng địch cài người luồn sâu leo cao. Vì nhà nước mở trường là để đào tạo cán bộ phục vụ trong các cơ quan của nhà nước. Tốt nghiệp xong là vào làm việc cơ quan, thành nhân viên nhà nước suốt đời.
Báo chí tới tấp đưa tin cuộc nổi dậy làm cải cách ruộng đất. Giải phóng rồi thì đến cách mạng dân cầy, rồi cải tạo tư sản, … phải xóa bỏ buôn bán tư nhân, triệt mầm mống của tư bản, … anh bán phở, chị bún riêu, thợ cắt tóc, thợ đóng giầy… nhất nhất cũng phải là cán bộ nhà nước hoặc xã viên hợp tác xã.
Mọi thứ đều sôi động. Giống như đều bị cuốn vào các trận chiến.
Đến lượt hai anh bạn học sinh của nhóm du ca bị đội cải cách [11] ở quê nhà gọi về, không được tiếp tục đi học nữa. Một trong hai anh đó, chính là Quý accooc. Họ mất tăm từ đấy. Không ai biết các anh ấy đi đâu. Sau mới nghe nói, các cụ thân sinh của họ là địa chủ, bị đưa ra đấu tố, và kết quả là con cái nhà địa chủ không thể được học trong các nhà trường cách mạng.
Hoàng nghe mấy bạn kể chuyện thì chột dạ, tại sao nhà Quý là địa chủ? Hoàng biết gia đình họ. Nhà anh ta chỉ có hơn mẫu ruộng [12]. Cũng có một con bò. Bố anh ta tự đi cày, đi bừa. Mẹ vẫn đi làm đồng. Các em vẫn đi chăn bò, cắt cỏ. Gia đình Hoàng còn hơn hẳn nhà Quý, rất có thể cũng sẽ vướng vào thành phần địa chủ, mà có khi còn tồi tệ hơn. Anh lo lắng ra mặt. Nhân chủ nhật, Hoàng đạp xe ra bến xe Hàng Lọng [13], chất xe đạp lên nóc một xe khách về quê. Anh đạp một mạch từ thị xã về gần làng thì gặp thầy giáo cũ. Kín đáo kéo vào một góc nghĩa trang bên đường, thầy giáo hỏi “Cậu biết gia đình thế nào mà về? Nguy hiểm lắm”. Thầy khuyên anh quay trở lại thị xã tìm nhà quen hỏi thăm. Xem có ổn không?
Hoàng quay trở lại thị xã. Hỏi ra, gia đình anh thuộc thành phần địa chủ, mà là loại địa chủ cường hào gian ác và tay sai đế quốc. Anh lạnh người. Họ nhầm lẫn? Câu chuyện cứ như đùa.
Anh lần từng đoạn. Ông nội làm công chức của Pháp. Ờ. Tay sai đế quốc. Một lần tranh luận với một đồng sự người Pháp, cụ bị anh ta thộp ngực. Nghe anh ta chửi “Dân mọi … Đồ lợn anamit”. Cụ uất. Đứng thẳng người chộp bàn tay viên quan chức Pháp, vặn một vòng và tát thật mạnh vào mặt anh ta. Nhà đương cục Pháp đương nhiên phải bênh người của họ. Cụ bị đuổi việc. Cụ dốc vốn liếng mua một dãy nhà rẻ tiền cho học sinh trọ học ngay tại thị xã quê hương anh. Ờ. Tư sản nhà cửa. Khi vốn liếng khá hơn, cụ về quê tậu mấy mẫu ruộng định theo đuổi nghề nông. Ờ. Địa chủ là đúng rồi. Nhưng rồi họ hàng kích động, cụ đã mang văn tự ruộng đi cầm cố ở một nhà địa chủ để có tiền chạy đua giành chức lý trưởng. À. Thế là muốn ngoi lên cường hào. Nhưng rồi cụ bị thua. Trắng tay. Thành vô sản.
Mới đầu, Đội qui gia đình anh là bần nông. Nghe hợp lí. Nhưng rồi Đội xét lại. Nhà ông nội từng có mấy mẫu ruộng, nên phải địa chủ. Ngẫm ra cũng chẳng sai. Rồi đội nối dài thành phần của cụ, … phải là cường hào, phải là tư sản, phải là tay sai đế quốc. Đội nhắc đi nhắc lại là đường lối chủ trương đấu tranh giai cấp địch ta sáng suốt.
Ngẫm lại, đội xét gia đình ông nội là bần nông, vô sản, hay địa chủ đều đúng cả. Và tất cả cũng đều vớ vẩn cả. Vớ vẩn vì nhà anh là bần nông. Rồi vẫn vớ vẩn vì lại là địa chủ. Nghĩ mà thấy hài hước như đùa. Xã hội toàn những chuyện hài hước như đùa. Nông dân được đội “phát động giác ngộ lập trường giai cấp”, tố giác trăm thứ “Giá mà” của ông nội…
Anh nghe đủ các thứ “Giá mà” ấy: Giá mà ông nội thắng chức lý trưởng thì cụ chắc chắn là cường hào ác bá; Giá mà ông nội không mang ruộng cầm cố để giành chức lý trưởng thì cụ có rất nhiều ruộng, phải là địa chủ mới đúng; Giá mà ông nội không bán nhà để về quê tậu ruộng thì chắc chắn cụ là tư sản nhà cửa. Giai cấp tư sản là chắc chắn; Giá mà ông nội không tát viên quan người Pháp, thì cụ cứ yên vị là tay sai của đế quốc thực dân… Tất cả cái “Giá mà” được cộng lại, và đội đã xếp gia đình anh là đối tượng nguy hiểm nhất của cách mạng. Xét tội cụ, rõ ràng nặng gấp mấy lần ông Cửu Kiên cùng làng. Cứ như ông Cửu Kiên chỉ có một tội là mở công ty buôn bán đồ mỹ nghệ với người Pháp. Ông can tội cấu kết với đế quốc thực dân. Một hôm, công ty của người Pháp về làng làm việc, ông cho dựng cổng chào đón đoàn trước cửa ra vào phòng khách với dòng chữ Pháp “Bienvenu” [14], mà sau cũng bị kết tội gián điệp, bị bắt cóc, rồi bị bó vào chiếu, buộc đá dìm xuống sông thủ tiêu mất xác.
Với những điều nông dân tố giác với đội cải cách, gia đình Hoàng đã có một thành phần rất chi phức tạp, là … địa chủ cường hào, kiêm tư sản, lại làm tay sai cho đế quốc. Thật đúng. Và cũng thật ngớ ngẩn. Hoàng càng như loạng choạng trong hầm tối. Kêu ai bây giờ. Lộ mặt ra là bị bắt. Rồi bị đưa đi biệt xứ. Đành cam chịu. Rồi anh chép miệng “Họ ngớ ngẩn là phải, vì họ là những cốt cán ngoi lên từ cách mạng, họ theo lệnh của cấp trên…” Mà cấp trên là ai mới được chứ? Nghĩ cho cùng, dù là ai, thì cấp trên cũng chẳng hơn gì mấy anh cấp dưới. Cấp trên của họ cũng từ loại người như họ mà đi lên.
Nhưng rồi cái thứ ngớ ngẩn ấy được ghi vào một tờ giấy gọi là lý lịch. Mà đâu chỉ mình anh. Toàn dân này như thế. Mọi người đều mang cái lý lịch ngớ ngẩn do mấy anh đội gán chạy dài cả cuộc đời. Cuối cùng, các thứ thành phần ghi trong bản lí lịch do loại người ấy cắt đặt trở thành căn cứ để được phân biệt đối xử và được ban phát các “chế độ” trong làng, ngoài nước.
Vài tuần sau, nhóm du ca vắng thêm hai người, Hùng tenor và một anh chàng nữa. Các bạn hỏi nhau. Không ai biết. Mọi người nghĩ các bạn ốm, rủ nhau đi thăm. Đến nhà nào cũng gặp những con mắt nghi kị. Nài nỉ mãi, mọi người trong nhà mới bật ra một câu hỏi đầy sợ sệt… “Thưa các ông bà gia đình chúng tôi phải làm gì?”. Gặng hỏi mãi, các gia đình mới tin là bạn bè đến hỏi thăm, và cho biết hai anh bị đuổi học, bị đưa đi biệt tích ở đâu không rõ, vì can tội tham gia mấy tạp chí Giai Phẩm của sinh viên, hết Giai phẩm Mùa Xuân lại đến Giai Phẩm Mùa Đông. Sau khi đọc đầy hứng thú Giai phẩm Mùa Xuân hai anh chàng rủ nhau lọ mọ đến Tòa soạn cởi mở tâm tình tán thưởng, rồi trở thành cộng tác viên của Ban biên tập Giai phẩm. Mấy anh bị liệt ngay vào nhóm Nhân văn - Giai phẩm. Hai anh mất tăm từ đó.
Cô bạn Quỳnh mezzo đi lấy chồng. Ông chồng không phải là Quý accooc. Cả nhà không cho đợi Quý accooc. Quý mất tích đi đâu không rõ. Anh ta lẳng lặng bỏ đi vì thấy mình hèn kém với thân phận là con cái địa chủ. Không có với Quỳnh một phút chia tay, cũng không nói với Quỳnh một lời vĩnh biệt. Quỳnh không nói được nửa lời. Yên lặng. Không thể lộ cái lai lịch liên quan với gia đình địa chủ.
Cuối cùng bị gia đình dồn ép… Con gái có thì… Quỳnh lấy một ông là thầy giáo cũ của cô. Ông dạy toán. Một lần nhân giảng về định lý Pythagore, ông cười cười kể chuyện thầy Pythagore yêu học sinh… Mọi người trong lớp nhận ra, cứ mỗi lần nói đến chuyện này, ông lại hướng về cô ta, coi bộ rất tình cảm. Thế là mọi người trong lớp bình luận, ông muốn nhắn nhủ với cô bạn Quỳnh, là ông yêu cô ta… Rồi mỗi lần những đứa trong lớp gặp cô, luôn cười cười hỏi … như móc máy “Mày học thuộc định lý Pythagore chưa ?”
Thế mà thành chuyện thật. Sau khi Quỳnh tốt nghiệp trung học một thời gian, ông thầy đã cưới cô ta làm vợ. Cô bỏ học ở nhà mở lớp dạy thêu ren. Rồi cô đẻ cho ông một đứa con gái. Ít năm sau ông bị ung thư chết. Đứa con gái bỏ không làm thêu ren với mẹ, theo bạn bè vượt biển trốn đi nước ngoài. Cô bơ vơ. Thi thoảng lại cất tiếng hát những bài hát của nhóm du ca, với cô là một kỷ niệm đẹp và một quá khứ đã bị chôn vùi vĩnh viễn.
Một chủ nhật, nhóm du ca hẹn họp mặt tại nhà một anh bạn. Họ bàn tán đầy lo lắng và phẫn nộ … về một chuyện. Lo lắng và phẫn nộ với bọn Tàu Cộng, mà một số người vẫn đinh ninh “Bốn phương vô sản đều là anh em”… Thì ra chẳng có anh em nào hết. Chúng vẫn là một bè lũ tầu ô, như hồi bốn lăm nhớp nhúa, bê tha trên đường phố. Chúng vẫn ngông nghênh như ngàn xưa vẫn vậy. Không khí chiến tranh tràn ngập thủ đô. Sinh viên, học sinh nghỉ học. Họ được điều động đi đào hầm và đắp chiến lũy để xây dựng Phòng tuyến Sông Cầu cắt ngang tỉnh Hà Bắc [15], tạo một vành đai bảo vệ phía bắc Hà Nội. Câu chuyện gợi nhớ lại Phòng tuyến Sông Cầu của Lý Thường Kiệt ngăn chặn quân xâm lược Tống từ mấy trăm năm trước.
Đến một buổi họp mặt khác, các bạn nhóm du ca chuyền tay nhau bức thư viết chung của Hoàng Lypro và Quý accooc. Thì ra, dù nhóm du ca tan tác, hai anh vẫn giao du với nhau – một anh là con nhà địa chủ, một anh là con nhà địa chủ-tư sản-cường hào-gian ác … tay sai đế quốc thực dân. Hai anh rủ nhau vượt sông Bến Hải để vào Nam vào một đêm tối trời, nhưng bị bắt, bị giam ở Hỏa Lò. Sau được một ông chú của Hoàng, là phó giám đốc một sở, đứng ra bảo lãnh. Được tha, nhưng bị đuổi học. Hai anh bàn nhau ra làm công nhân mỏ, và giờ đây, hai anh chào mọi người để lên biên giới. Chừng nửa tháng sau, bạn bè còn nhận được bức thư thứ hai của hai người, báo tin họ ở chung một đơn vị. Các anh không quên nhắn nhủ lời hẹn ước sớm về hội ngộ với nhóm du ca.
Rồi cả nhóm được tin cả đơn vị của các anh đã tan tác trong hai trận nã pháo liên tục của bọn Tàu từ bên kia biên giới.
Các thành viên của nhóm du ca bây giờ tan tác. Họ đi đâu không ai hay biết. Nhưng rồi xuất hiện các trang mạng internet. Một người trong nhóm du ca mở ra một trang mạng, đặt cái tên gợi nhớ những tình cảm của nhóm du ca đã chìm trong năm tháng…, trang mạng mang tên “Bản Du ca Mùa Đông”. Khi bật lên thì nổi lên giai điệu tha thiết “Đêm đông ôi ta nhớ nhung đường về xa xa” Người sáng lập trang mạng không phải ai khác, mà chính là chú nhóc trường nhạc Cửa Nam ngày trước cùng với chị Như Quỳnh Mezzo. Chú kêu gọi các anh các chị nhóm du ca liên lạc với nhau qua trang mạng để ôn lại những kỉ niệm vui buồn.
Các thành viên của nhóm du ca được cơ hội thường xuyên gặp gỡ hàn huyên nhờ sáng kiến của chị Quỳnh và chú nhóc trường nhạc. Cũng nhờ trang mạng mà rất nhiều tin tức được mọi người chia sẻ. Mọi người có dịp tìm lại những sự kiện đã lùi xa vào quá khứ. Trang mạng đưa tin “Các anh hy sinh vào một ngày đầu thu trong chiến đấu chống quân xâm lược và được phong liệt sĩ”; Một đoạn khác viết “Hai anh đã hy sinh khi đang chiến đấu bảo vệ đồng đội và người dân khỏi quân xâm lược từ bên kia biên giới”; Một đoạn khác nữa tường thuật “Hai anh đã hi sinh khi đang chiến đấu bảo vệ đồng đội”; Một trang mạng khác nói “Các anh bị sát hại vì những tên ‘côn đồ’, chứ không phải bọn xâm lược, từ bên kia biên giới kéo sang”.
Trang mạng nhớ đến một thời của nhóm du ca.
Nhớ đến nơi hội ngộ của nhóm du ca, nay đã không còn là bãi cỏ đầu làng Võng Thị nữa. Chỗ ấy bây giờ đã là một xóm phố tấp nập người qua kẻ lại. Những buổi cuối cùng, nhóm du ca gặp gỡ tại nhà một anh bạn ven đô có tên là làng Ngọc Thụy. Rồi nhóm tan vào một ngày mùa đông, khi cuộc chiến bùng phát và những lớp thanh niên như các bạn trai gái trong nhóm Du ca Mùa Đông vượt Trường Sơn vào chiến trường. Biết bao người con của Hà Nội ra đi không trở lại… Những người còn sống nâng cây đàn accooc kéo những bản tình ca của những người con mơ ngày Sẽ về Thủ đô… đến những ca khúc bi tráng của thành Thăng Long xưa, nhưng nhớ nhất là bài Đêm Đông …, Bản du ca Mùa Đông, hội ca của nhóm du ca.
Vào buổi tưởng niệm những người con của Tổ Quốc đã hy sinh trong cuộc chiến biên giới với giặc Tầu, một vị nhân sĩ đã đọc lời tưởng niệm [16]:
Thương ơi! Hỡi linh hồn các anh hùng liệt sĩ chống giặc Tàu Cộng! Hỡi dân lành bỏ mạng dưới gót giầy của phát xít Bắc Kinh!
Ba mươi mấy năm, mấy trăm tờ báo Mà chỉ có một bài nhắc đến cuộc chiến này. Không quan chức nào nhắc đến chiến công! Không chương trình nào tôn vinh tưởng nhớ!
Các quan chức không nhắc đến đã đành, Dân thương nhớ, cúi đầu tưởng niệm cũng bị ngăn chặn, cấm đoán! Biết lấy gì an ủi vong linh các Anh!
Mẹ Việt Nam ơi! 
Hỡi Mẹ Việt Nam!
Cô bé Quỳnh mezzo bây giờ đã là bà già bảy mươi tuổi có dư. Bà mang một niềm tin vô vọng gặp lại với Nhóm Du ca Mùa Đông ngày ấy.
Nhưng rồi, giọng trĩu nặng của các bậc trưởng thượng [17] trước tượng đài Đức Vua như kéo bà về với thực tại. Hiển hiện trước mắt bà là vòng hoa mang dải băng đen với dòng chữ trắng trang trọng “Đời đời nhớ ơn các liệt sỹ chống giặc Tàu Cộng xâm lược”.
Bà đứng lặng, hoài vọng những kỷ niệm da diết của Thăng Long xưa vẫn còn vang vọng bản tình khúc bất diệt của nhóm du ca ngày trước…
Đột nhiên, một tốp người mặc áo đỏ, choàng cờ cũng mầu đỏ in hình búa liềm xông đến, nhún nhẩy đảo điên, cười nhạo nhí nhố như bọn say rượu, vừa giật vòng hoa, nhăn nhở và xua đuổi từ các bậc trưởng thượng đến các em nhi đồng đang vây quanh Tượng đài Đức Vua. Bà ngơ ngác, không hiểu sao, thì một cô gái mặc áo đỏ và cũng choàng cờ chói đỏ, xông đến xô bà choạng vạng.
Bà bị đẩy sát lề đường, mặt vẫn hướng về phía Tượng đài. Bà nhìn rõ chiếc vòng hoa bị bọn người khoác cờ dùng gậy vụt nát. Bà ngã dúi, ngồi sát lề đường… Rồi bình tâm trở lại, bà lặng lẽ bước về phía Tượng đài. Bỗng bà nghe vọng giai điệu thiết tha…
“Ai về thủ đô cho gửi vài lời.
Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó
Hoa phượng hè vui in đỏ đường dài
Tô đậm lòng tôi năm tháng khôn nguôi”
Bọn người choàng cờ đỏ dường như thấy mình đã xong việc, ngạo nghễ bỏ đi. Bà chậm chạp trở lại phía Tượng đài, lặng lẽ đứng ôm lẵng hoa hồng trắng còn giữ trong tay, như cố không để bọn người kia giật mất. Bà trầm mặc như một pho tượng, tưởng như chính mình đang ôm cây ghi-ta, tỉa từng giai điệu thiết tha của bài Đêm đông… Bà lẳng lặng đặt lẵng hoa dưới chân Tượng đài.
Bà khẽ cất giọng nữ trung ấm áp của em Quỳnh mezzo ngày trước ru cho những người chị, người anh, các em gái, em trai, và bây giờ đến thế hệ các con, các cháu của bà,… đã ngã xuống để bảo vệ từng nắm đất thấm máu những người con của Tổ Quốc.
“Đêm đông. Ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương.
Đêm Đông. Ta lê bước chân phong trần tha hương.
Có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà… ”
Thoáng một nỗi buồn man mác, bà lẳng lặng sống lại với tình yêu đằm thắm của nhóm du ca trong chuỗi tháng ngày xa xưa ấy…
Tự dưng bà thấy trống trải giữa lòng Hà Nội ồn ào người xe tấp nập.
Như người lữ khách cô đơn trong Bản Du ca Mùa Đông.
[1] Theo Hiệp định Genève năm 1954, Việt Nam bị chia thành hai miền. Quân đội của Chính phủ Hồ Chí Minh tập kết ở Miền Bắc; Quân đội Pháp và quân đội Chính phủ Bảo Đại tập kết ở Miền Nam.
[2] Nay mang tên là Đường Thanh Niên
[3] Thói quen dân dã, nói tắt của “Accordéon”, tức đàn phong cầm
[4] Kèn kim loại, khi thổi phải ngậm cả miệng lên mặt kèn và nghe phát âm giống như tiếng đàn accooc.
[5] Ghi-gô, tiếng Pháp là Guigoz, hộp nhôm đựng sữa bột của Hãng sữa Guigoz ngày xưa
[6] Dân thành phố di chuyển về tạm cư ở nông thôn, miền núi. Cách nói giống như “sơ tán” hồi thập niên 1970.
[7] Những đứa con của Lypro!
[8] Vùng đứng lên!
[9] Hát lại! Hát lại!
[10] Tức 1948, 1949
[11] Tức Đội cải cách ruộng đất
[12] Mẫu Bắc Bộ, tương đương 3600 m2
[13] Bến xe đi các tỉnh phía nam Hà Nội, nay là bến xe bus cửa công viên Thống Nhất.
[14] Tiếng Pháp: Đón chào!
[15] Gồm hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay.
[16] Phỏng theo bài của một nhân sĩ đọc tại chân tượng đài liệt sĩ ở Hà Nội nhân kỷ niệm ngày chống Tàu Cộng xâm lược năm 2013.
[17] Từ cổ, có thể hiểu nghĩa là các bậc huynh trưởng khả kính.
Hà Nội, Mùa Đông 2015
Phạm Hoài Vũ 
Theo https://vantuyen.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...