Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Thơ Bùi Giáng, hiện sinh trong đoạn trường và định mệnh

Thơ Bùi Giáng, hiện sinh 
trong đoạn trường và định mệnh
Những "dạ thưa", những "tồn sinh", những "phố thị", những "cố quận", "đười ươi", đã trở thành những cốt cách, những địa chỉ rất Bùi Giáng:
Dạ thưa phố Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương
Dạ thưa Vỹ Dạ về gần
Ðã từ xa lắm thiên thần nhớ em
Thơ Bùi Giáng, ngay từ thuở đầu đã rong chơi, lãng mạn, đã tinh nghịch, nhẹ nhàng, hóm hỉnh, luôn luôn là những lời vấn đáp lẩn thẩn về ý nghĩa cuộc đời, về lẽ tồn sinh, về những chuyện phù du, dâu bể, ẩn khuất một dục tình khép mở Xuân Hương:
  Cá ở ngoài khe có ít nhiều
  Cồn lau cỏ lách có hoang liêu
  Em về có hỏi răng ri rứa
  Nhắm mắt đưa chân có bận liều.
(Bờ trần gian)
hoặc:
  Bỏ hai chân xuống một vùng
  Nước truông là lá thu rừng xuống khe.
(Bỏ hai chân)
Những dòng thơ trên đây, theo như lời Mai Thảo, Bùi Giáng đã làm một mạch, tại chỗ, xuất bút thành thơ. Huyền thoại Bùi Giáng, thi sĩ bẩm sinh, poète né, trong thập niên 60-70, được xác định như một hiện tượng văn học độc đáo. Như thể ông đã biết trước đường đi nước bước của thơ. Có khả năng thiên bẩm về sự lang thang ngơ ngẩn của chữ trên đời, và chỉ cần huơ tay, bắt chúng, nhốt vào câu lục bát, như Bình Nguyên Lộc "nhốt gió", là có ngay thơ Bùi Giáng:
  Một hôm đếm một ra ba
  Thật là lạ lắm, ấy là cái chi
hay:
  Người con gái lội qua khe
  Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau
  Nỗi niềm tưởng lại xưa sau
  Bàn chân với nước cùng nhau lại đè.
(Lá hoa cồn
Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu
  Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa
  Gọi tên là một hai ba
  Ðếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm
Bốn câu tự họa trên đây dường như đã gói trọn bản chất thơ ca và tư tưởng Bùi Giáng. Một bản chất đa mang nỗi hiện sinh hoang tưởng trong một "đạo khờ" gắn bó với đoạn trường tái tân thanh (chữ của Bùi Giáng) tiếp nhận Nguyễn Du như một thông đạo, thông thư, thông mệnh văn học. 
Thân phận dâu bể của con người, nỗi hoài nghi về số kiếp, ta từ đâu lại? Ta là ai? Những trầm luân, biến đổi làm sao đo, đếm, đặt tên được? Ðến bản thân ta, ta còn không biết, nữa là... Nếu trường phái hiện sinh (Sartre) bác bỏ tính chất định mệnh, thì ở Bùi Giáng, định mệnh (Kiều) và hiện sinh giao hưởng với nhau thành một cấu trúc tư tưởng mới, tạo nên những vần thơ đậm dấu Ðạm Tiên, hắt ra những ánh siêu thực:
  Em chết bên bờ lúa
  Ðể lại bên đường mòn
  Một dấu chân bước của
  Một bàn chân bé con
  Anh qua miền cao nguyên
  Nhìn chân trời bữa nọ
  Ðêm cuồng mưa khóc điên
  Trăng cuồng khuya trốn gió
  Mười năm sau xuống ruộng
  Ðếm lại lúa bờ liền
  Máu trong mình mòn ruỗng
  Xương trong mình rã riêng
(Mưa nguồn)
Bùi Giáng có những câu thơ rất cao, rất tĩnh, rất sâu, thanh thản, gợi đến hư vô trong một không gian lãng mạn trữ tình, ít thấy xuất hiện trong thơ Việt.
  Buổi trưa đi vào giữa lòng lá nhỏ
  Tiếng kêu kia còn một chút mong manh
  Dòng nức nở như tia hồng đốm đỏ
  Lạc trời cao kết tụ bóng không thành
(Hư vô và vĩnh viễn - Mưa Nguồn)
Không gian Bùi Giáng, một cõi hư không đầy dấu hỏi, bồng bế nhau đi, năm này qua tháng khác, một cõi trùng sinh, di động luân hồi.
  Những nhịp bước trên đường còn dội mãi
  Vang về đâu không vọng lại hồi âm
  Của réo rắt riêng một lần mãi mãi
  Gió phương trời ủ mộng giữa hoa tâm
  Em hỏi mãi tuy biết lời đáp lại
  Chẳng bao giờ thỏa đáng giữa đời câm
  Em ngó mãi những chiều về trở lại
  Mang những gì về trong cõi trăm năm...
(Chiều - Mưa Nguồn)
Từ Nguyễn Du, Bùi Giáng trích tạo nên một mô típ bạc mệnh hiện đại, mầu sắc siêu thực, tài tử và tài hoa, một chất thơ giao thoa Nguyễn Du Bùi Giáng
  Lớp phiêu bồng mọc trăng ngàn
  Thành xưa phố cũ muôn vàn phía sau
  Ðạp thanh vẽ bóng lộn mầu
  Góp dâng cữ gió nghiêng đầu sương mây
  Ngõ ban sơ hạnh ngân đài
  Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua
  Xin chào giữa bước chân ra
  Chết từ sơ ngộ mầu hoa trên ngàn
(Mầu hoa trên ngàn)
Nơi Bùi Giáng còn một mô típ bạc mệnh, cuồng khất, tổng hợp đoạn trường, tồn sinh, ngông ngôn, rất liều và rất loạn, mà cũng là vọng âm của niềm hoang mang tuyệt đối:
  Hồng quần rất mực bước ra
  Trường quần duệ địa phong hoa lá cồn
  Phải rằng nắng quáng dập dồn?
  Hay là đèn trút linh hồn oái oăm?
  Phải là nguyệt giữa đêm rằm?
  Nguyên tiêu lãng đãng lá nằm ngẩn ngơ?
  Kể từ hằng thủy ban sơ?
  Kể từ sơ thủy về tờ vẽ trang?
  Kể từ thu tạ lên đàng?
  Rừng phong thu đã quan san nhuộm mầu?
  Phải rằng đó trước kia sau?
  Hay là sau trước còn tao ngộ gì?
(Con đường ngả ba)
Nhưng bi kịch của Bùi Giáng là ông lập lại chính mình.
Trong gần nửa thế kỷ làm thơ, Bùi Giáng để lại hàng ngàn bài, có những câu thơ tuyệt hay, nhưng chính sự lập lại những khám phá ngôn ngữ buổi đầu khiến thơ ông trở thành khuôn sáo, về mặt từ ngữ cũng như tư tưởng. Những dạ thưa, tồn sinh, trùng lai, phố thị của Bùi Giáng, tà huy của Nguyễn Gia Thiều, mù sa, trăm năm của Nguyễn Du... ban đầu làm xuyến xao người đọc: Em về rũ áo mù sa, trút quần phong nhụy cho tà huy bay. Nhưng vì lập lại nhiều lần chúng bị phá giá. Hiện tượng phá giá này có mặt ngay ở những tác phẩm đầu và chủ yếu của Bùi Giáng.
Từ Mưa Nguồn, Lá Hoa Cồn, năm 62, 63 đã thấy xuất hiện tính chất đoạn trường, tồn sinh như tinh thần chính trong tư tưởng Bùi Giáng: Nguyễn Du, Tản Ðà gặp gỡ Heidegger, Breton phóng sinh một tạng chán đời mới lạ. Bài Rượu Uống trong Lá Hoa Cồn, một thứ đoạn trường ngông rất lãng mạn siêu thực, tiêu biểu cho tính chất lang thang trong cấu trúc thơ Bùi Giáng:
  Thưa em rượu uống bây giờ
  Là trăm năm gục hai bờ tử sinh
  Ðộng hờ hững chúa điêu linh
  Em làm Hoàng Hậu mọc tình cỏ phơi
  Nhà ma cửa quỷ đi đời
  Chìm hơi thở đục trong lời sương xanh
  Càn khôn xiêm mỏng che mành
  Về trong thiên hạ em thành thiên thân.
  Thưa em rượu uống bây giờ
  Là thiên cổ lụy còn trơ bên mình
  Tài hoa tiếng vọng điêu linh
  Phạm Ðan Phượng chết theo Quỳnh Như sao.
  Thưa em từ bữa nghiêng chào
  Chớm trang đầu chợt sóng trào trường giang
  Em đi rắc lá trên đàng
  Cỏ xanh rì mọc suốt càn khôn kia
  Mùa xuân mưa rưới mộng lìa
  Về trong nắng hạ mép bìa sai bâu
  Thưa em rượu uống bây giờ
  Là trong lát nữa lên bờ đuổi ma
  Chạy quang cồn cụm lá già
  Rách như bươm suốt ruộng sa mạc đồng
  Càn khôn gió đổ chất chồng
  Rú như beo rống như hùm đổi hang
  Trên rừng dưới lũng tan hoang
  Vẫn sừng sững bóng chắn ngang quỷ sầu
  Thưa em rượu uống bây giờ
  Là trong lát nữa trăng mờ hỏi ma
  Hỗn mang về giữa hiên nhà
  Bây giờ cố quận tên là chiêm bao
  Nhìn nhau trong lũy ngoài hào
  Lời phôi dựng một điệu chào dị sai
  Trên đầu thế kỷ chia hai
  Nguồn man mác lạnh tìm ai bây giờ
  Thưa em rượu uống bây giờ
  Là thiên thu lại còn trơ hận trường
  Chung cầm dâu biển khôn lường
  Chân trời mộng lý con đường chia ba
  Nam đình doanh trại dàn qua
  Trống chầu trùng ngộ thưa là không mong
  Hoạt tồn phát tiết sầu đong
  Tràng giang thế kỷ xô dòng xuống lên
Bài thơ gồm năm nhịp nối tiếp nhau bằng điệp khúc Thưa em rượu uống bây giờ. Mở đầu Thưa em rượu uống bây giờ, điệp khúc mấu chốt, mở cửa dẫn đến câu thơ thứ nhì: Là trăm năm gục hai bờ tử sinh. Cả hai nằm trong cấu trúc song song, tổng hợp quan niệm ngông, đoạn trường và hiện sinh của toàn bài. Câu ba, câu bốn: Ðộng hờ hững chúa điêu linh, Em làm Hoàng Hậu mọc tình cỏ phơi, đệm thêm chất lẳng lơ dục tính, nhưng đã loãng đi vì loại hình này được Bùi Giáng dùng nhiều. Rồi Chìm hơi thở đục trong lời sương xanh, một câu rất hay bị đặt bên một câu lãng xẹt: Nhà ma cửa quỷ đi đời
Nếu chúng ta đọc đến nhịp thơ thứ nhì:
Thưa em rượu uống bây giờ
Là thiên cổ lụy còn trơ bên mình
cũng vẫn thấy nguyên những nhược điểm như nhịp thơ đầu, tức là trong phần thơ đệm có những vội vàng, dễ dãi, ghép chữ, ghép ý rất sáo: Tài hoa tiếng vọng điêu linh, Phạm Ðan Phượng chết theo Quỳnh Như sao.
Ở những nhịp sau, thì ngay chính điệp khúc mấu chốt:
  Thưa em rượu uống bây giờ
  Là trong lát nữa lên bờ đuổi ma
  Thưa em rượu uống bây giờ
  Là trong lát nữa trăng mờ hỏi ma
  Thưa em rượu uống bây giờ
  Là thiên thu lại còn trơ hận trường
đã có sự lập lại chính mình, như thể nhà thơ tiện tay bắt được chữ nào vội bỏ ngay vào lục bát, không màng nhìn lại những câu thơ đầu nữa.
Tất nhiên láy là một quy ước rất thường trong thi ca. Nhưng láy chỉ làm tăng giá trị thơ khi nó đưa đến những dồn dập hoặc trong cảm xúc, hoặc trong nhịp điệu, hoặc trong sinh động... Tức là láy phải đưa tới một trạng thái căng thẳng, tới một vận tốc khác trong tiến trình âm và ý.
Ví dụ:
Này chồng, này vợ, này cha
Này là em ruột, này là em dâu
là một trong những cách láy của Nguyễn Du, vừa tăng vận tốc miêu tả, vừa gia tốc sức ép của hiện thực, rành rành, chính xác, chỉ mặt, chỉ tên. 
Hoặc:
  Làm cho cho mệt cho mê
  Làm cho đau đớn ê chề cho coi
Láy ở đây lũy thừa mật độ ác liệt của Tú Bà. 
Hoặc:
  Buồn trông cửa bể chiều hôm
  Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
  Buồn trông ngọn nước mới sa
  Hoa trôi man mác biết là về đâu
Mỗi lần láy này là một lần Nguyễn Du chuyển cảnh, chuyển tình.
Sự láy lại, nơi Bùi Giáng, rất thường khi chỉ là láy dập dình tại chỗ, láy lười, thấy hợp vần, tiện thể thì láy. Láy hồ đồ ít khi mang tới trạng thái mới, cảm xúc mới, hoặc một sức ép gia tăng, mà chỉ cho ta một cảm tưởng dằng dai, lai tạp:
  Hãy mang tôi tới giữa đời
  Giết tôi chết giữa cõi đời mốc meo
  Hãy mang tôi tới nắng chiều
  Giết tôi chết giữa một chiều khe mương
  Hãy mang tôi tới dặm trường
  Giết tôi chết giữa con đường bơ vơ
  Hãy mang tôi tới bất ngờ
  Giết tôi ngẫu nhĩ trong giờ ngẫu nhiên
  Hãy mang tôi tới diện tiền
  Giết tôi chết giữa người thuyền quyên kia
(Sa mạc trường ca, Cầu Nguyện Ca)
Jacques Brel, năm 1966, khi tuyên bố ngừng hát ở tột đỉnh danh vọng, trả lời câu hỏi: "Tại sao ông ngừng hát lúc này?". Brel bảo: "Tôi ngừng vì muốn giữ lòng ngay thẳng với thính giả và với chính mình. Bởi vì khi người nghệ sĩ như tôi, đã nắm vững được tất cả những yếu tố kỹ thuật làm lay động lòng người, thì người đó sẽ có khuynh hướng ăn gian (tricher), phong tỏa người nghe bằng tất cả những kỷ xảo của mình, và khi tôi biết mình sắp đi đến chỗ bước vào kỹ sảo, tôi ngừng." Tất nhiên, Brel chỉ ngừng hát hai năm và năm 68, khi ông trở lại với âm nhạc, đã với một tinh thần khác, hẳn Brel biết mình đã đoạn tuyệt được với ý định dùng kỹ xảo để thu phục lòng người. Và Brel ở lại với âm nhạc thêm sáu năm nữa.
Ở Bùi Giáng hình như không có sự tự giới ấy. Cho nên biết bao lần người đọc tiếc, giá Bùi Giáng đừng ham chơi, chịu khó dừng lại ở chỗ đáng dừng để những câu thơ sáng giá như:

  Bụi thu mờ ai phủi với hai tay
hoặc:
  Em về mấy thế kỷ sau
  Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
  Ta đi còn giữ đôi giòng
  Lá rơi có dội ở trong sương mù
khỏi bị lọt vào khu rừng hoang, ôm đồm những lời thơ vội vàng, mọc lên như cỏ dại.
Ám ảnh đoạn trường, tư tưởng và ngôn ngữ Nguyễn Du theo đuổi Bùi Giáng suốt đời. Những tập thơ mới nhất, in ở hải ngoại những năm gần đây càng lộ rõ. Trong những cuốn Thơ Bùi Giáng (sđd), Bùi Giáng 94 (in tại California năm 95), và một phần tập Chớp Biển (sđd), Bùi Giáng tìm về người thầy Nguyễn Du như một cứu cánh. Hầu như mỗi bài thơ của ông đều có ít nhất một chữ hoặc một câu của Nguyễn Du. Và cấu trúc toàn bài thường dựa vào ý một câu Kiều:
  Rằng xưa ký ức đàn bà
  Tên là phụ nữ, tuổi là dấn thân...
  Trước đèn một tập mở ra....
  Biển dâu lục địa cõi miền....
  Cảo thơm lần giở gió giăng dậy thì
Ám ảnh "mù sa", ám ảnh "chỉn e", ám ảnh "vân mòng", "mai sau", "trăm năm", "ngẫu nhĩ", "phong tình", "cổ lục", "dặm về", "tử sinh"... trở thành lớp da thứ nhì của Bùi Giáng:
  Rừng phong thu đã nhuốm màu
  Quan san ngần ấy tư trào ngần kia....
  Chốn nào mộng mị chiêm bao
  Chốn này tỉnh táo tiêu tao vân mồng
Từ cảnh sang tình, từ mơ sang thực, ám ảnh ngôn ngữ trở thành ám ảnh tư tưởng. Bùi Giáng đã cạn dần hồn mình và sống hồn Nguyễn Du trong đoạn cuối đời:
  Em đi từ tỉnh mộng đầu
  Một mình anh ở mang sầu trăm năm
  Em từ vô tận xa xăm
  Trùng lai chất vấn: Từ trăm năm nào?
Những câu hỏi mà Bùi Giáng trải suốt đời thơ, thắc mắc, tìm kiếm, đặt nghi vấn về cõi đi, cõi ở, cõi có, cõi không, biết đâu hôm nay Bùi Giáng chẳng đã tìm được Nguyễn Du ở một cõi trùng lai nào đó, và ông đang chất vấnngười  thầy về nỗi đoạn trường ấy, từ trăm năm nào?
Chú thích: 
(1) trích theo Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Hồn Thơ Bị Vây Khổn, Văn, số đặc biệt Bùi Giáng, tháng 5 năm 1973. 
(2) Trừ một số bài như bài của Tạ Tỵ, trong cuốn Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay, in năm 1972, tại Sài gòn, tái bản ở Hoa Kỳ và các bài viết của Thanh Tâm Tuyền, Cao Huy Khanh, Trần Hữu Cư, Nam Chữ, Tuệ Sỹ, Trần Tuấn Kiệt và Thục Khưu trên báo Văn, số đặc biệt Bùi Giáng, tháng 5 năm 1973 tại Sài gòn. 
(3) trích theo Thanh Tâm Tuyền, s đ d. 
(4) trích theo Thanh Tâm Tuyền, s đ d. 
(5) nhà xuất bản Thế Kỷ in năm 1994 tại Hoa Kỳ. 
(6) trong cuốn Chớp Biển, thơ Bùi Giáng in tại Canada năm 1996.

Tháng 10/1998 
Thụy Khuê
Theo http://chimviet.free.fr/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đ...