Tình yêu không chỉ là đề tài bất hủ, là nguồn cảm hứng vô tận
trong thi ca, mà tình yêu còn vượt qua mọi biên giới, vượt qua mọi không gian
và thời gian, vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ cuộc sống cũng như ngôn ngữ nghệ
thuật, để trái tim con người đến được với nhau, chia sẻ với nhau những cảm xúc
ngọt ngào và thân yêu nhất.
Trái tim - một ca khúc mới của Trần Văn Phúc, được trình bày
bởi ca sĩ Hồng Dung của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long - đã mang tới khán giả
yêu nhạc những cảm xúc mới về tình yêu qua nét nhạc trữ tình mà dung dị, qua lời
thơ với những ca từ sâu lắng giống như lời tâm sự được thốt lên từ nơi sâu thẳm
con tim đang khao khát yêu thương:
«Một chiều mùa đông giá rét
Có con bướm cánh lẻ loi
Bướm
bay về cuối chân trời…
Một chiều mùa xuân ấm áp
Bướm mơ bay đến trời cao
Đùa
vui với gió, lá, cành…
Có phải chăng loài bướm
Không hề có một tình yêu
Mà
trên đôi cánh trắng
Mảnh tim vỡ vụn bám”.
Đó là những ca từ được chắt lọc từ một bài thơ cùng tên của nữ
nhà thơ trẻ Natalia Pietrucha, cũng là nữ Á hậu Warsza năm 2002 của đất nước Ba
Lan xinh đẹp. Bài thơ được nhà thơ Lâm Quang Mỹ dịch ứng tác trong chuyến giao
lưu văn hóa giữa các nhà thơ Việt Nam với các nhà thơ Ba Lan.
Bản thân lời thơ đã gợi nên những nét giai điệu rất đẹp, khiến
trái tim người đọc trào dâng những cảm xúc rất lạ kỳ.
«Chỉ thích đùa vui phút
chốc
Với trời, với gió, với mây
Cả đời bướm đâu tìm thấy
Tình yêu trên thế
gian này…».
Lời thơ chỉ đơn giản có vậy, nên nét giai điệu trong ca khúc
cũng hết sức bình dị và giản đơn, dễ đi vào lòng người. Ca khúc được viết ở giọng
đô thứ, sự phát triển của giai điệu phù hợp với nội dung ca từ muốn chuyển tải,
sử dụng lối dẫn dắt để nét nhạc lên đến cao trào một cách tự nhiên mà không cần
đến sự phá cách, kết thúc ca khúc ở âm chủ bậc một đảm bảo đường tuyến giai điệu
được giải quyết trọn vẹn, tạo cho người nghe cảm giác bình ổn, chân thực, không
cầu kỳ hoa mỹ.
Ca sĩ Hồng Dung tâm sự: Nhận được bản tổng phổ ca khúc Trái
tim, ngay lập tức Hồng Dung bắt tay vào tập luyện bởi Dung chỉ mong muốn được
nhanh chóng thể hiện những cảm xúc dâng trào từ ca khúc mà Dung đã bắt gặp. Tuy
vậy, khi trình bày ca khúc Trái tim Dung cũng vẫn gặp một vài khó khăn tuy nhỏ
thôi nhưng cũng tốn của Dung khá nhiều thời gian và công sức, đó là do ca
khúc có quãng âm khá rộng, trong khi với chất giọng của Dung thường có thế mạnh
với những nốt nhạc ở âm khu thấp, nên khi Dung hát đến nốt đô ở quãng tám thứ
hai đòi hỏi phải hết sức tập trung để cố gắng mở giọng, làm cho âm thanh căng
ra, giống như giấc mơ về tình yêu đang bay cao, bay xa đến tận trời xanh như
chính lời trong ca khúc. Hoặc khi quay trở về vòng âm chủ, có những nốt Dung cần
phải nén hơi thật tốt để diễn tả hết nội tâm mà ca khúc muốn nói. Mỗi lần hát
xong ca khúc, Dung lại một xúc động và không cầm được nước mắt. Bài hát đã lấy
đi của Dung nhiều nước mắt không phải vì nét nhạc quá hay, quá đặc sắc, mà vì
nhạc và lời thơ đã biết vịn vào nhau mà đi, để dẫn người hát và người nghe lên
đến cao trào cảm xúc bởi chính nội tâm của nó.
Phần phối khí được thực hiện theo phong cách bán cổ điển, đó
là sự kết hợp giữa hình thức nhạc nhẹ với việc mô phỏng dàn nhạc giao hưởng. Mở
đầu và xuyên suốt ca khúc là những âm thanh sang trọng và lãng mạn của tiếng
đàn Piano, tiếp theo là những âm thanh tình tứ nhưng dung dị và sâu lắng của tiếng
đàn bầu có tác dụng gợi thanh và dẫn dắt giai điệu cho ca sĩ hát. Khác với âm kết
của cả ca khúc, đàn Bầu được kết ở âm bậc năm, tạo nên cảm giác chơi vơi, để
người nghe phải chờ đợi và đi tìm cho mình một sự kết thúc khác trọn vẹn hơn
như thế. Có thể nói, đàn Bầu đã thật sự tạo nên nét đặc sắc cho ca khúc bởi những
giai điệu mượt mà, say đắm bên cạnh những nét tài hoa của nhạc khí phương tây,
đó là biểu trưng của người phụ nữ Việt Nam thủy chung, son sắt, luôn khát khao
yêu, được yêu với tình yêu lãng mạn và đẹp nhất. Bởi thế cho nên đàn Bầu xứng
đáng có vị trí số một góp phần tạo nên sự thành công cho bản phối khí của ca
khúc Trái tim.
Album Hòa tấu Guitar êm dịu cực hay cho Quán Cafe - Relaxing
Trần Văn Phúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét