Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Thơ nhạc, thơ tranh - Thơ Ta, thơ Tàu

Thơ nhạc, thơ tranh - Thơ Ta, thơ Tàu
Thơ nhạc, thơ tranh:
Đằng êm tai, đằng đẹp... óc 
Vài ví dụ: 

- Dịch thơ Đường 
- Dịch Chinh phụ ngâm khúc 
- Truyện Kiều 
- Cung oán ngâm khúc... 

Hai đằng hơn kém thế nào?
Đằng êm tai, đằng đẹp... óc
Thơ làm bằng chữ.
Vì chữ có âm thanh nên thơ có thể có chất nhạc. Nhạc hay không, nhạc nhiều nhạc ít, tùy đặc tính của thứ tiếng được dùng để làm thơ và tùy luật của thể thơ.
Vì hầu hết chữ có nghĩa nên thơ có thể có chất họa. Đây chữ "núi" kia chữ "chim" nọ chữ "thuyền" chữ "ông chài" chữ "nón lá", "áo tơi"... Sắp thế nào đấy, nên tranh thủy mạc chứ chẳng bỡn! Tất nhiên là tranh trong óc thôi.
So tiếng Việt với tiếng Tàu.
Tản Đà có lần bảo: "Chữ quốc ngữ của ta, âm và vận so với chữ nước khác, hãy nói như chữ Tàu, thì rất là giàu đủ và tách bạch hơn". (1) Từ vựng thế, ngữ pháp lại cực kỳ linh động, trách nào tiếng Việt nghe đặc biệt êm tai. Cái lối ta dùng những hư tự và chữ đứng trước, chẳng hạn, có thể làm tăng nhạc tính của câu thật đáng kể. (2)
So luật thơ Việt với luật thơ Tàu.
Thơ Việt truyền thống có hai thể căn bản là thể sáu tám và thể ngâm (tức bảy bảy sáu tám). Luật của cả hai thể đều là luật về âm và vận mà thôi, không hề đặt ra ràng buộc nào về ý. Luật thơ Việt hoàn toàn nhằm tạo hiệu quả nhạc.
Thơ Tàu điển hình là thơ Đường luật. Luật Đường trước tiên qui định cách sắp xếp ý trong một bài thơ (dài chỉ tám hoặc bốn câu!). Cũng có qui định về âm thanh, nhưng đòi hỏi tổ chức ý quá chặt chẽ làm cho rất khó tạo nhạc. Tức luật thơ đây cơ bản giống như một thứ họa pháp để vẽ tranh (tưởng tượng) bằng chữ!
Tiếng khác tiếng, luật thơ khác luật thơ, kết quả là:
Thơ Việt như nhạc, thơ Tàu như tranh.
Thời tiền chiến, Thùy Thiên khóc nhầm bạn Tản Đà (vì tưởng thi sĩ đã từ trần), trong bài thơ điếu người chưa chết có câu "ca":
"Văn chương đâu khéo ly kỳ,
Đọc lên sướng miệng, nghe thì sướng tai!".
Đấy, thơ Việt mà hay thì thế đấy.
Dĩ nhiên cái sướng nó không ngừng ở tai. Từ tai nó vào lòng.
Nghệ thuật thơ Việt Nam dùng nhạc để gợi lên trong lòng người nghe cả một trời cảm xúc!
Trong khi chắc không tình cờ mà người Tàu xưa nay không trầm trồ bài thơ Đường nào là "thi trung hữu nhạc" cả (thực ra tuy hiếm vẫn có, như bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế). Chỉ nghe truyền tụng lời Tô Đông Pha trầm trồ: "Đọc thơ Ma Cật thấy trong thơ có họa".
Riêng gì thơ Vương Duy, Đường thi cơ bản là những bức tranh thủy mạc vẽ bằng chữ, nhiều bức đẹp... óc ra phết.
Vài ví dụ
Dịch thơ Đường
Đây đôi bức tranh Tàu chuyển thành khúc nhạc Việt quen thuộc:
"Tầm Dương giang đầu dạ tống khách
Phong diệp địch hoa thu sắt sắt
(...)
Chuyển trục tỳ bà tam lưỡng thanh
Vị thành khúc điệu tiên hữu tình
(...)
Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân
Tương phùng hà tất tằng tương thức
(...)
Tựu trung khấp hạ thùy tối đa?
Giang Châu tư mã thanh sam thấp." (Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị)
"Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu, lau lách điøu hiu
(...)
Vặn đàn mấy tiếng dạo qua
Dẫu chưa nên khúc, tình đà thoảng hay
(...)
Cùng một lứa bên trời lận đận
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau
(...)
Lệ ai chan chứa hơn người?
Giang Châu Tư Mã đượm mùi áo xanh." (Phan Huy Vịnh dịch)
"Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu." (Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu)
"Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai." 
(Tản Đà dịch)
Dịch Chinh phụ ngâm khúc
Hoàng Xuân Hãn nhận xét:
"Cái hay (của bản dịch) một phần, bởi tình ý thiết tha, hình ảnh rực rỡ (trong nguyên văn), và một phần lớn, vì từ điệu gọn gàng, nhịp nhàng và bóng bẩy".(3)
Tức Đoàn Thị Điểm hay Phan Huy Ích đã đem tranh đẹp phổ thành nhạc du dương!
Văn nhân xưa rất biết việc miønh làm, vì sau khi dịch xong có lời kể: "từng thiên, từng chương (...) tìm âm thanh cho êm ái (...) phiên dịch thành khúc mới".(4)
"Khúc mới" chính là một khúc nhạc, một bài ca. Cho nên mới gọi Chinh phụ ngâm khúc diễn ca!
Đây hai câu đầu của Đặng Trần Côn:
"Thiên địa phong trần
Hồng nhan đa truân".
Và đây hai câu ấy sau khi dịch:
"Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên".
"Tranh" lối Tàu tám chữ vẽ một người đàn bà đẹp quay cuồng giữa trời đất đầy gió bụi. "Nhạc" Việt hai câu ca lên cái hình ảnh ấy!
(Nguyên tác Chinh phụ làm theo thể trường đoản câu ngắn câu dài. Câu ngắn như trên người dịch thêm chữ, còn câu dài thì bớt chữ, nhờ hết sức dạn tay thêm, bớt, sửa sang, đảo lộn, mà tranh mới thành được nhạc.)
Truyện Kiều
Thi phẩm bất hủ của Nguyễn Du:
Theo Xuân Diệu, "là một bản nhạc dài". (5)
Theo Hoài Thanh, như "một tiếng đàn lạ gần như không một lần nào lỡ nhịp ngang cung". (6)
Một tài thơ lớn và một tài thưởng thơ lớn, cả hai hậu sinh sáng giá đều thấy điều đáng nhắc nhất về Kiều là chất nhạc quán xuyến và độc đáo.
Thì chính Nguyễn Du đã gọi tác phẩm mình là "Đoạn trường tân thanh". Cụ xem tranh dâu bể của người Tàu, cảm khái, khóc một hơi thành nhạc "động đất trời", "nghe như non nước vọng lời nghiêng thu" (7), chứ cụ có ngồi hì hục vẽ bức tranh khác đâu!
Cung oán ngâm khúc...
Dĩ nhiên đâu phải chỉ khi đọc thơ tranh hay tiểu thuyết của người Tàu, ta mới có hứng sáng tác thơ nhạc. Người Việt bình dân quanh năm suốt tháng "ca" thành "dao" đủ thứ "tranh". Người Việt trí thức hay ngâm nga khi ngẫm nghĩ về tranh "tuồng đời", "kiếp người":
"Gót danh lợi bùn pha sắc xám
Mặt phong trần nắng nám mùi dâu
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê
(...)
Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ
Quán thu phong đứng rũ tà huy
Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này
Tuồng huyễn hóa đã bày ra đấy
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nắm cổ khâu xanh rì." (Cung oán ngâm khúc)
và khi ngắm nghía tranh thật của Tạo hóa:
"Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen lá đá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta." (Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan)
Dù chứa nhiều chữ Tàu như Cung oán hay làm theo luật Tàu như thơ Bà Huyện, thì "thơ ca" của ta bao giờ cũng vẫn giàu chất nhạc hơn hẳn "thơ họa" của Tàu!
Hai đằng hơn kém thế nào?
Tản Đà có lần phát biểu:
"Quốc văn ta có những đặc điểm có thể làm cho thơ ca (...) hay hơn thơ ca của nước ngoài".(8)
"Nước ngoài" đây là kể cả nước Tàu!
Cụ nghĩ thế, liệu có đúng không?
Thiết tưởng nếu xem thơ là một thứ nghệ phẩm làm bằng tiếng nói thì làm thơ như người Việt Nam mới là đi đến chỗ tận cùng của quá trình sáng tạo. Người Tàu chọn và sắp xếp tứ thành "phong cảnh" nên thơ nhưng như thế chưa xong việc, vì phong cảnh chưa phải là thơ.
Đọc
"Bất túy Tầm Dương tửu
Yên ba sầu sát nhân",
óc ta tưởng tượng một hình ảnh, rồi lòng ta nẩy sinh một cảm xúc, rồi cũng vẫn lòng ta bật lên một lời thơ chứa nhạc chở thẳng cái cảm xúc ấy vào lòng người nghe:
"Chẳng say chén rượu Tầm Dương
Khỏi sao sóng, khói sầu thương chết người".
Thơ tới đích hay chưa là ở chỗ có chở thẳng được cảm xúc từ lòng này sang lòng kia hay không.
Thơ Việt nhiều bài tới đích. Thơ Tàu ít bài tới đích.
Thế là dám chê thơ Đường lừng danh thế giới à? Nghĩ thế nào nói thế ấy thôi. Còn danh kia sở dĩ lừng, ấy một phần bởi nước Tàu "lớn" hơn nước ta nhiều, phần nữa bởi thơ tranh dễ chia xẻ hơn hẳn thơ nhạc (vì tứ có thể dịch cho người ở bất cứ đâu cũng hiểu được, chứ nhạc thiø dịch làm sao!). 
(1) Tản Đà, "Mối cảm tưởng về thơ ca của nước ta", đăng trên An Nam tạp chí năm 1932, in lại trong Tuyển tập Tản Đà, nxb. Hội Nhà Văn, VN, 2002.
(2) Hư tự ví dụ chữ "cho" trong "Bao giờ cho đến tháng mười". Chữ đứng trước thiø chẳng hạn chữ "cơn" trong "Thuở trời đất nổi cơn gió bụi".
(3) Hoàng Xuân Hãn, Chinh phụ ngâm bị khảo, nxb. Minh Tân, Pháp, 1953.
(4) Xem trên.
(5) Xuân Diệu, Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, nxb. Văn Học, VN, 1987.
(6) Tuyển tập Hoài Thanh, tập II, nxb. Văn Học, VN, 1982, tr. 116.
(7) Thơ Tố Hữu về Truyện Kiều: "Tiếng thơ ai động đất trời, nghe như non nước vọng lời nghiøn thu".
(8) TĐ, sđd.
Thơ Ta, thơ Tàu:
Thơ truyền khẩu và thơ thành văn 
Cái tội của nho ta 
Nho ta vẫn thích thơ luật ta 
Nhưng dân ta không thích thơ luật Tàu 
Vì nhịp sống ta khác nhịp sống Tàu 
Nho ta lập công chuộc tội
Thơ truyền khẩu và thơ thành văn
Thơ là hoa của "cây" tiếng nói.
Tiếng có thể đã bắt đầu nở hoa lâu trước khi tiếng viết được xuống.
Không biết người Việt đã làm thơ tiếng Việt được bao lâu trước khi đặt ra chữ nôm. Dù sao, trước chữ nôm chỉ có thể có một dòng thơ Việt, là dòng truyền khẩu: thơ chỉ tồn tại trong trí nhớ và nhờ miệng mà hiện thành âm thanh. Sau chữ nôm, thêm dòng thành văn, gồm những bài thơ hiện hình trên giấy.
Thường sau khi tiếng viết được xuống rồi thì truyền thống thơ truyền khẩu mau chóng cáo chung. Nhưng ở nước ta, do chữ nôm là thứ chữ hết sức khó học (phải rất thạo chữ Hán mới học được chữ nôm!), nên sau khi nó ra đời hầu hết người Việt Nam vẫn tiếp tục mù chữ và thơ truyền khẩu vẫn tiếp tục tồn tại, phát triển.
Cái tội của nho ta
"Hoa" thơ truyền khẩu Việt có hình dáng độc đáo, không hề chịu ảnh hưởng Tàu.
Sau khi đặt ra chữ nôm, hẳn trí thức Việt Nam đã hồ hởi ưu tiên chép xuống giấy loại thơ riêng của dân tộc mình? Hẳn thơ thành văn chủ yếu là thơ luật Việt?
Ai cũng biết là... không đâu!
Nói chi chuyện chép thơ, trong một thời gian dài chữ nôm có đó mà cũng như không, hầu hết những người biết chữ đều tránh không dùng, chọn dùng chữ Hán. Chú ý đến "quốc âm" như Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tôn, và nhất là Quang Trung, là rất ngoại lệ.
Theo Đào Duy Anh, "... đến đời Lý Cao Tôn chữ Nôm đã được cấu tạo với qui cách có thể nói là đầy đủ rồi, suốt các triều đại sau qui cách ấy vẫn không hề thay đổi".(1) Thế mà lâu lắm, hàng bốn năm thế kỷ sau, mới bắt đầu có một số đáng kể nhà nho Việt sáng tác bằng tiếng Việt rồi dùng chữ nôm chép xuống giấy. Thoạt tiên, tuy đã chịu viết tiếng mẹ đẻ, họ không làm thơ lục bát hay song thất lục bát mà làm ngũ ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú v.v., tức thơ luật Đường. Rút cuộc, họ cũng sáng tác thơ luật Việt, nhưng đồng thời vẫn cứ tiếp tục trân trọng thơ luật Đường.
Cái tội coi rẻ văn hóa Việt của nho Việt, vua Trần Nghệ Tông từng ra lời than thở: "Triều trước dựng nước có luật pháp, chế độ riêng, không theo quy chế của nhà Tống là vì Nam Bắc nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau (...) bọn học trò (...) không hiểu ý nghĩa sâu xa của việc lập pháp, đem phép cũ của tổ tông thay đổi theo tục phương Bắc cả, như về y phục, nhạc chương v.v. thật không kể xiết".(2)
Các nhà nho Việt Nam muốn Hoa hóa dân tộc mình là sự thực lịch sử. Nhưng muốn là một chuyện. Dân không nghe nho. Mà chính nho, cuối cùng, đã nghe dân.
Nho ta vẫn thích thơ luật ta
Tại sao cho văn hóa Tàu là hơn, muốn bỏ văn hóa Việt đi, mà nho Việt lại vẫn có làm thơ luật Việt, làm rồi công phu chép xuống bằng một thứ chữ rất bất tiện, nhỉ?
Vì trước khi thành quan, nho điển hình sống ngay trong dân, mà nếu chẳng may không thành quan được thì dĩ nhiên cứ tiếp tục sống mãi trong dân. Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến v.v. trước khi thành quan nọ quan kia đều là người trong làng xóm cả.
Đã trong làng xóm, tránh sao khỏi nghe tiếng ầu ơ, tiếng "dân ca", và khi đến tuổi thanh niên thì không chỉ nghe hát mà còn tham gia cất lên tiếng hát với trai làng gái xóm. Có tham gia tích cực lắm, công tử Nguyễn Du rồi mới có lần "thác lời anh trai phường nón gửi cho cô gái phường vải" tha thiết thế chứ.(3)
Thơ, vừa nghe từ thuở mẹ ru vừa làm để ghẹo gái, tán gái, thơ ấy làm sao quên được.
Cho nên khi Nguyễn viết Kiều:
"Tiếng thơ ai động đất trời"
thì tuy ý thơ mượn từ bên Tàu nhưng lời thơ lại
"Nghe như non nước vọng lời nghìn thu"!(4)
Cái chất Việt nó đã thông qua văn chương truyền khẩu mà thấm vào tận xương Nguyễn Du, bao nhiêu sách Tàu cụ đọc không "tẩy" nó được mảy may!
Nhưng dân ta không thích thơ luật Tàu
Thơ, có ai bắt ai làm đâu. 
Có thấm, có thích, thì làm.
Nho thấm thích thơ lục bát, thơ song thất lục bát, nên làm.
Còn dân đối với thơ luật Đường, Hoài Thanh có lần để ý: "trong văn học dân gian không thấy có một bài thơ nào làm theo luật Đường".(5)
Dân không làm, mà dân có nghe cũng không chịu nhớ: dẫu "thanh" như thơ Bà Huyện hay "tục" như thơ Bà Chúa (6), lọt vào tai bên này xong cũng chạy ngay ra khỏi tai bên kia thôi! (trong khi dân thuộc Kiều làu làu, vào câu nào là câu ấy cứ nằm suốt đời trong óc!)
Rõ ràng người Việt điển hình xưa kia không nẩy nở tình cảm mặn mà với thơ luật Tàu.
Sự tình thế, thiết tưởng không phải do dân mù chữ nên không đọc được nên không quen nghe thứ văn vần kia. Là vì những bài thơ thành văn viết xuống rồi vẫn có được đọc lên đấy chứ. Đã nói lúc nào chả có một số nho đang sống ngay giữa dân, nên thiếu gì lúc dân nghe nho ngâm nga thơ nôm luật Đường. Nghe đã... mòn tai, không lạ chút gì nữa, nhưng vẫn cứ không thích, nên mới không làm, không nhớ.
Không thích không nhất thiết là không thấy hay. Người dân quê có lẽ cũng thưởng thức được thơ Nguyễn Khuyến, chẳng hạn. Nhưng khi tai họ đón vào những Thu Điếu, Thu Vịnh, Thu Ẩm v.v., hẳn lòng họ ấm a ấm ức:
"Rằng hay thì thật là hay
Nghe ra khó hát, khó ca thế nào"!(7)
Dân Việt chỉ thực vui khi "ca hát" những thể thơ Việt mà thôi.
Chỉ những thể thơ Việt mới làm được nhịp cầu tri âm giữa "nho gian" và dân gian. Nho mà không làm không nghe thơ lối Việt thì tâm tình hai gian đành thôi trao đổi!
Vì nhịp sống ta khác nhịp sống Tàu
Vừa rồi nhắc ca hát, không phải vô tình. Giữa thơ truyền khẩu với dân nhạc có mối quan hệ khắng khít.
Về quan hệ này, có nhà nghiên cứu bảo: "Dân ca nước ta (...) hầu hết đều xây dựng trên cơ sở những câu ca dao sẵn có".(8) Có nhà khác lại bảo: "Ca dao được hình thành từ dân ca".(9)
Thơ mà có thể dùng để hát, lời hát mà có thể rút ra thành thơ, ấy là bởi bài thơ và bản nhạc đã được làm theo cùng một cái nhịp căn bản nào đó.
Nhịp căn bản của thơ, nhạc, chắc chắn là con đẻ của nhịp sống.
Mỗi cộng đồng người, một nhịp sống, một nhịp căn bản cho thơ cho nhạc. Trừ khi đằng này bỗng đổi nhịp sống, sinh hoạt như đằng kia, cái nhịp căn bản của đằng kia không có cách nào vào chiếm được lòng dân đằng này!
Thử nghĩ về trường hợp ta với Tàu.
Sau bao nhiêu thời gian tồn tại trên đất nước mình bằng cái cách riêng của mình, dân tộc Việt Nam đi đến thơ lục bát. Lục bát sinh ra, lớn lên, ngự trị trong dân gian, chiếm đến 95% số lời ca dao (10), bất chấp việc giới trí thức đầy quyền uy trịnh trọng rước về một thể thơ khác hẳn nó.
Sở dĩ nó làm được thế, ấy bởi từ lúc nho ra đời đến lúc nho... đi đời, cuộc sống của hầu hết người Việt Nam coi như không thay đổi, vẫn khác hẳn cuộc sống của tầng lớp trí thức bên Tàu! Nho Việt bắt chước sống như nho Tàu, cố tu thân cho biến thành quân tử... Tàu thì cứ việc, đông đảo nhân dân ta chỉ biết ngày ngày ra đồng cày cấy y như bao nhiêu thế hệ người Việt trước mình, và do đó cứ tiếp tục yêu da diết lục bát mà hoàn toàn hờ hững với thất ngôn, ngũ ngôn.
Nho ta lập công chuộc tội
Trên đã làm tội nho. Nhưng nho cũng có công với văn hóa dân tộc đấy.
Chính nhờ nho cứ "ngoan cố" làm mãi thứ thơ luật Đường mà đến thế kỷ 19 văn học Việt Nam bỗng có thêm vô số thi phẩm giá trị. Một mặt, cái luật thơ xa lạ kia nó là bằng chứng văn hóa phương bắc đã ảnh hưởng đáng kể đến tầng lớp trí thức của dân tộc ta. Mặt khác, cái hay rất đỗi già dặn của những bài thơ tiếng Việt làm theo luật Tàu lại chứng tỏ trí thức Việt Nam đã bản địa hóa hoàn toàn thành công một thể thơ ngoại lai, làm dài thêm bảng thành tích rực rỡ của văn hóa Việt Nam. Nói ví von, nhờ công nhọc của nho, mà cây Việt ngữ bỗng nở thêm một loài hoa lạ!
Hoa lạ này làm nẩy ra hoa lạ khác. Hoài Thanh cho biết thơ năm chữ và thơ bảy chữ trong Thơ Mới chính là "do luật Đường giãn và nới ra"(11), tức có gốc ở cái luật thơ Tàu mà nhiều trăm năm trước các nhà nho Việt đã long trọng đưa về.
Ngoài công làm nở hoa lạ, dĩ nhiên, trước tiên, nho đã lập công lớn làm hoa quen nở ra những đóa rực rỡ chưa từng. Truyện KiềuBích Câu kỳ ngộ, Cung oánChinh phụ..., tác giả những tuyệt phẩm lục bát và song thất lục bát ấy đều là nho.
Có lẽ nên nhắc rằng trong cái công trực tiếp của nho luôn luôn có chứa cái công gián tiếp của dân. Dân "bơm" chất Việt vào tâm hồn nho suốt từ ngày thơ bé đến tuổi thanh niên, và thực ra vẫn tiếp tục bơm ngay cả sau khi nho thi đỗ ra làm quan. Chính nhờ được dân giữ cho khỏi mất gốc, mà nho mới có ngày "làm nên" như vừa nói!
Cuối cùng, nêu công lao của các nhà nho Việt Nam xong, sực nghĩ cũng nên có lời tử tế về cái phương tiện họ đã dùng lập công. Chữ nôm, thứ chữ rất dở ấy, thế mà rồi cũng được việc!
(1) Đào Duy Anh, Chữ nôm - nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, nxb. Khoa Học Xã Hội, VN, 1975.
(2) Xem Đại Việt sử ký toàn thư.
(3) Xem Xuân Diệu, Ba thi hào dân tộc, nxb. Thanh Niên, VN, 2000.
(4) Thơ Tố Hữu in ở đầu quyển Truyện Kiều, nxb. Đại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, VN, 1973.
(5) Hoài Thanh, Chuyện thơ, nxb. Tác Phẩm Mới, VN, 1978, tr. 59.
(6) Thơ Bà Chúa tức thơ Hồ Xuân Hương, vì HXH có người gọi là "bà chúa thơ nôm".
(7) Truyện Kiều, câu 489-490: "Rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào".
(8) Vũ Ngọc Phan, Qua những trang văn, nxb. Văn Học, VN, 1976, tr. 71.
(9) Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp ca dao, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1992, tr. 136.
(10) NXK, sđd., tr. 56.
(11) Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam, in lần đầu ở Hà Nội năm 1942.
Thu Tứ
Theo http://chimviet.free.fr/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...