Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Từ tình Epphen, nỗi nhớ thương không còn như xưa

Từ tình Epphen, nỗi nhớ thương
không còn như xưa*
Lê Ðạt trong tập Ngó Lời có bài May Sau
Ðôi câu thơ may
Vướng gấu áo em
Hồn cỏ may lưu lạc
Rệ ngày mây kiếp bạc tóc lau lay
Bài thơ buồn, thật buồn, vậy mà vẫn lóe lên những tia vui, nhờ một chữ may gieo hi vọng: Chữ may ấy, trượt nghĩa từ một may khác, i ngắn, chữ mai. Và mai sau lại dẫn đến dù có bao giờ, đến ba trăm năm sau, đến những niềm hi vọng không tên, đến những điểm hẹn và người hẹn trong tương lai, trong vô thức của lòng mong, nỗi nhớ. Từ Tình Epphen nằm trong vô thức ấy như nỗi u hoài ngủ quên trong rừng mộng, bất ngờ tỉnh giấc khi nhà thơ tiếp xúc với xương thịt của một thành phố lạ, với những thùy lệ của lá, những úa vàng của tuổi tác, với màu lưu ly trong biển biếc Ðịa Trung, thì những cảm xúc thức dậy từ và bỗng ngộ tình biến thành từ tình giáng sinh gửi cho những điểm hẹn: Hẹn với cây, hẹn với lá, hẹn với métro, với quá khứ... hẹn với biển, hẹn với người xưa, với hoa, với tháp, hẹn với hẹn hò, với chia biệt, hẹn với kiếp này và với cả kiếp sau.
Ở Từ Tình Epphen, nỗi nhớ là chủ thể. Nhớ không phân chia địa danh địa hình, ngữ ngôn Pháp Việt mà có khả năng hòa hợp địa từ với thảo mộc, lịch sử với con người. Những prô văng xơ vàng, những vec say em, những má tri a nông... mỗi tên riêng đã trở thành một đốm lửa nhớ thương, một nốt nhạc quá khứ ngân lên trong ký ức, một hình hài liêu trai ẩn hiện, rồi tan loãng trong những ngã ba tình theo động mạch lan ra khắp cơ thể, rồi lại theo tĩnh mạch trở về tim với mùa phong ứ đỏ, với lá rỏ hồng thu, với tháp bạc tóc bất thường, với biên ngân hà, với lá cách âm...
Mỗi gặp gỡ là một phục sinh. Mỗi chia tay mang mầu tử biệt. Sinh biệt là định mệnh chênh vênh của kiếp người, nhưng làm sao có thể đi trên định mệnh? Làm sao tìm được cách hội tụ những phân kỳ trong khoảnh khắc để vĩnh cửu hóa cho ngàn sau?
Ai nắm bắt được đối tượng cụ thể của thơ? Ðối tượng của thi ca, của nghệ thuật luôn luôn biến đổi không cùng, nó ú tim trong bóng câu, bóng chữ. Platane, Odéon, Eiffel, La Joconde... những chiếc bóng ấy hôm nay biết đâu chẳng là ảo ảnh của bóng chiếc hôm qua mà người thơ muốn chụp bắt và giữ lại cho ngàn sau? Ðể những ngõ tim đau, những mắt âu xanh, những mi mơ da... mai đây, nếu chúng đậu lại ở gấu áo một kiếp nào, ấy là cơ may của khoảnh khắc chữ. Lê Ðạt chưa một lần tuyệt vọng cơ may này, niềm tin mong manh mà bất chấp.
Lê Ðạt dị ứng đất lãng mạn. Lãng mạn của những anh anh, em em, của những nhớ thương sầu muộn. Ông đem thơ ra khỏi cõi buồn ướt, của những giọt mưa thu Ðặng Thế Phong, của những biệt ly Doãn Mẫn, của những Tô Vũ em đến thăm anh một chiều mưa...
  Lòng thu đợi lối vàng không quét úa
  Lá cách âm thầm nghe ngõ tim đau
Ở đây, người thơ vô hình không quét lá vàng, mà quét úa. Bởi quét lá chỉ là một thực cảnh mang tính cách giới hạn. Quét úa là một phôi pha, mộng ảo, bất tận và khôn nguôi.
Ðất thu của Lê Ðạt khô, vàng, úa... hơn xưa. Ứ đỏ hơn, rực lửa hơn và cũng đau hơn xưa. Nhà thơ xe nỗi nhớ, niêm phong lại, rồi quên đi. (Liệu có quên được không?)
  Xe chốt nhớ lòng khóa quên số mở
  Lá rỏ hồng thu vỡ ô đê ông
Một chữ xe ẩn bóng bao nhiêu xe, se khác. Mà thế nào đi nữa cũng tiềm nghĩa vận chuyển, thiên di; khiến cho dù có khóa, có giam, có thắt lại, nỗi nhớ vẫn lẽo đẽo, vẫn đèo bòng... Nó âm ỉ rỏ hồng, nó lỡ tay làm vỡ... một khoảng trời thu nào đó ô đê ông.
Ở đây, những cái tôi hiện thực đã biến đi, đã đổi ngôi cho những thực thể chưa biết như tim và nhớ, những yếu tố không nắm bắt được của con người.
Vécsay em năm nghìn phòng không chỗ ở
Thành quách năm nghìn: một địa chỉ mênh mông, không chỗ trọ cho một mùa tim, cho một phận bạc đá hồng:
Ráng hồng lòng cơ nhỡ má Trianông
Từ tình trong bóng chữ là một ngó lời đi xa trong nghệ thuật xé chữ để nhập tâm chữ, biến những địa danh thành địa chỉ của nỗi buồn. Từ tình phiêu lưu trong biển buồn thiên thanh, vô tận. Nỗi buồn thi nhân trải thời gian đã sống kiếp ba chìm bẩy nổi. Từ tiếng quạ kêu chẳng bao giờ nữa ở Edgar Poe, người tình đầu của nỗi buồn, phát xuất nguồn spleen buồn âm thế. Ðến Baudelaire chuyển gam sang buồn nhục cảm. Rồi Mallarmé, một hành khất buồn. Huy Cận xưa có mối sầu nhân thế. Hồ Dzếnh thả tiếng buồn vang lên mây.
Ở Lê Ðạt là mầu buồn: của những úa nhớ vàng hoe, của những bạc mầu rừng, của những hồi ký lá vàng, của cốt xanh chiều nắng tiếc.... Dường như Lê Ðạt tìm đến Côte d'Azur, đến Provence, như những địa chỉ, những quê hương của nỗi buồn. Như để gặp nỗi nhớ thiên thanh, thiên cổ đích thực trong mầu xanh Ðịa Trung Hải, như để trò chuyện với những ám ảnh Azur, với mầu ngọc lưu ly (pierre d'azur) trong Hạ Buồn (Tristesse d'été), một câu thơ Mallarmé đã trót xé ngọc làm đôi thành thiên thanh và đá: "L'insensibilité de l'azur et des pierres" (vô cảm của thiên thanh và của đá). Nhà thơ tìm đến địa chỉ Azur, quê hương xanh để tìm mầu xanh cho mắt: mắt trường xanh, mắt chữ thiên thanh, mắt âu xanh, mắt Xen xanh... và cũng để vay xanh:
  Mưa anh đến vay xanh trời nợ nắng
  Lạnh tuyết bù trả trắng Ep... ph... em đi
Dưới những con chữ đa mang, chiếc tháp thép lạnh bỗng nồng đậm hơi người và thác sinh kiếp tượng tình di động, cứ gì hoa mới liêu trai? Truyền thống đề thơ lâu đời của phương đông qua Lê Ðạt bỗng khác lạ hợp sắc Tây phương và thăm thẳm hiện đại.
Từ tình cũng là chuyện duyên nợ, nợ nhau, nợ trời, nợ đời này và nợ cả đời sau:
  Kỷ niệm đầu rừng sâu xanh kiếm sưởi
  Nhựa ròng thư nhóm củi khói tàn xưa
Khối nợ sừng sững một Tô Thị thu không có tuổi:
  Maxi váy chân trời thu đứng sóng
  Biển đưa tầu đong biếc mắt âu xanh
Từ tình, trong dòng tạo sinh của Lê Ðạt giữ khoảng cách giữa những đối tượng cụ thể để đi tới một không gian suy tưởng, không gian ảo với những tố nhân chưa biết. Tác nhân chính là tình yêu, nhưng tình yêu đâu chỉ là sở hữu của con người? Ở đây một thành phố không chỉ là thành phố Prô văng xơ vàng ủ nắng mãi pla tan. Một con đường không hẳn là một con đường Xa lộ thu thương ứa đổ tắc đườngỞ đây biển, tầu, hải âu, mắt biếc, chưa biết ai là chủ thể của đong đưa
  Biển đưa tầu đong biếc mắt âu xanh
Tất cả đều vô chủ. Cái tôi chủ thể đã biến mất, người hóa thân trong lá, đá, trong thu, trong pla tan, trong biển... để tìm về cõi tim, cõi nhớ. 
Những địa chỉ tình luôn luôn đổi dạng. Từ tên một thành phố chuyển đến một con đường, một cung điện, rồi mở rộng biên ly cách đến dòng sông sao, đi xa sang cõi sáng thế:
Hà Nội sao đèn Êlidê không ngủ
Biên ngân hà tình tọa độ giáng sinh
Hình như thiền sư và nhà thơ tạo sinh cùng tìm vô ngã. Nhưng thiền sư tìm vô ngã như một điểm đến, còn nhà thơ như một điểm đi. Nhà thơ hư không mình tiêu dao du bạt ngàn vỏ từ phơi bãi nhớ lắng nghe hồi ký lá vàngnghìn kiếp phù sinh; gửi gắm chữ, thả những chiếc chai thư lênh đênh trong biển thời gian vô định.
Từ tình của Lê Ðạt viễn dương những cảnh mới của kỷ niệm, của tuổi tác, của âm dương, của chia ly và tái ngộ.
Sơ nông xô nổi lạnh tâm cầu đá
Lá hỏi vàng sui bóng cá sủi tăm
Chúng ta biết gì về nỗi khắc khoải của đá, của lá, của biển, của lửa, của sưởi, của tâm...? Nhà thơ chắc cũng chẳng biết gì hơn chúng ta. Nhưng nhà thơ có khả năng hóa thân trong tạo vật và luôn tìm mở kênh phát sóng giao cảm với con người qua những rì rầm, những im lặng của rừng phong, của lá úa, của giáng sinh, của biển biếc... trong hò hẹn rất xưa và hoài vọng rất sau.
Lời bạt tập Từ Tình Epphen
* La nostalgie n'est plus ce qu'elle était (tên sách của Simone Signoret).
Tháng 12/1997 
Thụy Khuê
Theo http://chimviet.free.fr/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...