Từ lâu, hội họa không chỉ mang bản sắc thuần túy nghệ thuật
mà còn có tham vọng đi vào đời sống, với những kích thước khoa học, kỹ thuật và
công nghiệp. Hội họa cực thực (hyper-réalisme) hợp kim những hóa chất, nhiên liệu
và con người. Nghệ thuật tạo hình hiện đại muốn thám hiểm đời sống tinh thần và
vật chất trong mọi khía cạnh với những sần sùi, thô bạo, rác rưởi, bão loạn, ác
mộng, bệnh tật, ám ảnh.... Ðã xa rồi những giấc mơ, những cái đẹp phù ảo. Cho
nên ngày nay, viết về Lê Phổ, Vũ Cao Ðàm, Lê Thị Lựu... là để ngoảnh lại quá khứ
Ấn Tượng, một quá khứ đã phôi pha như tiếng thở dài vọng về từ một thời đại đang
xa.
Năm 1872, khi Claude Monet sáng tác
bức Cảm Giác, Rạng Ðông (Impression, Soleil levant) tạo bối cảnh huyền
ảo trong sương mơ, không phân biệt bến bờ, mây, nước... Ấn Tượng đã khai quang
chân trời mới: Chân trời phiếm định trong hội họa.
Ấn Tượng, trong một chừng mức
nào đó, đã triển khai sợi dây vô hình liên lạc hai vũ trụ quan hoàn toàn khác
nhau giữa Ðông và Tây: Degas -cuối thế kỷ XIX- khám phá cấu trúc kỹ thuật
estampe in trên bản khắc của trường phái Nhật Bản Ukiyoyé và áp dụng cách sắp đặt
những chuyển động liên tục và bố cục không cân xứng trong tranh
Outomaro, Hokusai, Hiroshigé... vào những chuyển động vũ nữ trong tranh của
mình. Cùng thời, Van Gogh cho rằng "Nghệ thuật Nhật Bản, nguyên thủy
như Hy Lạp, như Hòa Lan xưa là nguồn khai thác bất tận". Van Gogh đã mô phỏng Ðào
Nương của Keisai và những bức Hoa Ðào, Mưa Trên Cầu của
Hiroshigé. Không khí mờ ảo trong những tuyệt tác Ðầm Sen (Nymphéas) của
Monet cũng chịu ảnh hưởng thi ca và nghệ thuật tạo hình Trung Quốc.
Cảnh hồ xuân trên Cầu Vồng
Hoa trong vườn Giverny của Monet hoàn toàn không phân lằn mức, không có
khoảng cách, không còn chân trời, không cả bối cảnh, không có chủ đề mà chỉ có
cảm đề. Ấn Tượng ở đây biểu dương nước mây, cây cỏ, trời đất tan loãng trong
nhau thành một khối: Triết lý Ðông phương giao hòa với màu sắc Tây phương. Hội
họa Ấn Tượng -cuối thế kỷ XIX- là những trao đổi, và gặp gỡ giữa hai thế giới,
hai nội tại, hai tâm tưởng.
Tác phẩm của Lê Phổ và những họa
sĩ Việt Nam xuất dương cùng thời với ông những năm 40: Mai Thứ, Vũ Cao Ðàm, Lê
Thị Lựu... không mô phỏng nghệ thuật Ðông - Tây một cách ước lệ mà nối tiếp
truyền thống giao hưởng trong Ấn Tượng, phối hợp hai phong cách, hai vũ trụ
nhân sinh. Cái làm cho hội họa Pháp và sau đó Mỹ, công nhận giá trị của các họa
sĩ Việt Nam, là họ đã không chối bỏ nguồn gốc của mình như một vài họa sĩ Nhật
Bản đương thời: Nishimoura, Okamoto... cùng xuất thân từ trường phái Paris. Sự
thành công của những họa sĩ Việt Nam đầu tiên bên trời Âu, sau thế chiến, đã
không dễ dàng, đã trải nhiều cay đắng. Họ xác định chỗ đứng của nghệ thuật tạo
hình giao thoa Ðông-Tây mà Lê Phổ là một giá trị đích thực.
Năm 1932, khi vào trường Mỹ Thuật Paris, tiếp xúc với những
trường phái tân kỳ thời đó như Lập Thể, Siêu Thực, Trừu Tượng... Lê Phổ hoang
mang và nghi ngờ tất cả những gì đã gặt hái được từ trước về hội họa. Di tích
còn lại của sự hoang mang ấy là bức tranh phong cảnh Fiesole, sơn dầu, 1932, rất
Tây phương, rất "trường phái Paris". Từ Pháp, năm ấy, ông đi một vòng
Âu châu qua Bỉ, Hòa Lan, Ý, thăm các bảo tàng viện Bruges (Bỉ), Cologne (Ðức)
và Florence (Ý). Tiếp xúc với hội họa Phục Hưng, Lê Phổ tìm ra những nét trùng
hợp giữa hội họa cổ điển Tây Phương và hội họa cổ truyền Trung Quốc. Về Việt
Nam năm 1934, rồi từ Việt Nam Lê Phổ sang Bắc Kinh để tìm hiểu hội họa Tống,
Minh... Cuộc hành hương này đã mở đường cho một tiến trình hơn nửa thế kỷ hội họa,
có thể phân chia làm hai giai đoạn:
1. Thời kỳ cổ điển (tranh lụa): Từ 1934 đến
1944, 45. Những bức Người Thiếu Phụ Ngồi (1934) và Chim Ngói (1937),
ảnh hưởng hội họa đời Tống. Ðường nét thanh thoát, uyển chuyển, mềm mại. Không
gian phẳng, màu lì (aplat), từng mảng đồng màu đồng sắc, nét bút tinh vi. Tác
phẩm vừa quyến rũ vì những mong manh tế nhị trong nét bút, vừa lạnh lùng vì
dùng độc sắc (camaieu), tạo không khí thuần khiết, chay tịnh, ơ hờ; vừa mang
dung sắc nghiêm phong của xã hội Việt Nam còn nhuần nhuyễn đạo lý Khổng Mạnh,
đầu thế kỷ.
Vài năm sau, Lê Phổ đổi hướng:
Những bức Mẹ Con (1938), Thiếu Nữ Và Hoa Lan (1938), Thiếu
Nữ Và Hoa Hồng (1941), Tử Vì Ðạo (1941), Chải Ðầu (1942)...
thuộc thời kỳ Thánh giáo, dung hòa nghệ thuật Trung Hoa và hội họa Ý: nét bút tế
nhị, thanh tao. Không gian hai chiều, người phụ nữ trong tranh trang nghiêm tôn
giáo, dáng dấp thiên thần Botticelli, mặt trái xoan, tóc đen, cổ Modigliani, u
buồn và huyền bí. Dù nấp dưới bóng Ðức Mẹ đồng trinh hay hiện hình khỏa thân gợi
cảm, những người đàn bà trong tranh Lê Phổ luôn luôn phảng phất vẻ trầm tư,
tĩnh lự của một Quan Thế Âm Bồ Tát trong tư thế tham thiền nhập định.
Thời kỳ tranh lụa, tất cả
nghiêng trong không gian cổ điển. Lê Phổ dùng sắc đạm, màu thiền, màu lạnh và
phân chia rõ ràng biên giới: đen - trắng, thiên đàng và địa ngục. Ðây có thể gọi
là thời kỳ "thủy mạc" của họa sĩ: Hương thiền, hương đạo thấm
vào bút lông, biến người phụ nữ trong tranh dù có khỏa thân, cũng khỏa thân
"vô tội", "khỏa thân bên cạnh Ngọc Hoàng" như lời hát Phạm
Duy- một thứ thánh nữ đồng trinh. Bất khả xâm, bơ vơ trong vườn địa đàng,
u buồn mà vẫn hướng thượng. Những đạm thanh, tinh khiết ấy làm tăng vẻ não nùng
tâm trạng "nghĩ mình mình lại thêm thương nỗi mình" của một
tần phi đã bị bỏ quên trong vách quế, ngập gió vàng với mảnh vũ
y lạnh ngắt.
2. Thời kỳ lãng mạn (Tranh sơn dầu): Nếu có dịp hỏi
các họa sĩ Lê Phổ, Vũ Cao Ðàm: Tại sao đang vẽ tranh lụa lại đổi sang sơn dầu
thì cả hai đều trả lời: Vì tranh lụa có những giới hạn về khuôn khổ, màu sắc và
thể lượng, khó diễn tả được hết những điều muốn vẽ. Vậy những điều muốn vẽ, muốn
diễn tả của Lê Phổ, sau thời kỳ tranh lụa là gì? Họa sĩ muốn bước ra khỏi vòng
đạo lý: người phụ nữ trong thời kỳ này dần dần trút bỏ lớp áo "tiết hạnh
khả phong"để đi vào thế giới lãng mạn của tình yêu, và tranh cũng từ
vùng âm u bước ra ánh sáng.
Dù Lê Phổ đã gặp gỡ hội họa Ấn
Tượng ngay từ lúc vào trường Mỹ Thuật, nhưng chỉ đến những năm 40, Lê Phổ mới
thực sự rời bỏ nghiêm lệnh chính xác của trường phái cổ điển để bước vào thế giới
phiếm định phôi pha của vũ trụ thiều quang màu nhòe. Trong kỷ nguyên Ấn Tượng,
Cézanne đã mở thế giới mới về thể (volume), Monet kiến tạo chân trời ngũ sắc và
ánh sáng. Lê Phổ đã bỏ rơi cả thể, lẫn màu và ánh sáng trong suốt đoạn đường mười
năm tranh lụa cổ điển, mười năm tìm lại "lối xưa xe ngựa hồn thu thảo".
Phải đến những năm 50, bút vẽ của
Lê Phổ mới sực tỉnh, sáng ra. Không còn ngần ngại trước những "quá độ"
trong màu nguyên chất (không pha) của Matisse, Lê Phổ bước qua Dã Thú
(Fauvisme) vào Ấn Tượng rồi ngừng lại ở Linh Cảm (Nabis). Tiếp xúc với hội họa
Bonnard, Dufy, Matisse, từ những năm 37, nhưng ảnh hưởng Bonnard chỉ đến sau
này, càng về sau, tranh Lê Phổ càng đa sắc, càng đằm thắm, đắm say, vũ trụ vàng
của Bonnard lây sang Lê Phổ. Ba màu: lam, cẩm thạch, vàng được ghi lại như những
thời kỳ son trong hội họa Lê Phổ. Cuối cùng vàng được giữ lại như nội tại của
không gian, chiếu thêm quang độ và coi như chính sắc của Lê Phổ: vàng diệp,
vàng anh, vàng sen, vàng lá, vàng hoa, vàng quả, vàng áo, vàng nước, vàng
mây... Ở đây, vàng nhớ Bích Khê, "Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh
mông".
Giao thoa giữa Ấn Tượng và Linh
Cảm, chìm đắm trong không gian lãng mạn, mà hình hài chỉ là hình thức cụ thể
hóa không gian và ánh sáng bằng màu sắc. Người phụ nữ trong tranh nhập nhòe, thấp
thoáng "sương in mặt, tuyết pha thân" mang dáng dấp kiêu sa của người
con gái Hà Thành thời Tự Lực Văn Ðoàn, đoan trang và đài các, nhưng không còn
thể hiện như những bức chân dung đẹp, giống, rõ và sắc nét như tranh cổ điển mà
họ đã trở thành biểu tượng của cái đẹp: một bóng hình dễ vỡ, dễ phai, dễ tan
loãng trong không gian và chính cái không gian ấy cũng lại phù du mộng ảo. Những
bức Hai Mẹ Con (1960), Trầm Tư (1968), Thiếu Nữ Áo
Xanh (1968), Trong Vườn(1970)... không gian hai chiều chia nhịp với
những động rung màu sắc. Màu ở đây là màu ấm, sắc nồng, từ vàng chanh
sang cẩm thạch đến thiên thanh... chính sắc, tạp sắc, chen lẫn trong thế giới
mơ màng, gây lạc cảm cho thị giác dù chỉ trong khoảnh khắc mà mời gọi thiên thu.
Tranh Lê Phổ không nghiêng về
"nội tâm" như một số họa sĩ Linh Cảm, nhưng ông vẫn gần họ ở chỗ:
tranh là hình thức trang trí, tranh để treo tường (il n'y a pas de tableau, il
n'y a que des décorations - Verkade). Treo tường thì hà tất phải có bề sâu?
Quan niệm không cần "viễn họa" này, thoát thai từ hội họa Trung Quốc,
trùng hợp với Linh Cảm (Nabis), sống trong tác phẩm Lê Phổ từ 1950 và trải dài
trong nhiều thập kỷ, không thay đổi. Hiện diện trong không gian hai chiều, dưới
hình thức trang trí, dù tĩnh vật, thiên nhiên hay con người, trong bối cảnh
nào, họa phẩm Lê Phổ cũng ngỏ cửa vào một thiên đường viễn mơ, phiếm định.
Tiểu sử họa sĩ Lê Phổ (1907-2001)
Lê Phổ sinh ngày 2-8-1907 tại Hà
Ðông. Cha ông là Lê Hoan, Kinh lược sứ (Vice Roi) Bắc kỳ. Nhập học khóa đầu
tiên trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Hà Nội năm 1930.
1928: Triển lãm chung với các họa sĩ Vũ Cao Ðàm và Mai Thứ tại Hà Nội.
1931: Ðược cử làm phụ tá giáo sư Tardieu dự triển lãm đấu xảo thuộc địa tại Paris.
1932: Ông được học bổng vào trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Paris. Từ Pháp đi khắp Âu Châu. Triển lãm tranh tại Roma.
1933: Lê Phổ trở về Hà Nội làm giáo sư tại trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật và triển lãm tranh tại Hà Nội.
1934: Sang Bắc Kinh tìm hiểu hội họa Trung Quốc.
1935: Vẽ chân dung Bảo Ðại, hoàng hậu Nam Phương và trang trí nội cung.
1937: Tham dự triển lãm quốc tế ở Paris với tư cách giám đốc nghệ thuật khu
Ðông Dương và ở hẳn lại Pháp.
1938: Triển lãm lần đầu tại Paris, và từ đó tham dự nhiều cuộc triển lãm tranh ở khắp nơi trên thế giới.
6-1947: Thành hôn với Paulette Vaux, ký giả báo Time và Life. Có hai con trai: Lê Kim nhiếp ảnh và Lê Tân, họa hình.
1950-1954: Lê Phổ làm Cố vấn mỹ thuật cho Tòa Ðại Sứ Việt Nam Cộng Hoà tại Pháp.
1957 và 1958: Triển lãm chung với Foujita ở Lyon, Avignon, Nice và Bordeaux.
1928: Triển lãm chung với các họa sĩ Vũ Cao Ðàm và Mai Thứ tại Hà Nội.
1931: Ðược cử làm phụ tá giáo sư Tardieu dự triển lãm đấu xảo thuộc địa tại Paris.
1932: Ông được học bổng vào trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Paris. Từ Pháp đi khắp Âu Châu. Triển lãm tranh tại Roma.
1933: Lê Phổ trở về Hà Nội làm giáo sư tại trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật và triển lãm tranh tại Hà Nội.
1934: Sang Bắc Kinh tìm hiểu hội họa Trung Quốc.
1935: Vẽ chân dung Bảo Ðại, hoàng hậu Nam Phương và trang trí nội cung.
1938: Triển lãm lần đầu tại Paris, và từ đó tham dự nhiều cuộc triển lãm tranh ở khắp nơi trên thế giới.
6-1947: Thành hôn với Paulette Vaux, ký giả báo Time và Life. Có hai con trai: Lê Kim nhiếp ảnh và Lê Tân, họa hình.
1950-1954: Lê Phổ làm Cố vấn mỹ thuật cho Tòa Ðại Sứ Việt Nam Cộng Hoà tại Pháp.
1957 và 1958: Triển lãm chung với Foujita ở Lyon, Avignon, Nice và Bordeaux.
Họa phẩm của Lê Phổ được trưng bày ở
Musée d'Art Moderne ở Paris, Musée d'Oklahoma (USA) và trong nhiều sưu tập nghệ
thuật tư nhân, phần lớn ở Hoa Kỳ.
Họa sĩ Lê Phổ mất tại Paris, quận 15, tháng 12 năm
2001.
Tháng 3/1993
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét