Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Nguyên Sa (1932-1998)

Nguyên Sa (1932-1998)
Những năm 54-60, miền Nam chào cờ phải hát bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống, miền Bắc phải học thơ Bác Hồ, thì ở sân trường miền Nam, học trò tình tự với nhau bằng thơ Nguyên Sa. Cái khác nhau giữa nhà nước và nhà thơ là ở chỗ ấy: Một bên, người ta phải hát, phải học. Một bên khơi khơi đi vào lòng người, không thông hành, không gõ cửa và khi đã đột nhập vào rồi thì dù có tẩy não nó cũng chẳng đi.
Áo Lụa Hà Ðông, Cần Thiết, Tuổi Mười Ba, Paris Có Gì Lạ Không Em... những bài thơ Nguyên Sa đã đi vào giới trẻ miền Nam những năm 60 và ở lại trong lòng người như thế:
  Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát 
  Bởi vì em mặc áo lụa Hà Ðông 
  Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng 
  Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng.
  Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
  Mà mùa thu dài lắm ở xung quanh
  Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
  Bầy vội vã vào trong hồn mở cửa.
  Gặp một bữa anh mừng một bữa
  Gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn
  Thơ học trò anh chép lại thành non
  Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu.
  Em không nói đã nghe từng giai điệu
  Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
  Anh đã trông lên bằng đôi mắt chung tình
  Với tay trắng em vào thơ diễm tuyệt.
  Em chợt đến, chợt đi anh vẫn biết
  Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
  Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
  Ðể anh gọi tiếng thơ buồn vọng lại.
  Ðể anh giận mắt anh nhìn vụng dại
  Giận thơ anh đã nói chẳng nên lời
  Em đi rồi xám hối chạy trên môi
  Những ngày tháng trên vai buồn bỗng nặng.
  Em ở đâu hỡi mùa thu tóc ngắn
  Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Ðông
  Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
  Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng.
(Áo lụa Hà Ðông)
Nguyên Sa thuộc lớp người muốn canh tân văn học. Cuối thập niên 50, ở Pháp về, hành trang nặng gánh Sartre, Camus, ông dạy triết học trong những lớp luyện thi tú tài, thời ấy gọi là cua riêng. Cua riêng của thầy Trần Bích Lan lúc nào cũng đông nghẹt học trò. Triết học, nơi ông, là triết học xuống đường, thực dụng, triết học bình dân, dễ hiểu, hợp với tạng học trò. Trong lớp, dù là giờ Tâm lý, Ðạo đức hay Triết học hiện sinh, học trò không thể ngủ gật vì những bản thể, những siêu hình, những hư vô, những phương pháp luận... lọc qua lăng kính Trần Bích Lan, đã trở thành những tiếng cười châm biếm Tú Xương... những câu hát đối hóm hỉnh Cầu Lim, Nội Duệ..., Trần Bích Lan đến với tuổi trẻ qua ngả học đường bằng hình ảnh người thầy Tây học, hiện sinh, tài hoa và thơ mộng. 
Rồi Thơ Nguyên Sa ra đời. Ra đời trong bối cảnh Mai Thảo giã từ Hà Nội, Vũ Thành mơ giấc mơ hồi hương, Thanh Tâm Tuyền không còn cô độc, Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy hát tiễn em giữa mùa thu Paris. Vũ Khắc Khoan mộng thấy thần tháp rùa. Nhật Tiến bước vào thềm hoang. Vũ Bằng nhớ miếng ngon Hà Nội. Bình Nguyên Lộc ký thác cho đò dọc. Võ Phiến viết chữ tình. Nguyễn Văn Trung đang nhận định, Vũ Hoàng Chương mang tâm sự kẻ sang Tần. Ðinh Hùng lạc trong mê hồn ca...
Hồi ấy, như Nguyên Sa kêu gọi: Chúng ta -tức là những người bạn của ông- không hô hào đổi mới suông. "Chúng ta" phải đánh đổ những người đi trước bằng tác phẩm văn học. "Chúng tôi" muốn đổi mới văn học, tác phẩm của chúng tôi đây, các anh đọc xem có được không? Trước những xông xáo xuống đường của Sáng Tạo, Nhất Linh lên suối Ða Mê tu tiên, Vũ Hoàng Chương khề khà Kinh Kha hề Kinh Kha và Ðinh Hùng miệt mài trên đường vào tình sử, Nguyên Sa hóm hỉnh ném vào sân trường trung và đại học, những hình ảnh bất ngờ:
  Hôm nay Nga buồn như con chó ốm
  Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
  Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
  Ðể anh giận sao chả là nước biển.
  (Nga)
Và học trò yêu ngay, chấp nhận ngay. Họ dấu thơ Nguyên Sa trong áo, họ tán nhau bằng thơ Nguyên Sa. Nhưng học sinh, sinh viên không phải là một giai cấp. Ðời sinh viên chỉ có một thời. Ðời sinh viên sẽ chấm dứt như tuổi trẻ. Vậy mà thơ Nguyên Sa ở lại. Tại sao? Bởi vì nó đã tạo được một mốc thời đại. 
Nguyên Sa không đổi mới vần điệu. Cũng không làm thơ tự do. Ông vẫn dùng vần điệu của thơ tiền chiến. Thơ ông cũng không sâu sắc gì, ông nói trực tiếp, không ngụ ý hàm ngôn. Ông trải ẩn dụ ra để chúng trở về với thực tế so sánh, đơn giản và dễ hiểu như nói với học trò. Tóm lại, ông đi thẳng vào câu chuyện yêu đương, ở chỗ con trai còn rụt rè chưa dám tán, ông nói phắt hộ:
  Không có anh lấy ai đưa em đi học về
  Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học
  Ai lau mắt cho em ngồi khóc
  Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa.
(Cần thiết)
Cái tình ở đây là tình học trò, bồ bịch, Tây gọi là copain, copine, hơn là tình yêu da diết, say đắm, "trưởng thành" trong thơ Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử... Thơ Nguyên Sa dò dẫm, vụng về như tuổi trẻ vào đời:
  Chân díu bước mà mắt nhìn vương vướng
  Nàng đến gần tôi chỉ dám quay đi
  Cả những giờ bên lớp học trường thi
  Tà áo khuất thì thầm chưa phải lúc.
(Tuổi mười ba)
Nhưng thơ Nguyên Sa cần thiết và trực tiếp cho thời mới lớn. Cần thiết và trực tiếp cho giai đoạn đổi mới.
Cần thiết vì ở một thời điểm mới, nếu muốn hạ bệ quá khứ tiền chiến của các bậc đàn anh, không lẽ lại vẫn nhai đi nhai lại một hình ảnh người em sầu mộng của Lưu Trọng Lư đã cũ mèm. Mà phải tạo ra một nàng thơ mới, mốt hơn, điệu hơn. Nàng thơ này không thể tìm thấy trong "Liên, đêm mặt trời tìm thấy" của Thanh Tâm Tuyền với những ý thức chạy ngược trong tiềm thức hoang loạn, học trò không hiểu gì cả.
Cũng không thể là "người em" tóc vàng xứ tuyết 
lên xe tiễn em đi chưa bao giờ buồn thế của Cung Trầm Tưởng. Người em không thể đầm đặc như thế.
Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến không tạo được các người em Biên Hòa, Bình Ðịnh, vì họ không sành thơ.
Nguyên Sa đã tạo được một mẫu người em lý tưởng: người em Bắc Kỳ tóc ngắn, mặc áo lụa Hà Ðông và người em này đã tức khắc thay thế người em ngồi bên cửa sổ của Lưu Trọng Lư trong tư thế văn học và trong lòng người.
Em bây giờ -tức là em những năm 60- phải là em Bắc kỳ di cư. Sau này Nguyễn Tất Nhiên có cóp lại mẫu người em của Nguyên Sa, nhưng hơi muộn. Thời Nguyễn Tất Nhiên, các "em Bắc kỳ di cư" tóc đã điểm sương rồi. Văn học hải ngoại chưa có "người em". Chả biết "người em Linda mặt ngang" của Ðỗ Kh. rồi có trở thành "người em hải ngoại" chăng?
Sự thành công của mẫu hình người em tóc ngắn, áo lụa Hà Ðông, buồn như con chó đói, như con mèo ngái ngủ của Nguyên Sa không phải là chuyện đùa, nó phản ánh tính cách áp đảo của văn học di cư ở miền Nam, những năm chia đôi đất nước.
     Người Bắc di cư, mang theo mỗi người một hình ảnh Hà Nội trong lòng, vào hội họa, thi ca, tiểu thuyết... Những tên tuổi như Nguyễn Gia Trí, Tạ Tỵ, Thái Tuấn, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Nhật Tiến, Mặc Ðỗ, Mặc Thu, Vũ Khắc Khoan, Vũ Hoàng Chương, Ðinh Hùng, Cung Trầm Tưởng... thời 54-60 vẫn còn chưa rũ được hơi hướng Hà Nội của họ. Duy nhất, có Phạm Duy, và cùng lắm Phạm Ðình Chương, vượt trên tính địa phương, làng xóm để tìm đến với tất cả mọi miền, ngay trong những ngày đầu của thời kỳ chia đôi đất nước bằng Tình Ca, Tình Hoài Hương, Con Ðường Cái Quan, Mẹ Việt Nam, Hội Trùng Dương...
Cho nên, sự thành công của Nguyên Sa là đã vẽ được một người em mới, điển hình cho một thế hệ tình yêu mới, một giai đoạn văn hóa tư tưởng mới.
Sau này khi sang Mỹ, Nguyên Sa cho xuất bản tập Thơ Nguyên Sa II, mượt mà hơn, đầy nhục cảm và đớn đau hơn:
Anh nắm tay cho chặt tiếng đàn
Tiếng mềm hơi thở, tiếng thơm ngon
Khi nghe tiếng lạnh vào da thịt
Nhớ tiếng thơ về có tiếng em.
(Em gầy như liễu trong thơ cổ)
Nhưng thơ ông không còn được mọi người chú ý đến nữa. Thơ ông đã trở thành cổ điển. Ngày trước ông mở đường, bây giờ ông đoạn hậu. Ðoạn hậu cho một giai đoạn khó khăn, giai đoạn mà những người cũ đã lần lượt ra đi và lớp người mới chưa thật sự thành hình. 
Thụy Khuê
Theo http://chimviet.free.fr/
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...