Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Nơi vùng ưu tư thành tiếng du ca

Nơi vùng ưu tư thành tiếng du ca 
Dẫu biết rằng trong mấy mươi năm hễ ở đâu có Sơn và tiếng hát của Sơn thì cái vòng này càng nới rộng ra, như những làn sóng, khởi đầu từ một điểm xoáy nơi nào đó ở Huế, có thể nơi khúc sông Bến Ngự, hay nơi hồ Tịnh Tâm, hay ở bến Bao Vinh hay ở đồi Vạn Niên, ở đó Sơn ném một viên sỏi là tiếng hát của mình vào đấy và làn sóng lan ra, từ thế hệ chúng tôi cho đến thế hệ trẻ ngày hôm nay, từ Huế, đến Sài Gòn, Hà Nội, Cà Mau hay Lạng Sơn, vượt qua mấy lần đại dương và cái vòng quây quần quả đất bao la, hôm qua, ngày nay và có lẽ mai sau...
Sơn là tiếng hát -Trịnh Công Sơn của mọi người như tôi vẫn thấy chiều hôm ấy - hay bởi mình muốn thấy như vậy - Sơn như vừa mới đứng dậy ra ngoài châm điếu thuốc, rồi sẽ trở lại ngồi giữa chúng tôi, trong vòng bạn bè, có thể chỉ là ba, hay bốn hay mười hay hai mươi đứa, ở Huế, tại nhà một người bạn nào đó, Chỉ, ý, Tường, Tôn, Hùng, MLan, Điền, Hạnh, Thọ, Kỳ, Lý... ở nơi điểm xoáy sâu nhất của sông Hương - là vùng tâm tư của những người bạn đang tuổi thanh xuân - ngồi yên, ít lời, đôi môi mỏng thoáng nụ cười, mi mắt chớp sau gọng kính trên chiếc mũi thanh lắng nghe những nổi sôi, những phiền muộn quanh mình, như lắng nghe chính con tim mình. . . trong vùng - tôi xin gọi là -
Vùng ưu tư của Huế những năm 1960
Chính trong những năm tháng ấy, lần đầu tiên tôi gặp “bộ ba" (chữ của HPNT) Trường - Cường - Sơn.
Nguyên do thật là rất "Huế , có thể tìm thấy rải rác đâu đó trong các bài hát của Sơn.
Một buổi chiều nắng vàng chiếu nghiêng trên nón lá, đường phố chính vắng người, không gian yên tĩnh có thể nghe thấy cả tiếng thời gian, chỉ rộn rã tiếng guốc của mấy cô nữ sinh viên - (đã có thể là B Diễm, T Mai, Han, KLan hay , Mươi, NB, DL, KL) đi dạo phố mua sách vở,tà áo lụa lướt bay trong nắng, bụi mờ đàng xa, và có một chàng trai xa lạ nào, có lẽ từ xứ Quảng ra, "chiều một mình qua phố ", - đang đứng ngơ ngác nhìn đường phố, bỗng tà áo lụa như có sức hút nam châm, chàng trai thấy mình thơ thẩn bước theo.
Chiều hôm sau nghe báo có anh Tường đến thăm mượn sách, lúc ấy anh Tường tuy đã dạy văn nhưng học thêm môn cử nhân triết cùng khóa với tôi, anh đến với hai người bạn nữa, “cái người hôm qua đi theo tà áo lụa" và người kia là Sơn, "đi theo cho vui" như Sơn bảo. Chiều hôm sau nữa thì tôi cũng biết thêm là trong nhóm bạn của mình, có đứa là "bạn" của Sơn.
Huế nhỏ bé là như thế ấy, người này là bạn của bạn của bạn của bạn... và bạn bè thành ra những vòng tròn quây quần với nhau. Chỉ cần một tiếng “Ới" của thằng bạn ở trước ngõ là đứa trong nhà đã vội vàng với cái mũ bê rê dắt xe đạp ra mà đi rong suốt ngày làm cho cả nhà chới với chờ cơm... Anh Tường hôm ấy thao thao, vì lấy cớ đi mượn sách nên phải nói về sách. Chúng tôi trao đổi với nhau một vài đoạn về chủ nghĩa hiện sinh trong cuốn Hữu thể và hư vô của J. P. Sartre, một chút về ý niệm thời gian của Heidegger, mà chúng tôi đang đọc ở trường.
Sơn ngồi nghe chúng tôi bàn cãi, phân tích, hình như Sơn không bao giờ thay đổi dáng ngồi của mình, khi nào cũng như thế, tham dự nhưng không ồn ào, hiền hậu và luôn luôn thoải mái như khi ở giữa đám bạn thân, lắng nghe, chú ý mà không chút chi cố gắng, ít tranh cãi, dễ thân thiện tự nhiên, một phút phù phiếm và mỏi mệt nơi dáng người, và ánh mắt xa xôi với những chuyện cãi vã cốt dành phần lý về mình cũng như với mục đích khoa danh mà mỗi người sinh viên Huế thời ấy thường đặt ra cho mình.
Gió phương Tây
Chủ nghĩa hiện sinh với Heidegeer, J. P. Sartre, A. Camus, phong trào điện ảnh với Jean Luc Godard, thể điệu “chason" với Juliette Greco, F. Hardy ở phương Tây đã đến với lớp trẻ chúng tôi trong những năm của thập niên 60 như một làn gió chướng thổi qua cái thành phố Huế, nhỏ bé, đóng khung, còn rất cổ kính trong cách nghĩ, cách làm ấy.
Những danh từ “hiện sinh buồn chán”, “lo âu” (angoisse, Angst) "hư vô", “thời gian", "hữu hạn" và vô hạn", "nôn mửa”, thân phận con người, sự vô nghĩa của cuộc đời, nỗi hoài công phi lý của Sisyphus(*), ý niệm về siêu hình, bản thể học (ontologie) đã như những tiếng gõ bí ẩn vào cánh cửa tâm hồn của lớp thanh niên trẻ chúng tôi thời ấy như những mời gọi phiêu lưu vào những vùng đất lạ của tri thức - Bây giờ nhìn lại thì mình dại khờ, bởi chính những tư tưởng mới này chẳng có chi là mới so với triết lý Phật giáo cả - thế nhưng lúc ấy chúng có một sức thu hút quyến rũ kỳ lạ trong cái khung cảnh đều đều êm đềm của xứ Huế, thành trì của thủ cựu và khuôn sáo, là những hàng rào ước lệ mà lớp trẻ thường hay muốn vượt qua.
Chúng tôi thường gặp nhau để kể cho nhau nghe về một quyển sách đã đọc, soạn bàn, tranh luận.
Và có lần với cây đàn ghi ta, Sơn bắt đầu hát cho chúng tôi nghe.
Ưu tư và du ca
Khi nghe Sơn hát tôi giật mình.
Vì Sơn hát... môn “siêu hình học" về cuộc đời, về tình yêu đấy!?, cái môn mà những "con sâu gạo triết" (Đinh Cường) là chúng tôi đang còn "bể đầu , đang chật vật với nó, - nhưng ngược lại, chẳng có một chút khô khan, trừu tượng, gượng ép hay kỳ quặc gì cả, - Sơn "hát triết học" như một bà mẹ Huế có giọng nói hay nhất trên đời kể câu chuyện cổ tích Tấm Cám .
(*) Sisyphus: Nhân vật trong huyền thoại Hy Lạp, con của Aiolos và nữ hoàng Korinth, nổi tiếng là tinh ranh quỷ quyệt đã dám bắt thần chết trói lại để cho con người khỏi phải chết, sau đó bị trừng phạt vì tội ấy suốt đời phải lăn một tảng đá lên núi, nhưng khi đến nơi thì tảng đá lại rớt xuống và Sisyphus lại phải bắt đầu lại công việc lăn đá lên núi.
Như một con ve vừa mới thoát xác lần thứ mấy mươi nghìn năm từ lòng đất của Huế, đã đi về thường xuyên trong tâm thức Huế, đã rung động và cảm ứng với trời - đất Huế, với một âm điệu giản đơn thoát từ gam trầm của giọng Huế, Sơn đã trả lời trong cảm ứng vô thức những tiếng gõ cửa từ phương xa và giải thể chúng tôi khỏi ngõ bí của tư duy.
Trong cái không khí sôi nổi của tuổi trẻ đô thị ham mê siêu hình, Sơn đã bắt đầu hát thay vì cãi nhau, thay vì lý luận dông dài với đám bạn bè, với cả thiên hạ, Sơn hát "cho vui” với anh em như Sơn thường nói, Sơn hát như một sự tham dự vào những đàm luận của bạn bè thuở đó và về sau của cả thiên hạ, mà đúng thật, Sơn hát với những ưu tư thầm kín nhất của tuổi hai mươi chúng tôi, với những tư duy của thế hệ trẻ chúng tôi với một cách "đặt vấn đề," - biệt ngữ của phong trào học Triết học siêu hình thời ấy, - khác với những người nhạc sĩ đi trước.
Sơn hát như cách thế "cởi dép đội lên đầu” đi ra khỏi giảng đường của Thiền Sư Triều Châu* không phải là để bỏ đi, từ chối, mà là một cách thế mở ngỏ cho sự sống như Triều Châu.
(*) công án Triều Châu: "Một hôm trong thư viện của Hòa Thượng Nam Tuyền, tăng chúng ở đông và tây dường tranh nhau một con mèo. Nam Tuyền cầm con mèo giơ lên nói: Đại chúng nếu có ai được (đắc đạo) thì cưu mang cho mèo, bằng nói không được (đạo bất đắc) thì ta sẽ chém mèo vậy!". Chúng chẳng ai nói được. Nam Tuyền bèn chém mèo. Chiều đến. Triều Châu về. Nam Tuyền đem chuyện kể lại cho Triều Châu. Triều Châu bèn cởi giầy để lên đầu rồi đi ra. Nam Tuyền nói. "Nếu như có ông ở đó, hẳn đã cứu được mạng cho mèo rồi".
Sơn hát đề tài "có cái gì là khởi đầu, có gì là cái cuối cùng" - ngõ bí của triết học đấy - nhưng với chất keo của một điệu ca bông đùa diễu cợt, và một chút ranh mãnh hiền triết của một thiền sư thõng tay vào chợ, Sơn hát "không có đâu em này, không có cái chết đầu tiên, và có đâu bao giờ, đâu có cái chết sau cùng...”, hát như con bé điên cứ đánh lưỡi tùy theo cảm hứng của nó lúc chạy theo chế diễu mọi người ở trên một đường phố nhỏ của Huế.
Người nghe có thấy mâu thuẫn hay không cũng phải mỉm cười, và bỗng ngộ được tính phi lý của sự đối nghịch trước sau.
Sơn hát đề tài "bản thể và hư vô" và nhắc chúng tôi tìm về dòng sông Hương nhìn nước chảy, để “thấy" hay "nghe" “tay hư vô thắp nến, chiều chơi vơi lên cao, rồi dòng sông cũng qua mau, đưa người gợi mối sầu . . ." trong một giai điệu tiếng nước chảy ngược về nội tâm, để thấy sông không chảy mà tâm mình đang chảy. . . Ai định nghĩa được hư vô? Khổng Tử cũng đã đến dòng sông để thể nghiệm với tiếng thở dài “nước trôi mãi như thế ư?". Phạm Duy hát "Tim nghe nước chảy về đâu” trong một cảm giác buồn bã trôi xuôi. Với ý niệm hư vô, Sơn đặt lại vấn đề và giải mã "sự biến đổi" "sự chảy đi" của dòng sông với cảm tính triết học của mình trong âm giai sâu lắng, giữa tỉnh và mê, giữa buồn bã và giác ngộ.
Sơn hát đề tài “nỗi hoài công của Sysiphus", bằng tiếng vang của “vết lăn trầm... phiến đá quanh", của mùa thu bay đi với vòng tay buồn ôm nuối tiếc và đưa ta về với khung cảnh Huế - không phải Huế thơ mộng mà là một Huế như chốn “lưu đày" đồng thời "quê nhà" trong nỗi nhớ, - bằng một tiếng than dài như xâu chuỗi âm hưởng quấn quýt luân hồi. . .
Cũng phải nói thêm rằng thuở ấy, việc “đi hát" đối với các vị cha mẹ người Huế là một chuyện đáng nghi ngờ, nền nếp gia phong được rào lại kín cổng cao tường, không ai muốn cho con mình đi đàn đúm rong chơi với những kẻ lãng tử giang hồ. Những bài hát mới do đó đối với chúng tôi thường như những trái cấm.
Cho nên bài hát đầu tiên của Sơn mà chúng tôi hát là một bài hát chuyền tay nhau: Nhìn những mùa thu đi.
Bài ca có lẽ đã bỏ trong túi lâu ngày, chưa được phổ biến, đến tay chúng tôi thì mực đã nhạt nhòe, chúng tôi xúm nhau lại trên thềm xi măng của một gian phòng rộng lớn gọi là hội trường của Ty cảnh sát thành phố Huế (bây giờ là Đại học Sư phạm Huế) lúc ấy tạm sử dụng làm phòng giam những thành phần trí thức Phật tử trong phong trào đòi bình đẳng tôn giáo do việc cấm treo cờ Phật giáo vào ngày Phật Đản 1963 và việc xe tăng cán chết 14 em trong gia đình Phật tử vào đêm Phật Đản tại thành phố Huế - để tập hát. Chúng tôi, sinh viên Phật tử, gia đình Phật tử, các giáo viên và giáo sư đều đồng thời bị bắt một loạt đêm 20; 08/63 - đêm các chùa bị tổng tấn công trên khắp miền Nam Việt Nam, có người đang ngủ ở nhà cũng bị mời vào, như trường hợp của Hoàng Phủ Ngọc Tường - hồi ấy Hoàng Phủ Ngọc Tường không nằm trong đoàn Sinh viên Phật tử, - trong túi áo của anh mảnh giấy Nhìn nhũng mùa thu đi đã trở thành bài hát “cho đỡ buồn" (cũng như Sơn đã nói hát cho vui) trong suốt những ngày tháng bị giam cầm của chúng tôi.
Huế dạo ấy đang độ vào thu, ban đêm mưa sầm sập trên mái ngói, buổi sáng sớm trời trong trẻo, một thứ trong suốt như đóng đinh vạn vật dừng lại ở một điểm cố định, cây bàng độc nhất trong sân đứng với mấy chiếc lá đỏ trên cành, chúng tôi ngồi... "tay trơn” trên nền nhà - trẻ măng là mớ tóc và vầng trán, trẻ măng là sự ôm những lý tưởng, những hoài vọng, những ước ao, những đợi chờ của tuổi hai mươi, - và chúng tôi đã đếm ngày tháng bằng Nhìn những mùa thu đi...
Buổi sáng sớm, khi mưa vẫn còn rỉ rả ngoài sân, nhóm phụ nữ còn nằm trên... "sân khấu” của hội trường - (hội trường là nơi tạm giam chung nam nữ những thành phần trí thức và sinh viên, học sinh Phật tử đã biểu tình, tuyệt thực chưa được định tội rõ ràng - vì tội trạng chưa được rõ ràng nên chúng tôi có thể di chuyển thoải mái trong phòng và được đối xử tương đối tử tế - ban đầu có đến 500 người, sau đó được thả ra dần dần, còn lại khoảng 50, 60 người, được chúng tôi lấy ghế ngăn lại làm hai trạm nghỉ: phần trên sân khấu dành cho phụ nữ cắm lều mùng mền, phần dưới sân khấu dành cho nam giới cắm trại) thì chúng tôi đã được điểm tâm bằng tiếng huýt sáo của ai đó đứng ngoài hiên nhìn mưa "Nhìn những mùa thu đi, anh nghe buồn lên trên ấy, và lá rụng ngoài song...", buổi xế trưa bỗng nghe có ai cao giọng lê thê "Gió heo may đã về, chiều tím loang vỉa hè nhìn mùa thu bay đi" và buổi tối có giọng ai âm thầm ở trong một góc phòng của hậu trường “và lá rụng ngoài song, nghe tên mình vào quên lãng, nghe tháng ngày chết trong thu vàng... thương cho mình... lạnh lùng thêm". Chưa bao giờ trong đời tôi, đã nghe và đã hát một bài hát nhiều lần và trong một quãng thời gian dài liên tiếp ba tháng như thế.
Bài nhạc thật đơn giản về âm giai thể điệu, đề tài mùa thu, một đề tài quen thuộc trong thi ca rất dễ bị rơi vào sáo ngữ, đã có Tiếng thu của Lưu Trọng Lư không tiền khoáng hậu, đã có Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong khó quên trong lòng người, Thu vàng của Cung Tiến âm vang, nhưng Nhìn những mùa thu đi đã là bước đầu thành công của cuộc hành trình ca khúc Trịnh Công Sơn.
Có thể nói hành trình ca khúc Trịnh Công Sơn thực sự bắt đầu từ Nhìn những mùa thu đi chứ không phải Ướt mi, dù Ướt mi đã làm cho người ta biết đến Sơn.
Bởi vì với Nhìn những mùa thu đi Sơn đã đưa chúng ta đến một cảm nhận mới, một thể cách "tân thanh" đến từ chính ý thức của người nghe: chúng ta hát Nhìn những mùa thu đi bằng mỗi "Cái Nhìn” mùa thu như một thể cách “tự mình biết riêng mình", một thể nghiệm riêng cho mỗi cảm nhận lời ca của mỗi một cá nhân. Chúng ta hát "Cái Nhìn" của chúng ta, vào một buổi sáng mai thức dậy bỗng nghe gió heo may lùa vào khe cửa hay vào một buổi trưa nắng le lói trên vỉa hè của đường phố thưa thớt người qua lại hay vào buổi chiều tím bên song. Nỗi "Nhìn" mùa thu trở thành sự rung động mùa thu.
Tôi nhớ đến chữ "Kiến Tính" của Huệ Năng khi ngài xây dựng quan điểm thiền học mới mẻ của mình, thay vì “Thân thị Bồ đề thọ . . . Tâm như minh cảnh đài" của Thần Tú, Huệ Năng đã đổi cách nhìn cuộc đời một cách vật lý so sánh thụ động bằng "Cái Nhìn" sinh động vào bản chất thực sự của sự vật trong tính chuyển đổi sáng tạo của nó “Bồ đề bổn vô thọ, Minh cảnh diệt phi đài". Với "cái nhìn vô niệm" vào diệu dụng của "vô" và "phi", Huệ Năng đã đưa Thiền học vào một con đường dẫn đến giác ngộ đầy sinh động và sáng tạo.
Cũng thế, trong hành trình ca khúc của Sơn, với “Nhìn" những mùa thu đi theo tôi nghĩ Sơn đã mở ra bằng "Cái Nhìn" của mình một thế giới âm thanh mới và lạ, thể cách và âm điệu sinh động vượt ra khỏi những cảm nghĩ khuôn sáo cũ, đi thẳng vào tâm thức người nghe, làm tiền đề cho tiếng hát Trịnh Công Sơn, và có lẽ đã là không phải một trùng hợp ngẫu nhiên mà trong tiếng hát Trịnh Công Sơn chữ "vô" (hư vô, vô thường) đã được ngâm nga một cách tân kỳ so với lời ca của những người đi trước và người đồng thời, ngoại trừ âm nhạc Phật giáo.
Chỉ khác nhau ở một cách đặt vấn đề, với bài hát mùa thu bằng "Cái Nhìn" mùa thu, có thể nói hành trình ca khúc Trịnh Công Sơn đã từ giã khuôn khổ của âm nhạc Việt Nam trước đó để cảm ứng được những trầm tư, thao thức và khát vọng của thế hệ của chính mình và thế hệ kế tiếp mà khởi sắc giai điệu riêng tư của mình.
Mỗi khi nghe giai điệu ca khúc Trịnh Công Sơn, âm hưởng của tiếng ca đi vào lòng người một cách tự nhiên như dòng nước chảy, ta có thể nghe và hát mấy mươi lần một bài mà không chán, tôi cứ nghĩ rằng Sơn đã nắm được yếu tố cốt tủy của âm thanh trong lòng đất Huế, đã triển khai được âm giai trầm của tiếng Huế làm thành thể chất căn bản cho ca khúc, như có lần tôi đã được nghe một công án của Phật: “Có vị Sa môn ban đêm tụng kinh nghe tiếng rất buồn, có vẻ hối tiếc, lưỡng lự, muốn trở về thế tục. Phật gọi mà hỏi, khi ông ở nhà thì đã làm gì? Thưa thường đánh đàn. Dây đàn dùi thì thế nào? Thưa không kêu. Dây đàn cao thì thế nào? Thưa mất tiếng. Cao dùi vừa phải thì thế nào? Thưa âm điệu phát ra đủ cả. Phật nói, học đạo cũng phải như vậy, giữ tâm trí chừng mực thì đạo phải được". (Bài kinh số 33 trong Kinh 42 Chương. Trí Quang dịch).
Âm điệu trong nhạc Trịnh Công Sơn cũng thế đã tùy tâm để thể hiện âm thanh, cho nên nốt nhạc không bao giờ bức xé cũng như không bao giờ quá thấp để không có thể hát được, âm thanh chậm rãi, lưu luyến chảy vào tâm thức như một ý tưởng, một suy tư đang được ánh trăng thanh lọc khỏi những nứt rạn khô khan, cằn cỗi, gượng ép của tư tưởng mà trở thành dòng suối tâm thức tuôn chảy không ngừng.
Nhiều đêm nằm thao thức, nghe bài ca “đi về" “xuôi ngược" dội vào tim, tôi như trực cảm rằng trong bước đầu sáng tạo, Sơn đang từ trong giảng đường đi ra, vừa đi vừa làm một tiểu luận về - nghe buồn cười nếu tôi nói tiếp - “hữu thể và thời gian" của Heidegger, và Nhìn những mùa thu đi là một bài tiểu luận về ý niệm thời gian mà Trịnh Công Sơn đã "điểm nhãn" bằng "giai điệu rung cảm Huế và của tất cả những gì đã diễn biến và lưu lại trong lòng của mảnh đất đã biến thành vùng khổ nạn kể từ năm 1963.
Tình Huế
Ở Huế có lẽ có một mối tình thủy chung duy nhất không bao giờ tàn phai, đó là tình yêu cảnh Huế của người Huế, như núi Kim Phụng mãi mãi đứng đó mà yêu hoài sông
Hương bạc tình chảy xuôi, sông núi đã hun đúc mối tình keo sơn của người Huế với cảnh vật quanh mình ngay từ khi nằm trong nôi nghe mẹ hát "ru con cho tới làng Hồ. . ." “thuyền về Đại Lược, duyên ngược Kim Long” hay ru em cho théc cho muồi, để mẹ đi chợ. . . mua vôi... chợ Quán chợCầu, mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh...
Huế có lẽ là thành phố duy nhất trên quả địa cầu có cả núi và sông nằm ngay trong lòng, để cho người Huế dù cho đi xa mấy mươi năm, mấy mươi nghìn vạn dặm vẫn cứ mỏi mòn mong ngày trở lại dòng sông, trở về với núi.
Vườn cây, hoa lá, nắng mưa, mây gió, cảnh chùa đã ôm ru thời thơ ấu và tuổi niên thiếu của mỗi con người Huế, đã uốn nắn trong tâm thức nhạy cảm của người Huế trước thiên nhiên, đã trở thành những âm vang gợi cảm trong suốt cả đời người mỗi khi nghe mưa rơi, nghe lá đổ, nhìn nắng lên hàng cau, nghe hoa bưởi bắt đầu lên hương trong khu vườn buổi sáng.
Ca khúc của Sơn, nhất là khúc tình yêu, thường đã mang nặng “cảnh thức" Huế như một nguồn sống cho ý thơ và âm điệu.
Cho nên khi nghe nhạc của Sơn , người nghe nhất là người Huế thường có cảm giác mình đang đi trên một con đường nào đó ở quê hương, hay đã ởtrên đường đi trong cơn mưa "thì thầm dưới chân ngà", trong "mùa hạ khói mây" hay "mùa đông vời vợi", để đến thăm người yêu, chỉ một thoáng rồi đi, chỉ để nhìn mặt hay không nhìn mặt người yêu rồi quay trở về trên đường sỏi đá bên khúc sông Bến Ngự, để vùi trong cơn sốt thương yêu "gọi thân hao gầy, gọi hồn ngất ngây".
Diễm xưa là mối tình đầu của Diễm xưa, sau ướt mi một thời mê say giang hồ, Diễm xưa đã trở thành ca khúc tình đầu của Sơn. Và "Diễm" đã trở nên một huyền thoại "xưa" như chuyện Từ Thức gặp tiên, như một câu chuyện tình cổ lụy cho đời và cho cả chính Sơn.
Tình yêu đã đến với Sơn như một huyền thoại bất ngờ, như một cơn mưa đến từ cõi hoang sơ rơi trên tháp cổ, nên thật bàng hoàng. Có lần Sơn bảo, con gái Huế yêu thật lạ lùng, trong cơn đau vẫn trốn mẹ, tung mền mặc áo mưa băng qua cầu chạy như bay đến để chỉ đặt một trái cây hoặc một bông hoa trước cửa, không cần gặp người yêu, rồi ra về.
Để cho người con trai sững sờ, ngạc nhiên và lặng người trong nỗi nhớ nhung "buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua, trên bước chân em âm thầm lá đổ, chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa"... nỗi nhớ vết chim di, bay qua vùng đất rộng, ước sao bờ sông Bến Ngự nối liền. “Chiều này còn mưa sao em không lại, nhớ mãi trong cơn đau vùi làm sao có nhau... hằn lên nỗi đau, bước chân em xin về mau”. Diễm ơi, Sơn ơi, những mối tình nơi Huế!
Tôi nghĩ rằng không ai cả ngoài Diễm xưa vẫn luôn luôn là bóng dáng người tình trong những tình khúc Trịnh Công Sơn.
Trong Như cánh vạc bay, Quỳnh hương, Tình nhớ, Hạ trắng, Mưa hồng, Gọi tên bốn mùa, Tình sầu v. v.., vẫn thấp thoáng những nét đan thanh, chấm phá của Diễm: mảnh khảnh đến gió thổi bay, vai gầy guộc như đôi cánh cò (chúng tôi thường chế diễu nhau như thế), tay gầy lêu khêu, nét xanh xao, mái tóc rối quăn ôm gương mặt trái xoan nhỏ nhắn, bóng dáng chợt đến chợt đi chợt ẩn chợt hiện như trong Liêu Trai, đi, nhưng trong lòng thì đầy cả đam mê bão táp.
Cái hình ảnh mảnh mai ẻo lả "lãng đãng như gần như xa" như có thực mà như không có thực ấy, khác hẳn với các khuôn mặt tình và khuôn mặt đẹp theo ước lệ trong những ca khúc tình yêu thường nghe, vẻ đẹp hao gầy mong manh trở nên nguồn cảm hứng không ngừng trong ca khúc tình yêu của Trịnh Công Sơn, xúc cảm từ một cuộc tình đam mê, trong trắng, mối tình học trò ngây thơ đầy hương sắc và ánh sáng mà Sơn chưa kịp nhận được thì đã thoáng bay.
Nếu tình yêu cảnh Huế keo sơn bao nhiêu thì tình yêu của người con gái Huế lại càng phù du như đám mây trời, như cơn mưa mùa hạ bấy nhiêu.
Hình như là một thông lệ cho những người yêu nhau ở Huế: yêu ai thì rất mực yêu ai, nhưng khi tính cuộc trăm năm với người nào thì cha mẹ hay tiếng nói của mẹ cha đã nằm sẵn trong tiềm thức của mỗi người quyết định, và thường khi quyết định một cách thực tế là không lựa chọn người mình yêu, dù "nỗi lòng anh đây" nhưng "lời ca anh nhỏ" bé đơn sơ quá cho nên "Này em em hãy phụ người , này em xin cứ phụ tôi", "em cứ phụ đời" bởi vì trời đã sinh ra con gái Huế là để "yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau”.
Ai bảo Sơn không khổ vì yêu, thứ tình "mật ngọt trên môi" trở thành "mật đắng trong đời"? Cho cả cuộc đời, suốt cả bốn mùa mưa nắng "đôi khi thấy trong gió bay lời em nói, đôi khi thấy trên lá cây ngày em đã xa tôi".
Có khổ tận trong tình yêu, có dạt dào trong nỗi khổ mới thể nghiệm được nghĩa vô thường "yêu là chết" và có thể đồng cảm với niềm vui và nỗi khổ của những người đang yêu. Trong tất cả ca khúc tình yêu của Sơn luôn có tâm tình riêng chia với tâm tình chung, như “trên lá khô" chảy ra “dòng suối”, tình yêu không tuyệt vọng...
Và đền bù lại cho những mối tình mây nổi, đã có tình bạn hữu thật chí thiết, đưa vai hứng đỡ những cơn tuyệt vọng chết người “đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng!". “Bạn bè ở Huế thương nhau lắm, một đứa vợ la chín đứa kinh”, có một nhà thơ nhận xét như vậy sau này.
Cô đơn vì người tình "hờn dỗi" lắm khi không cô liêu bằng khi "bạn bè rời xa chăn chiếu”. Và khi bạn yêu người nào thì hình như mình cũng yêu người ấy, khi bạn thất tình thì mình cũng đau khổ không kém gì nỗi đau của bạn.
Trong những lúc Sơn lụy vì tình, đã nhiều lần thay bạn đi thuyết khách, giải thích, hóa ra ai yêu nhau ai giận nhau thì bạn bè đều mau mau đứng ra chịu trận như chính mình là người trong cuộc. Và chính Sơn cũng đã tâm sự với tôi như thể tôi cũng là người trong cuộc của hai người.
Mái chùa
Đối với người Huế, và đối với chúng tôi, yêu cảnh Huế hầu như cũng đồng nghĩa với yêu cảnh chùa ở Huế.
Hình như trong tất cả những lần đi ngoạn cảnh hay đi lang thang ở Huế, vô tình hay hữu ý, nơi đến cuối cùng thường là bước vào cổng chùa, đứng nghỉ nắng hay chờ tạnh mưa dưới mái tam quan hay vào xin một chén nước chè tươi đỡ khát hoặc một chén trà ướp sen cho ấm lòng, tiện thể vào chiêm ngưỡng tượng Phật, thắp hương cho vị tổ sáng lập chùa, thăm thầy trụ trì, nghe một câu chuyện thiền trong một không khí ít lời, thong thả, mát dịu.
Thế rồi bóng nắng mời gọi, hoa trái trong vườn mời gọi, cỏ cây trong sân mời gọi là chân bước theo chân, là mắt đưa theo mắt, là tai chiều theo tai, ngẩn ngơ trong vườn sắn, vườn chè, rừng cây cổ thụ, nơi hồ sen, nơi tiếng ve kêu, nơi chùm khế cây sai trái, dừng lại nơi lá xanh reo, nơi suối róc rách, nơi hoa sen nở, nơi hoa mộc thơm hương - dù chỉ một vài giây vô niệm, không chủ ý - nhưng cũng đủ để thể nghiệm sự tĩnh lặng thường còn trong vạn vật, ởđó thong dong đi về không còn ngăn cách là thấy và nghe, cảm và nghĩ, xúc giác và khứu giác trong một toàn thể bao hàm tất cả những mâu thuẫn của sự trôi đi và dừng lại . . .
Buổi dừng chân có thể chỉ đủ để bóng nắng nghiêng trên triền đồi hay cơn mưa vừa tạnh hạt, nhưng cũng có thể để ngả lưng đợi giờ tắt cơn nắng gắt hay cơn mưa dai dẳng chưa dứt, để thấy hơn một lần hư không là nắng và vô thường là mưa.
Hay nhiều khi có thể lưu lại chùa vào một đêm trăng sáng, nghe tiếng hòa điệu rộn ràng của trăm thứ hương lồng bóng nguyệt hay cảm nhận được tiếng kinh Phổ môn cầu an tẩm ướt ánh trăng thấm đượm thân thể như giọt nước cành dương, rồi bỗng chiêm nghiệm được trong khoảnh khắc tiếng yêu đương và tiếng yêu người cũng chỉ là một, "yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ”.
Có lẽ trong tất cả những người thanh niên trẻ của thế hệ chúng tôi, Sơn là người đã bắt gặp được sự đốn ngộ bất ngờ ấy sớm hơn ai cả, không phải nghĩa "sớm" của "trước sau” mà là đã "từ bao giờ" không ai hay - trong vòng tay của người mẹ mộ đạo Phật ru đứa con đầu lòng, của gia đình thành tâm thương Phật, anh em có nhau khăng khít, của cả mấy đời người Huế thương chùa, của cả mảnh đất thần kinh thâm u miệt mài hai chữ tu tâm - nên đến bây giờ, chỉ cần một chút "run rẩy" của lá là đã chuyển động "Phật tâm viên tròn thể tánh” trong ý nghĩa đơn giản nhất: chứng ngộ, thấy được chữ "thương ai" (ta và người = từ bi) viết đậm nét trên chiếc lá "hư không".
Mỗi ca khúc của Sơn vì thế, - như ít có nơi những kẻ đi trước và những người đồng thời với Sơn trên lĩnh vực âm nhạc, - có thể nghe và cảm nhận như những công án thiền học về cuộc đời, mà mỗi câu hỏi siêu hình về nó đều bị "trả đũa" bằng một hay hai điều tầm thường, vớ vẩn trong chính cuộc đời, ở đó chữ nghĩa mất hết tính ước lệ, quy luật văn phạm, sự vô nghĩa nằm sát bên có nghĩa. Vô nghĩa đứng cạnh có nghĩa mà vẫn không nghịch lý, người nghe không thấy chối tai mà ngược lại cảm thấy cảm xúc lăn tròn theo tiếng hát, và trong chuỗi âm thanh theo đuổi nhau, mọi nghịch lý, phi lý làm cho con người nghẹt thở của một Sisyphus hì hục lăn tảng đá cuộc đời đều được giải tỏa bằng một hơi thở dài trút hết ưu phiền của tiếng hát lênh đênh.
Mỗi tiếng mỗi chữ trong các ca khúc trở thành những đơn thể của tâm thức trong tính cách hiện sinh duy nhất, tràn đầy sinh động của chúng ta đã được Sơn sử dụng một cách sáng tạo như những phương tiện "tiếng vỗ của một bàn tay" nhằm đánh thức âm hưởng nội tâm của mỗi người nghe, từ đó người nghe có thể đưa thêm vào bàn tay của mình để gây âm thanh cho chính cảm xúc của mình. Và tiếng ca, từ những cọng lá khô không lời, những viên sỏi vô tri im tiếng, bỗng xôn xao "cây lá vào mùa", bỗng lao xao sóng vỗ bờ xa...
Những ý niệm, những ngôn từ trong đạo Phật, hư vô, hư không, cõi tạm, vô thường, cõi đi về, tiền kiếp, từ bi...", thường được xem như những món "cơm chay" khắc khổ, đã được Sơn hóa giải rất tài tình trong lời ca theo nguyên tắc (suốt cả 49 năm Phật không thuyết một lời nào), bỏ hết tất cả những chất khô cứng đóng khung của ngôn ngữ dù đó là lời kinh, chúng được "lắng nghe" và "linh cảm" trong bản chất âm giai nội tâm đối đãi nguyên sơ nhất của chúng. “Tôi đang lắng nghe im lặng dòng sông. . . tôi đang lắng nghe im lặng ngọn đồi... tôi đang lắng nghe im lặng của tôi...". Bài hát sâu lắng như một tọa Thiền quan sát hơi thở.
Hư vô, cõi tạm do đấy được sử dụng như tiếng thô "đục" của mõ và thanh "bổng" của chuông, hai phương tiện "nghe kinh ngộ đạo" đơn sơ nhất, căn cứ vào tầng rung cảm âm thanh bẩm sinh của mỗi con người, nói nôm na là "tiếng lòng" của mỗi người mà âm vang của tiếng mõ và tiếng chuông có thể làm nở: "đóa hoa vô thường", có thể chở ta ra đi viễn xứ và mang chúng ta trở lại quê nhà.
Có thể nói tính cách tân kỳ của ca khúc Trịnh Công Sơn nằm ở chỗ trong khi Sơn chuyển ý niệm "sắc không” vào âm nhạc, Sơn đã "làm mềm" chúng bằng cách dựa vào giai từng cơ bản đối đãi giữa giải thoát và cõi trần cát bụi trong tương quan chuyển qua đối lại giữa "đục - thanh", "trầm - bổng" của mõ và chuông, từ đó tùy tâm mà chuyển đổi và ứng dụng tất cả những phương tiện khác của âm nhạc, - tứ đại cảnh, ru em, hò hay điệu blue buồn hoặc điệu soul của phong trào tân nhạc âu châu chẳng hạn - để sáng tạo nên thể cách riêng tư của mình. Trong tất cả dòng chảy của âm nhạc Trịnh Công Sơn, sự tĩnh lặng thoát ra cho sự cảm nhận nét nhạc của mỗi bài ca, dù cho bài ấy có dồn dập đến đâu.
Chính nhờ nguyên tắc đối đãi, mà lời và nhạc của Sơn luôn luôn biến chuyển không ngừng, trong nắng hư vô đã thấy tóc em gái, đường xa áo bay, . . . và lời ru của mẹ, lời ru cho em thường dẫn ta đi vào cõi đời thường như một cõi đời mộng, để cho mộng thực luân lưu trong nội tâm quyện tròn thành một lời êm dịu như tiếng kinh dỗ dành giấc ngủ.
Có thể so sánh sức mạnh sáng tạo trong thơ nhạc của Trịnh Công Sơn với một công án của Hakuin, thiền sư và họa sĩ đắc đạo nhất của Nhật Bản:
Tay không mà cỏ cầm cán mai;
Đi bộ mà ngồi lưng trâu;
Người đi qua trên cầu,
Cầu trôi, nước chẳng trôi!
Cái cố định hóa mềm dưới chân, nỗi ưu tư hóa mềm trong tiếng du ca. Trong cái nhìn của người nghệ sĩ, ngữ căn hay lục căn được cởi bỏ mọi giới hạn, để chỉ còn tự do sáng tạo, ở đó nghe là nhìn, ngửi là nghe, vị giác cũng là nghe, mà Hakuin gọi là phạm trù "kikan" của mỗi công án, phạm trù của cơ cấu mềm dẻo và tự do.
Trong cái nghe sáng tạo, tiếng rơi thô kệch của hòn đá rớt xuống cành mai bỗng hóa thành tiếng chim ca thánh thót khúc qua đời?
Đứng dưới mái chùa, Trịnh Công Sơn đã trả lời Sisyphus bằng một công án như thế!
Thái Kim Lan
Theo http://kilopad.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...