Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Tiếng Kèn của Nhật Tiến

Tiếng Kèn của Nhật Tiến
Từ khi đọc Những Vì Sao LạcThềm Hoang của Nhận Tiến đến nay đã trên hai mươi năm. Mới đây (1), tôi tình cờ tìm được Tiếng Kèn trong một hàng sách. Tiếng Kèn, tác phẩm thứ hai mươi của Nhật Tiến là tập truyện ngắn viết tại trại tỵ nạn Songkhla, Thái Lan, và những ngày đầu tiên trên đất Mỹ (1980-1981). Song những sách xuất bản bên Mỹ tới tay người đọc bên Pháp là cả một hành trình, tùy theo hên xui, may rủi, có khi một vài tháng, đôi lúc vài năm, rất  có thể không bao giờ. 
Tiếng Kèn đến như một kỷ niệm cũ, lưu lạc từ lâu, có lẽ vì hình ảnh Thềm Hoang trong tôi chưa bao giờ phai lạt.
Tiếng Kèn kể lại đời sống tầm thường của người dân miền Nam, sau ngày đổi chủ. Nhưng từ những tầm thường đó, xới lên, bốc lên bao nhiêu hơi hướm bất thường, trụ lại những hồ hỡi xót xa, lây lất những thế đứng trật đường của những con người gọi là vừa-được-giải-phóng. Mười một mẩu đời tầm thường, đôi khi tuyệt vọng, đôi khi tan tác, đôi khi cười ra nước mắt, nhưng đã nói lên biết bao sự thực không tên tuổi, phô bày những lộ trình không lối thoát của con người.
Những lời biện bạch nhăn nhở của một gã mù để gỡ cái "tội" thổi nhạc "lãng mạn" của mình hực lên tử khí vực thẳm chôn những con người bị "cướp đoạt dĩ vãng", mất bản quyền tư tưởng.
Dưới vực ấy, chúng ta lại chới với bắt được đôi chút "khoái trá" tạm thời, cái "ranh vặt" của một bà già "gân" muốn "phá chơi" chiếc máy phóng thanh phường. Chừng nó hỏng thật, bà Năm tưng hửng:
"Gặp chuyến ngon lành (bán củi, nước mắm ngoài tiêu chuẩn v.v...) tổ cha chúng nó cái miệng êm rơ, hổng thèm nói với ai một tiếng để dễ bề tẩu tán. Hỏi đến nơi đến chốn thì chúng nó lại khai bị cái loa hư."(Ước Vọng Của Bà Năm trong tập Tiếng Kèn, NXB Văn Học, Hoa Kỳ 1982, trang  97)
Rồi chất phi lý trào tiếu, tiết ra từ những kiếp người đã một thời là anh hùng dân tộc (Chuyến Tàu Ngày Cuối Năm). Cái cười ở đây là cái cười chết yểu, chưa ra khỏi miệng đã tắt ngấm. Không đóng khố, tất cả bi kịch của con người, của chế độ trần truồng hiện ra. 
Nồi Cháo Thịt là một truyện rất buồn, đưa người đọc vào tận cùng biên giới giữa trần gian và cõi chết; cái "thảm" này đến một cách tự nhiên, không kịch chút nào. Nó đến như hai giọt nước mắt đọng mí đã lâu, từ từ lăn trên má, âm thầm, thấm thía, lặng lẽ như đoạn kết câu chuyện. 
Ám khí lại hiện về, lởn vởn, chập chờn trong Chiếc Áo Tây Vàng. Từ sự lợm giọng, buồn nôn của người thiếu nữ vô tình cuốc phải con cóc một nhát chết tươi, đến cái nghề hắc ám nàng làm, tất cả đều chưa lấy gì làm quái đản: cái quái đản nằm trong lời khai của nàng trước tòa án, nhờ đó mà nàng được trả tự do. 
Chúng ta đã lạc bước quá sâu vào thế giới tuyệt vọng của những kiếp người: Từ gã thổi kèn dạo mù lòa bị cưỡng đoạt dĩ vãng ở trong Nam, đến cô gái hành nghề đào mả kỳ dị ở chợ trời ngoài Bắc, đâu là ranh giới phân chia hai miền, đâu là địa phận ngăn cách âm ty và trần thế?
Dù có những đoạn có thể là còn chưa thực nhuần nhuyễn, còn có thể được viết kỹ hơn, đối với một ngòi bút như Nhật Tiến, nhưng Tiếng Kèn vẫn là một tác phẩm giá trị, nói lên sự thực của một thời kỳ và sự thống khổ của con người trong thời kỳ ấy: Thời kỳ đất nước vừa hợp nhất nhưng ranh giới lại rõ nhất. Tiếng Kèn xóa ranh giới tinh thần giữa hai miền Nam Bắc, giữa những kiếp người: Người lính cộng hòa trốn trại cải tạo "gặp" người lính nhân dân đào ngũ từ chiến trường Campuchia; người vợ đại úy ngụy cùng đường, cho các con ăn nồi cháo thịt bỏ thuốc độc trong Nam "gặp" cô gái đào mả, ăn cắp áo người chết, đem bán chợ trời ngoài Bắc. Tất cả xáo trộn trong môi trường cười khóc của kẻ thắng, người thua. Tất cả đều mất dĩ vãng, cho nên không có hiện tại, nói gì đến tương lai! Tất cả đều lang thang như tiếng kèn của gã mù, lạc lõng, không có người nghe, trổi lên rồi âm thầm rớt xuống trong đêm như những giọt sương tuyệt vọng.
Tiếng Kèn trung thành với tâm thức xã hội của một nhà văn mà tên tuổi đã gắn bó với những định mệnh lạc loài, ngay từ những tác phẩm đầu tay như Những Người Áo Trắng, Những Vì Sao Lạc...
Tiếng Kèn là một tác phẩm chứng nhân không khí buổi giao thời dưới ngòi bút một nhà văn đích thực. Hình ảnh lão mù trong Tiếng Kèn phản ảnh một cách khôi hài đớn đau hiện tượng xóa bỏ con người trong "giải phóng". Tập truyện mở ra trước chân dung gã mù thổi kèn trong ngõ hẻm. Nhật Tiến viết:
"Gã có vóc dáng của một tay đô vật nhà nghề. Ðôi vai như vai gấu. Hai cánh tay thật dài [...] vầng trán rộng và phẳng. Cả khuôn mặt vuông chữ điền của gã như bị nuốt bởi đôi kính đen gắn trên cái gọng đồi mồi giả. Gã mù. [...] Hình như ngày trước gã đã đi lính. Hình như gã đã bị hỏng mắt sau một cuộc hành quân. Hình như vợ gã đã bỏ [...]
Gã lau cây kèn thật lâu. Thời gian lâu lắc đó vừa đủ để cho trẻ con trong xóm bu đen lại. Gã nhếch miệng cười. Hai hàm răng nhe ra trắng nhởn. Lần này nụ cười của gã tươi rói. Gã biết mình đang được tiếp đón một cách nồng nhiệt. Rồi gã nâng cây kèn bằng cả hai tay. Cặp môi dầy tụp của gã chụm lại, đặt vào ống thổi, chúm chím một cách điệu nghệ, kiểu cách. Rồi hai má của gã phùng to lên. Gã dồn tất cả làn hơi phong phú của mình vào đó [...] Bài Lòng Mẹ qua điệu nghệ của hắn, nghe rền rĩ như một lời than van [...] Gã dồn thêm hơi sức vào cây kèn. Hai hàm của gã bạnh thêm ra. Những hàng gân ở cổ căng lên như những mối dây chằng chịt. Mười ngón tay của gã như múa trên hàng nút đồng [...]
Từ bài Lòng Mẹ, gã chuyển sang bài Xuất Quân. Hết bài Xuất Quân gã quay về chơi nhạc cổ điển với bài Thiên Thai, bài Bến Cũ, rồi hứng chí, gã quay ra thổi nhạc Tây, nhạc Mỹ với những bài như Cầu Sông Kwai, Que Sera Sera...
Nhưng đúng vào cái lúc gã đang gân cổ thổi theo lối "vài hàng gởi anh trìu mến, vừa rồi nàng mới được tin..." thì bỗng một bàn tay khô khan nắm cứng lấy bờ vai của gã. Gã hốt hoảng quay đầu lại. Tiếng kèn của gã đang lên một nốt cao bỗng oằn xuống rồi tắt ngấm [...]
- Công an khu vực đây! Ði theo tôi!
(Tiếng Kèn, trang 11)
Trên đây là trích đoạn mở đầu truyện ngắn Tiếng Kèn. Cuộc phiêu lưu của gã mù cứ thế tiếp tục, mặc dù bà con bênh gã nhưng gã cũng ngoan ngoãn theo công an về trụ sở khóm. Rồi những biện bạch nhăn nhở của gã mù để gỡ cái tội thổi nhạc "đồi trụy" của mình, đại loại: "Hì hì, thưa đồng chí, em mù, em đâu có nợ máu gì!". Hoặc hắn xuống nước nữa: "Trăm lạy các đồng chí, cháu là nghệ sĩ, cháu có biết chính trị chính em gì đâu." 
Cuối cùng gã cũng được hưởng khoan hồng, gã được thả, sau khi phải  ký cái giấy cam đoan từ nay xin chừa, không được thổi nhạc ngụy nữa. 

Hình ảnh gã mù đột nhập chúng ta không gõ cửa: cái cặp môi dày tụp ấy, cái lý luận cù nhầy ấy, nụ cười cầu tài ấy... Rồi đến những bản nhạc tiền chiến, "đồi trụy" như Thiên Thai, Xuất Quân, Bến Cũ... hắn thổi. Ngay cả đến miếng bánh mì hắn ăn chung với con chó, nhân vật duy nhất thông cảm và chia xẻ tâm sự với hắn trong những đêm tối âm u giữa thanh thiên bạch nhật triền miên của hắn. Tất cả báo hiệu và bắc cầu mối tương quan chênh vênh giữa sáng và tối. Giữa thua và được, giữa "ngụy" và "ta". Tất cả phản ánh cái bi - hài của những kẻ bị phải quên dĩ vãng, bị phải đánh mất dĩ vãng, bị phải gột rửa trong phút chốc tất cả những gì tàng trữ trong đầu từ nhỏ, và bị phải tiếp thu cái mới, lập tức và toàn diện: Cái bi hài của những kẻ bị được "giải phóng", nằm gọn trong vài câu nói lém lỉnh, liến thoắng của gã mù để gỡ tội thổi kèn:
 "Chèn ôi! Bài hay của cách mạng em có nghe chớ. Mà điều em có sol pha sol pheng gì đâu. Em phải nghe lâu riết rồi mới thuộc. Thuộc rồi mỗi lần mò ra nốt nhạc, có nốt nhạc rồi mới lên bổng xuống trầm, mới lôi cuốn được bà con. Em cũng đang tập đó. Em thích nhất bài Tiếng Chầy trên sóc Bombo..." (Tiếng Kèn, trang 14)
Sự chao đảo từ bi sang hài, từ hài sang bi rất chớp nhoáng. Và cũng chỉ trong khoảnh khắc ngôn ngữ, thoát thai những biến độ trong thân phận con người: Từ một gã trai tráng, khỏe mạnh, lực lưỡng, gã bị chiến tranh cướp hai con mắt thành kẻ tàn tật mù lòa. Gã bị tước những bài hát trong ký ức thành kẻ không được quyền có trí nhớ... rồi hắn lại bị tự học những bài ca mới... Hiện tượng tẩy xóa cứ tiệm tiến như thế trong con người gã, cho đến lúc gã không còn dĩ vãng. Và đến khi gã đã hoàn toàn trắng tinh, hoàn toàn "sạch", thành một con người mới, với bộ óc mới, không còn "đồi trụy", hắn trở về ngõ hẻm cũ để trình làng bộ mặt mới toanh, tiếng kèn tự cải tạo của mình, thì:
 "Tất cả mọi người đều dồn mắt về phía gã và gã đã làm xong đầy đủ lệ bộ của mình: Cười thật tươi với hai hàm răng trắng nhởn, rút chiếc khăn tay đen đúa ra lau mồ hôi ở trán, ở cổ, rồi tới cây kèn đồng. Sau cùng gã cầm cây kèn đưa lên miệng. Gã trịnh trọng dồn hết làn hơi của mình để cất lên bản nhạc thứ nhất:
"Như có Bác Hồ trong ngày vui giải phóng"

Tiếng kèn của gã vừa rúc lên một câu đầu thì cả một làn sóng ồn ào ở bốn phía bỗng nhiên ùa tới. Có tiếng huýt sáo. Có tiếng cười ồ lên chế nhạo. Có cả tiếng nguyền rủa bằng những lời lẽ thô tục. Gã như một con bò mộng giữa đấu trường đang tới tấp nhận lãnh đủ loại dáo nhọn ném vào mình. Gã chưa kịp ngân lên theo đúng điệu thì tiếng kèn đã đột nhiên tịt ngẵng lại." (Tiếng Kèn, trang 18)
Như vậy, tiếng kèn của gã mù hai lần tắt ngấm, trong hai cảnh huống đối lập nhau. Tiếng kèn ấy dạo lên tiếng kêu của con người trước hai bờ phân cực không sao cứu vãn được. Gã mù tiến không được và lui cũng không xong. Gã tịt ngẫng. Không phải đi cải tạo, gã là kẻ đã ký giấy bán đứt dĩ vãng của mình, đoạn tuyệt với tư tưởng, với kỷ niệm, để hướng về tương lai, hướng về những hứa hẹn có-thể-ngày-mai sẽ sáng.
Nhưng bi kịch của gã mù là hắn đã trót ký tờ giấy xóa quá khứ, mà hắn chưa hề biết tương lai là một thực thể như thế nào, có tin được không? Tương lai, rồi sẽ có đấy, rồi sẽ đến đấy, nhưng tương lai chưa bao giờ là một cái gì có thể nuôi sống con người, dù chỉ trong những giấc mơ, bởi vì chưa ai biết tương lai mình nó sẽ như thế nào.
Gã mù đâu có ngờ cái tương lai gần nhất là lũ trẻ lại phỉ phui gã, gã đâu có ngờ cái tương lai tức thời là bị ăn đá, ăn đòn trong ngõ hẻm? Khi người ta đoạn tuyệt với quá khứ, thì người ta không còn điểm tựa để sống trong hiện tại, và như thế khó có thể có một tương lai.
Tiếng Kèn thổi lên, xoáy sâu vào những bờ vực không lối thoát của những con người bị tước đoạt quá khứ, của những người đi tước đoạt quá khứ. Cả hai đều tuyệt vọng như nhau, vì không thể có hy vọng sản xuất ra tương lai, nếu con người phủ nhận quá khứ của mình.
Chú thích: 
(1) Năm 1987.

1987 - 1998 
Thụy Khuê
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...