Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Hiện tượng Bùi Giáng

 Hiện tượng Bùi Giáng
Sinh thời, Bùi Giáng bảo: "Hãy để cho tôi yên, tôi dại. Ðừng ai nói đến tôi. Và nhất là đừng có ai bàn đến thơ tôi." (1) Có lẽ vì tôn trọng nhà thơ, cho nên ít ai bàn đến thơ ông (2). Ca tụng Bùi Giáng thì nhiều, nhưng phê bình Bùi Giáng thì ít.
Như thơ, Bùi Giáng sống tiêu dao suốt cõi mù sa bên rừng, cả đời lục bát. Tại sao lục bát? Lục bát bởi vì, đối với Bùi Giáng: "Lục bát Việt Nam là cõi thi ca hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu bốn biển, ba bẩy sông hồ." (3) Ðó là lộng ngôn Bùi Giáng.
Về bản thân mình, Bùi Giáng tự họa: "Nhe răng cười trong bóng tối... Không bao giờ bắt chuồn chuồn mà cứ bảo rằng mình luôn luôn bắt chuồn chuồn... Không thiết chi đọc sách mà vẫn cặm cụi đọc sách hoài... Chán chường thi ca mà cứ làm thơ hoài... Chuốc sầu vạn đại thì bảo rằng mua vui cũng được một vài trống canh." (4) Ðó là mâu thuẫn Bùi Giáng.
Hỏi về tiểu sử, Bùi Giáng trả lời:
Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu 
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa. 
Gọi tên là một hai ba, 

Ðếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm. 
Ðó là vô căn Bùi Giáng.
Trên báo Văn, số 26 tháng 8 năm 1984, Mai Thảo kể lại rằng khi hỏi về cái lực viết phi phàm của Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền lắc đầu cười: "Chịu, không giải thích được. [...] Nói đến mấy ngàn bài thơ Bùi Giáng là đúng. Mà nói thơ Bùi Giáng chỉ có một bài, vô tận, vô cùng là đúng hơn. Ngủ ra thơ. Thở ra thơ. Ði ra thơ. Ðứng ra thơ. Chứ không phải nghĩ thơ, làm thơ."
Vẫn theo lời Mai Thảo, ông Thanh Tuệ, giám đốc nhà xuất bản An Tiêm, thuật lại: "Ảnh lang thang suốt ngày, chẳng thấy lúc nào ngồi viết hết. La cà hết nơi này đến nơi khác, uống rượu say ngất rồi về lầu lăn ra sàn ngủ, nhiều ngày bỏ cả bữa ăn. Ðêm cũng không thức, chỗ nằm tối thẳm. Tôi in không kịp, nói ảnh tạm ngừng thì ảnh ngừng. Nói có máy, có giấy, nói buổi sáng, buổi chiều ảnh đã tới ném bịch xuống cả năm bảy trăm trang. Cứ thế đem sắp chữ thôi, đâu có thì giờ đọc."
Mai Thảo kể tiếp, khi làm số Văn, đặc biệt về Bùi Giáng: "Tôi hỏi xin ông những bài thơ mới nhất. Ông gật. Tưởng lấy ở túi vải ra. Hoặc nói về lấy, hoặc nói hôm sau. Tất cả đều không đúng. Ông hỏi mượn một cây bút, xin một xấp giấy, một chai bia lớn nữa, đoạn ngồi xuống và trước sự kinh ngạc cực điểm của chúng tôi, bắt đầu tại chỗ làm thơ [...] Lần đầu tiên tôi thấy Bùi Giáng viết, thoăn thoắt, vùn vụt, nhanh không thể tả. Như thơ không thể từ đầu, từ tim chảy xuống, xa quá, lâu quá, mà ngay từ ngọn bút, từ đầu ngón thôi [...] Lần đó, tôi đã thấy, đã hiểu tại sao Bùi Giáng, cứ cánh bướm rong chơi, cứ phiêu bồng lãng du mà vẫn có ngay nghìn câu một buổi."
Về những cơn điên Bùi Giáng, Phạm Xuân Ðài kể trong lời tựa tập Thơ Bùi Giáng (5): "Chỉ có thơ và những cơn điên [...] Bây giờ (năm 1992) anh ít làm thơ lắm, còn các cơn điên thì vẫn viếng thăm anh gần như định kỳ. Những lúc ấy anh đi nhiều nơi, nhưng thường xuất hiện ở vùng chợ Trương Minh Giảng (chỗ Ðại Học Vạn Hạnh, là nơi ngày xưa anh thường trú ngụ) đứng giữa đường vung tay, điều khiển xe cộ, cử chỉ rất linh động, đặc biệt đôi mắt sáng quắc bừng bừng [...] Có khi anh múa may trong một lớp áo lòe loẹt, động tác mạnh mẽ chính xác gần như múa võ, miệng hò hét như đang nạt nộ với một đối tượng vô hình."
Ðó là hiện tượng Bùi Giáng, qua lời kể của những người thân trong giới văn học.
Bùi Giáng là ai? Bùi Văn Vịnh, em của Bùi Giáng, cho biết (6): Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại làng Thanh Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. 
Thuở nhỏ, học trường Bảo An tại Ðiện Bàn, Quảng Nam, trung học ở trường Thuận Hóa, Huế. Năm 1950, đậu Tú Tài II văn chương ở Liên Khu V. Sau đó ra Liên Khu IV học tiếp đại học. Nhưng sau khi nghe qua bài diễn văn khai giảng của ông viện trưởng, Bùi Giáng quay về Quảng Nam và bắt đầu quãng đời được gọi là "Mười lăm năm chăn dê ở núi đồi Trung Việt". 
Tháng  năm 1952, Bùi Giáng về Huế thi Tú Tài tương đương và vào Sài gòn ghi danh Ðại Học Văn Khoa. Lần này, sau khi nhìn danh sách giáo sư giảng dạy ở Văn Khoa, Bùi Giáng quyết định chấm dứt việc học ở trường và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục.
 Từ 1957 đến 1997, Bùi Giáng có khoảng 55 tác phẩm đã in về thơ, dịch và triết. Như lời Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Thanh Tuệ, thơ có đến nghìn bài. Và nội trong một ngày, có thể ném bịch một vài trăm trang sách. Ðúng là một kỷ lục có một không hai.
Chúng ta thử tìm hiểu bản chất của kỷ lục ấy qua một vài trang sách của Bùi Giáng trong Con Ðường Ngả Ba Bước Ði Của Tư Tưởng, do An Tiêm xuất bản lần thứ nhất tại Sài gòn năm 1972, và tái bản tại hải ngoại.
Có thể nói trong cuốn sách này, cái gọi là điên của Bùi Giáng phát hiện rõ rệt dưới hình thức loạn ngôn, ngộ chữ cao độ. Về Heidegger, Bùi Giáng viết: "Tất cả con đường tư tưởng của Heidegger là mọi lối nhiếp dẫn bước đi về những vùng u kín trong cổ lục uyên nguyên." (trang 13)
Về Nietzsche, ông viết: "Nietzsche không phải là đại hải đại dương. Nietzsche đã đón vào lòng mình một dòng sông dơ bẩn. Và từ đó? Từ đó, Nietzsche biến thành một loại người mạt hậu theo mọi nghĩa thái thậm ly kỳ. Con người mạt hậu và hư vô chủ nghĩa, con người mạt hậu và sa mạc tinh hoa, con người mạt hậu và Mạt Hậu "Tử Sinh Môn" Hoạt Tinh Thể, con người mạt hậu và Siêu Hình Học Lãnh Ðịa, con người mạt hậu và Ðịnh Mệnh Phối Tiết Sử Lịch Tồn Lưu, Ðịnh Mệnh Phối Tiết Sử Lịch Tồn Lưu và Siêu Hình Học theo nghĩa Sử Lịch chân lý của Hiện Thể như là Hiện Thể, Sử Lịch chân lý của Hiện Thể và Ðịnh Mệnh Tồn Lưu thoái tàng ư mật, Tồn Lưu thoái tàng ư mật và Hằng Thể bước vào vòng di vong trầm một, từ di vong trầm một, còn chút hậu tình ân ốc nào sẽ "trột mầm" cho một trận Dịch Chuyển thông hành của Ðịnh Mệnh hay không? hay là Siêu Hình Học vẫn mãi mãi kiên trì tồn lập trong cuộc đú đỡn "trệ lưu ư ngoại" bất khả tư nghì khuyết phạp từ Hoạt Tinh Thể của Hư Vô? ..." (trang 17)
Và cứ như thế, Bùi Giáng sản xuất 499 trang Con Ðường Ngả Ba, Bước Ði Của Tư Tưởng. 

Ðiểm thích thú nhất của người đọc trong cuốn sách này là những trích đoạn thơ Bùi Giáng, phần lớn là những câu thơ hay, tỏa ra những suy tư sâu lắng về bản chất con người. 
Nhưng trong 499 trang chữ ấy, người đọc tìm thấy rất ít dòng đứng đắn và tỉnh táo bàn về những vấn đề triết học như hiện sinh và bản thể, tồn tại và thời gian, mặc dù ông rất ngưỡng mộ Heidegger, người thầy hiện sinh được ông trích, dịch một cách kỳ cục. Ví dụ như câu này, dịch ra từ tiếng Pháp, tiếng Ðức: "Nhưng mà lời thuyết thoại trì ngự, trong (khởi từ) Ðịnh Mệnh Phối Tiết mở phơi, sẽ ra sao nếu như cái Sở Khải Khai trong Song Trùng Tịch Hạp bị Ðịnh Mệnh Phối Tiết (ruồng rẫy) bỏ phó mặc cho cuộc thể hội vất vơ nhân tuần (dung thường nhật lệ) của con người từ diệt chúng tử chúng sinh?" 

(Con Ðường Ngả Ba Bước Ði Của Tư Tưởng, trang 12-13)

Dù đặc sệt những tên tuổi triết gia, nặng ký trích dẫn thiên kinh, vạn điển, dù có một số ý trội lên về vấn đề đọc sách, đọc Nguyễn Du, đọc Bùi Giáng, về sự gặp gỡ giữa những nhà tư tưởng lớn, đả kích một số nhà xuất bản không tôn trọng văn bản của tác giả, Con Ðường Ngả Ba vẫn không phải là cuốn sách bàn về triết học, hoặc đưa ra một hệ thống tư tưởng mạch lạc; mà có thể nói đây  chỉ là cuốn phiếm luận bí hiểm, ngôn ngữ thần chú, nhại triết học, nhạo người đọc. Cho nên khi Tạ Tỵ viết: "Bùi Giáng đối thoại với Nietzsche, Sophocle, Parménide, Khổng Tử, Lão Tử, Sartre, Camus..."  thì e rằng Tạ Tỵ quá lời. Sự tìm kiếm siêu hình nơi Bùi Giáng, như chỉ dừng ở phần vỏ của ngôn từ: tồn sinh, tồn lưu, hằng thể, hư vô, logos, ... mà không đi vào nội tâm của suy tưởng. Hoặc có lẽ Bùi Giáng chỉ muốn rỡn chơi. Nếu ông có nhắc tới Như Lai, Bồ Tát, Heidegger, Parménide, Platon, Socrate cũng chỉ như ông nói đến Nam Phương Hoàng Hậu, Dương Quý Phi, Marilyn Monroe, đười ươi, chuồn chuồn, châu chấu v.v... vậy thôi, trong một trạng thái "tẩu hỏa nhập ma", một tinh thần anarchiste toàn diện. Một "người phá", để nói theo ngôn ngữ Trần Dần. "Người phá" trong cái nghĩa tiêu cực của nó, chứ không phải trong cái nghĩa sáng tạo, ít nhất là ở cuốn sách Con Ðường Ngả Ba. 

Phải chăng Bùi Giáng chỉ muốn "hù dọa" người đọc không chuyên môn? Hay ông muốn nhại, diễu, những hệ thống suy tưởng mà một số trí thức quen dùng như mẫu mực hoạt động tinh thần? Biến chúng thành một thứ charabia, ngôn ngữ vấn đáp chuồn chuồn, châu chấu, nói trẹ, nói xàm, nói bá láp và ông có khả năng sản xuất mỗi ngày vài trăm trang như thế?
Thái độ anarchiste toàn diện này mở rộng trong đời sống, trở thành một bản năng phản kháng quẫy đời: Cởi quần áo giữa lớp học, tắm nơi công cộng, ngủ vỉa hè, trở thành clochard (hành khất say rượu), mặc áo rằn ri lính ngụy,  để chỉ đường..., tất cả những "cơn điên" ấy của Bùi Giáng chứng minh sự sáng suốt của một Bùi Giáng không điên.
Không điên vì ông chỉ đẩy đến cùng trạng thái hiện sinh, chứng nghiệm ý thức trần trụi về bản thể. Cởi dần năm bẩy lớp quần áo chẳng qua chỉ là hình ảnh "rút gọn hiện tượng", bóc vỏ các tầng lớp bề ngoài của "hiện tượng" để tìm ra bản chất trong hiện tượng luận Husserl. 
Trở thành clochard là một cách thể nghiệm tự do và tự hủy.

Trong những đệ tử của hiện sinh thời ấy, Bùi Giáng là người đi xa nhất trong hành động tự hủy và hành xác. Tự hủy để chứng minh: Cá nhân con người đã chán ngấy cuộc sống, nó có một quyết định tự do lựa chọn, và sự hủy hoại bản thân là sự lựa chọn tiến gần nhất đến tự do tuyệt đối. 
Sau 75, người ta càng yêu Bùi Giáng hơn, vì trong một xã hội được bị lồng vào khuôn phép, một xã hội đã ổn định cơ chế, công chúng yêu mến những gì bất thường, yêu những kẻ ngoại đạo, bất ổn.

Bùi Giáng là người ngoại đạo duy nhất dám làm lũng đoạn môi trường ổn định bằng thái độ tự hủy. Cái điên của Bùi Giáng là cái điên sáng suốt trong một tình thế không có cứu cánh nào khác nếu không tìm về bản thể của con người. 
Thụy Khuê
Theo http://chimviet.free.fr/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...