Những ca khúc của Trịnh Công Sơn thành công trong những năm
1960, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả nhiều nước trên thế giới. Lúc đó Việt Nam
đang có chiến tranh, nhiều nhà báo nước ngoài đến Việt Nam để theo dõi tin tức;
họ cùng nghe nhạc Trịnh Công Sơn và giới thiệu bài hát của Trịnh Công Sơn cho độc
giả của nước mình.
Bên Mỹ cũng như bên Pháp, các nhà báo nói về Trịnh Công Sơn,
giới thiệu bài hát với lời dịch ra tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Ở hai nước này có
số Việt kiều đông nên đã phần nào giúp nhiều độc giả quan tâm đến Trịnh Công
Sơn.
Sự thành công của Trịnh Công Sơn, tôi có thể nói rằng, lớn nhất
sau Việt Nam phải là Nhật Bản.
Chỉ có ở Nhật Bản, bài hát của Trịnh Công Sơn mới được dịch
ra tiếng Nhật, do ca sĩ Nhật hát bằng tiếng Nhật và được nghe trong cả nước qua
Radio phát mỗi đêm khuya: đó là bài Ngủ đi con do ông Asai Takashi - một nhà
báo của Mainichi Broadcasting Television – thu băng ở Sài Gòn mang về Nhật vào
tháng 7/1968. Ngủ đi con được giới thiệu qua lời dịch và tiếng hát của ca sĩ
Takaishi Tomoya, và bán ra bằng đĩa 45 tours vào tháng 2/1969, bài này tên tiếng
Nhật là Boya Okiku Naranaide (Đừng có lớn lên, con ơi), gặt được thành công rất
lớn ở Nhật
Trịnh Công Sơn được nhận "Golden Disc Prix" (Giải
Đĩa Vàng) năm 1969 tại Nhật.
Vào năm 1970, nhân dịp Triển lãm Quốc Tế tại Osaka, nữ ca sĩ
Khánh Ly qua Nhật và giới thiệu bài Diễm xưa của Trịnh Công Sơn. Bài này được
giới thiệu lại trong phim truyền hình của Đài NHK "Sài Gòn Kara Kita Tsuma
To Musume" (Vợ và con gái tôi từ Sài Gòn đến) năm 1979, rất thành công qua
tiếng hát Khánh Ly. Phần đầu là tiếng Nhật, phần cuối bằng tiếng Việt.
Hiện nay ở Nhật, nhiều người tuổi trên 50 không liên quan gì
trực tiếp với Việt Nam, vẫn nhớ hai bài nói trên của Trịnh Công Sơn, và trong
giới nhà báo, học giả, những người vận động cho hòa bình ở Việt Nam hồi xưa,
v.v... Trịnh Công Sơn cùng các bài hát cũng được họ biết đến rất nhiều.
Tôi đã từng cố gắng nghiên cứu tại sao Trịnh Công Sơn lại
thành công đặc biệt lớn đến vậy ở Nhật Bản, mặc dù số người gốc Việt Nam ở Nhật
chỉ là thiểu số so với kiều dân khác.
Về sự thành công của Trịnh Công Sơn vào năm 1969 thì có thể
trả lời rằng, lúc đó, Nhật Bản có khả năng kinh tế lớn nhất trong khu vực châu
á nên dễ dàng gửi nhiều nhà báo nhất đi Việt Nam. Còn trong nước lúc đó, phong
trào vận động cho hòa bình, chống chiến tranh Mỹ ở Việt Nam rất mạnh nên những
ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn được yêu thích.
Trịnh Công Sơn đã có lần qua Nhật và biểu diễn tại Osaka vào
năm 1995. Nghe nói, lúc ở Nhật, Trịnh Công Sơn thấy buồn, không thích ở lâu vì
không có thân nhân hoặc bạn bè như ở Mỹ hoặc Pháp.
Như vậy, sự yêu thích của người Nhật với Trịnh Công Sơn chỉ
là một phía, như là tương tư. Vừa rồi, khi được tin Trịnh Công Sơn mất, tờ báo
Nhật nào cũng đăng tin buồn đó, và Radio phát lại bài Diễm xưa theo yêu cầu của
thính giả.
Hy vọng, dù đã về trời, Trịnh Công Sơn vẫn thỉnh thoảng nhớ đến
những người Nhật chưa nguôi còn tương tư mình.
Sài Gòn 10/06/2001
Yoshi Michiko
“Anh Sơn mất rồi Nhung ơi..." Đang lưu diễn ở Úc, tôi nghe giọng người bạn gái run rẩy trong điện thoại. Im lặng! Còn có gì đâu để nói. Hình ảnh anh lần đầu tiên tôi gặp bỗng về lại, người đàn ông nhỏ bé, hồn nhiên, bước vào qua cái cổng sắt lớn, bước vào trong cuộc đời tôi. Anh đội chiếc mũ bạc màu mà anh luôn thích, vừa đi vừa đá nhẹ mấy hòn sỏi dưới sân. Và nụ cười của anh, tươi thế, trong sáng thế, và hiền hậu thế, làm sao mà không cảm thấy thân thương ngay được! Cám ơn định mệnh đã cho tôi được gặp anh. Niềm tin của anh, tình yêu của anh làm cho tôi ngay cả trong những lúc cô đơn nhất vẫn cảm thấy an tâm vì được che chở, được đón nhận và tha thứ, như một người con an tâm vì có gia đình đùm bọc. Tôi đã thấy anh vui như trẻ nhỏ khi hai anh em leo được lưng chừng một ngọn núi trong cái lạnh cắt da để thấy sông, thấy rừng và cả mây nữa ở phía dưới, hồi ở Nhật Bản; tôi đã thấy anh cực kỳ hưng phấn, với đôi bàn tay còn dính đầy màu vẽ, ngồi nhìn bức tranh anh vừa vẽ trong đêm; tôi đã thấy anh băn khoăn, lẩm bẩm hát một đoạn ngẫu hứng mà anh vừa kịp ghi lại trên một mẩu giấy xé từ bao thuốc lá... Và tôi đã từng thấy anh buồn... Anh chẳng làm gì để đỡ buồn, mà tự buồn cho hết. Những lúc ấy, tôi thấy thương anh vô cùng, mặc dầu có những khi chính tôi cũng làm anh buồn vậy. Có lúc tôi đến thì thấy anh ngồi một mình trong phòng, một điếu thuốc lá, một ly rượu. Tôi cảm nhận sự cô đơn trong âm nhạc của anh, trong chính con người anh.
Anh nói với tôi thật nhiều về những bài hát của anh. Tôi thì hay hỏi "Tại sao?" Anh thì chẳng bao giờ nề hà mà thong thả trả lời cặn kẽ cho từng “Tại sao" nhiều khi là ngô nghê ấy. Tôi biết cho đến giờ tôi vẫn chẳng thể nào hiểu thấu đến tận cùng ý nghĩa của tất cả những gì anh viết. Song, có một điều anh dạy đã trở thành bài học nằm lòng đối với tôi, ấy là điều mà anh hay nhắc đi nhắc lại: nếu sáng mai ra ngoài ngõ có gặp ai, dù lạ, vẫy tay với mình, thì đừng bao giờ quên vẫy tay lại, vì ai biết được có thể người sẽ ra đi ngay sau đó mà không bao giờ còn gặp lại.
Tôi lại đến nhà anh, lần nay không giống như mọi lần, không còn anh ngồi đây, trên chiếc ghế mây quen thuộc với nụ cười vốn lúc nào cũng tươi thế, trong sáng thế, và hiền hậu thế. Có ai ngờ được bến bờ là đây, anh đã ra đi để tôi không còn bao giờ còn được gặp lại.
Người ra đi để tình yêu ở lại. Những hình ảnh của anh cứ tiếp tục trở về, không dồn dập mà thong thả, êm đềm, làm tôi có cảm giác đang ngồi bên dòng sông để nghe ký ức rì rầm kể chuyện. Tại sao thế, nước cứ trôi không ngừng mà dòng sông chẳng hề vơi, tại sao thế hả anh Sơn? Hay cả anh ở nơi chín suối cũng đang ngồi nhìn dòng sông âm thầm chảy khe khẽ hát:
“...Ru người ngồi mãi cùng tôi
Ru người ngồi mãi cùng tôi. . .”.
Người hát rong của thế kỷ XX
Rơi xuống từ trời những sắc lá vàng phai
Giọt nước mắt của mùa đông lạnh lẽo,
Chiều đã xuống trên mặt người khô héo
Thế gian đẹp và buồn
Ngân lên từ những sợi dây đàn
Tiếng run rẩy mười ngón tay gầy guộc,
Tiếng im lặng cặp kính tròn ngơ ngác
Trái tim yêu và đau.
Người đến từ đâu
Và sẽ đi về đâu
Người làm lụng trên cánh đồng mệt mỏi
Giữa hoang vu người cất lên tiếng gọi
Sỏi đá trăm năm dội tiếng con người.
Người đứng cao hơn mọi thành kiến trên đời
Giữa đồng loại như một người xa lạ.
Ôm cây đàn như vác cây thánh giá
Người lạc loài ngay chính giữa quê hương
Từ chối hận thù người hát riêng yêu thương
Chạy trốn bơ vơ người tìm vào giấc mộng
Người học cách sống chung cùng tuyệt vọng
Người vỗ về từng ngọn cỏ xót xa.
Ngủ đi, ngủ đi những dục vọng mù loà
Ngủ đi, ngủ đi những lọc lừa, phản trắc
Ngủ đi, ngủ đi những trái tim tan nát
Ngủ đi, ngủ đi tàn tạ những hình hài...
Người hát rong của thế kỷ hai mươi
Giờ đã hết, năm đã cùng, tháng tận
Mắt đã mờ, máu trong tim đã cạn
Tay đã buông, gối đã mỏi, chân rời
Người vẫn còn hát mãi không thôi
Yêu và đau, trái tim dường nức nở
Đẹp và buồn, thế gian còn nặng nợ
Người là tôi
Hay tôi cũng là người
Người hát rong
Người hát rong ơi...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét