Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Paris, tiếng hát Trịnh Công Sơn

Paris, tiếng hát Trịnh Công Sơn
I/ Paris, đêm 16 - 5 - 1987. Nhà Việt Nam trên đường Cardinal Lemoine có buổi nói chuyện về Trịnh Công Sơn của anh Nam Chi. Người đến dự đêm Trịnh Công Sơn ở Paris, có người vốn là bạn bè của anh, có người chưa quen biết anh nhưng yêu anh, mê anh, có người đã trở về nước gặp lại anh, có người chưa có dịp gặp lại anh,và dù có xa cách đến muôn trùng, trong lòng anh chị em ấy vẫn vang vọng tiếng hát của anh. Tiếng hát nhức nhối đến tâm can khi nghĩ đến quê hương. Nghe Sơn mà không thấy, không gặp Sơn. Tuy lời giới thiệu của anh Nguyễn Ngọc Giao cũng như lời mở đầu của anh Nam Chi, đều ao ước " ... sẽ có một ngày Trịnh Công Sơn có mặt ở tại đây, trong Maison du Việt Nam với chúng ta".
Hai năm sau, Trịnh Công Sơn đến Paris và đêm 27 -5, đúng đêm thứ bảy năm 1989, Trịnh Công Sơn xuất hiện trước bạn bè dưới tầng hầm của nhà Việt Nam. Sơn đó, đúng như Khánh Ly đã tả về anh: "Dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng tròn gọng đồi mồi, đôi mắt bồ câu, vầng trán cao, rộng, sống mũi thẳng, nụ cười đẹp, tươi với chiếc răng khểnh... và giọng Huế. Đó là Sơn của Khánh Ly. Còn Sơn đối với tôi, Sơn người Huế, tôi người An Giang.
Suốt những năm chiến tranh, về mặt địa dư, tôi với anh như hai kẻ đối đầu. Lúc Sơn ở Sài Gòn, cái thời Sài Gòn còn là Thủ đô của Việt Nam Cộng hoà, tôi ở Hà Nội: lúc Sơn về lại Huế, tôi lại về rừng với quân giải phóng. Không quen, không biết, nhưng lại gần nhau trong đời sống tâm linh để đến bây giờ cùng một chuyến bay, cùng một chuyến đi, cùng lo cho đêm hát của Sơn trên đất Paris. Tôi biết Sơn từ lúc ngồi viết Mùa gió chướng (1974). Tôi tìm nghe và đọc của Sơn. Và tôi đã mượn lời Đại bác ru đêm của Sơn cho tâm trạng khao khát hoà bình của một nhà báo Sài Gòn hiểu rõ được thời thế. Cũng có vài trường hợp nghe Sơn, biết Sơn giống như tôi. Như Nguyễn Duy thời còn chiến tranh, nhà thơ đã trộm nghe đài Sài Gòn, đã biết Sơn qua giọng hát Khánh Ly. Trong bài Ngày sau sỏi đá, Nguyễn Duy viết: "... Quỷ thật giai điệu ấy, lời ca ấy tự nhiên ghim lại trong tâm tưởng tôi ngay từ phút bất chợt ấy. Rồi Như cánh vạc bay. Quái thật? Cảm nhận bất chợt, những bài hát rất mượt mà đắm đuối ấy nhưng không thuộc chủng loại èo uột rên rỉ, nỉ non mà người ta vẫn gọi chung là nhạc vàng. Ừ, thì có buồn đấy, đau đấy, quặn thắt nữa đấy, nhưng còn có cái gì lành mạnh nẩy nở trong đó. Cái đẹp từ câu nhạc, cái đẹp trong ca từ, cả xác chữ lẫn hồn thơ. Bảng lảng lờ mờ khó phân định cho đúng nghĩa, nhưng rõ ràng, đẹp làm sao và cũng hơi ma quái thế nào..." (Tuần tin Thanh Niên số 93 ra ngày 23-11- 1987). Hình như nhà thơ đã bị choáng ngợp trước tôi và nhạc của Trịnh Công Sơn, không biết nói cách nào cho hết ý mình nên cứ phải quỷ phải quái và thế nào ấy. . . Nhà văn Tô Hoài nói về nhạc phẩm của Sơn gọn hơn: "Buồn và đẹp". Gọn hơn nữa, là nhà văn quá cố Nguyễn Tuân, một chữ: “Thơ". Ở Paris, anh Nam Chi, anh Cao Huy Thuần cũng nói đến thơ trong lời của Sơn. Đã là thơ thì giải bao nhiêu lời cũng không đủ, chỉ có một chữ đủ nhất là "Thơ".
Sau 30-4-1975 không mấy ngày, tôi gặp Sơn. Tôi tặng cho Sơn quyển Mùa gió chướng của tôi và ký tên trang dưới đoạn trích Đại bác ru đêm của anh. Ấy là ngày đầu làm quen, làm bạn cho đến nay. Ngồi đối diện với Sơn trong một quán bia buổi trưa hè dưới hàng cây vú sữa đường Trần Quý Cáp, Trịnh Công Sơn hết sức lạ lùng đối với tôi. Sơn giống một người trong vùng quê tôi, người đã sáng lập ra một tôn giáo, vị giáo chủ ấy có đến hàng triệu tín đồ. Cũng gương mặt ấy, cũng mái tóc xoã ngang vai ấy, nhưng Sơn không có tín đồ mà có hàng triệu người yêu mê nhạc phẩm của anh. Tôi vốn là người có một thời nghiên cứu về tôn giáo này, tôi có thu thập một ít tư liệu và hình ảnh. Một hôm, tôi đưa tấm ảnh của vị giáo chủ ấy cho Sơn và bạn bè xem, ai cũng "Ô giống quá!" ấy là chuyện tình cờ trong đời nhưng tôi không bỏ trôi qua trong nghĩ suy của tôi về con người: người sinh cùng năm tháng, người cùng một gương mặt, cùng một dáng đi, người cùng tên, khác nhau đó, nhưng có gì giống nhau?
Trịnh Công Sơn sinh ngày 28-2-1939, năm Kỷ Mão. Con mèo Trịnh Công Sơn nhẹ nhàng, hết sức nhạy cảm, hết sức tinh tế. Tưởng như Sơn nghe cả tiếng nói của cỏ cây, nghe được cả lời thở than khi hoa quỳnh lả cánh. Chính vì vậy mà Sơn đã hỏi "Làm sao em biết bia đá không đau?..." và biết "Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau..."
Người yêu nhạc của Sơn, dù có yêu có mê đến mấy cũng không thể yêu, mê và nhớ 500 ca khúc của anh. Nhưng mỗi lúc, mỗi thời thế, và tùy theo tâm trạng, mà yêu mà nhớ đến một khúc hát nào đó của Sơn. Và hơn 500 ca khúc của anh như đủ cho một tâm trạng của mỗi con người. Hơn mười năm qua, đi đâu, bất cứ nơi nào, trong nước hay ngoài nước, nơi nào có người Việt Nam, là nơi đó tôi được nghe của Sơn. Nhớ năm 1987, trong dịp sang Đông Berlin, khi tôi vừa ngồi yên trong xe, thì anh bạn lái cho tôi bảo: “Nghe Trịnh Công Sơn nhé?". "Có à?" - Tôi ngạc nhiên. “Sao lại không!" và giọng của Khánh Ly "Mưa vẫn mưa bay. . . " lại cùng tôi vang trên các nẻo đường Đông Berlin trong đêm thu. Khiến tôi nhớ, một lần tôi về đất Mũi, đang ngồi chơi bên một cái hồ ở chợ Cá Mấy. Dưới hồ có một con gì rất lạ, như một con đỉa màu xanh lội lăng quăng. Khi tôi cầm cục đất ném xuống thì con "đỉa" màu xanh tan biến đi. Không thấy gì nữa, chỉ còn mặt nước trong. Một lát sau, chẳng biết từ đâu, những hạt tế bào tan biến ấy lại tụ về với nguyên hình con đỉa xanh lội lăng quăng. Tôi đang nghĩ về sự tan biến nhưng không bao giờ chết của con vật lạ ấy thì bên tai văng vẳng tiếng hát. . . "Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh. . . ". Ngoảnh nhìn lại, một cô gái đi trên bờ đất, cô hát một mình, không để ý đến ai, vừa nghêu ngao hát vừa đi về phía rừng chiều. "Sơn à, đi đâu tao cũng nghe mày!".
Tại Paris, nghe đồn ở quận 13 có người Việt cực đoan thù Sơn, chống Sơn, Sơn không thể đến đó, và cũng không nên đi ngang qua đó, dù đi bằng ô tô. Họ đã làm bậy với đoàn cải lương rồi. Không thể không cảnh giác. Một hôm tôi đến, vào một quán phở, một cái quán có nhiều khách chống Sơn: lạ, tôi lại nghe họ mở nhạc của Sơn. Rồi đầu tháng 7/1989 ngồi trong một quán ăn Việt Nam ở New York, trong ánh đèn mờ, tôi cũng lại nghe của Sơn. “Sơn! Qua tới Mỹ rồi, tao vẫn nghe mày!" Hóa ra người ghét Sơn, chống Sơn vẫn không thể không nghe của Sơn. Từ đó, có thể nói, nghệ thuật của Trịnh Công Sơn đã vượt qua khỏi sự hằn thù được không?
Lại nhớ đến một đêm sương Sài Gòn năm 1978, chúng tôi gồm nhà văn Nguyễn Tuân, Thọ, Nhuận, Tịnh, Sơn và tôi sang chơi bên quán Cầu Mới dưới chân cầu Bình Triệu.
Chủ quán nào biết khách là ai. Vô tình mà như chuẩn bị sẵn từ lúc nào. Khi Sơn và chúng tôi vừa bước xuống xe thì tiếng kèn saxo của Trần Vĩnh từ một âm thấp vút lên cao Gọi nắng.... của bài Hạ trắng. Không giật mình nhưng ngẩn ngơ trước tiếng kèn saxo của Trần Vĩnh. Tả lại cảm xúc ấy như thế nào đây? Với tôi, tiếng kèn như một luồng sương tỏa mờ một khoảng trời của chúng tôi, cho thêm lạnh, thêm nhớ một đêm êm đềm. Nay, nhà văn Nguyễn Tuân, người anh lớn ấy đã qua một cõi đời rồi, Thọ, Nhuận đang sống ở nước ngoài. Dù ở đâu, dù có xa nhau, tôi luôn nghĩ, bạn bè trong đêm sương ấy vẫn còn vẳng bên tai lời gợi nhớ của tiếng kèn saxo: "Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau...".
Tôi hết sức thú vị được nghe tiến sĩ Cao Huy Thuần qua băng ghi âm trong đêm nhạc của Trịnh Công Sơn ở Paris đêm 20-6-1987. Tiến sĩ Cao Huy Thuần phân tích: "Đời của Trịnh Công Sơn là thơ. Ca khúc của Trịnh Công Sơn có bốn chủ đề: chiến tranh và hoà bình, tình yêu, một chút triết lý về thân phận con người và quê hương". Nói về nỗi buồn của Sơn, anh tạm gọi là nỗi buồn siêu hình: Anh Cao Huy Thuần nói: “Chắc chắn một điều, bài nào của Sơn mà không có chữ em, chữ yêu, không có chữ tình, chữ tin, chắc chắn không phải là bài hát của Trịnh Công Sơn. Đó là Trịnh Công Sơn giả cầy".
Giới thiệu bài Mưa hồng, anh nói: "Cảnh, tình và người trong Trịnh Công Sơn là cảnh Huế, tình Huế, người Huế. Sau này, Sơn rời Huế vào Sài Gòn, chất thơ trong nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn là chất Huế, nguồn thơ vẫn chảy từ Huế. Vô số những bài hát của Sơn đều ướt và mưa. Vì Huế là xứ mưa dầm. Mưa mùa đông, mưa mùa hè, mưa sợi nhỏ, mưa sợi to, mưa tỉ tê, mưa ray rứt, cảnh mưa trong Trịnh Công Sơn buồn nhưng rất đẹp. Sơn ở gần cầu Phú Cam, trông xuống sông là Bến Ngự. Cửa mở ra là vòm cây long não xanh mướt, chiếc cầu nhỏ nối hai bờ sông, bên kia sông là chiếc vai gầy của Diễm...”.
Nói đến mưa trong nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, tôi nhớ một chiều năm 1980, họa sĩ Nguyễn Trung, Sơn và tôi ngồi trên lầu mười khách sạn Bông Sen đường Đồng Khởi.
Ba chúng tôi, ngồi bên cốc bia nhìn cơn mưa chiều mù mịt của thành phố. Mưa Sài Gòn không lê thê, không ray rứt, mà mưa như cầm bình trút nước, mưa dữ dội, mưa mạnh mẽ. Rồi mưa dứt. Mưa rửa sạch cả thành phố. Mái ngói đỏ au ánh trời chiều. Mưa Sài Gòn không từng sợi, không tỉ tê, mà ào ạt đến với nguồn cảm xúc của Sơn. Sau đó, trong ca khúc Chiều trên quê hương tôi, Trịnh Công Sơn viết:
Chiều trên quê hương tôi,
Nắng phơi trên màu ngói non tươi,
Gió mang tin một mùa sẽ tới.
Sẽ mưa lâu hoặc cơn nắng dài.
Và trong bài Em còn nhớ hay em đã quên:
Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng
Trong lòng phố mưa đêm trói chân
Dưới hiên nhìn nước dâng tràn
Phố bỗng là dòng sông uốn quanh...
Đó là cơn mưa Sài Gòn, cơn mưa nơi Trịnh Công Sơn lớn lên, trưởng thành và gắn bó cho đến ngày nay.
Tiến sĩ Cao Huy Thuần tiếp: "Nói về người, người đẹp của Sơn phải là người gầy, không gầy thì không đẹp". Ví dụ, vai gầy: "Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai" (Còn tuổi nào cho em). Tay gầy: "Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm. Trên mùa lá xanh, ngón tay em gầy nên mãi ru trên ngàn năm" (Ru em từng ngón xuân nồng). "Đoá hoa hồng tàn hôn lên môi, em gầy ngón dài" (Tuổi đá buồn). Gầy và xanh: "Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ, dài tay em mấy thuở mắt xanh xao" (Diễm xưa) hoặc "Bàn tay xanh xao đón ưu phiền" (Nắng thủy tinh).
Cũng cái vẻ đẹp này, Khánh Ly viết: ". . . Tôi không nhớ Hà Nội bao nhiêu, không yêu Sài Gòn nhiều lắm, mà chỉ xót xa đến Huế. Huế nghèo, thành phố chỉ vài con đường chính. Huế nóng cháy da, mềm thịt. Huế lạnh buốt, lạnh từ trong lạnh ra. Dường như Huế chỉ thật sự huyền ảo, đẹp, nên thơ bởi những nghệ sĩ khi viết về quê hương mình. Có lẽ đó là điều dĩ nhiên của mọi người, mọi miền khi viết về nơi mình đã sinh ra. Âu cũng không phải điều làm ta ngạc nhiên. Nhưng không phải vì những điều người Huế viết về Huế đã làm tôi yêu Huế. Vì nếu như vậy thì tôi phải yêu Hà Nội nhiều hơn mới có lý. Phải yêu Sài Gòn hơn, Đà Lạt hơn mới phải. Vậy mà tôi yêu Huế, thỉnh thoảng gặp lại một vài người bạn, tôi năn nỉ mi nói cho tau nghe chút cho đỡ nhớ. Con gái Huế nói như hát, dịu dàng, đi đứng khép nép, nhẹ nhàng. Có một cái gì thật mong manh, như tơ, như sương khói, như một điều không có thật trong con người của các cô gái Huế. Tôi có cảm tưởng họ không phải là sự hiện hữu. Một chút hương khói hư ảo chập chờn. Chỉ là một tiếng động khẽ dù là tiếng rơi của một chiếc lá, cũng làm tan biến đi tất cả”... Và với tôi ẩn chứa trong cái vẻ mong manh như sương khói của Huế là một sức mạnh cường tráng, và dữ dội của thác ghềnh. Như nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, mơ màng đó, sương khói đó nhưng không tan biến theo thời gian mà vẫn đọng, vẫn chảy trong lòng người.
II/ Tôi thích những ca khúc của Trịnh Công Sơn nghĩ về cái sống, cái chết và thân phận con người. Tôi nghe, tôi suy ngẫm và muốn tìm hiểu đến tận nguồn.
Là con cả trong một gia đình đông anh em ở Huế, ngay từ năm lên sáu Sơn đã phải chia sẻ những buồn vui, lo âu của cha mẹ giữa một thời điểm đất nước có nhiều biến chuyển. Có phải chăng những nhạc phẩm nghĩ đến cái chết, cái sống và thân phận con người của Sơn đã bắt nguồn từ tuổi thơ của anh? Lớn lên vào Sài Gòn, Sơn học triết ở trường JJ. Rousseau, nay là trường Lê Quý Đôn. Hình như triết học thường hay đến với nỗi đau của con người. Không được bao nhiêu, rất ít, nhưng tôi cũng cố tìm đọc một vài quyển triết, nhất là sách Phật, cũng là sách mà Sơn đã đọc. Tôi có cảm tưởng, những điều trong sách vở ấy đã được lọc qua tâm hồn nghệ sĩ của Sơn, và đã ứa thành mật ngọt của Cõi tạm, của Cát bụi, của Một cõi đi về... Lại nói một ca khúc, Sơn mơ thấy mình chết.
Đường nào dìu tôi đi đến cơn say
Một lần nằm mơ thấy tôi qua đời
Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy
Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi 
(Bên đời hiu quạnh)
Một ca khúc hết sức kịch tính, tưởng là nỗi bi quan về cái chết, nhưng cuối cùng là hết sức yêu đời. Như một nhà thám hiểm. Sơn đã thử bước vào cõi chết đen ngòm rồi hốt hoảng, vội trở lại với nắng đời. Phải thú thật, có một dạo, tôi thích nhất Một cõi đi về.
Hơn mười năm chơi với nhau, ngồi với nhau bên ly rượu, lần nào cũng vậy, trước khi ra về, Sơn cùng hát cho tôi Một cõi đi về có lẽ vì vậy mà đó là một trong vài ca khúc Sơn không quên lời.
Trịnh Công Sơn đã từng dấn thân trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, đã từng cầm đàn cùng sinh viên hát vang Nối vòng tay lớn, đòi chấm dứt chiến tranh, đòi Huế, Sài Gòn, Hà Nội một dải sơn hà. Đất nước đang chiến tranh, nhưng cuộc đời đã dành cho Sơn, hay Sơn có đủ sức mạnh tạo cho mình một cõi yên ổn để nói đến tâm tư, đến đời thường của con người?
Súng đang nổ đó, mà Sơn vẫn viết Như cánh vạc bay, vẫn Cỏ xót xa đưa, vẫn Hãy yêu nhau đi, vẫn Em hãy ngủ đi. . . Và... và... Còn dịp để nói, để bàn, để viết về Trịnh Công Sơn.
Tôi muốn trở lại đêm Trịnh Công Sơn ở Paris, trong mái Nhà Việt Nam. Một đêm chờ đợi, một đêm trân trọng, một đêm ấm áp. Và cũng là đêm đặc biệt của Nhà Việt Nam. Xe cảnh sát Pháp đậu dài trên đường Cardinal Lemoine, bảo vệ cho đêm nhạc của Trịnh Công Sơn. Người trình diễn chỉ có Sơn, có cả Thanh Hải, người thường hát Trịnh Công Sơn trên đất châu Âu sau này, từ Cộng hòa Liên bang Đức bay sang. Thú vị hơn, có cả Michikô. Michikô, cô gái Nhật. Có lẽ và theo tôi, không ai có đủ băng nhạc cũng như ấn phẩm và những vì thuộc về Sơn bằng Michikô. Michikô có nhiều, có đủ vì cô đang ấp ủ một công trình nghiên cứu Ngôn ngữ Việt Nam qua lời trong ca khúc của Trịnh Công Sơn. Ngày ngày Michikô mở băng nghe Khánh Ly hát. Michikô nói tiếng Việt Nam chưa sõi, nhưng khi với cây đàn ghita thì cô hát đúng giọng của Khánh Ly.
Bạn bè ai cũng lo, chẳng biết Sơn có hát được, hát nổi hay không? Sơn gầy quá, cũng vừa mới ốm dậy. Đã vậy, lại còn uống (Bây giờ Sơn đã bỏ rượu rồi - Uống nước ngọt). Lúc ấy và trước trước nữa, ngày nào Sơn cũng uống, từ sáng cho đến tối, uống mà không ăn. Uống như lời hát Một ngày tôi chọn một niềm vui: “Mỗi ngày tôi nhậu một lần thôi, từ sáng tinh mơ cho đến chiều tà". Cho nên ngày hôm đó, bạn bè đặc biệt chăm sóc Sơn về uống. (Lúc nào cũng có Bordeaux mà!). Tôi là người cùng đi, tôi cũng có bổn phận này đối với Sơn. Nhưng tôi không lo. Trước đó một tuần, ở Orleans, ngồi trong nhà anh Nam Chi bên dòng suối ôn Tuyền, Sơn vừa uống, vừa vẽ, suốt ngày. Nhạc của Sơn đang chuyển thành màu sắc. Không có gì lạ. Nhạc sĩ Văn Cao vẽ, rồi nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Sơn ngồi vẽ, tôi bỗng nghĩ Sơn có một sức sáng tạo cường tráng trong một cơ thể gầy gò. Tôi biết đến ly nào thì Sơn muốn hát, thích hát, đến ly nào thì hát hay, đến ly nào thì quẩn không lối ra.
Quan trọng hơn và quyết định là Sơn hiểu được trách nhiệm của mình.
Và đúng như vậy, với cây đàn gita khi Sơn cất giọng thì... như anh Nam Chi và nhiều người nhận xét: "Không ai hát Trịnh Công Sơn bằng Trịnh Công Sơn, kể cả Khánh Ly".
Anh Nam Chi phân tích, ca sĩ mà hát lời của người làm lời, hát nhạc của người làm nhạc. Còn Sơn, Sơn hát lời của mình và nhạc cũng của mình. Tất nhiên, Sơn có cả giọng của trời cho. Đời kể cũng lạ. Những ca sĩ mà tôi biết, hầu như ngày nào cũng luyện giọng. Còn Sơn, tôi chẳng bao giờ và đố ai thấy Sơn luyện giọng. Nói đến chuyện hát của Sơn, Thế Uyên có viết một đoạn như sau trong bài Những người từ tuyệt tình cốc...”Từ hôm tới Huế (trước 1975). Tường đã vài lần nhắc tới Trịnh Công Sơn và khen rất nhiều tài năng của người nhạc sĩ này. Nhưng đêm nay, ngay sau khi Sơn đã ôm đàn hát lên một bài của mình về một vết lăn trầm, tôi đã thấy ma lực của lời cũng như nhạc của anh. Sơn càng hát thêm tôi càng thấy quyến rũ...”.
Đêm Trịnh Công Sơn ở Paris, khi tiếng đàn đã tắt, một lúc sau người nghe mới vỗ tay như giật mình tỉnh dậy sau lúc "đê mê" vì cái ma lực của lời, của nhạc và cả giọng quyến rũ của Sơn.
Theo anh Nam Chi, ca khúc của Sơn có câu khi ca sĩ hát, người nghe không hiểu nghĩa, như một câu vô nghĩa, nhưng khi Sơn hát thì thấy thâm thúy vô cùng. Lúc hát, Sơn rất quan tâm đến nghệ thuật nhả chữ. Lúc hát, Sơn kể, có lần Sơn tập cho Khánh Ly trong bài Rừng xưa đã khép có câu "Ngủ đi em mi cong cỏ mượt". Từ cỏ này hát nghe sao cho rõ dấu, và cỏ như nằm gọn trong một cái túi, một cái túi đựng lời. Nghệ thuật phải được rung động từ sự tinh tế. Nghe Khánh Ly (qua băng ghi âm) và nghe Sơn bài Chiếc lá thu phai ở câu "Tự làm khô héo tôi đây" Khánh Ly không lột tả nổi sự "khô héo" bằng Sơn. Cũng như bài Huyền thoại mẹ, Cẩm Vân không diễn tả nỗi người “Mẹ về đứng dưới mưa" bằng Sơn, Sơn cho ta cảm nhận đến tận cùng sự "khô héo", cho ta niềm xúc động trước hình ảnh của người mẹ dưới cơn mưa.
Vĩnh Trinh, em gái út của Sơn từ Canada cũng bay sang thăm anh và hát tiếp anh. Giọng út Trinh khoẻ, lôi cuốn như một dòng thác, nhưng nghe không cảm bằng Khánh Ly, lại càng không cảm bằng Sơn. Sao thế? Út Trinh chưa cảm nhận hết ý nghĩa của lời, của thơ. Tôi bảo Trịnh Công Sơn "Muốn hiểu phải có một trình độ văn hoá và sự cảm nhận văn học nhất định".
Nghe Sơn là nghe hồn thơ qua giọng hát của anh.
Tôi chưa bao giờ hỏi Sơn, khi sáng tác thì nhạc trước hay lời trước. Nghe và đọc của Sơn, theo tôi, nhạc và lời của Sơn cùng đến, như cả hai là một không thể tách rời. Có một số ca khúc được nghe, tôi thấy ở một vài tác giả, có khi vì bị kích động một nốt nhạc nào đó, đành phải có một lời độn, lời độn đó có khi vô nghĩa hoặc không cần thiết. Ở Sơn, tôi không tìm thấy. Giữa nhạc và lời, nếu phải có sự “nhượng bộ” thì nhạc phải "nhượng bộ" cho lời. Bởi thơ thì không thừa, cũng không thiếu.
Nhân nhắc đến Khánh Ly, tôi muốn báo với bạn đọc, cũng trong tháng năm ấy, Khánh Ly cũng có mặt ở Paris. Sơn hát ở Nhà Việt Nam trên đường Cardinal Lemoine. Khánh Ly hát ở rạp Mutualite (Place Maubert), cách nhau chẳng bao xa. Có nhau đó mà không cùng hát như bao người mong ước. Dù hát ở hai nơi khác nhau, nhưng tiếng hát của hai người đang vang lên trên bầu trời Paris. Với tôi, đó là điềm lành. Điềm lành cho sự sum họp không chỉ có hai người mà cho tất cả đàn con Việt Nam đang tản mát khắp nơi trên trái đất.
Đêm hát của Sơn có hai phần: Phần thứ nhất gồm những ca khúc trước 30-4-75 và những ca khúc sau này. Vì thiếu thông tin, có người tưởng rằng, sau 1975 sống dưới chế độ cộng sản, Trịnh Công Sơn không còn viết được, hoặc viết vì “phục vụ chính trị, phục vụ kịp thời" chẳng ra sao.
Với cây đàn gita quen thuộc, Trịnh Công Sơn mở đầu bài Lặng lẽ nơi này, ca khúc viết cho phim Tình xa năm gần đây. Trước mắt bạn bè, Sơn vẫn là Sơn, vẫn thơ, vẫn cùng một dòng nhạc mê đắm ấy và vẫn cái ma lực ấy đã quyến rũ bạn bè ngay từ đầu, có thể nói là bàng hoàng nữa, bàng hoàng vì không ngờ, chưa có thể nói là hơn, cũng chưa có thể nói là kém so với ngày xưa, nhưng cũng không thể nói là cũng vậy, khó nói, chỉ thấy bàng hoàng...
Trong hai mươi ca khúc được trình diễn trong đêm, có những bài cùng một chủ đề với hai giai đoạn trước và sau 30-4-1975. Trước đó có Ca dao Mẹ, sau có Huyền thoại Mẹ: trước có Diễm xưa, sau có Trong nỗi đau tình cờ.
Có bạn không muốn so sánh hai giai đoạn sáng tác của Sơn giai đoạn nào hơn giai đoạn nào, mà cho rằng ở giai đoạn sau lời và nhạc của Sơn trong hơn và mạnh hơn.
Cũng như Sơn đã nói "Mười lăm năm qua, tôi là một con người khác. Tôi đi tìm niềm vui chứ không phải thất vọng. Bởi bất hạnh thì nhiều mà hạnh phúc thì hiếm quá. Tôi nghĩ ở đâu cũng vậy. Sẽ có người cho tôi là tên ích kỷ, nhưng tôi vẫn tin rằng những lời thở than không thể thay đổi số phận một con người. Tôi ghét lòng thương hại." Quả là một nhận xét đáng suy nghĩ.
Sau đêm hát, bạn bè ai cũng muốn gặp Sơn, nếu không trò chuyện được lâu, ít nhất cũng một lần bắt tay mừng anh, nhưng không thấy Sơn đâu. Hỏi ai, ai cũng không thấy. Mất như biển - xe cảnh sát Pháp đã đưa Sơn đi rồi? Cảnh sát bảo họ có nhiệm vụ bảo vệ cho đêm hát của Sơn.
Một cách máy móc, Sơn hát rồi họ phải đưa Sơn đi... Đi về một nơi an toàn. Không chỉ có đêm dưới mái Nhà Việt Nam, những ngày sau, Sơn đã thăm, đã hát ở từng nhà với bạn bè. Có đêm ngoài ngoại ô Paris, anh và Trinh cùng bạn bè đốt lửa hát suốt đêm.
Qua nhiều cuộc tiếp xúc không thể không có một câu hỏi, vì sao Sơn không đi? Sơn không đi như 60 triệu dân Việt Nam không đi, không có gì đặc biệt, không có gì lạ phải phân trần hay giải thích. Và Sơn muốn học trường Tây, Sơn hiểu cái nghĩa văn hoá theo ngôn ngữ Pháp. Culture (văn hoá) cũng có nghĩa là trồng trọt. Đã trồng trọt thì không thể rời mặt đất. Người nghệ sĩ không thể rời bỏ Tổ quốc, không thể không bắt nguồn từ lòng của dân tộc.
Trở về thành phố, tôi nghe kể lại, ở thành phố đã có người đánh cuộc Sơn sẽ đi luôn. Và họ phải chung tiền, thua cuộc Nhà văn Thế Uyên đã viết về sự chọn lựa đi - ở của Sơn như sau: " Trời miền tây Bắc Mỹ nơi tôi cư ngụ về mùa thu, mùa đông nhiều khi rất buồn. U ám, mây bay, sương mù, mưa dầm, không khí lạnh giá. Nhiều buổi sáng, khi kéo cao cổ áo cho mưa bớt rơi vào cổ, ngậm điếu thuốc, tôi đi như chạy trên những con đường nhỏ trong khuôn viên đại học theo học cho kịp giờ kế. . . Những lúc ấy thật nhớ nhà vì thèm cái nắng ấm của Sài Gòn, của Việt Nam nhiệt đới. Tâm hồn bay bổng đôi lúc về quê hương cũ, về những người thân yêu còn ở lại, về dân tộc mình bên kia Thái Bình Dương rộng lớn, tôi đôi lúc thở dài. Trịnh Công Sơn đã có 1ý khi anh chọn ở lại quê hương. Nơi này anh có đất nước, có dân tộc và dĩ nhiên có quê hương đích thực... Anh được làm nhạc sĩ cho dân tộc hơn 60 triệu người của mình, trên quê hương của mình. Anh chọn lựa ở lại là phải. Bởi vì, ai dan tiếng cho bằng người bạn già Phạm Duy thân ái của tôi nhưng hay đến như mười bài Rong ca thì cũng chỉ phổ biến trong một triệu người xa quê, phân tán trên khắp hành tinh trái đất này. Trịnh Công Sơn ở lại là phải...
Tôi nghĩ có khác hơn anh Thế Uyên, Trịnh Công Sơn ở lại và ở lại. Không có điều thứ hai cho Sơn so sánh lựa chọn.
Tất nhiên Sơn cũng có một dạo lận đận (ai mà không có một lúc lận đận trong đời), nhưng tôi vẫn tin. Mỗi lần nghe, mỗi lần gặp, tôi càng tin ở Sơn.
Hôm nay là ngày 28 tháng 2, tôi kết thúc bài viết vì ngày này, nhằm sinh nhật thứ 51 của Sơn (28-2-1939 - 28- 1990). Mừng sinh nhật của Sơn, mừng Sơn đã bỏ rượu mừng sẽ còn nghe nhiều, nghe nữa của Sơn.
Paris - Tiếng hát Trịnh Công Sơn - NXB Tác phẩm mới, 1990.
Nguyễn Quang Sáng
Theo http://kilopad.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...