Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Thơ yêu nước - Thơ dân gian

Thơ yêu nước - Thơ dân gian
Thơ yêu nước:
Nguyễn Đình Chiểu 
Phan Văn Trị 
Nguyễn Văn Giai (?) 
Nguyễn Khuyến 
Tú Xương 
Phan Bội Châu 
Phan Chu Trinh 
Hoàng Trọng Mậu 
Tản Đà 
Á Nam Trần Tuấn Khải
"Một nghìn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây..." (1) Giặc Tàu không để lại dấu vết gì trong văn chương bác học thời Bắc thuộc, vì thời ấy ta chưa có văn chương bác học! Giặc Tây đến trễ, khi văn chương bác học của ta đã vô cùng già dặn, nên vết tùm lum.
Thơ yêu nước căm thù giặc thời Pháp thuộc nhiều lắm. Xin tuyển ra đây một số bài đặc sắc, sắp theo thứ tự thời gian. Bắt đầu là thơ của Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Văn Giai (?), làm trong giai đoạn Pháp đang tiến hành chiến tranh xâm lược, làm ngay sau khi khói súng vừa tan. Kế đến là thơ của Nguyễn Khuyến, Tú Xương, làm để diễn nỗi uất ức, lo buồn trước cảnh mất nước. Tiếp theo là thơ của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Trọng Mậu, sáng tác khi người Việt Nam đang sôi nổi tìm cách đánh đuổi giặc. Cuối cùng là thơ của Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải, viết ra sau khi mọi nỗ lực kháng chiến đã thất bại, người yêu nước chỉ còn cách rất kín đáo bày tỏ lòng thiết tha với nước...
Suốt thời Pháp thuộc, trong làng thơ Việt Nam lúc nào cũng có tiếng "quốc", khi to khi nhỏ nhưng nhất định không chịu im:
"Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia"!
Dân Thục rồi không bao giờ khôi phục được nước. Nhưng dân tộc Việt Nam đã lại một lần nữa vùng lên đánh bật quân xâm lược, đuổi Tây về... Pháp, như từng đuổi Ngô về Tàu!
Ngày nay sống trên đất nước độc lập, ai ơi chớ quên những tiếng quốc ngày xưa.
Nguyễn Đình Chiểu - "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc"
Trước giặc Tây, chưa có giặc nào khó đánh như giặc Tây. Dữ như quân Mông Cổ, cũng chỉ dùng vũ khí đại khái như của quân ta. Đằng này, "đạn nhỏ, đạn to", "tàu thiếc, tàu đồng", lợi hại quá thể! Biết thừa rằng thất thế, vậy mà "nghĩa sĩ" vẫn cứ "xông vào, liều mình như chẳng có"!
Văn hóa ta có truyền thống lính là dân.(2) Đã bao lần người nông dân bỏ cày cuốc cầm gươm giáo đánh giặc và đánh được giặc. Nhưng lần này...
"Thác mà trả nước non rồi nợ". Chết vì nước, đối với người Việt Nam còn chết nào bằng.
Bài văn tế của Nguyễn Đình Chiểu nhiều câu cảm động, có thể xem như "cây nhang nghĩa khí thắp nên thơm" cháy mãi trên bàn thờ liệt sĩ.
Hỡi ôi!
Súng giặc đất rền; lòng dân trời tỏ.
Mười năm công vỡ ruộng, chưa chắc còn danh nổi tợ phao; một trận nghĩa đánh Tây, tuy là mất tiếng vang như mõ.
Nhớ linh xưa:
Cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó.
Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung; chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.
Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn trông mưa; mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ.
Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ.
Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu; hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê, bán chó.
Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình; chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ.
Khá thương thay:
Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo dòng ở lính diễn binh; chẳng qua là dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ.
Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn; chín chục trận binh thư, không chờ bày bố.
Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu bầu ngòi; trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ.
Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.
Chi nhọc quan quản gióng trống kì, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.
Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng súng nổ.
Ôi!
Những lăm lòng nghĩa lâu dùng; đâu biết xác phàm vội bỏ.
Một giấc sa trường rằng chữ hạnh, nào hay da ngựa bọc thây; trăm năm âm phủ ấy chữ quy, nào đợi gươm hùm treo mộ.
Đoái sông Cần Giuộc cỏ cây mấy dặm sầu giăng; nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ.
Chẳng phải án cướp, án gian đày tới, mà vi binh đánh giặc cho cam tâm; vốn không giữ thành, giữ lũy bỏ đi, mà hiệu lực theo quân cho đáng số.
Nhưng nghĩ rằng:
Tấc đất ngọn rau ơn Chúa, tài bồi cho nước nhà ta; bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó.
Vì ai khiến quan quân khó nhọc, ăn tuyết nằm sương; vì ai xui đồn lũy tan tành, xiêu mưa ngã gió.
Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.
Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ.
Ôi thôi thôi!
Chùa Tân Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm; đồn Lang sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ.
Đau đớn bấy, mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay, vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.
Ôi!
Một trận khói tan, nghìn năm tiết rỡ.
Binh tướng nó hãy đóng sông Bến Nghé, ai làm nên bốn phía mây đen; ông cha ta còn ở đất Đồng Nai, ai cứu đặng một phường con đỏ.
Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen; thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ.
Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia; sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó.
Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân; cây hương nghĩa sĩ thắp thêm thơm, cám bởi một câu vương thổ.
Hỡi ôi thương thay!
Có linh xin hưởng.
Phan Văn Trị - "Cảm tác"
"Giảng hòa" làm sao được, khi kẻ mạnh người yếu chênh lệch quá rõ ràng như Tây với ta hồi thế kỷ 19. Chỉ có mạnh lấn và lấn, yếu lùi và lùi, cho tới khi yếu không còn một chút chủ quyền nào trên đất của mình.
Nghĩ quả thật "ngậm ngùi hết nói" cho những "quan ta" như Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu.
Tò te kèn thổi tiếng năm ba,
Nghe lọt vào tai dạ xót xa.
Uốn khúc sông Rồng mù mịt khói,
Vắng hoe thành Phụng ủ sầu hoa.(3)
Tan nhà căm nỗi câu li hận,
Cắt đất thương thay cuộc giảng hòa.
Gió bụi đòi cơn xiêu ngã cỏ,
Ngậm ngùi hết nói nỗi quan ta.
Nguyễn Văn Giai (?) - "Hà thành chính khí ca"
Bài thơ này làm sau khi Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai. Nội dung ca ngợi Hoàng Diệu và chê một số văn quan võ tướng. Trích sau đây là phần "chính khí ca" mà thôi.
Thơ kể chiến sự về chi tiết không sát sự thật. Quân ta chỉ có một số ít súng hỏa mai thô sơ, nạp đạn rất chậm, bắn từng viên và không chính xác. Còn các khẩu "thần công" thì bắn ra cục đá cục sắt chứ không phải đạn pháo nổ! "Bạch quỷ" thừa biết tình hình, làm gì có chuyện chúng "hồn lìa phách xiêu"! Rồi chuyện kho thuốc súng trong thành bốc cháy khiến quan quân hoảng sợ, đó không phải do nội công mà do kho bị quân Pháp pháo kích vào trúng...
Nhưng thơ diễn thành công cái tinh thần bất khuất của Hoàng Diệu.
Một vừng chánh khí lưu hình,
Khoảng trong trời đất: nhật, tinh, sơn, hà.
Hạo nhiên ở tại lòng ta,
Tấc vuông son sắt hiện ra khi cùng.
Hơn thua theo vận truân phong,
Ngàn thu rạng tiếng anh hùng sử xanh.
Có quan tổng đốc Hà Ninh
Hiệu là Quang Viễn, trung trinh ai bằng.
Lâm nguy lý hiểm đã từng,
Vâng ra trọng trấn mới chừng ba năm.
Thôn Hồ dạ vẫn nhăm nhăm,
Ngoài tuy giao thiệp, trong chăm những là.
Vừa năm Nhâm Ngọ tháng ba,
Sang mai mồng tám, mới qua giờ thìn,
Biết cơ trước đã giữ gìn,
Hơn trăm vũ sĩ, vài nghìn tinh binh.
Tiên nghiêm sai đóng trên thành,
Thệ sư rót chén rượu quỳnh đầy vơi.
Văn quan vũ tướng nghe lời,
Ai ai xin quyết một bài tận trung.
Ra uy xuống lệnh vừa xong,
Bỗng nghe ngoài đã đùng đùng pháo ran.
Tiêm cừu nổi giận xung quan,
Quyết rằng chẳng để chi đàn chó dê.
Lửa phun súng phát bốn bề,
Khiến loài bạch quỷ hồn lìa phách xiêu.
Bắn ra nghe chết cũng nhiều,
Phố phường nghe thấy, tiếng reo ầm ầm!
Quan quân đắc chí bình tâm,
Cửa Đông Cửa Bắc vẫn cầm vững binh.
Chém cha cái lũ hôi tanh,
Phen này quét sạch sành sanh mới là!
Không ngờ thất ý tại ta,
Rõ ràng thắng trạng thế mà thua cơ!
Nội công rắp những bao giờ,
Thấy kho thuốc cháy, ngọn cờ ngả theo.
Quan quân sợ chết thảy đều,
Cửa Tây, bạch quỷ đánh liều trèo lên.
Nào ai sức khỏe gan liền?
Nào ai gìn giữ vững bền ba quân?
Nào ai còn có kinh luân?
Nào ai nghĩ đến thánh quân trên đầu?
Một cơn gió thảm mưa sầu,
Nấu nung gan sắt, dãi dầu lòng son.
Chữ trung còn chút con con,
Quyết đem gửi cái tàn hồn gốc cây.
Trời cao biển rộng đất dày,
Núi Nùng sông Nhị chốn này làm ghi.
Thương thay trong buổi truân nguy,
Lòng riêng ai chẳng thương vì người trung.
Rủ nhau tiền góp của chung,
Rước người ra táng ở trong học đường.
Đau đớn nhẽ, ngẩn ngơ dường!
Tả tơi thành quách tồi tàn cỏ hoa.
Nguyễn Khuyến - "Hoài cổ"
Dĩ nhiên thực là "Nghĩ chuyện đời nay cũng nực khóc". Nguyễn Khuyến ức giặc Pháp bắt người Việt "khoét rỗng ruột gan" đất Việt cho chúng tha hồ chở về làm giàu nước chúng đó.
Nghĩ chuyện đời xưa cũng nực cười,
Sự đời đến thế, thế thời thôi!
Rừng xanh núi đỏ hơn ngàn dặm,
Nước độc ma thiêng mấy vạn người.
Khoét rỗng ruột gan trời đất cả,
Phá tung phên giậu hạ di rồi.
Thôi thôi đến thế thời thôi nhỉ,
Mây trắng về đâu nước chảy xuôi.
Tú Xương - "Đêm dài"
"Sáng lòa" là cái sáng trăng đối với con mắt kẻ vừa sực tỉnh, chứ thực ra vẫn còn đêm. Mà đêm đây hẳn là đêm dài "đô hộ giặc Tây".
Giữa những đêm hú hí với cô đầu là những đêm "ta" nằm nhà nhớ chuyện nước non...
Tục truyền khi ra Bắc kết nạp đồng chí, Phan Bội Châu có ghé Nam Định, có "đốt đuốc lên soi", gõ đúng vào cửa căn nhà số 247 phố Hàng Nâu của ông Tú Vị Xuyên.
Chợt giấc trông ra ngó sáng lòa
Đêm sao đêm mãi thế ru mà
Lạnh lùng bốn bể ba phần tuyết
Xao xác năm canh một tiếng gà
Chim chóc hãy còn nương cửa tổ
Bướm ong chưa thấy lượn vườn hoa
Nào ai là kẻ tìm ta đó
Đốt đuốc lên soi kẻo lẫn nhà!
Phan Bội Châu - "Bài ca chúc Tết thanh niên"
Đọc bài ca chúc Tết của Ông già Bến Ngự dưới đây, thanh niên nào còn dám ngủ, dám ăn, dám chơi, dám mặc nữa!
Chắc chắn những lời "chúc" khi to khi nhỏ khi hở khi kín của Phan Bội Châu trong thời gian bị Pháp giam lỏng ở Huế có tác động đến một số thanh niên, có giúp giữ cháy trong lòng người Việt ngọn lửa ái quốc.
Ông chẳng sống đến ngày "vết nhơ nô lệ" được máu nóng xối rửa sạch. Thương ơi!
Dậy! Dậy! Dậy!
Bên án một tiếng gà vừa gáy,
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng,
Xuân ơi xuân, xuân có biết cho chăng?
Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng,
Hai mươi năm lẻ đã từng bao chua với xót!
Trời đất may còn thân sống sót,
Tháng ngày khuây khỏa lũ đầu xanh.
Thưa các cô, các cậu, lại các anh,
Trời đã mới, người càng nên đổi mới.
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội,
Ghé vai vào xốc vác cựu giang san.
Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan,
Dây đoàn thể quyết ghe phen thành nghiệp lại.
Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi,
Xếp bút nghiên mà tu dưỡng lấy tinh thần.

Đừng ham chơi, đừng ham mặc, ham ăn,
Dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa.
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ,
Mới thế này là mới hỡi chư quân!
Chữ rằng: nhật nhật tân, hựu nhật tân!
Phan Chu Trinh - "Giai nhân kỳ ngộ chi ca"
Nguyễn Hiến Lê từng kêu gọi người Việt thôi cuồng tín như người Tây phương mà quay trở lại với tinh thần "bất đồng nhi hòa" của tổ tiên. Cái lối không đồng ý mà vẫn vui vẻ với nhau ấy cách nay non một trăm năm có hai nhân vật lịch sử đã nêu gương sáng.
Ai nấy đều biết tuy cùng yêu nước hết mình nhưng hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh đã chọn hai con đường cứu nước trái ngược nhau. Người này chủ trương tạm thời bảo hoàng mà tập trung dùng võ lực đánh đuổi Pháp; người kia chủ trương bãi bỏ ngay chế độ quân chủ, cải cách xã hội, rồi mới tìm cách giành lại độc lập. YÙ khác nhau như mặt trời mặt trăng mà hai cụ cứ có dịp gặp nhau là vui hơn hội.
Trong hồi ký Tự phán, Phan Bội Châu kể: "Cụ Tây Hồ tới Hương Cảng (...) thấy chúng tôi, chưa chào đã cười, tôi dậy bắt tay cụ, vui không thể nói được (...) Tôi với cụ ríu rít với nhau ở Quảng Đông hơn 10 ngày (...) hàng ngày (...) bàn (...) việc nước (...) tôi (...) qua (...) Nhật Bản (...) cụ Tây Hồ cũng đi (...) tôi với cụ (...) ý kiến rất trái nhau (...) phản đối nhau (...) mà (...) vẫn ưa nhau. Cụ với tôi kề gối chung giường".
Hai cụ Phan ý rất trái nhau mà chẳng những "hòa", lại ríu rít với nhau, ưa nhau, thiết tưởng ấy chủ yếu là do: "Cụ với tôi vẫn đồng một mục đích, mà thủ đoạn thì khác nhau." Phan Bội Châu muốn lợi dụng quân chủ, còn Phan Chu Trinh muốn lợi dụng phe xã hội của Pháp, nhưng cả hai đều nhằm khôi phục độc lập cho tổ quốc Việt Nam.
Liều chết cứu cho được nước, là do có niềm tin vào sự xứng đáng tồn tại của nước. Trong bài hát nói tam thủ dưới đây Phan Tây Hồ khẳng định:
"Hai ngàn vạn đồng bào sanh tụ,
Sử văn minh đem đọ, kém gì ai?"
Để câu chuyện văn minh ấy được tiếp tục, khi cần cụ không hề ngại rút gươm:
"Đấng trượng phu một trường oanh liệt,
Rút gươm ra đôi mắt liếc nhìn thù.
Thề nhau hai chữ đồng cừu!"
Cùng một kẻ thù, nên mới kề gối chung giường mà cãi nhau đến sáng!
Bài hát nói này ra vẻ do một người xa quê nhớ nước ngồi ngẫm nghĩ rồi cất lời nói với chính mình, hơn là bài văn viết để vận động.
I
Ta ngẫm nghĩ đôi câu chương chướng,
Muốn hai tay lôi bướng lão trời già,
Hỏi: "Lưới trời sao rách rưới lắm mà,
Một đời luống giúp tà mà hại chính?
Đời sao lại có suy, có thịnh?
Người sao lại có dại có khôn?
Lan huệ sao ông làm cho héo cho don?
Gai góc sao ông lại thả khắp non khắp núi?
Bông hoa sao nỡ để mưa tàn gió lụi?
Bá tùng sao nỡ để tuyết dụi sương xô?
Hùm, beo, ó, là lũ hồ đồ,
Việc gì ông lại thêm vây, thêm cánh?
Làm cho chồn, cheo, chim, chuột không đường trốn tránh,
Mới sướng bụng ông sao?
Gì là sống? Gì là thác? Gì là nghèo? Gì là giàu?
Mơ màng trong một giấc chiêm bao,
Ông nói hết thì tôi xin thả!".
Trăng sáng giữa trời soi khắp cả,
Gió xao mặt biển sóng lông tông.
Đầu tàu, đêm vắng ngồi trông.

II
Ta nhớ đâu, nhớ đầu biển Á,
Muốn theo qua, sóng khỏa ngàn trùng,
Bốn ngàn năm còn dõi dấu Lạc Hồng,
Kìa biển, kìa núi, kìa sông, kìa đô ấp.
Từ Đinh hoàng dựng cờ độc lập,
Đến Nguyễn triều thâu thập cõi Nam Trung;
Trải xưa nay lắm sức anh hùng,
Liễu trôi máu vẽ nên màu cẩm tú.
Hai ngàn vạn đồng bào sanh tụ,
Sử văn minh đem đọ, kém gì ai?
Quyết thề lòng dựng lại cảnh Bồng Lai,
Chén rượu câu thi cười ha hả.
Trăng sáng giữa trời soi khắp cả,
Gió xao mặt nước sóng lông tông.
Đầu tàu, đêm vắng ngồi trông.
II
Chánh, tự chủ dân ta dốc quyết,
Đùm ruột gan xin kết cùng nhau.
Cởi trói dây, còn đợi lúc nào?
Hãy gắng sức anh hào tuấn kiệt!
Loạn lạc, lòng người ai cũng ghét,
Dối lừa thói tục, khuấy cho nhau.
Gươm tự do sẵn mấy lúc chùi lau,
Người trí thuật dễ hầu ai húng hiếp?
Đấng trượng phu một trường oanh liệt,
Rút gươm ra đôi mắt liếc nhìn thù.
Thề nhau hai chữ đồng cừu!
Hoàng Trọng Mậu - "Ái quốc"
Việt Nam Quang Phục Hội thành lập năm 1912. Hoàng Trọng Mậu là Quân vụ Ủy viên. Hội chủ trương dùng vũ lực đánh đuổi giặc Pháp.
Than ôi, vũ lực nào! Phải mấy thập kỷ nữa, điều kiện thuận lợi mới đến để dân tộc Việt Nam có thể "kịch liệt bạo động"(4) với quân thù mà có hy vọng thắng.
Các liệt sĩ VNQPH hy sinh đau xót quá.
"Hồn ơi! Về với giang san."
Nay ta hát một thiên ái quốc
Yêu gì hơn yêu nước nhà ta
Trang nghiêm bốn mặt sơn hà
Ông cha ta để cho ta lọ vàng.
Trải mấy lớp tiền vương dựng mở
Bốn ngàn năm dãi gió dầm mưa
Biết bao công của người xưa
Gang sông, tấc núi, dạ dưa, ruột tằm.
Hào Đại hải âm thầm trước mặt
Dải Cửu Long quanh quất miền tây
Một tòa san sát xinh thay
Bên kia Vân, Quảng, bên này Côn Lôn.
Vẻ gấm vóc nước non thêm đẹp
Rắp những mong cơ nghiệp dài lâu
Giống khôn há phải đàn trâu
Giang sơn nỡ để người đâu vẫy vùng!
Hai mươi triệu dân cùng của hết
Bốn mươi năm nước mất quyền không
Thương ôi! công nghiệp tổ tông
Nước tanh máu đỏ, non chồng thịt cao.
Non nước ấy biết bao máu mủ
Nỡ nào đem nuôi lũ sài lang
Cờ ba sắc, xứ Đông Dương

Trông càng thêm nhục, nói càng thêm đau!
Nhục vì nước, mà đau người trước
Nông nỗi này, non nước cũng oan
Hồn ơi! Về với giang san
Muôn người muôn tiếng hát ran câu này
"Hợp muôn sức ra tay Quang Phục
Quyết có phen rửa nhục báo thù..."
Mấy câu ái quốc reo hò
Chữ đồng tâm ấy phải cho một lòng.
Tản Đà - "Thề non nước"
Bài thơ nổi tiếng này làm năm 1920. Hai năm sau, nó được đặt vào trong ruột một cái truyện cũng lấy tên là Thề Non Nước. (5)
Truyện vừa giảng một nội dung của thơ, vừa rất kín đáo cho ta biết thơ còn một nội dung nữa. Thề Non Nước có đến hai ruột: "ruột vỏ" là nội dung phong tình quen thuộc, "ruột ruột" là lòng yêu nước của Tản Đà. Đọc đi đọc lại những vần "nước nước non non" ấy, rồi nhớ những bài như Vịnh Bức Địa Đồ Rách v.v., ta không còn ngờ gì nữa, đích thế rồi.
Độ tám thập kỷ sau truyện Thề Non Nước, đạo diễn Tự Huy có đem truyện ra làm phim. Trong phim Núi Tương Tư, cái nội dung "bí mật" của bài thơ xưa rốt cuộc đã được "bật mí".
Nước non nặng một lời thề,
Nước đi, đi mãi, không về cùng non.
Nhớ lời "nguyện nước thề non",
Nước đi chưa lại, non còn đứng không.
Non cao những ngóng cùng trông,
Suối khô giòng lệ chờ mong tháng ngày.
Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Trời tây ngả bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.
Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nuớc mà quên non.
Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non còn nước hãy còn thề xưa.
Non cao đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non biết chớ buồn làm chi.
Nước kia dù hãy còn đi,
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước chưa nguôi lời thề.
Á Nam Trần Tuấn Khải - "Hai chữ nước nhà"
Khúc ngâm không biết xưa Á Nam Trần Tuấn Khải viết mấy hơi, mà giờ mình ngon trớn đọc một hơi từ đầu chí cuối. Đọc xong, thấy thật to hai chữ NƯỚC NHÀ!
Chuyện Nguyễn Phi Khanh dặn con cũng lâu rồi, hẳn TTK chỉ mượn để nhắc thanh niên Việt Nam chớ quên nghĩa vụ đánh Pháp. Những thanh niên nào lỡ quên, đọc đến mấy câu:
"Sống như thế, sống đê, sống mạt
Sống làm chi thêm chật non sông!
Thà rằng chết quách cho xong
Cái thân cẩu trệ ai mong có mình!"
chắc sẽ giật nẩy mình mà vội vàng tìm cách theo chân "anh khóa xuống tàu"! (6)
Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm
Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu
Bốn bề hổ thét chim kêu
Đoái nom phong cảnh như khêu bất bình
Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước
Chút thân tàn lần bước dậm khơi
Trông con tầm tã châu rơi
Con ơi con nhớ lấy lời cha khuyên:
Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định
Mấy ngàn năm suy thịnh đổi thay
Trời Nam riêng một cõi này
Anh hùng, hiệp nữ xưa nay kém gì!
Than vận nước gặp khi biến đổi
Để quân Minh thừa hội xâm lăng
Bốn phương khói lửa bừng bừng
Xiết bao thảm họa xương rừng máu sông!
Nơi đô thị thành tung quách vỡ
Chốn dân gian bỏ vợ lìa con
Làm cho xiêu tán hao mòn
Lạ gì khác giống dễ còn thương đâu!
Thảm vong quốc kể sao cho xiết
Trông cơ đồ nhường xé tâm can
Ngậm ngùi đất khóc giời than
Thương tâm nòi giống lầm than nỗi này!
Khói Nùng Lĩnh như xây khối uất
Sóng Long Giang nhường vật cơn sầu
Con ơi! càng nói càng đau...
Lấy ai tế độ đàn sau đó mà?
Cha xót phận tuổi già sức yếu
Lỡ sa cơ đành chịu bó tay
Thân lươn bao quản vũng lầy
Giang sơn gánh vác sau này cậy con
Con nên nhớ tổ tông khi trước
Đã từng phen vì nước gian lao
Bắc Nam bờ cõi phân mao (7)
Ngọn cờ độc lập máu đào còn dây
Kìa Trưng nữ ra tay buồm lái
Phận liễu bồ xoay với cuồng phong
Giết giặc nước, trả thù chồng
Nghìn thu tiếng nữ anh hùng còn ghi
Kìa Hưng Đạo gặp khi quốc biến
Vì giống nòi quyết chiến bao phen
Sông Bạch Đằng phá quân Nguyên
Gươm reo chính khí nước rền dư uy
Giở lịch sử gươm kia còn tỏ
Mở dư đồ đất nọ chưa tan
Giang san này vẫn giang san
Mà nay sẻ nghé tan đàn vì ai?
Con nay cũng một người trong nước
Phải nhắc câu "Gia, Quốc" đôi đường
Làm trai hồ thỉ bốn phương
Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng
Thời thế có anh hùng là thế
Chữ vinh hoa sá kể làm chi!
Mấy trang hào kiệt xưa kia
Hy sinh thân thế cũng vì nước non
Con đương độ đầu xanh tuổi trẻ
Bước cạnh tranh há để nhường ai?
Phải nên thương lấy giống nòi
Đừng tham phú quí mà nguôi tấc lòng
Kiếp luồn cúi, đỉnh chung cũng nhục
Thân tự do chiên chúc (8) mà vinh
Con ơi nhớ đức sinh thành
Sao cho khỏi để ô danh với đời
Chớ lần lữa theo loài nô lệ
Bán tổ tiên kiếm kế sinh nhai
Đem thân đầy đọa tôi đòi
Nhục nhằn bêu riếu muôn đời hay chi?
Sống như thế, sống đê, sống mạt
Sống làm chi thêm chật non sông!
Thà rằng chết quách cho xong
Cái thân cẩu trệ ai mong có mình!
Huống con cũng học hành khôn biết
Làm giống người phải xét nông sâu
Tuồng chi gục mặt cúi đầu
Cam tâm làm kiếp ngựa trâu cho đành!
Nỗi tâm sự đinh ninh dường ấy
Cha khuyên con có bấy nhiêu lời
Con ơi, con phải là người
Thì con theo lấy những lời cha khuyên
Cha nay đã muôn nghìn bi thảm
Nói bao nhiêu tâm khảm càng đau!
Chân mây mặt cỏ rầu rầu
Càng trông cố quốc mạch sầu càng thương!
Lời cha dặn khắc xương để dạ
Mấy gian lao con chớ sai nguyền
Tuốt gươm thề với xương thiên
Phải đem tâm huyết mà đền cao sâu
Gan tráng sĩ vững sau như trước
Chí nam nhi lấy nước làm nhà
Tấm thân sẻ với san hà
Tượng đồng bia đá họa là cam công
Nữa mai mốt giết xong thù nghịch
Mũi long tuyền lau sạch máu tanh
Làm cho đất động trời kinh
Bấy giờ quốc hiển gia vinh có ngày!
Nghĩa vụ đó, con hay chăng tá?
Tính toán sao vẹn cả đôi đường
Cha dù đất khách gửi xương
Trông về cố quốc khỏi thương hồn già
Con ơi! hai chữ NƯỚC NHÀ...
(1) Lời ca khúc Gia Tài Của Mẹ của Trịnh Công Sơn.
(2) Xem Dụng Võ Là Bất Thường của Đào Duy Anh, trang gocnhin.net.
(3) Sông Rồng: sông chảy qua Mỹ Tho. Trên sông có cù lao Rồng. Thành Phụng: thành Gia Định.
(4) Lời Phan Bội Châu trong hồi ký Tự phán.
(5) Xem Tuyển tập Tản Đà, nxb. Hội Nhà Văn, VN, 2002, tr. 139.
(6)Xem bài Tiễn Chân Anh Khóa Xuống Tàu của ANTTK.

(7) Sách sử chép, những nơi giáp giới nước ta với nước Tàu thì ngọn cỏ chia lả ra hai bên. Nghĩa là nửa đường bên kia thì ngọn cỏ lả về Tàu, mà bên này thì ngọn cỏ lả về bên ta, cho nên gọi là phân mao; phân mao tức là chia ngọn cỏ vậy. (ANTTK) 
(8) Chiên chúc: rau cháo. (ANTTK)
Thơ dân gian:
Thơ dân gian đây là thơ khuyết danh phổ biến trong dân gian. Nó gồm ca dao và lời của những bài dân ca. Ca dao hầu hết rất ngắn; lời dân ca thì tùy loại mà có thể khá dài, như trường hợp lời một bài hát xẩm. Tác giả thơ dân gian điển hình là người bình dân, nhưng cũng có thể là người trí thức, tức các nhà nho. Vốn xưa kia ở ta nho chưa thi đỗ làm quan thường sống chan hòa với dân, như Nguyễn Du con nhà đại quý tộc mà khi còn trẻ vẫn tham gia sinh hoạt ca hát giao duyên nơi xóm làng. 
Vì hầu hết tổ tiên ta sống ở nông thôn, thơ dân gian có nội dung chủ yếu là đời sống nông thôn. Do nông thôn Việt Nam đã rất phát triển về tinh thần, thơ dân gian Việt Nam chứa một tầm cảm xúc thật rộng rãi. Do tính cách cố định của sinh hoạt quê khiến trải nghiệm có đủ thời gian cần thiết, cảm xúc đây điển hình không hời hợt mà sâu sắc. Bao nhiêu cảm xúc phong phú sâu sắc được diễn lên thành thơ với phong cách rất đa dạng, khi thẳng, rõ, khi quanh co, xa xôi bóng gió, lửng lơ, lấp lửng, ỡm ờ, hư hư thực thực... Về hình thức, gần như tất cả thơ dân gian là lục bát.(1) 
Cũng như bất cứ dòng thơ nào, thơ dân gian không phải toàn bài hay. Hoài Thanh từng viết: "Văn chương là vật quý, có đâu được nhiều thế!".(2) 
Khi không thành công, thơ dân gian thường quá giản dị (so với những bệnh sáo rỗng, lập dị, lai căng của thơ trí thức không thành công).
Khi thành công, thơ dân gian đẹp mộc mạc mà tinh tế, có giá trị tiêu biểu cho nền văn hóa nông thôn hết sức lâu đời của dân tộc Việt Nam. 
Đầu thế kỷ 21 Quê coi như thôi rồi. May mắn, khá nhiều "lời quê" đã được kịp thời chép xuống.  Sau đây là một số lời mà chúng tôi nhặt ra từ Tục ngữ phong dao của Nguyễn Văn Ngọc, Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan v.v. Khi nào có điều kiện, sẽ xin nhặt nữa.
Hôm qua tát nước...
"Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen/ Em được thì cho anh xin/ Hay là em để làm tin trong nhà/ Áo anh sứt chỉ đường tà/ Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu/ Áo anh sứt chỉ đã lâu/ Mai mượn cô ấy vào khâu cho cùng/ Khâu rồi, anh sẽ trả công/ Ít nữa lấy chồng, anh lại giúp cho/ Giúp em một thúng xôi vò/ Một con lợn béo, một vò rượu tăm/ Giúp em đôi chiếu em nằm/ Ðôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo/ Giúp em quan tám tiền cheo/ Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau!". Khi anh "bỏ quên (...) trên cành hoa sen" cho em "được", khi em cố ý "cởi (...) cho nhau" rồi "về nhà dối mẹ qua cầu gió bay", cái áo ai bảo chỉ để mặc! Người nông dân Việt Nam tình tứ nhất thế giới!
Vừa trắng vừa tròn
Bài 1: "Cổ tay em trắng lại tròn/ Để cho ai gối, đã mòn một bên/ Gối chăn, gối chiếu không êm/ Gối lụa không mềm bằng gối tay em!". Bài 2: "Cổ tay em trắng như ngà/ Con mắt em liếc như là dao cau/ Miệng cười như thể hoa ngâu/ Cái khăn đội đầu, như thể hoa sen!". Bài 3: "Cổ tay em vừa trắng vừa tròn/ Răng đen rưng rức, chồng con kém người/ Khốn nạn thay, nhạn ở với ruồi!/ Tiên ở với cú, người cười với ma!". Nghe "vừa trắng vừa tròn", nghĩ ngay đến "thân em" (thơ Hồ Xuân Hương)! Nhờ không phải "thân" mà "cổ tay em" không bị ai "nặn", chỉ bị "gối" thôi, gối nhiều đến nỗi "đã mòn một bên"... Cổ tay như thể "miếng trầu", vì cùng "là đầu câu chuyện", khen một cái đã rồi tán tỉnh hay than thở cho gì đó tha hồ... Cổ tay có khi thường được nhắc đến hơn cổ thật đấy nhỉ. 
Trong đục bên nào
"Nàng ơi, anh quyết với mình/ Công anh dan díu chẳng thành thời thôi/ Sông kia bên lở, bên bồi/ Bên lở thì đục, bên bồi thì trong/ Sông kia nước chảy đôi dòng/ Biết rằng bên đục, bên trong bên nào". Hình như chỉ "anh quyết với mình" chứ em thì chưa quyết, thậm chí có lẽ đang dao động xa anh nên anh mới buồn bã "chẳng thành thời thôi", mới xa xôi đục lở trong bồi...
Mười thương, mười thương
Bài 1: "Một thương tóc bỏ đuôi gà/ Hai thương ăn nói mặn mà có duyên/ Ba thương má lúm đồng tiền/ Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua/ Năm thương cổ yếm đeo bùa/ Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng/ Bảy thương nết ở khôn ngoan/ Tám thương má phấn lại càng thêm xinh/ Chín thương em ngủ một mình/ Mười thương con mắt có tình với ai". 
Bài 2: "Một thương tóc xõa ngang vai/ Hai thương đi đứng vẻ người đoan trang/ Ba thương ăn nói có duyên/ Bốn thương mơ mộng mắt huyền thêm xinh/ Năm thương dáng điệu thanh thanh/ Sáu thương nón Huế nửa vành nên thơ/ Bảy thương những phút mong chờ/ Tám thương thơ thẩn bên bờ Hương Giang/ Chín thương bến Ngự sang ngang/ Mười thương tà áo nhẹ nhàng gió bay". Đây là hai lời khác nhau của cùng một bài dân ca Huế. Trong lời thứ nhất "em" mang dáng một phụ nữ Bắc bộ xưa; trong lời thứ hai, phổ biến hơn nhiều, "em" rõ là một cô gái sông Hương. Có phải khi bài dân ca này ra đời, phụ nữ Việt ở Huế còn ăn mặc, trang điểm giống như nơi đất gốc, nhưng rồi họ dần dần thay đổi, rút cuộc trở nên khác hẳn, làm nảy sinh nhu cầu đặt lời mới cho bài hát cũ?...
Ai ơi chơi lấy
"Ai ơi chơi lấy kẻo già/ Măng mọc có lứa, người ta có thì/ Chơi xuân, kẻo hết xuân đi/ Cái già sòng sọc nó thì theo sau". Nguyễn Công Trứ có lần hát nói cái tứ "Chơi xuân kẻo hết xuân đi" này...
Trèo lên cây bưởi
"Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/ Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/ Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!/ Ba đồng một mớ trầu cay/ Sao anh không hỏi những ngày còn không?/ Bây giờ em đã có chồng/ Như chim vào lồng, như cá cắn câu/ Cá cắn câu, biết đâu mà gỡ/ Chim vào lồng, biết thuở nào ra!". Theo Nguyễn Xuân Kính, "ở đồng bằng Bắc bộ (...) chưa tìm thấy hoa tầm xuân màu xanh (...) nếu (...) có (...) cũng không (...) phổ biến (...) hoa tầm xuân (thường) màu đào hay trắng nhạt". Ông bảo bài ca dao rất nổi tiếng này "có nhiều khả năng ra đời (...) ở đồng bằng Bắc bộ", rồi bàn: "đây màu hoa xanh biếc hàm nghĩa là nó không có trong thực tế, là ngang trái, là trớ trêu giống như cảnh ngộ chàng trai".(3) Cái ý kể cũng hay. Sực nhớ một bài ca dao cũng rất nổi tiếng khác: "Trên trời có đám mây xanh, ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng...". Phải chăng cái mây ba màu "không có trong thực tế" này cũng có dính líu đến cảnh ngộ "Ước gì anh lấy được nàng/ Để anh mua gạch Bát Tràng về xây" chăng? Tưởng trong cả hai trường hợp, hoặc là thế, hoặc những màu sắc lạ lùng kia thực ra không có ý nghĩa gì đặc biệt cả mà chẳng qua thuộc vào một cái lối mở đầu thơ bằng vài câu bâng quơ, ngộ nghĩnh... Tạm nghĩ vậy, nhưng rồi một hôm đọc thấy ở Thanh Hóa có một thứ hoa cũng tên là tầm xuân và hoa này thì xanh biếc.(4) Hay là, rút cuộc, ai đó xưa kia đã "trèo lên (một) cây bưởi" ở Thanh Hóa chứ không phải ở đồng bằng Bắc bộ? 
Anh đi, anh đi...
Bài 1: "Anh đi, em ở lại nhà/ Hai vai gánh vác mẹ già, con thơ/ Lầm than bao quản muối dưa/ Anh đi, anh liệu chen đua với đời". Bài 2: "Anh đi đàng ấy xa xa/ Ðể em ôm bóng trăng tà năm canh/ Nước non một gánh chung tình/ Nhớ ai, ai có nhớ mình hay chăng". Anh đi, ở nhà ban ngày em gánh, ban đêm em ôm. Gánh, ngay cả vác, mẹ già con thơ, thế mà vẫn nhẹ hơn chỉ nằm ôm cái bóng của mình!
Lúc đêm khuya
Nguyên văn lời bài hát xẩm: "Lúc đêm khuya, trăng lạnh, sương mờ/ Canh tàn, rượu tỉnh, lúc bấy giờ em mới nghĩ thương thân!/ Em tiếc thay em trong giá, trắng ngần/ Nỡ gieo thân mình vào chốn bụi trần mà chơi/ Chốn hang sâu lẩn khuất hương trời/ Non xanh nước biếc dễ mấy ai người biết cho/ Con chim khôn đã mắc phải dò/ Thì còn vui chi nữa, cái kiếp giang hồ, hỡi các chị em ơi!/ Tính đốt ngón tay đã quá nửa xuân rồi/ Đầu xanh mấy lúc cũng da mồi tóc sương/ Kiếp hồng nhan, càng nghĩ đến càng thương/ Tài tình chi cho lắm để vấn vương cái nợ ở đời/ Trông non sông mà lại thẹn với Trời/ Khi vui, em vui gượng, khi cười, em cười suông/ Ruột con tằm, trăm mối vẫn tơ vương/ Bên trời góc biển, em biết gửi can trường vào đâu...".
Sau khi tạm bớt sửa cho thành lục bát chỉnh thể: "Đêm khuya, trăng lạnh, sương mờ/ Canh tàn, rượu tỉnh, bấy giờ thương thân!/ Tiếc thay trong giá, trắng ngần/ Nỡ gieo vào chốn bụi trần mà chơi/ Hang sâu lẩn khuất hương trời/ Non xanh nước biếc ai người biết cho/ Chim khôn đã mắc phải dò/ Còn vui chi nữa, giang hồ, em ơi!/ Thoắt đây quá nửa xuân rồi/ Đầu xanh mấy lúc da mồi tóc sương/ Hồng nhan, càng nghĩ càng thương/ Tài tình chi lắm vấn vương nợ đời/ Trông non sông thẹn với Trời/ Khi vui, vui gượng, khi cười, cười suông/ Ruột tằm, trăm mối tơ vương/ Bên trời góc biển, can trường gửi ai...". 
Còn đây là cái đoạn Truyện Kiều gốc của nó: "Khi tỉnh rượu lúc tàn canh/ Giật mình, mình lại thương mình xót xa/ Khi sao phong gấm rủ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường/ Mặt sao dày gió dạn sương/ Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?/ Mặc người mưa Sở mây Tần/ Những mình nào biết có xuân là gì/ Ðòi phen gió tựa hoa kề/ Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu/ Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?/ Ðòi phen nét vẽ câu thơ/ Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa / Vui là vui gượng kẻo là/ Ai tri âm đó mặn mà với ai?/ Thờ ơ gió trúc mưa mai/ Ngẩn ngơ trăm mối dùi mài một thân". 
So sánh lời bài hát xẩm với lời Truyện Kiều, thấy nó có nhiều chất "dân gian" hơn, mà cũng thực là thấm thía.  Như đã nói, tác giả thơ dân gian có thể là một nhà nho. Thiết tưởng đây chính là một ví dụ. 
Chiếu xanh trải xuống...
"Chiếu xanh trải xuống mà ngồi/ Em ơi! xích lại cùng tôi kẻo buồn/ Chiều chiều bước xuống ghe buôn/ Sóng bao nhiêu gợn, dạ em buồn bấy nhiêu/ Cánh buồm, gió thổi hiu hiu/ Nước mắt ra chầm chậm, múi lưng điều không khô/ Thảm với sầu, không biết chừng mô". Thử diễn ca cái tình huống này bằng lời khác: Sóng gợn gợn, gió hiu hiu/ Lệ tuôn chậm chậm, sông chiều buồn hung/ Em ơi! xích lại đây cùng/ Múi lưng điều ướt thôi dùng sẽ khô.
Có có không không
Bản 1: "Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không/ Tuồng như đáy nguyệt lòng sông/ Nào ai mà biết có không là gì". 
Bản 2: "Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không/ Vầng trăng vằng vặc in sông/ Chắc chi có có không không mơ màng". 
Theo Trần Quốc Vượng, bài ca dao này gốc ở bài kệ "Có không" mà Từ Đạo Hạnh làm để diễn giải một tứ cú trong kinh Kim Cương. (5) Bài kệ do sư nổi tiếng làm, còn bài ca dao hẳn do một ẩn sĩ làm.  Sư kệ rồi sĩ ca, chứ chắc chắn chẳng có người nông dân nào dính líu vào cái "tứ cú" lục bát này.
Rồi sẽ, biết đâu...
"Ngọc nhìn lâu sẽ tìm thấy vết/ Hoa để gần, sẽ hết mùi hương.../ Xa nhau, mong ước, mơ màng/ Gần nhau, rồi sẽ phụ phàng, biết đâu...". Lo xa, e ngại, rỉ rén thành lời thật dễ thương. Làm sao đây? Chẳng lẽ vì lo mà giữ mãi xa? Đành phải cho gần, nhưng không cho no mắt, no mũi! Đọc ca dao, rồi cũng thử làm ca dao: Bay hoài hương ngát thôi thơm/ Ngọc phơi lồ lộ chóng nhờn mắt ai/ Tình yêu, muốn giữ lâu dài/ Đậy hương che ngọc, nhớ bài đầu tiên!
Mười say
"Em là con gái nhu mì/ Làng trên xóm dưới ai bì được nao/ Liếc mắt trông lên thấy cặp má đào/ Môi hồng mắt phượng ai trông vào chẳng say/ Say em một bộ lông mày/ Ngón tay tháp bút, tóc mây xanh rờn/ Say em say cả bàn chân/ Gót hồng da trắng mười phân vẹn mười/ Say em câu nói tiếng cười/ Say em nết đứng, say nơi nết nằm/ Khen ai sinh cúc sinh trầm/ Mà sinh nết đứng nết nằm cũng xinh".  Má, môi, mắt, lông mày, ngón tay, tóc, bàn chân, tiếng cười, nết đứng, nết nằm. Cộng lại: đúng mười! Đã có quan họ Mười Nhớ, dân ca Huế Mười Thương, không biết cái bài thơ Mười Say này đã có địa phương nào hát lên chưa nhỉ?
Hỏi tí đêm khuya
"Đêm khuya, thiếp mới hỏi chàng:/ Cau xanh ăn với trầu vàng, xứng chăng?/ - Trầu vàng nhai lẫn cau xanh/ Duyên em sánh với tình anh, tuyệt vời!". Thường chỉ khi đang theo đuổi nhau, hoặc xa nhau, hoặc hiểu lầm nhau, hoặc gặp hoàn cảnh éo le, hoặc cần nhắc nhở nhau tình nghĩa, thì mới "ca". Đây đang nằm với nhau đêm khuya, mà lại cất tiếng! "Trầu" đã hỏi thì "cau" xin thưa: trên cả tuyệt vời!
Anh huê, em bướm!
"Chơi cho trứng chọi đá tan/ Trăm hồ nghìn hải phá tàn rừng xanh/ Người như huê nở trên cành/ Em như con bướm lượn vành trên hoa/ Bây giờ anh lấy người ta/ Như dao cắt ruột em ra làm mười!". Lời yêu thì vẫn vô cùng. Chọi cho vỡ đá, phá cho tan rừng, cắt ruột làm mười, mãnh liệt đấy nhưng chưa nên nổi lạ. Cái thực đáng nên rất lạ trong lời bài dân ca quan họ này là cái chỗ anh huê, em bướm! Đâu phụ nữ chỉ e ấp làm hoa thôi mặc đâu nhé, ở Kinh Bắc xưa các liền chị mà thấy có liền anh (xinh) "nở trên cành" là cứ thoải mái đua nhau "lượn vành" đấy!
Con thỏ đầu truông
"Có thương thì thương cho chắc/ Còn trục trặc thì trục trặc cho luôn/ Đừng như con thỏ đầu truông/ Khi vui giỡn bóng, khi buồn giỡn trăng". Bài ca dao này Huy Cận thâm cảm: "Không gian thì đã rõ ràng. Còn thời gian? Ấy là khi vui, khi buồn (...) Thời gian mà lại minh họa bằng không gian; thời gian chập chùng thấp thoáng nơi bóng với trăng, và thấp thoáng chập chùng trong tâm tưởng nữa. Câu thơ trở nên vô cùng khoáng đạt. Con thỏ đầu truông tưởng như nhảy múa thênh thang trong cả khoảng trời mênh mông tràn ngập ánh trăng. Và vì vậy mà nỗi buồn của người tình trong câu ca dao mới thật là vời vợi, vừa trong vừa lạnh, đau buốt vô cùng". (báo Văn Nghệ, tháng 3-2005).
Vuông vắn em
"Trên đầu em đội khăn vuông/ Trông xuống dưới ngực cau buồng còn non / Cổ tay em vừa trắng lại vừa tròn/ Mặt mũi em vuông vắn, việc chồng con thế nào?". Người hay là quạ, mà trông "em" hau háu như trông gà con thế! Cổ tay trắng tròn hay nhắc đã "mòn", nhưng "mặt mũi em vuông vắn" thì còn "vuông" lắm vì hiếm khi xuất hiện trong thơ. 
(1) Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp ca dao, nxb. KHXH, 1992, tr. 56. 
(2) 99 góc nhìn văn hiến Việt Nam, nhiều tác giả, nxb. Thông Tấn, 2006, tr. 33.
(3) NXK, sđd., tr. 224-226.
(4) "Xanh biếc giậu tầm xuân", trang laodong.com.vn, 6-2-2011.
(5) Trần Quốc Vượng, Trong cõi, nxb. Trăm Hoa, Mỹ, 1993, tr. 168.

Thu Tứ
Theo http://chimviet.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...