Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Bùi Xuân Phái nghĩ về vẽ

Bùi Xuân Phái nghĩ về vẽ (1)
Một thế giới riêng 
Hồn nhiên như mới vẽ 
Càng giản dị, càng khó 
Quá trình xây dựng tác phẩm 
Đừng ngại làm đi làm lại 
Không phải là ngại khó 
Không phải để anh bắt chước 
Xóa xấu không thương tiếc 
Xóa xấu giữ đẹp cho đúng! 
Phải nghĩ, phải xem 
Vẽ nên có mẫu hay không? 

Vẽ Hà Nội Phố
Thái Bá Vân bảo "Phố cổ Hà Nội vô cùng hội họa". (*) Ấy là sau khi xem tranh Phố Phái, ta mới thấy thế, chứ trước vẫn "băm sáu phố phường" mà nào ai thấy hội họa ở đâu.
Cái thiên tài của một "đứa con ruột thịt" đã làm cho ngoại hình của "mẹ" Hà Nội đi vào hội họa cách "ấn tượng" hình như hơn bất cứ khu phố cổ nào khác trên thế giới.
Bùi Xuân Phái là người đầu tiên giúp ta thấy cái chất tranh nơi những mái ngói, tường gạch, lối, ngõ của lòng thủ đô. Ông cũng là người đầu tiên giúp ta thấy cái chất tranh nơi sân khấu chèo, nhất là ở hậu trường. Ngoài Phái Phố, Phái Chèo, còn có Phái Khỏa Thân, Phái Xuân Hương, Phái Chân Dung, Phái Tĩnh Vật, Phái Biển v.v. Bất kể đề tài, mọi tác phẩm hoàn thành đều toát ra phong cách rất riêng. Đã đẹp lại "độc (đáo)", chẳng thế mà người vẽ lại nên được cái danh danh họa!
Thực ra ở một người, cái tài đã chẳng dẫn đến cái danh cách suông sẻ đâu. Vì lý do chính trị, Bùi Xuân Phái đã bị "bỏ quên" cho mãi đến sau khi ông qua đời.
Ngoài sự chú ý của quần chúng, nhưng hẳn trong sự trân trọng của một thiểu số họa sĩ và người thưởng thức tranh, Bùi Xuân Phái đã sáng tác cực khỏe. Thái Bá Vân: "Phái (...) vẽ đến hàng ngàn bức"!
Chắc nhiều người chợt nhớ: thời ấy kinh tế cực kỳ khó khăn, lấy đâu ra cho đủ sơn với vải mà cọ đêm cọ ngày thế? Thì nhiều lúc có đâu! "Nhiều bức chỉ bé bằng lòng bàn tay (...) vẽ (...) trên một chiếc bì thư, một vỏ bao thuốc lá, một hộp diêm". Tranh kích cỡ bình thường còn khó bán, nữa là tranh hộp diêm. Nghe nói có những bức thời giá chỉ tính được bằng số cốc cà-phê thôi!
Nông nỗi của một "họa nghiệp" qua lâu rồi. Tranh Phái bây giờ tiếng to khắp nước, mà tiền thì cũng đã khá nặng trong túi khá nhiều người Việt Nam... Bây giờ một cái Phố Phái trên vỏ bao thuốc lá, nếu không phải là đại gia thì rước được về chắc cũng thấy hơi mệt.
Trở lại chuyện "trong, ngoài". Nhà nước Việt Nam chả phải áy náy. Thời ấy nước có việc cực lớn cần làm. Mọi hoạt động không đóng góp vào nỗ lực chung không được đề cao là bình thường. Nhà nước không đề cao tranh Bùi Xuân Phái, không tạo điều kiện thuận lợi cho nhưng cũng không hề cấm họa sĩ sáng tác. Thiết tưởng trong lúc bao nhiêu người cầm súng cầm cuốc, trong lúc họa sĩ khác vẽ để động viên người cầm súng cầm cuốc, mà mình được vẽ gì tùy thích, mình may mắn chứ! Thế rồi việc nước xong, nhà nước nới lỏng chính trị, cho mọi người tha hồ tán tụng tranh đẹp của mình, mình lại may mắn nữa! (Cái việc khi ấy Phái đã vĩnh viễn xa Phố là chuyện không thể bắt nhà nước chịu trách nhiệm!)
Ngoài sáng tác, Bùi Xuân Phái còn "năng suy nghĩ đến nghệ thuật". Tranh Phái "đẹp độc", nghĩ ngợi của Phái về tranh thì lắm khi "sâu độc". Sau đây là trích tuyển thứ nhất.
Một thế giới riêng
Phố cổ Hà Nội ai có mắt chả thấy. Người ta đi xem tranh là muốn xem cái Phố riêng của Phái.
Nếu không có được một cái nhìn riêng, đừng vẽ làm gì.
Một thế giới riêng. Một cái nhìn riêng. Nghệ thuật làm người xem thú vị ở chỗ đó. (1)
Hồn nhiên như mới vẽ
Đi thì thành đường. Mà làm nghệ thuật kỵ nhất đi vào đường đã đi. Vậy mỗi lần làm, phải làm sao cho mắt không nhìn thấy đường!
Tôi không còn nghĩ gì về nghệ thuật nữa thì tôi mới tự do được mà vẽ.
Ðừng băn khoăn nhiều trong lúc vẽ. Ðừng đặt ra một tiêu chuẩn gì về cái đẹp. Cứ vẽ như người không biết vẽ cũng được chứ sao? Mà lại khó nữa nếu lại cố tình làm ra không biết vẽ! Chính cái hồn nhiên mới đem lại cái tươi mát trong tranh. (2)
Càng giản dị, càng khó
Tranh "lải nhải vẽ mãi" sẽ hóa ảnh! Sẽ có đầy đủ chi tiết mà thiếu mất cái chất tranh.
Cảnh vật bao giờ cũng vô số nét. Vẽ là bớt nét đi. Nhưng cẩn thận, đừng bớt mất cái "tinh chất"!
Ðừng thừa. Cứ lải nhải vẽ mãi thì nhất định là sẽ có nhiều cái thừa. Nên tránh đi thì hơn. Vẽ lâu cũng được nhưng cốt để đi sâu vào cái đẹp, cái cần, chứ không phải để thấy cần cù nhiều quá của bàn tay.
Càng ngắn càng khó (tất nhiên là ngắn hay). Càng ít nét, càng giản dị, càng khó. Cái tinh chất mới thực là cái đáng quý. (3)
Quá trình xây dựng tác phẩm
Vẽ không giống viết. Người này vẽ không giống người khác vẽ.
Vậy thì cái mẫu số chung của sáng tạo nghệ thuật là gì?
Thiết tưởng là tính biện chứng: nghệ phẩm đích thực bao giờ cũng hoàn chỉnh dần trong quá trình sáng tạo chứ không thể được "nghĩ ra" trước!
"Xây" tranh "xây" thơ theo lối nào đó thì xây, miễn đừng xây theo một thiết kế!
Tác phẩm hội họa được xây dựng theo một kiểu riêng của nó. Nó không giống như cách xây dựng tác phẩm của một nhà văn hoặc của một ngành khác và cuối cùng mỗi con người nghệ sĩ lại có một lối riêng để hoàn thành tác phẩm. (4)
Đừng ngại làm đi làm lại
Làm nghệ thuật, dĩ nhiên không nên cố làm để được quần chúng thích, dùlà quần chúng "ở mức độ giỏi"!
Còn "làm đi làm lại" thì rất nên, tuy không hề có bảo đảm là càng làm lại nhiều lần kết quả sẽ càng "hay"!
Không ngại gì làm đi làm lại để tìm ra cái hay hơn (...) Ðừng sợ không được quần chúng thích mà đi tìm lối này lối nọ. Chính cái hay nhất của anh mới làm quần chúng thích được. (Tôi không nói quần chúng ở mức độ kém).(5)
Không phải là ngại khó
Hẳn "ít vẽ hoặc không vẽ đến" đây là do thiếu cảm xúc đậm đà. Không ai có thể vẽ thờ ơ thành tranh đẹp.
Cái khó vẫn là cái xưa nay ít vẽ hoặc không vẽ đến (6)
Không phải để anh bắt chước
Bắt chước là hỏng, bất kể bắt chước cái gì.
Không cần nói tác phẩm của người. Nói quả núi kia. Nếu anh cố vẽ nó cho thật giống, đó là anh đang bắt chước tác phẩm của trời! Anh có cố lắm, cũng bất quá vẽ nên một bức ảnh! Cầm lấy máy ảnh mà chụp cho mau xong! (Chụp ảnh cũng có lối bắt chước và lối nghệ thuật, đây nói lối bắt chước.)
Ngắm cái núi mà con mắt thịt của mọi người đều thấy như nhau, rồi vẽ ra một cái núi riêng của tâm hồn mình, mới là làm nghệ thuật.
Không phải cái cũ, cái cổ không hay, không có giá trị. Nó tuyệt vời với những tác phẩm bất tử đã có. Nhưng cái đó không phải để anh bắt chước.(7)
Xóa xấu không thương tiếc
Kể ra, người xem có thấy tranh xấu thì mới biết họa sĩ không phải cứ vẽ là ra tranh đẹp!
Tức tranh xấu giúp người xem nhận thức đúng hơn về vẽ tranh.
Nhưng tranh xấu có thể gây ấn tượng bất lợi về tài năng họa sĩ, trong khi đánh giá tài năng chỉ nên căn cứ vào tranh đẹp.
Có biết vẽ đẹp là khó thì biết, đây nhất định chỉ cho xem đẹp thôi!
Những bức tranh tồi, tranh dở, tranh xoàng sẽ làm hại uy tín của mình đó.
Xóa cái xấu đi không thương tiếc (8)
Xóa xấu giữ đẹp cho đúng!
Sáng tạo nghệ thuật và thưởng thức nghệ thuật là hai năng khiếu khác nhau.
Tức có người vẽ kém mà phân biệt tranh đẹp xấu lại hay hơn người vẽ giỏi.
Tưởng tượng họa sĩ vẽ rồi giữ xấu xóa đẹp!
Ðáng buồn khi người vẽ không nhìn thấy thất bại, thành công (...)
Giữ lại cái gì đẹp (...) Xóa cái xấu đi (...) Phân biệt cho hay (9)
Phải nghĩ, phải xem
Nhà vẽ phải có lúc nghỉ vẽ để nghĩ về vẽ và để ngắm tranh của nhà vẽ khác.
Và để đi dạo phố cổ, đi xem hát chèo, đi... ngồi ngắm cái đèn dầu, cái điếu cày, nải chuối, mấy quả hồng v.v. nữa chứ.
Nghệ thuật nào cũng thế. Lúc tạm nghỉ làm là lúc nghĩ về làm, ngắm thành quả của người khác và xây vốn cảm xúc.
Tôi nghĩ rằng không phải là cứ hùng hục vẽ là tốt mà còn phải năng suy nghĩ đến nghệ thuật, đến con đường tuy có nhiều khó khăn nhưng đẹp đẽ.
Ngoài ra tôi thấy cần phải xem sách xem tranh (nếu có) tất cả các họa sĩ bậc thầy, để mình được nâng tầm mắt lên. Ðể mình phân biệt được cao thấp, vàng thau không lẫn lộn.
Nghệ thuật thật là phong phú. Biết thưởng thức, biết đánh giá, đòi hỏi người xem phải có trình độ, phải học tập nhiều.(10)
Vẽ nên có mẫu hay không?
Vẽ là vẽ ra cái con mắt nhìn cái đẹp của mình, chứ có phải vẽ ai hay vẽ cái gì đâu.
Mẫu chỉ là nơi họa sĩ bắt đầu. Mà cũng không cần phải bắt đầu ở đấy. Họa sĩ có thể "cọ" mấy nhát lên vải, để chính sơn (và vải) làm nơi bắt đầu.
Vẽ nên có mẫu hay không?
Ðiều đó còn tùy (...) Nếu vẽ theo lối cổ điển, ấn tượng, tả thực... thì nhất định là cần phải có mẫu. Nhưng cũng không nên nệ mẫu. Có những cái đẹp mà ở mẫu không đáp ứng được. Vậy, không nhất thiết phải luôn luôn có mẫu. (11)
Vẽ Hà Nội Phố
Phố cổ Hà Nội là cả một cái "mỏ" cảm hứng hội họa chờ Phái "khai"!
Không phải chỉ việc cầm cọ "bổ" xuống là "đào" lên được tranh Phố Phái đâu. Tâm hồn họa sĩ phải tinh lọc hình ảnh và biến hóa hình ảnh tinh lọc cách sáng tạo thì ta mới có "những cái đẹp bất ngờ" để thưởng thức.
Hà Nội có rất nhiều vẻ đẹp (...)
Phố cổ, những căn nhà cổ vào tranh rất dễ đẹp. Nhịp điệu của nó không đều đều như những căn nhà cao tầng, nhà lắp ghép. Chúng ta thấy có cái cao, cái thấp, cái to, cái nhỏ, cái lùi vào, cái nhô ra...
Người vẽ về mặt tạo hình và bố cục có rất nhiều thuận lợi.
Về màu sắc nó mang nhiều màu thời gian. Có nhiều mảng tường tưởng như là bẩn, không phải đâu. Nó rất đẹp đối với những đối tượng biết nhìn thấy, biết khám phá... Những loang lổ, những dấu vết thời gian ấy thêm vào óc tưởng tượng của người nghệ sĩ sẽ tạo ra những cái đẹp bất ngờ.
Vẽ phố cổ, nhà cổ Hà Nội mà quá nặng về ghi chép cho đúng thì tranh sẽ mang ít chất hội họa, về phần này nên nhường chỗ cho nhiếp ảnh hoặc điện ảnh. Chúng ta đều biết cái đẹp của tranh, phần cốt yếu vẫn là phần sáng tạo của nghệ sĩ. (12)
(*) Tất cả những chỗ trích dẫn lời Thái Bá Vân đều từ sách Tiếp xúc với nghệ thuật do Viện Mỹ thuật Việt Nam xuất bản ở Hà Nội năm 1997.
(1) - Bùi Xuân Phái, "Tâm tư nghệ thuật" (trích nhật ký), tạp chí Thơ, VN, không nhớ số mấy, năm 2006 hoặc 2007.
(2) - Xem chú thích 1.
(3) - Bùi Xuân Phái, Viết dưới ánh đèn dầu, nxb. Mỹ Thuật, VN, 2008.
(4) - Xem chú thích 1.
(5) - Xem chú thích 1.
(6) - Xem chú thích 1.
(7) - Xem chú thích 1.
(8) - Xem chú thích 1.
(9) - Xem chú thích 1.
(10) - Xem chú thích 3.
(11) - Xem chú thích 1.
(12) - Xem chú thích 3. 
Thu Tứ
Theo http://chimviet.free.fr/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...