Tranh không có ý
Vẽ cái tâm mình
Như trong cơn mơ
Chớ giả với chính mình
Sơn là vợ, tranh là con
Chớ luật, chớ quen
Thí nghiệm là cần
Vẽ không bao giờ xong
Cái vẽ mới của Tây
Vẽ cái tâm mình
Như trong cơn mơ
Chớ giả với chính mình
Sơn là vợ, tranh là con
Chớ luật, chớ quen
Thí nghiệm là cần
Vẽ không bao giờ xong
Cái vẽ mới của Tây
ân tộc Việt Nam vốn ít vẽ. Nguyễn Gia Trí là nghệ sĩ
trong một ngành nghệ thuật mà dân tộc không có truyền thống. Vậy tác phẩm của
ông chủ yếu gốc nước ngoài? Không phải đâu!
Trước tiên, nói ta ít vẽ thực ra không
đúng. Vẽ trên mặt phẳng, trên giấy trên vải quả có ít thật, nhưng trên đồ gốm
thì người Việt vẽ nhiều chứ. Chẳng những nhiều, tranh trên gốm của ta từng biểu
hiện một thẩm mỹ quan rất riêng biệt. Hãy ngắm đồ gốm sứ Lý-Trần: hoa văn trang
trí điển hình có đường nét mềm dẻo, bố cục thưa thoáng, màu sắc đạm nhã, lắm
khi chỉ vài nét đơn sơ, một màu men nâu bình dị, mà thật ưa nhìn. Cái lối đẹp
mộc mạc tinh tế ấy khác hẳn lối đẹp cầu kỳ hay thấy ở sản phẩm gốm sứ Trung
Quốc. Tiếc từ đời Lê trở đi, do xu hướng tự Hoa hóa của triều đình, gốm Việt
cao cấp bắt đầu mang dấu ấn Tàu. Trên một số hiện vật thuộc dòng gốm Chu Đậu cổ
(khoảng thế kỷ 14, 15) được trục vớt từ con tàu đắm ngoài khơi Hội An, ta còn
thấy khá rõ mỹ thuật Việt, nhưng càng về sau...
Thứ hai, vẽ chỉ là một phương pháp tạo
hình. Ngoài vẽ còn có khắc, chạm, đắp, tạc, nặn... Rồi xây nhà, may áo váy,
quấn khăn v.v. cũng đều là tạo hình cả. Tuy từ đời Lê trong giới quý tộc,
thượng lưu Việt, cái thẩm mỹ quan tạo hình riêng của người Việt bị xem thường
(!), nhưng giữa lòng dân tộc, nơi các thôn xóm sau lũy tre xanh nó vẫn tiếp tục
ngự trị. Nó khiến ấm trà bình dân mang dáng quả vả quả sung, khiến mái đình mái
chùa cong vút, khiến trong đình có những điêu khắc tuy giản phác mà rất sinh
động, gợi cảm, khiến các thôn nữ Việt áo tứ thân nâu non nâu già nền nã, váy
thâm buông chùng cửa võng rập rờn như sóng, khăn mỏ quạ đen... như quạ khéo léo
tôn dáng mặt, nói chung là ăn mặc tuy đơn sơ mà duyên dáng tuyệt vời. Nó khiến
ra đời chiếc áo dài như một thứ trang phục xứng đáng kế tục chiếc áo tứ thân.
Và dĩ nhiên cũng chính nó đã khiến tranh mộc bản (như tranh Đông Hồ) tuy
"thực thà" mà lại nói lên được tài tình cái tinh thần của đời sống
thôn quê Việt Nam...
Về nghệ thuật tạo hình, người Việt có
truyền thống lâu dài đặc sắc. Vào thời Nguyễn Gia Trí lớn lên truyền thống ấy
vẫn còn hiện diện mạnh mẽ. Chính nó đã là cái vốn giúp họa sĩ xây nên sự nghiệp
tranh để đời.
Nguyễn Gia Trí học lối vẽ Tây, tuy nhiên
học xong chỉ ít lâu sau đã thôi vẽ như Tây mà sáng tạo ra một lối vẽ mới. Ông
kết hợp một số yếu tố họa pháp Tây với nghệ thuật sơn mài truyền thống được cải
tiến về kỹ thuật, để vẽ nên những bức tranh vừa hiện đại vừa vẫn đậm đà bản sắc
Việt Nam.
Ngoài sáng tạo, Nguyễn Gia Trí thỉnh
thoảng có phát biểu nhận thức về hội họa. Trong tinh thần "Nghe Bụt chùa
nhà", chúng tôi trích đăng sau đây một số những nhận thức đó.(1)
Tranh không có ý
Vì tranh không có ý gì cả, nên tên của
tranh cũng chỉ đặt cho có mà thôi.
Không ít lần ta ngắm nghía một bức tranh
đẹp xong, đến gần nhìn thử cái tên, thấy... chưng hửng!
Họa sĩ không làm việc để
minh họa triết gia nào (...) Khi vẽ để diễn tả ý nào đó, thì đã là minh họa.
Mức cao hơn, là biết chú ý đến bố cục, bút pháp v.v. (...) Tranh không có ý gì
cả (...) (2)
Vẽ cái tâm mình
Tâm không có hình.
Vẽ là cho nó một cái hình.
Hình thì có hình đẹp hình xấu.
Cái đẹp xấu của hình nó liên hệ thế nào
với tâm?!
Vì họa sĩ muốn biết và
thấy cái tâm mình, nên mới tìm tòi và làm việc. Vì không biết nên mới vẽ (...) (3)
Như trong cơn mơ
Khi dùng chữ "suy nghĩ", hẳn
Nguyễn Gia Trí muốn nói "ý thức". Vì không ai suy nghĩ mà ra tranh,
bất cứ thứ tranh gì!
"Sáng tác có lúc như trong cơn mơ.
Người vẽ không ý thức mà chỉ làm"...
Vẽ trừu tượng là không vẽ bất cứ cái gì
mắt thấy. Mắt vẫn mở (thì mới "làm" được!) nhưng mắt không được thấy,
như thế thì chỉ có cách vào một cơn mơ. Hễ ra khỏi mơ, hễ bắt đầu ý thức, bắt
đầu thấy cái nọ cái kia xung quanh mình, thì thể nào cũng lôi chúng vào, làm
hỏng mất tranh trừu tượng.
Vẽ cụ thể là làm cho một cái hình có thật
nào đó bỗng chứa tâm hồn ta.
Còn vẽ trừu tượng là làm cho tâm hồn ta
bỗng hiện ra thành một cái hình chưa hề có thật bao giờ!
Sáng tác có lúc như
trong cơn mơ. Người vẽ không suy nghĩ mà chỉ làm. Khi đã nghĩ mình vẽ trừu
tượng, thì bức tranh lại không trừu tượng nữa. Lúc ấy sáng tác đã bị phân hai
giữa tranh và người vẽ tranh (...) (4)
Chớ giả với chính mình
Họa sĩ có tài mà kém thành thật với chính
mình thì tranh không đẹp đến mức có thể.
Họa sĩ không có tài thì dù thành thật
tuyệt đối cũng không sao vẽ nên tranh đẹp. Thực ra như vậy là muốn làm họa sĩ
chứ không phải là họa sĩ. Mà như vậy không phải trường hợp hiếm có!
Làm nghệ thuật điều
chính yếu nhất là thành thật. Cái hại nhất là giả với chính mình (...) Làm hàng
trăm cái hỏng để lấy nửa cái được hoặc một cái được. Người nghệ sĩ không bao
giờ thỏa mãn với chính mình (...) (5)
Sơn là vợ, tranh là con
Muốn có con, phải yêu vợ!
Muốn có con tranh, phải yêu vợ sơn vợ mực.
Muốn có con tượng, phải yêu vợ gỗ vợ đá. Muốn có con thơ con văn, phải yêu vợ
chữ. Muốn có con nhạc, phải yêu vợ tiếng v.v.
Càng yêu vợ, con càng đẹp.
Không yêu không hiểu vợ gì hết, mà bắt vợ
đẻ, con sẽ xấu như ma!
Chất liệu chiếm một nửa
người nghệ sĩ. Phải yêu chất liệu, yêu như vợ mình thì mới có con là tác phẩm
(...)
Mỗi chất liệu có đặc
điểm riêng. Phải nắm được tính chất riêng của nó (...) Ví dụ độ dày mỏng trong
sơn dầu. Sơn mài thì lại yêu cầu phẳng (...) (6)
Chớ luật, chớ quen
Qui luật thì cố ý, thói quen thì vô tình,
nhưng cùng là khung, khuôn.
"Tác" theo khung khuôn, làm sao
"sáng" được!
Nhưng không phải cứ né cũ là xong. Đời xưa
kẻ bất tài trốn trong luật. Còn đời bây giờ hắn nấp trong tự do!
Một quan niệm, một đầu
óc quá cổ điển không có lợi cho sáng tác (...) Không có qui tắc luật lệ nào cả
(...) nghệ sĩ tự mình trói mình, bằng những thành kiến qui tắc nào đấy (...)
Ngày xưa thầy tôi thường nhắc hãy coi chừng những thói quen (...) (7)
Thí nghiệm là cần
Một quan niệm thẩm mỹ chào đời, có thể so
nó với một bé gái mới đẻ.
Mỗi ngày trên thế giới biết bao nhiêu bé
gái mới đẻ. Nhưng trong vô số bé mới đó, biết có được bé nào lớn thành hoa
hậu...
Không nên cứ thấy oe oe đỏ hỏn là tri hô
"Đẹp!". Nhưng tất nhiên mọi người phải cố đẻ thì nhân loại mới mong
có ngày thấy được tân Tây Thi!
thí nghiệm cần thiết
(...) hàng vạn người họa chăng mới có một người tìm được một hạt kim cương
(...) (8)
Vẽ không bao giờ xong
Đúng là dù đã sửa nhiều lần, họa sĩ ngắm
lại tranh vẫn muốn cầm cọ lên sửa thêm. Tranh vẽ xong chẳng qua là tranh mà họa
sĩ quyết định thôi không đụng đến nữa.
Nhưng nói "tất cả đều là phác
thảo" thì quá. Chợt nghĩ đến những bức tranh sơn mài của chính Nguyễn Gia
Trí. Chừng ấy công phu bỏ ra mà chỉ mới là "phác" thôi ư?!
Về thực hành, sửa tranh dĩ nhiên khó hơn
hẳn sửa thơ văn. Thơ văn lúc nào cũng sửa được. Tranh vẽ đến lúc nào đó thì coi
như không còn sửa được...
Không có bức tranh nào
gọi là xong cả. Tất cả đều là phác thảo (...) (9)
Cái vẽ mới của Tây
Tranh đích thực không minh họa cái gì cả.
Nguyễn Gia Trí nói thế là chê đấy.
Dám chê Tây như ông, vào thời ông không có
nhiều người đâu.
Thời ấy cũng lâu rồi. Người dám chê Tây
nay lại càng hiếm lắm. Nay muốn nghe một ý kiến độc lập về bất cứ cái gì của
Tây, hoặc đốt đuốc lên mà tìm người sống, hoặc thắp mấy nén nhang cầu hồn người
chết hiện về...
... những sáng tác hội
họa mới nhất của Mỹ và của Ý. Nhiều cái trông thật thì không biết thế nào (...)
đọc những bài họ viết thì bên cạnh những thuyết bí hiểm lại có những thuyết
"văn chương" quá, khiến cho mình đâm nghi. Nhiều khi các ông ấy chỉ
làm minh họa những thuyết về khoa học hay triết lý, chẳng có gì khác(...) (10)
Nhan đề các trích đoạn đều là tạm đặt.
(1) Xem bài "Huy Cận
nghĩ về thơ" (TT).
(2) Trích thư gửi Phạm Tăng, đề ngày
24-1-1960, đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21, Mỹ, số 189 & 190, 1
& 2 - 2005.
(3) Trích "Một số ghi
chép của họa sĩ Nguyễn Gia Trí về nghệ thuật", Nguyễn Xuân Việt sưu tầm,
đăng trên tạp chí Mỹ Thuật của
Hội Mỹ thuật TPHCM, số 10, 11/1993, in lại trong Các bậc thầy hội họa Việt Nam: Tô
Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, nxb. Mỹ Thuật, HN, VN,
1995, tr. 3-5.
(4) Xem chú thích số 3.
(5) Xem chú thích số 3.
(6) Xem chú thích số 3.
(7) Xem chú thích số 3.
(8) Xem chú thích số 2.
(9) Xem chú thích số 2.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét