Âm nhạc là một thứ hạnh phúc mơ hồ trong khoảng khắc. Có những
lúc cần an ủi nỗi buồn phiền hoặc ca ngợi niềm hoan lạc, từ trong thâm tâm ta vọng
lên những âm thanh. Âm thanh ấy đã đi vào trong máu thịt từ lúc nào ta không tự
ý thức được. Thế hệ tôi lớn lên, đi trong cõi đời mênh mông với phần xác, thì
trong phần hồn ít nhiều được nuôi dưỡng bằng âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Tôi có
cảm giác, người nhạc sĩ tài hoa ấy dường như đã bước ra từ tâm linh của mình,
ông đã nói những điều mà tôi đã gặp đâu đó trong giấc mơ. Ca khúc Ru ta ngậm
ngùi là một trong muôn ngàn ví dụ. Ở đó, ông đã nói về một cuộc tình đã xa?
Không, ông nói về thời gian. Nỗi ám ảnh của Trịnh Công Sơn từ muôn kiếp cũng
chính là thời gian. “Khi tình đã vội quên.
Tim lăn trên đường mòn. Trên giọt máu cuồng điên. Con chim đứng
lặng câm. Khi về trong mùa đông. Tay rong rêu muộn màng. Thôi chờ những rạng
đông...". Hình ảnh "tim lăn trên đường mòn" dường như "đóng
đinh" vào trong trí nhớ khi đôi môi vừa im bặt tiếng hát. Tôi tự hỏi, tại
sao lại là đường mòn? Trong tâm trí bỗng gợi lên một con đường hun hút hiu quạnh
với những câu thơ của Bùi Giáng:
Níu vai phố rộng xin về
Với cây trút gió với hè nắng rung.
Đó là một sự liên tưởng của tôi mà trong ca từ của Trịnh Công
Sơn mở ra nhiều đường, nhiều lối cho những người yêu nhạc của ông cùng chiêm
nghiệm. Và trong đám tang của người nhạc sĩ tài hoa này, tôi không được nghe tiếng
khóc của trẻ thơ, cũng giống như trong đám tang của trung niên thi sĩ Bùi Giáng
ở chùa Vĩnh Nghiêm năm nọ. Cả hai đều được rất nhiều người yêu dấu, nhưng lại
không có nhan sắc yêu dấu của riêng mình. Thoáng nghĩ như thế đã thấy tim mình
đau buốt...
Chợt nhớ năm xưa, trên đường hành quân đi ngang dọc trên đất
nước Chùa Tháp, trên vai chiếc ba lô nặng ba mươi ký như đeo cả trái đất, hai
quai xiết chặt vào vai, dưới chân đôi giày đã rách toạc và đường về doanh trại
còn xa thăm thẳm... Bất chợt trong tâm hồn tôi, ai đó đã vọng lên tiếng hát
"Đời sao im vắng như đồng lúa gặt xong". Trước mắt tôi là cánh đồng
Choans re đang nứt nẻ khô cằn, những rơm rạ oằn mình trong nắng lửa. Tôi nghĩ,
nơi này Trịnh Công Sơn vừa đi qua chăng? Nhưng rừng núi bỏ hoang. Có đi trong
cánh rừng bỏ hoang thì ta mới cảm nhận hết không gian im vắng của Đời sao im vắng
mà người nhạc sĩ tài hoa vừa viết xong. Một nhạc sĩ bình thường vẫn có thể viết
được như thế chứ? Nhưng ở đây, một lần nữa, Trịnh Công Sơn đã đẩy nỗi ám ảnh về
thời gian lên đỉnh điểm của sáng tạo: “Người về soi bóng mình giữa tường trắng
lạnh câm". Thông thường, tôi soi bóng mình trong gương để tìm sự phản chiếu,
cho dù đôi lúc có cảm giác như bóng ấy không phải của mình mà của kẻ khác.
Nhưng ở đây, soi bóng mình giữa tường trắng thì ta không thấy gì khác ngoài tâm
linh của mình đang hội nhập trong bản thể của mình. Những ca từ ấy, tôi có cảm
giác Trịnh Công Sơn không chỉ là một nhạc sĩ đặt ca từ nữa mà ông đã viết bằng
sự linh cảm của một Matsuo Basho với những câu thơ haiku:
Đau yếu giữa hành tinh
Chỉ còn mộng tôi phiêu lãng
Trên những cánh đồng hoang.
Công chúng yêu nhạc của Trịnh Công Sơn, dù không hiểu lắm về
giai điệu, về cấu trúc của một ca khúc nhưng họ khó quên được ca từ của ông. Vì
lẽ đó, Trịnh Công Sơn và những nhạc sĩ tài hoa khác có được một hạnh phúc mơ hồ
là khi vui, buồn ta đều có thể đặt trên môi những ca từ ấy và hát. Hát như một
cách tìm kiếm người bạn đồng hành để tiếp tục đi trên đường dài còn xa thăm thẳm
. . .
4-4-2001
Dạ khúc
Lời ca đau trên môi
Tình khúc Trịnh Công Sơn tôi hát
Vòm trời khuya nhợt nhạt màu cỏ úa
Bóng trăng như vệt son của thiên nhiên goá bụa
Trong đêm ngồi tự tình
Tôi bay lên như chiếc lá xanh
Dìu em dự đám cưới
Trong từng ca khúc chìm vào bóng tối
Lời ca đau trên môi
Này em đứng ngửa mặt lên trời để khóc
Nếu mỗi tình nhân còn giữ lại nước mắt
Thì cũng nhiều như suối như sông
Đêm đã khuya rồi
Sắp hết những ngày xuân
Em sắp lớn và hoa sắp úa
Tôi sắp xếp cuộc tình không còn nữa
Vào trong trí nhớ nhỏ nhoi
Những lời ca còn đau mãi trên môi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét