Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Thái Bá Vân nghĩ về mỹ thuật

Thái Bá Vân nghĩ về mỹ thuật (1)
Tiếp xúc với nghệ phẩm 
Thưởng thức! Thưởng thức! 
Nghệ phẩm nói lên 
Tranh chỉ có khi... 
Chờ đợi hồi sinh 
Tranh là họa sĩ 
Phải để nguyên chỗ 
Không phải nhìn là thấy 
Như nghe tiếng Tây 
Lối sống, cách nhìn 
Không nhằm được bình 
Tìm Đẹp, gặp cả Thật, Tốt!
Tên sách là Tiếp xúc với nghệ thuật. (1) Thực ra nội dung là tiếp xúc với mỹ thuật.
Nhưng vì mỹ thuật nằm trong nghệ thuật nên nhận thức về mỹ thuật ở mức khái quát nhất cũng chính là nhận thức về nghệ thuật.
Tranh, tượng, thơ, nhạc v.v. chẳng qua những loại biểu hiện khác nhau của Đẹp. Tiếp xúc với bất cứ loại nào cũng có thể giúp ta "ngộ Đẹp"!
Thái Bá Vân bàn về mỹ thuật và cả về cái nông nỗi của mỹ thuật Việt Nam. Rất biết Tây (2), ông không hề tự ti mặc cảm như nhiều người thực ra chưa biết Tây! Ông nhận xét và phàn nàn: "Cái bất hạnh lớn nhất của lịch sử đã được viết thành văn là ở chỗ nó đã được viết bởi những người thắng cuộc (...) chúng ta còn mờ nhạt và thiệt thòi nhiều trong sử sách".(3)
Ngoài việc góp một số nhận thức nghệ thuật sâu sắc, sách Tiếp xúc với nghệ thuật còn giúp tô đậm hơn lên những thành tựu của mỹ thuật Việt Nam, phần nào bù đắp cho "thiệt thòi".
Chúng tôi định sẽ làm một số trích tuyển. Sau đây là trích tuyển thứ nhất. (Mọi thứ tự đều ngẫu nhiên, không phải trước quan trọng hơn sau.)
Tiếp xúc với nghệ phẩm
Tiếp xúc với tác phẩm (...) không phải là để nối liền sự vật trên tác phẩm vào một cái tên gọi (...) mà là để nối liền một quan niệm thẩm mĩ vào một hình tượng nghệ thuật. (tr.12)
Họa sĩ vẽ, là vẽ ra cái quan niệm về đẹp của mình, chứ không nhằm tả bất cứ sự vật gì.
Xem tranh Phố Phái, không nên: - A! Phái vẽ Phố. Mà nên: - A! Phái quan niệm tranh đẹp là, chẳng hạn, như thế này đây.
"A!" đúng lối xong, bước kế tiếp là ngắm tranh rồi tự hỏi: có đẹp hay không?
Nếu "không", hãy quay mặt. Nếu "có", thì "Thưởng thức! Thưởng thức!".
Thưởng thức! Thưởng thức!
Phê bình nghệ thuật bắt đầu (và kết thúc) ở thưởng thức. (tr. 282)
Thế thì ở giữa là gì?
Thiết tưởng gì cũng được, ngoại trừ giải thích.(4)
"Tiếp xúc với nghệ thuật", tha hồ "thích", nhưng chớ có "giải"!
Nghệ phẩm nói lên
Tác phẩm nghệ thuật (...) không miêu tả mà nói lên. (tr. 15)
Tranh Phái rõ ràng có Phố...
Thì có, nhưng Phái vẽ Phố không phải để tả Phố mà để "nói lên" cái cảm xúc mỹ thuật của mình.
Vì mỹ cảm không có hình, nên họa sĩ phải mượn cái gì đó làm "hình" cho nó.
Cái hình mượn không cần phải cụ thể: tranh trừu tượng không vẽ cảnh, vật, hay người gì cả. Trong trường hợp đó, "hình" thuần túy là hình thù của mớ sơn mà cọ đã quét lên vải!
(Nếu tác phẩm không nói lên mỹ cảm thì dù miêu tả tỉ mỉ đến mức nào cũng không có liên hệ gì với nghệ thuật: chẳng hạn, họa kỹ nghệ.)
Tranh chỉ có khi...
Bức tranh chỉ có, khi có người xem. (tr. 10)
"Có", không phải chỉ một lối.
Có như sơn với vải với khung, thì tranh vẽ xong sẽ "có" cho tới khi khung tan vải nát sơn phai, dù không mắt nào xem.
Còn có như một nghệ phẩm, thì để "có" cần người xem, nhưng không phải bất cứ ai. Người xem phải thấy ở tác phẩm một thứ hồn, nó mới "có"; nếu người xem chỉ thấy sơn với vải với khung, dù được xem đi xem lại nghìn lần, nó vẫn "không"!
Chẳng riêng gì tranh, bất cứ loại nghệ phẩm nào cũng cần một ánh mắt không hờ hững để thực "có" trên đời...
Chờ đợi hồi sinh
Tôi có cảm tưởng rằng một bức tranh, khi không có người xem giống như chiếc bật lửa có đủ ga và đá nằm nguội lạnh trên bàn. Phải có một ngón tay bật vào bánh xe để ngọn lửa bùng lên, là giống như giây phút một cái nhìn chạm vào bức tranh, để hình tượng nghệ thuật trên đó được thức tỉnh, sống lại, và sống thêm một mặt đời mới. (tr. 10)
Thái Bá Vân nói về tranh, nhưng thơ khác gì.
Thơ ra đời rồi thì giữa những lần được đọc cũng nằm thiêm thiếp đợi hồi sinh.
Riêng gì tranh với thơ, nghệ phẩm nào cũng thế, cũng cần "một ngón tay bật vào bánh xe" thì mới sống lại được.
Sống lại, nhưng không phải là y như lần sống trước, mà tùy vào tâm hồn người thưởng thức lần này.
Nghệ phẩm sống vô lượng kiếp, mỗi kiếp mang một "mặt đời" khác nhau!
Tranh là họa sĩ
Đứng trước tranh (...) tôi chỉ thấy có họa sĩ. (tr. 9)
Tranh là người vẽ, thì cũng như văn là người viết.
Bao giờ ta cũng chỉ viết, vẽ, chạm, tạc ra chính tâm hồn mình!
Phải để nguyên chỗ
Không bao giờ chúng tôi thấy có thể kéo tuột một tác phẩm, một nghệ thuật ra khỏi những mắc míu xã hội, kinh tế, chính trị, tôn giáo... (tr. 288)
Lôi một cô thôn nữ thế kỷ 19 về thành phố thế kỷ 21, hay lôi một cô thư ký thế kỷ 21 về làng quê thế kỷ 19, còn ra làm sao!
Vẫn quần áo, tóc tai, điệu bộ, lời ăn tiếng nói, nề nếp ứng xử ấy, ở trong môi trường của chúng nom tự nhiên bao nhiêu, thì khi lìa xa môi trường sẽ ngớ ngẩn bấy nhiêu, đến nỗi không ai hiểu được!
Không phải nhìn là thấy
Không phải bất cứ con mắt nào đi qua tấm vải vẽ đóng khung kia cũng thấy (tranh). (tr. 11)
Dĩ nhiên nếu không mù, nhìn thì thấy.
Vấn đề là thấy gì? Tranh hay chỉ vải và sơn?
Nhìn bất cứ cái gì, cũng y như vậy. Trăng là một khối vật chất, hay là nhà Hằng Nga, hay là chỗ có cây đa thằng Cuội, hay là một cái "vú mộng của muôn đời thi sĩ"(5), hay là nguồn của những cảm xúc rất đỗi kỳ dị của vài thi sĩ khác?...
Bây giờ là thời của con mắt khoa học. Mắt ấy nhìn, thấy mồn một từng phân tử sơn, mà không thấy tranh đâu.
Như nghe tiếng Tây
Người ta không bao giờ thấy cái mình nhìn. Người ta chỉ thấy cái người ta hiểu. Khi ta nhìn, đó là con mắt công cụ. Khi ta thấy, đó mới là con mắt nhân sinh (...) Cũng giống khi ta nghe tiếng ngoại quốc. (tr. 16)
Nếu không biết tiếng nước ngoài, khi lắng nghe tiếng nước ngoài ta chỉ thấy một chuỗi âm thanh.
Nếu không biết tranh, khi nhìn tranh ta chỉ thấy một mớ hình dáng, màu sắc. Nếu không biết thơ, khi đọc thơ ta chỉ thấy chữ và chữ...
Lối sống, cách nhìn
Chỉ trên cơ sở biến đổi hẳn lối sống, thì một cách nhìn thế giới khác (...) mới nẩy sinh. Mô hình thẩm mỹ là sự kết đọng và biểu trưng, theo cách nghệ thuật, cái nhìn đó. (tr. 35)
Sống sao, nhìn vậy.
Mà người Việt Nam thì đang mỗi lúc mỗi sống thêm giống Tây.
Cho nên đang mỗi lúc mỗi nhìn mọi cái như Tây nhìn.
Độc lập, tự do, than ôi.
Không nhằm được bình
Thường tình ra, không ai sáng tác cho các nhà lý luận hay phê bình. (tr.39)
Làm nghệ thuật là làm một cái xác cho một cái hồn. Hồn là cảm nghĩ nào đó.
Hồn có thể là cảm xúc "tha thiết muốn được phê bình" lắm chứ. Có điều, không biết tại sao, trong trường hợp đó hình như làm nghệ thuật không bao giờ thành công.
Chẳng riêng sáng tạo nghệ thuật, bất cứ việc gì cũng thế. Muốn thành công thực sự, ta phải làm vì một cớ khác hơn là cái ý muốn được nghe vỗ tay!
Tìm Đẹp, gặp cả Thật, Tốt!
Giá trị đạo đức và tư tưởng của nghệ thuật chính là ở chỗ nó tận tụy đi tìm cái đẹp, và khi đã đến đẹp, thì thiện, chân đã nằm đầy đủ và hồn nhiên trong đó. (tr. 6)
Họa sĩ vẽ như thiện nhân làm việc thiện, như thiền giả thiền...
Tranh vẽ xong mà đẹp thì cũng "hồn nhiên" tốt lành và chứa chân lý...
Phải làm sao để thấy được như vậy?
Hãy thử ngắm tranh cách "tận tụy" và "hồn nhiên".
(1) Viện Mỹ thuật Việt Nam xuất bản ở Hà Nội năm 1997.
(2) Thái Bá Vân qua Tiệp học về sử học nghệ thuật từ năm 1955 đến 1961.
(3) Sđd., trang 60 và trang 77.
(4) Xem bài "Nguyễn Tuân nghĩ về văn xuôi" của TT.
(5) Xem bài thơ "Ca tụng" của Xuân Diệu.
Thu Tứ
Theo http://chimviet.free.fr/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...