Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Văn xuôi Trịnh Công Sơn

Văn xuôi Trịnh Công Sơn
Chợt tôi thấy thiên thu 
là một đường không bến bờ 
Những con đường trăng tròn là những con đường trăng khuyết. Vẫn là những con đường cũ em đi qua và tôi đi qua. Thế rồi, có lúc tôi đi qua những con đường mù mịt không trăng. Những tro tàn quá khứ bỗng dậy lên một cơn lốc cuốn tôi về với những con đường ma quái ảo ảo chập chờn.
Cái chập chờn của một thân thể phiền não không biết mai này mốt nọ ra sao, cứ thắc thỏm muốn gửi gắm vào cuộc đời một linh hồn phiêu lạc. Tôi phiêu lạc bao nhiêu năm rồi trên một dòng đời không bờ bến. Có khi tưởng bờ là bến. Có khi tưởng bến là bờ. Cái tạm và cái thường hằng lắm khi là một. Thế mà cứ lại là khác nhau. Cái bờ mỏng manh khoảnh khắc ra đi. Cái bến nhiều khi bền bền ở lại. Bờ mở ra những bến. Có dâu bể cho bờ. Nên định mệnh bờ thường trói buộc thân phận bến.
Tôi là bờ em ra đi. Em là bến tôi ghé lại.
Con đò ghé qua bờ này bờ nọ nhưng sẽ đậu lại ở một bên kia.
Mùa xuân là bờ hay là bến? Than ôi, mùa xuân chỉ là bờ. Ai ai trong đời này cũng có lần ghé qua cái bến tạm mùa xuân. Cái bờ bến mùa xuân nhập nhằng những dặm trường lận đận. Thoắt nhiên bến xuân chỉ còn lại là bờ. Cái bến đi qua, rồi cái bờ ở lại. Cái bến hiu hắt của một thuở tưởng rằng thời hoàng kim bến sẽ mãi mãi không bao giờ là bờ. Thế rồi tuổi đời người người - đến đến - đi đi cứ mộng vớ, hoang tưởng hão huyền một thứ bờ bờ - bến bến, không biết nơi nao để neo lại một thân thể phiêu bồng.
Có thể bến cho em và bờ cho tôi. Tôi cứ mãi đi và em ở lại. Cái thân phận thuyền quyên ấy đừng làm đau xót đời. Cuối cùng, trong cõi mông lùng mờ mờ ảo ảo, em vẫn chính là cái bến hư ảo một cách vẹn toàn mà tôi có lúc mỏi mệt sẽ tìm về nương tựa.
“Ru đời đi nhé cho ta nương nhờ lúc thở than”...
Cái bờ ru lời hiu quạnh lau lách. Cái bến ru chập chờn một đốm lửa chiều...
Trong một giấc ngủ bồng bềnh không giờ giấc của mùa xuân, tôi thảng thốt thấy bờ bến bỗng rã tan thành những cánh bèo mông lung vô định. Em không bến và tôi không bờ. Em trôi đi và tôi cũng trôi đi. Em và tôi cùng là bến. Em và tôi cùng là bờ. Chúng ta tan biến vào nhau thành một khối bến - bờ không còn chia lìa nữa. Trong em không còn trí nhớ về bến. Trong tôi cũng mất hết những ký ức về bờ.
Bến ở đâu? Và bờ ở đâu?
Báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 6/2/1994
BÀI HÁT ĐẦU TIÊN
BÀI HÁT CUỐI CÙNG
Ngạn ngừ Pháp có nói rằng cái gì bắt đầu tốt thì sẽ kết thúc tốt. Tôi không hiểu trong những địa hạt như kinh tế, xã hội, khoa học như thế nào nhưng trên lĩnh vực văn nghệ đôi khi hoặc nhiều khi nó không hoàn toàn như thế. . . Có không ít những trường hợp người nghệ sĩ đã khởi đầu rất hay và kết thúc rất tệ.
Tôi bước chân vào đất đai của nghệ thuật tương đối sớm. Từ tuổi mười ba mười bốn tuổi đã làm những lưỡi sóng liếm láp mạn thuyền văn nghệ. Trong huyết quản tôi có thể thời ấy đã luân lưu những lượng máu bất bình thường.
Sau một vài biến cố lớn của gia đình, tôi bắt đầu một cuộc sống riêng tư không phẳng lặng.
Và từ đó tôi rơi vào một cơn mộng mị triền miên.
Có một câu hỏi, với tôi, đã trở thành nỗi ám ảnh: Bài hát đầu tiên của anh là bài gì?
Câu hỏi buộc tôi phải trở về những năm tháng xa xôi.
Nhưng khi về đến nơi ấy, trong thời điểm ấy, thì vô tình tôi lạc mình về một quá khứ khác xa xăm hơn nữa. Và rồi tự hỏi: Cái đầu tiên ở nơi nào mà có và điều gì đã sinh thành ra cái đầu tiên kia?
Bài hát Ướt mi được Nhà xuất bản An Phú ấn hành tại Sài Gòn năm 1959, Thanh Thúy hát quanh những phòng trà và nổi tiếng. Thời ấy hình như Nguyễn ánh 9 đã có lúc đệm đàn piano cho Thanh Thúy hát. Thanh Thúy trở thành giọng hát liêu trai. Anh Nguyễn Văn Trung, giáo sư triết thời ấy ở Văn khoa cũng đã từng có bài viết về một tiếng hát liêu trai Thanh Thúy.
Thế thì, cố nhớ lại và tôi đã nhớ một lần nào đó, trong phòng trà, năm 1958, tôi thấy Thanh Thúy hát Giọt mưa thu và khóc. Bà mẹ Thanh Thúy dạo ấy lao phổi hằng đêm nằm hát Giọt mưa thu chờ Thúy về. Nhưng những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng manh của tôi đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ...
Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và sự sống thành hình. Tôi e cũng đã từng nuốt những giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt kia.
Rất nhiều bài hát đã được viết trước bài Ướt mi nhưng riêng bài Ướt mi thì tồn tại như một số phận của nó và của tôi. Hình như người Nhật rất thích nó vì dàn nhạc giao hưởng Nhật đã thu bài hát này. Riêng tôi không thích lắm.
Dù sao thì trong những năm 1959 - 1960 trong thành phố này nhiều người đã thích và hát.
Người ta có nhiều lý do để thích một bài hát đầu tiên của một tác giả để rồi không quên thắc mắc: Thế thì bài hát cuối cùng của anh là gì? Sẽ như thế nào? v.v...
Sự kết thúc của mọi câu chuyện đời đều không giống nhau. Tôi vẫn thường muốn trầm mình trong cái lẽ vô thủy vô chung nhưng người đời cứ thích níu kéo tôi về trong cái lề thói hữu hạn.
Trên đường băng chạy có cái đích để mình đến. Trong nghệ thuật thì khác. Cái cuối cùng cũng có thể là cái vô hạn và biết đâu, nó đã từng có trước thời hạn mà mình không ngờ.
Sự bất tử không có trước có sau mà thường nó nằm ở điểm mà mọi cơ duyên cùng hội tụ.
Tôi không hề có ý định viết bài hát cuối cùng bởi vì tôi nghĩ rằng thời điểm cuối cùng là điều mà mình không thể nào bắt gặp được. Nếu vì một lý do nào đó tôi buộc mình phải lên đường để viết những ý nghĩ cuối cùng của mình trong một ca khúc thì tôi tin rằng vào lúc đó tôi sẽ cố gắng cởi trói mình thoát khỏi mọi hệ lụy của đời để sống chứ không cần phải nói thêm một điều gì nữa.
Bài hát cuối cùng có lẽ sẽ chỉ mãi mãi là một giấc mơ. Một giấc mơ buồn thảm mà chúng ta cần phải quên đi để mọi thứ biên giới trong cuộc đời trở thành vô nghĩa và nó sẽ không còn tồn tại như một lời thách thức kiêu hãnh nữa.
Bài hát đầu tiên và bài hát cuối cùng, ngẫm ra cũng chỉ là những bọt bèo vô hình vô tướng. Chúng ta vui chơi với nó và chúng ta quên đi. Có kẻ gieo cầu có người nhặt được. Kẻ nhặt được không chắc là vui mãi. Kẻ không được cũng chẳng nên lấy đó làm điều.
Hơn ba mươi năm trước có một bài hát đầu tiên, như một trái cầu gieo, có chắc gì hạnh phúc? Không chắc gì hạnh phúc thì sao lại cần phải có bài hát cuối cùng?
Báo Lao Động, Xuân Tân Mùi, 1991
VẾT THƯƠNG TỈNH THỨC
Những ngày tháng này tình bạn và tình yêu mang đến một mềm vui sống lạ kỳ. "Hãy yêu như đang sống và hãy sống như đang yêu. Yêu để sự sống tồn tại và sống cho tình yêu có mặt".
Có những cánh cửa mở vào hư vô và cũng có những cánh cửa mở ra những cảnh đời nhộn nhịp. Ta không khước từ hư vô và cũng không xa lìa cảnh nhộn nhịp của đời. Ta đã may mắn đi qua những tuyến đường đưa đến hạnh ngộ. Hạnh ngộ trong tình bạn. Hạnh ngộ trong tình yêu.
Nếu đã có một ngày sinh nhật dĩ nhiên sẽ có rất nhiều ngày sinh nhật nữa. Mà hình như trong cảnh ngộ cuộc đời riêng - chung của chúng ta ngày nào mà không là ngày sinh nhật, bởi vì cái màu sắc của lễ lạc đã tự bao giờ khoác lên trên mỗi ngày chúng ta đang sống.
Xin cảm ơn cuộc đời và cảm ơn tất cả mỗi chúng ta đang có mặt mỗi ngày bên nhau. Ly rượu nồng nàn của đời biết bao giờ uống hết được.
Tình yêu thường mang đến khổ đau nhưng đồng thời tình yêu cũng mang đến hạnh phúc. Có một lá cờ bay trên hạnh phúc và có một đoá hoa quỳnh héo úa ngủ trong khổ đau. Cố gắng tránh đừng than thở. Thử thở dài một mình và quên lãng. Ta không thể níu kéo một cái gì đã mất. Tình yêu khi muốn ra đi thì không có một tiếng kèn nào đủ mầu nhiệm để lôi về lại được. Tình yêu là tình yêu. Trong nó đã sẵn có mầm mống và sự hủy diệt.
Tình yêu tự đến và tự đi, không cần ai dìu dắt. Nó hoàn toàn tự do. Muốn giam cầm nó thì nó sẽ bay đi. Muốn thả nó bay đi có khi nó ở lại.
Vì có tình yêu nên có lễ hội. Người ta bắt đầu bằng những cuộc viếng thăm, lui tới, áo mũ xênh xang, bánh trái, lồng đèn, heo ngỗng. . . Những cuộc rước dâu pháo nổ đì đùng, trống kèn inh ỏi. Lễ hội mở ra trên đường, trong làng, trong xóm: Lễ hội mở ra cả trong lòng người.
Thường vào mùa Thu là mùa lễ hội kéo dài suốt cả một đời người. Có những lễ hội có một đời sống đôi khi quá ngắn ngủi.
Đến một lứa tuổi nào đó, chia vui và chia buồn đều có một nỗi mệt nhọc như nhau.
Có những người yêu đã ra đi bỗng một ngày nào đó trở lại. Vì sao? Không vì sao cả. Vì một chọn lựa tưởng rằng đã đúng cuối cùng sai. Và trở lại với một người mình đã phụ bạc để muốn hàn gắn lại một vết thương. Một vết thương nhiều khi đã lành lặn lâu rồi bất chợt vỡ òa như một sự tỉnh thức. Tỉnh thức trên vết thương. Trên một nỗi đau tưởng rằng đã thuộc về quá khứ. Nhưng không. Không có gì thuộc về quá khứ cả. Thời gian trôi đi và vết thương vẫn còn đó.
Nó nằm chờ được thức dậy một lúc nào đó để sống lại như chính bản thân nó là một vết thương.
Nhưng vết thương khi đã được đánh thức thì nó không còn là vết thương cũ vì giờ đây nó là một vết thương tỉnh thức. Một vết thương tỉnh thức là một vết thương biết rõ nó là một vết thương. Nó thức dậy và nó nhận ra rằng nó đã được khai sinh trên tâm hồn một con người và đã có một thời gian dài làm đau đớn con người đó. Vết thương tỉnh thức là một con mắt sáng ngời. Nó nhìn ngược về quá khứ và ngó thẳng tương lai. Nó mách bảo cho chủ nhân của nó là không có một vết thương nào vô tư mà được sinh thành cả. Nó là một nỗi đớn đau như khi trời đất trở dạ làm thành một cơn giông bão.
May thay trong cuộc đời này vừa có tình yêu vừa có tình bạn. Tình bạn thường có một khuôn mặt thật hơn tình yêu. Sự bội bạc trong tình bạn cũng có nhưng không nhiều.
Tôi thấy tình bạn quý hơn tình yêu vì tình bạn có khả năng làm hồi sinh một cơn hôn mê và làm phục sinh một cuộc đời tưởng rằng không còn tái tạo được nữa.
Cuối cùng không có gì khác hơn là sống và chết. Sống làm thế nào cho tròn đầy sự có mặt và chết cho ngập tràn cõi hư không. Phải đi đến tận cùng hai cõi sống chết để làm tan biến tất cả những giấc mộng đời không thực.
Báo Phụ Nữ TP. HCM Xuân Kỷ Mão, 1999
NHẬT KÝ HUẾ
Đã lâu lắm tôi không ra khỏi nhà để thực hiện những chuyến đi xa. Thế rồi nó trở thành một thói quen. Một thói quen không hiểu là tốt hay xấu. Nhưng dù sao đó cũng là thói quen của một người không có sức khỏe tốt hoặc đã đạt đến một thứ tuổi lười. Đã từng có những cuộc mời mọc trong vài năm nay để ra nước ngoài nhưng tôi đều từ chối. Và khi kiếm được một cớ nào đó để từ chối mà không phụ lòng người mời, tôi bỗng thấy lòng thảnh thơi, nhẹ nhõm.
Tháng 4 năm nay ở Huế có tổ chức Festival 2000. Tôi không được mời, nhưng điều đó không có gì quan trọng. Bởi vì rất nhiều người khác cần được mời hơn tôi cũng không được mời. Đã hiểu lý do làm sao mà có một sự thiếu sót như thế thì cần phải viện đến những cơ sự rất phức tạp, thậm chí lạ lùng khó hiểu. Thành phố Huế là thành phố của những đứa con thân yêu của Huế, chứ không phải chỉ để dành riêng cho một số người. Càng không phải chỉ để dành cho một thế lực nào đó. Quê hương là quê hương chung chứ không phải quê hương của riêng ai. Vì thế cho nên muốn làm đẹp cho quê hương cũng phải được chia đều.
Thế mà cuối cùng tôi cũng đến Huế trong những ngày nằm giữa bề dài của cuộc Festival. Tôi đã sẵn sàng tham dự một vài buổi trình diễn không lấy gì làm hứng thú. Những bữa ăn không mùi vị, thậm chí là nhạt nhẽo. Nhưng tôi không mất nụ cười và sự vui tươi hồn nhiên, vì tôi là thằng con của Huế. Tôi an ủi đám bạn bè cùng đi là hãy vui đi, vì đây là xứ sở của tôi.
Khi bạn có một xứ sở để trở về hoặc là để thỉnh thoảng trở về, thì bạn có hạnh phúc nhiều lắm. Ở đó bạn có một dòng sông, một ngọn núi, và bạn tìm lại được những đứa bạn một thời tóc xanh nay đã lốm đốm bạc đầu. Bạn sẽ gặp một cô gái Huế bất chợt trên đường và hỏi rằng: Huế bây giờ có gì lạ không em? thì lập tức, hoặc tình cờ cô gái ấy sẽ đọc lại hai câu thơ của Bùi Giáng:
Dạ thưa phố Huế bây giờ
Ngự Bình vẫn đứng bên bờ sông Hương
Huế trăm năm trước và trăm năm sau không có gì thay đổi. Nó hình như muốn giữ trọn một lời thề sắt son, không bao giờ thay lòng đổi dạ. Đó là nét đáng yêu của một thành phố, nhất là một thành phố rất cổ kính. Tuy nhiên thời đại này người ta không cho phép một thành phố với những con người cứ mải mê ngủ hoài trên những vàng son của quá khứ hoặc ôm mãi những giấc mộng huyễn hoặc trên những tàng kính các.
Huế lần này đã kéo tôi ra khỏi cái góc nhà nhỏ hẹp của tôi. Nếu không có Huế trong dịp Festival này, chưa chắc tôi đã rời được nơi ẩn trú của mình. Tuy vậy, xét cho cùng, không phải vì Festival lôi cuốn sự tò mò của tôi, mà chỉ đơn giản chính là Huế. Tôi về chính Huế chứ không phải vì Festival Huế 2000. Nếu nói một cách chính danh, thì đây không phải là một Festival trong đúng nghĩa của nó. Tổ chức luộm thuộm, không có một không khí hội hè đúng như yêu cầu, và thực sự nhìn chung, người dân của Huế không tích cực lắm trong việc chia sẻ một niềm vui chung.
Dù sao tôi cũng cảm ơn một cái cớ nhỏ để tôi đi giang hồ vặt trong vài ngày ở Đà Nẵng, Hội An và Huế. Ngày xưa, thời còn trẻ lắm, những chuyến đi chơi nhỏ mọn này không thể nào đủ để làm nguội bớt máu giang hồ trong tôi. Bây giờ thì những chuyến đi ngắn cùng đông đảo bạn bè cũng tạm an ủi cho những giấc mộng phiêu lưu không còn thực hiện được nữa .
Huế là người yêu của tôi, là giấc mộng của tôi. Nhưng bây giờ tôi còn Sài Gòn và Hà Nội. Tôi thấy đâu cũng là quê nhà. Ở đâu tôi cũng có giấc mộng và tình yêu. Và vì vậy, đôi lúc tôi không còn cảm thấy mình thuộc về một xứ sở nào nữa. Nhưng ngẫm cho cùng, thì Huế vẫn là quê nhà của tôi, và ngày nào Huế chưa phụ bạc tôi, thì tôi vẫn là đứa con không bị từ chối của Huế.
PHÁC THẢO CHÂN DUNG TÔI
Mỗi Sáng nhìn vào mặt gương soi lại thấy thêm rất nhiều những sợi tóc bạc...
Thuở ấy, tôi là một đứa bé thích ca hát. Mười tuổi biết solfège, chép lại những bài hát yêu thích đóng thành tập, chơi đàn mandolin và sáo trúc. Mười hai tuổi có cây đàn guitar đầu tiên trong đời và từ đó sử dụng guitar như một phương tiện quen thuộc để đệm cho chính mình hát.
Tôi không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề. Tôi nhớ mình đã viết những ca khúc đầu tiên từ những đòi hỏi tự nhiên của tình cảm thôi thúc bên trong... Đó là những năm 1956 - 1957, thời của những giấc mộng ngổn ngang, của những viễn tưởng phù phiếm non dại. Cái thời tuổi trẻ xanh mướt như trái quả đầu mùa ấy, tôi rất yêu âm nhạc nhưng tuyệt nhiên trong tôi không hề gợi lên cái ham muốn trở thành nhạc sĩ ...
Dạo ấy ba tôi đã mất, mẹ tôi ở xa, tôi một mình giữa Sài Gòn này phải tự quyết định mọi chuyện về đời mình. Cái gánh đời tuổi tác còn quá nhẹ. Có lúc tôi đã bỏ dở cái trò lãng mạn viết lách này với nỗi ám ảnh ngu ngốc “xướng ca vô loài”. Tôi trằn trọc đêm này qua đêm khác, ray rứt ngày này qua tháng nọ. Nhưng càng cố lãng quên thì tiếng hát trong tôi càng vang lên rõ rệt, tràn ngập cả lúc đứng ngồi, cả trong giấc ngủ.
Dần dà những năm về sau, mới bắt đầu hình thành trong tôi một quan niệm rõ rệt: Sống là sống với người khác và muốn có cảm thông chúng ta phải luôn luôn diễn đạt mình. Trong những cách diễn đạt bằng tiếng nói, bằng chữ viết và nhiều phương tiện khác, tôi thấy tâm hồn mình có khuynh hướng nghiêng về phía ca khúc. Trên mảnh đất nghệ thuật nhỏ nhắn này, tôi tìm thấy tự do và tôi nghĩ rằng ở đây tôi có thể bày tỏ được với người khác về những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống.
Nhìn lại quãng đường mình đã đi, tôi cảm thấy không có gì phải ân hận. Tôi vẫn là đứa trẻ thơ trong nghệ thuật, lòng còn tràn đầy cảm hứng. Tôi vẫn còn ham mê học hỏi quanh mình và còn đủ hào hứng mở ra những cuộc đối thoại, độc thoại với cây cỏ thiên nhiên, với con người qua ca khúc dưới ánh sáng hiền hòa nhân hậu của những ngày tôi đang sống.
Phải chờ đến lúc soi gương nhìn thấy tóc không còn mang mầu xanh cũ nữa, mới nhận ra được hết nỗi khát khao được yêu thương mãi mãi con người và cuộc sống. Yêu thương con người cũng là yêu thương tiếng hát bởi vì tiếng hát mang trong nó tâm hồn của con người. Tiếng hát sẽ mọc lên xanh tươi trên cuộc đời này như những cây tử đinh hương mọc tràn thơm tho trên những cánh đồng vô tận.
Với ca khúc, tôi là người tình của thiên nhiên, là người bạn của những em bé. Qua ca khúc, tôi đã đến gần và đã đi xa những chuyện tình, đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng đã gánh nhẹ giùm những phiền muộn.
Ca khúc là đời sống thứ hai sau cái thân thể mà cha mẹ đã sinh thành...
Trích từ Nhạc và đời - NXB Tổng hợp Hậu Giang.
Theo http://kilopad.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm nhận ngàn đêm – Tản văn Trần Thế Tuyển 12 Tháng Bảy, 2023 MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp ...